Tác giả: PGS.TS. Vũ Đức Chính, KS. Phạm Kim Điện.
Nhà xuất bản: Khoa học và kỹ thuật. Năm 2009. Số trang: 87
Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: VT.001698 - Thư viện KHCN-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Hệ thống đường ô tô của nước ta hiện nay hầu hết là loại đường có kết cấu mặt là bê tông nhựa nóng. Để mặt đường có chất lượng tốt, đảm bảo thời gian khai thác đúng thiết kế, ngoài các yếu tố khác như chất lượng của nền đường, điều kiện thoát nước, lưu lượng giao thông…thì bản thân lớp mặt đường phải được thi công bằng hỗn hợp bê tông nhựa có chất lượng đạt yêu cầu kỹ thuật.
Muốn sản xuất được hỗn hợp bê tông nhựa đạt yêu cầu kỹ thuật thì phải có thiết kế hỗn hợp phù hợp; điều này đòi hỏi công tác thiết kế hỗn hợp phải được thự hiện một cách bài bản, đúng phương pháp.
Trên thế giới hiện có rất nhiều phương pháp thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa, nhưng phương pháp Marshall là phổ biến nhất. Tại Việt Nam, hầu như chỉ có phương pháp Marshall được áp dụng để thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa , vì phương pháp này tỏ ra là phù hợp nhất.
Phương pháp Marshall rất thích hợp trong trường hợp thiết kế các hỗn hợp bê tông nhựa chặt, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, phương pháp này cũng có thể được áp dụng để thiết kế những loại hỗn hợp bê tông nhựa khác như: hỗn hợp bê tông nhựa rỗng hoặc hỗn hợp dùng làm các lớp tạo nhám mỏng và siêu mỏng.
Nội dung trình bày trong cuốn “Sổ tay thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa theo phương pháp Marshall” là các nguyên tắc chung, áp dụng cho mọi trường hợp. Vì vậy, đối với mỗi công trình cụ thể, cần phải xem xét và tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Nếu yêu cầu kỹ thuật của công trình không có các quy định đặc biệt, hoặc không nêu ra yêu cầu cụ thể đối với các chỉ tiêu cơ lý của hỗn hợp bê tông nhựa, thì có thể áp dụng toàn bộ quy định nêu trong tài liệu này.
- Nếu yêu cầu kỹ thuật của công trình có các quy định đặc biệt, nằm ngoài phạm vi của tài liệu này, thì áp dụng đồng thời các quy định theo tiêu chuẩn này và các quy định của công trình.
- Nếu yêu cầu kỹ thuật của công trình và tiêu chuẩn này cùng đưa ra quy định cho 1 chỉ tiêu nào đó, thì ưu tiên áp dụng quy định của công trình.
Sách gồm 5 chương sau:
Chương 1: Các yêu cầu chung của công tác thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa.
Chương 2: Phân tích thành phần hạt của cốt liệu và phối trộn cốt liệu.
Chương 3: Các đặc tính của hỗn hợp bê tông nhựa đã đầm chặt.
Chương 4: Tiến hành công tác thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa.
Chương 5: Kiểm tra chất lượng bê tông nhựa trong quá trình sản xuất và thi công.
Ngoài ra, cuốn Sổ tay này cũng chỉ ra cách phân loại hỗn hợp bê tông nhựa nóng và cách lựa chọn loại bê tông nhựa cho phù hợp với yêu cầu của công trình.
Thư viện Bộ Xây dựng