Tóm tắt nội dung:
Xi măng là vật liệu xây dựng quan trọng nhất của ngành Xây dựng. Với sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp của ngành Xây dựng, nhu cầu về sản lượng, chất lượng và chủng loại của nó ngày càng tăng.
Hiện nay ở nước ta, ngành công nghiệp sản xuất xi măng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị sản lượng. Nhận rõ vai trò quan trọng của ngành công nghiệp xi măng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg về việc “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Mục tiêu là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước cả về số lượng và chất lượng, có thể xuất khẩu khi có điều kiện, đưa ngành xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh, có công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập. Vì vậy, ngành xi măng đã ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xaya dựng mới tại các khu vực có nguồn nguyên vật liệu dồi dào và chất lượng tốt, các dự án mới sử dụng các công nghệ tiên tiến thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, cải tạo và chuyển đổi công nghệ các nhà máy xi măng lò đứng hiện có sang xi măng lò quay công suất nhỏ. Mặt khác, các nhà máy đang có xu hướng sử dụng nguồn vật liệu khoáng sẵn có để pha vào xi măng. Điều này giúp cho các nhà máy xi măng tăng công suất, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm tối đa tài nguyên, khoáng sản và năng lượng trong sản xuất xi măng, đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn quy định…
Trong công nghệ sản xuất chất kết dính hiện nay ở nước ta chủ yếu tập trung vào xi măng poóc lăng, mà công nghệ sử dụng chủ yếu là phương pháp khô lò quay. Vì vậy, tài liệu này chỉ tập trung vào công nghệ và thiết bị sản xuất xi măng theo phương pháp khô lò quay.
Những kiến thức đưa đưa ra trong tài liệu này không những giúp cho sinh viên và kỹ sư ngành công nghệ vật liệu xây dựng hiểu sâu hơn về công nghệ sản xuất xi măng, mà còn giúp cho việc thiết kế công nghệ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nội dung cuốn sách gồm 9 chương như sau:
Chương 1: Giới thiệu chung về xi măng poóc lăng.
Chương 2: Tính toán phối liệu sản xuất clanhke xi măng poóc lăng.
Chương 3: Gia công sơ bộ nguyên liệu sản xuất xi măng poóc lăng.
Chương 4: Nghiền mịn phối liệu sản xuất clanhke xi măng poóc lăng.
Chương 5: Đồng nhất nguyên vật liệu và phối liệu.
Chương 6: Chuẩn bị nhiên liệu nung clanhke xi măng.
Chương 7: Nung clanhke xi măng poóc lăng.
Chương 8: Nghiền xi măng poóc lăng.
Chương 9: Thiết bị vận chuyển, phân loại và lọc bụi.
Nguồn: Thư viện KHCN-BXD.