Tóm tắt nội dung:
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở nước ta đã có một số bảo tàng. Tuy vậy, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá được đánh dấu bởi sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 65/SL ngày 23/11/1945 về bảo tồn cổ tích ở Việt Nam. Sau năm 1954, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã xây dựng một số bảo tàng mới như: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, bảo tàng Quân đội…Sau năm 1975, hiện tượng “bùng nổ” bảo tàng, số lượng bảo tàng đã tăng lên đột biến. Đến cuối năm 2000, theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, nước ta có 115 bảo tàng, trong đó có 6 bảo tàng quốc gia, còn lại là các bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng địa phương và các di tích hoạt động như một bảo tàng.
Bước sang thế kỷ XXI, sau 20 năm sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là khi Luật Di sản văn hoá được Quốc hội thông qua và ban hành, nhiều bảo tàng công lập được xây dựng mới và nâng cấp trưng bày, đặc biệt là sự ra đời của nhiều bảo tàng ngoài công lập và hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề.
Tuy nhiên, số lượng bảo tàng thu hút được lượng lớn khách tham quan hiện nay còn chưa nhiều. Đây là vấn đề lớn mà một trong những nguyên nhân quan trọng là hiện trạng trưng bày của các bảo tàng.
Qua cuốn sách “Thiết kế trưng bày di sản – Lý thuyết và thực hành”, tác giả giới thiệu các bước tiến hành về một cuộc trưng bày di sản thành công, từ lý thuyết đến thực hành bằng những ví dụ cụ thể. Tác giả đã chọn cách giải quyết bằng cách: đi từ lý thuyết trưng bày với những khái niệm, phương pháp và đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu cần quan tâm hàng đầu là hướng tới công chúng; đến những vấn đề cụ thể về quá trình thiết kế là thiết kế nội dung và thiết kế hình thức nghệ thuật.
Về thiết kế nội dung, cuốn sách nhấn mạnh đến vấn đề khách tham quan; mục tiêu, thông điệp của từng cuộc trưng bày và các chủ thể trưng bày.
Đối với thiết kế nghệ thuật, vấn đề quan tâm là “kịch bản trưng bày” - một thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng nhiều trong các sách chuyên khảo của châu Âu hiện nay. Thiết kế hình thức nghệ thuật trưng bày là nghệ thuật sử dụng không gian trưng bày và nhấn mạnh đến các phương tiện hỗ trợ khách tham quan, phương tiện nghe nhìn, âm thanh, ánh sáng, các bản chữ trong trưng bày…là những vấn đề mà các bảo tàng hiện nay chưa quan tâm đúng mức.
để tổ chức một cuộc trưng bày từ ý tưởng đến hiện thực, mối quan tânm hàng đầu là ngân sách, bới vì ngân sách Nhà nước là có giới hạn. Kinh nghiệm thành công của một số bảo tàng được trình bày trong cuốn sách này xem như một gợi ý cho các bảo tàng công lập, các bảo tàng tư nhân, cũng như những nhà sưu tập có thể tìm thấy nhiều nguồn tài chính để thực hiện mục đích của mình.
Hy vọng nội dung sách sẽ giúp ích và góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, cũng như góp phần phục vụ kỹ năng chuyên nghiệp trưng bày di sản.
Cuốn sách gồm 5 chương:
- Chương 1: Những vấn đề về lý thuyết trưng bày.
- Chương 2: Thiết kế nội dung trưng bày.
- Chương 3: Nghiên cứu và thiết kế hình thức nghệ thuật trưng bày.
- Chương 4: Dự án trưng bày.
- Chương 5: Thi công trưng bày và đánh giá trưng bày.
Thư viện Bộ Xây dựng