Tóm tắt nội dung:
Trong thế kỷ XXI, trước tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng, việc giảm dần mức độ lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để đạt tới một nền kinh tế xanh là một yêu cầu cơ bản đối với sự sống còn của các quốc gia. Nhiều quốc gia lấy mục tiêu phát triển kinh tế xanh, ít phát thải làm hướng đi giúp họ vừa thoát khỏi khủng hoảng, vừa đem lại phúc lợi về môi trường cho người dân.
Phát triển xanh (Green Development) hay còn gọi là tăng trưởng xanh (Green Growth) đang trở thành mô hình phát triển kinh tế bền vững và chính là công cụ cần thiết để hướng tới nền kinh tế xanh đó. Nhiều quốc gia đã liên tục đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh, trong đó có công nghệ thông tin xanh (Green IT hoặc Green ICT).
Công nghệ thông tin (CNTT) xanh gắn liền với việc sử dụng năng lượng hiệu quả ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Những yếu tố cơ bản của CNTT xanh bao gồm: các sản phẩm CNTT và quy trình sản xuất CNTT với độ ô nhiễm thấp, tiêu thụ ít năng lượng và ứng dụng CNTT nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm trong các hoạt động kinh tế, xã hội.
Các nước trên thế giới đều rất quan tâm đến CNTT xanh, coi CNTT xanh là phương tiện chủ yếu thúc đẩy chuyển sang một xã hội ít khí thải, khắc phục những mâu thuẫn xung quanh việc phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường thông qua tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên. Các nước cũng đều xây dựng chiến lược hoặc chương trình hành động quốc gia thúc đẩy phát triển CNTT xanh, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển CNTT xanh, và giành những khoản kinh phí đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển CNTT xanh, cũng như tăng cường các ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khác...
Ở nước ta trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai đã được các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, CNTT xanh cũng đã bước đầu được các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, phát triển và sử dụng, đã có những sáng kiến và sản phẩm ứng dụng hướng đến các mục tiêu nói trên.
Nội dung cuốn sách “Phát triển công nghệ thông tin xanh hướng tới tăng trưởng xanh ở Việt Nam” với mục tiêu cung cấp một số thông tin về CNTT xanh, cũng như kinh nghiệm của một số nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Đan Mạch Mỹ và Anh. Đặc biệt là kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển CNTT xanh, góp phần vào việc phổ biến kiến thức và tuyên truyền nâng cao nhận thức về CNTT xanh.
Sách gồm 4 chương như sau:
- Chương 1: Tăng trưởng xanh và công nghệ thông tin xanh.
- Chương 2: Chiến lược phát triển CNTT xanh của một số nước.
- Chương 3: Kinh nghiệm cắt giảm khí thải CO2 của Hàn Quốc.
- Chương 4: Công nghệ thông tin xanh ở Việt Nam.
Phụ lục 1: Phát triển tăng trưởng xanh giảm khí thải nhờ CNTT của hàn Quốc.
Phụ lục 2: Cắt giảm khí thải nhờ CNTT xanh của hàn Quốc.
Thư viện Bộ Xây dựng