Tác giả:GS.TS. Nguyễn Chiến.
Nhà xuất bản: Xây dựng. Năm 2012.Số trang:186.
Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: VT.001830 - Thư viện KHKT-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Trong thời gian qua, xây dựng thủy lợi, thủy điện đã phát triển mạnh mẽ và mang lại những thành quả to lớn trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Hàng loạt dự án thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ được thực hiện cho các mục đích phát điện, tưới tiêu, cấp nước dân dụng, công nghiệp, cải tạo môi trường, phòng chống thiên tai..., đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước, cải thiện đời sống nhân dân.
Công trình tháo nước là một trong những hạng mục quan trọng nhất của hệ thống thủy lợi. Khả năng tháo nước và sự làm việc an toàn của công trình tháo nước có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của bản thân công trình đầu mối, cũng như khu vực hạ du. Đặc thù của công trình tháo nước là làm việc (tháo nước) trong điều kiện có chênh lệch rõ rệt mực nước thượng, hạ lưu, dòng chảy qua công trình tháo nước thường là dòng xiết và có thể gây ra các hiện tượng thủy lực bất lợi như: hàm khí, khí thực, sóng xung kích, xói lở hạ lưu...Vì vậy, tính toán thủy lực công trình tháo nước vẫn phải giải quyết các bài toán về khả năng tháo nước, tương tác giữa dòng chảy và công trình, nối tiếp và tiêu năng hạ lưu.
Nội dung sách trình bày những vấn đề về bố trí và tính toán thủy lực công trình tháo nước. Sách cũng giới thiệu các ý kiến tổng kết, khái quát hóa các bài học kinh nghiệm về bố trí và tính toán, thiết kế công trình tháo nước ở trong nước đã được đúc rút trong nhiều năm qua, cũng như cập nhật các kiến thức khoa học của nước ngoài trong lĩnh vực này.
Sách gồm 6 chương:
Chương 1: Trình bày các kiến thức tổng quát về công trình tháo nước: khái niệm, phân loại và các nội dung tính toán thủy lực công trình tháo nước. Tại đây cũng đề cập 1 số ví dụ hư hỏng công trình tháo nước ở Việt Nam, giới thiệu về tiêu chuẩn phòng lũ và khái quát hóa 1 số vấn đề về bố trí công trình tháo nước trong đầu mối hồ chứa nước.
Chương 2: Vấn đề tính toán khả năng tháo nước qua công trình. Giới thiệu khái quát về các dạng đập tràn thường dùng, trong đó có loại đập thực dụng hình cong dạng WES được sử dụng phổ biến ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Các nguyên tắc chung về tính toán khả năng tháo nước qua công trình cũng được tổng kết và khuyến cáo.
Chương 3: Trình bày các vấn đề về tính toán khí thực các công trình tháo nước như kiểm tra khả năng khí hóa, khí thực tại các bộ phận khác nhau của công trình tháo nước, các giải pháp phòng khí thực và cách tính toán thiết kế chúng.
Chương 4: Giới thiệu về hiện tượng hàm khí và tính toán hàm khí của dòng chảy trên công trình tháo nước, trong đó phân biệt việc tính toán dòng chảy hàm khí trong lòng dẫn hở và lòng dẫn kín.
Chương 5: Trình bày các vấn đề về điều khiển dòng xiết trên công trình tháo nước. Giới thiệu các hình thức công trình để điều khiển dòng xiết 2 chiều, 3 chiều và các nguyên tắc cơ bản để tính toán thủy lực các kết cấu điều khiển dòng xiết.
Chương 6: Tiến hành phân tích các dạng cơ bản của nối tiếp và tiêu năng hạ lưu công trình tháo nước. Giới thiệu các công thức tính toán cơ bản và khái quát hóa quy trình tính toán thủy lự nối tiếp hạ lưu. Một số vấn đề về áp lực mạch động lên tấm đáy bể tiêu năng, tiêu năng phòng xói cho cống vùng triều cũng đã được cập nhật.
Thư viện Bộ Xây dựng