Tóm tắt nội dung:
Văn hóa lịch sử là một trong những đặc điểm quan trọng nhất tạo nên nét đặc thù kiến trúc Việt Nam. Trên thực tế, với nghệ thuật kiến trúc Việt Nam đương đại, chúng ta đã có rất nhiều thành tựu thẩm mỹ rất đáng tự hào, nhưng trên bình diện rộng, kiến trúc Việt Nam hiện nay ngày càng xa rời nét đặc thù văn hóa Việt...
Việc hệ thống lại các đặc điểm văn hóa lịch sử làm cơ sở cho việc xác định nét đặc thù văn hóa truyền thống là rất cần thiết. Tuy chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa lịch sử Việt Nam, nhưng chưa có nghiên cứu nào phân tích, đánh giá sâu sắc về các đặc điểm văn hóa lịch sử hiện hữu trong bản thân công trình kiến trúc Việt Nam.
Trong mảng kiến trúc Nam Bộ, hai loại hình kiến trúc đình và chùa có thể được xem là hai đặc trưng tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa, văn minh tại đây. Chúng tồn tại lâu dài nhất so với các loại hình kiến trúc khác. Hơn thế nữa, đình và chùa là hai loại hình kiến trúc phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, do đó nét đẹp văn hóa càng đậm đà hơn so với các loại hình kiến rúc khác.
Cuốn sách “Kiến trúc đình chùa Nam Bộ” ra đời nhằm tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc, từ đó hệ thống lại các đặc điểm văn hóa tiềm tàng trong kiến trúc thuộc vùng đất đặc thù Nam Bộ thông qua các tư liệu, hình ảnh điều tra hiện trạng và cơ cấu tổ chức đình, chùa tại đây. Những nghiên cứu này sẽ là đóng góp chung cho sự phát triển kiến trúc truyền thống của cả nước. Nhất là qua đây, hệ thống lại các tiền đề cần có cho việc thiết kế, bảo tồn, xây dựng, lý luận, phê bình các loại hình kiến trúc mang tính truyền thống tại Nam Bộ.
Mục tiêu của cuốn sách nhằm:
1. Xác định vai trò của truyền thống và bản sắc văn hóa trong kiến trúc đình, chùa Nam Bộ.
2. Xác định thực chất của truyền thống và bản sắc văn hóa tồn tại trong kiến trúc đình, chùa Nam Bộ.
3. Định hướng thiết kế công trình kiến trúc vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống văn hóa Nam Bộ.
4. Định hướng bảo tồn công trình kiến trúc đình, chùa cổ tại Nam Bộ.
Qua cuốn sách này, về mặt lý thuyết, tác giả đã hệ thống lại một số nội hàm văn hóa - lịch sử mà các công trình kiến trúc đình và chùa Nam Bộ đã chuyển tải. Qua đó, xác lập một số tiền đề lý luận và quy tắc sáng tạo nghệ thuật kiến trúc phù hợp với vùng văn hóa Nam Bộ. Bên cạnh đó, về mặt thực tiễn, tác giả mong muốn đóng góp thêm một số kiến giải cho mảng kiến trúc đình, chùa Nam Bộ. Các kiến giải này cũng là cơ sở cho công tác thiết kế kiến trúc, bảo tồn di tích đình, chùa phù hợp với văn hóa địa phương Nam Bộ...
Nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 chương như sau:
- Chương 1: Tổng quan tài liệu và thực trạng kiến trúc đình, chùa Việt Nam.
- Chương 2: Kiến trúc đình, chùa trong không gian văn hóa Việt Nam và Nam Bộ.
- Chương 3: Đặc điểm văn hóa - lịch sử và phản ánh văn hóa truyền thống qua kiến trúc đình, chùa Nam Bộ.
- Chương 4: Vấn đề định hướng, bảo tồn và phát huy đặc điểm văn hóa - lịch sử của kiến trúc đình, chùa Nam Bộ trong phát triển.
Cuốn sách là tài liệu học tập cho sinh viên chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, xây dựng...và làm tài liệu tham khảo cho sinh viên thuộc các ngành văn hóa - nghệ thuật, du lịch và bảo tồn di sản, cũng như các độc giả quan tâm đến lĩnh vực này.
Thư viện Bộ Xây dựng