Tóm tắt nội dung:
Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa, đồng thời là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Nhà nước và xã hội đã rất chú ý, chăm lo đến công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đến nay, qua các đợt kiểm kê di sản bất động sản, Việt Nam đã thống kê được hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã quyết định xếp hạng 10 di tích quốc gia đặc biệt và hiện đã có 34 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới.
Nhà nước cũng quan tâm xây dựng các bảo tàng để gìn giữ và phát huy những di sản là động sản. Đến nay, Việt Nam đã có 127 bảo tàng công lập, bao gồm các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành và bảo tàng tỉnh, thành phố thuộc nhiều loại hình khác nhau...
Để góp phần vào việc nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa, nhất là trong bối cảnh hội nhập với quốc tế và kinh tế thị trường, hy vọng cuốn sách “Di sản văn hóa Việt Nam - Bản sắc và những vấn đề quản lý, bảo tồn” giúp bạn đọc tiếp cận các vấn đề về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam.
Nội dung sách gồm các chương sau:
- Chương 1: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Chương 2: Chức năng di sản văn hóa.
- Chương 3: Phân loại di sản văn hóa.
- Chương 4: Quản lý di sản văn hóa.
- Chương 5: Tư liệu hóa di sản văn hóa.
Thư viện Bộ Xây dựng