Tác giả: TS. Phạm Hữu Hanh.
Nhà xuất bản: Xây dựng. Năm 2007. Số trang: 204 và ảnh.
Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: VT.001578 - Thư viện KHCN-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Gần 2 thế kỷ kể từ khi xi măng, rồi bê tông, bê tông cốt thép ra đời, công nghệ xây dựng đã căn bản thay đổi, rất nhiều những công trình hiện đại ra đời. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng loại vật liệu này cũng bộc lộ những nhược điểm như: sử dụng bê tông để xây dựng các công trình khổi lớn đê, đập.... Vấn đề ở đây không phải là khả năng chịu lực vì loại bê tông này thường yêu cầu cường độ không cao, mà quan trọng là ổn định của công trình chủ yếu là vấn đề liên quan đến nhiệt. Sự chênh lệch nhiệt độ tạo ra ứng suất gây nứt công trình, sau này sẽ xảy ra hiện tượng thấm làm ảnh hưởng rất xấu đến tính chất của các công trình thuỷ công, đặc biệt là các công trình ngăn nước.
Từ khi bê tông đầm lăn ra đời nó nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong xây dựng các công trình khối lớn, vì nó không những giải quyết rất triệt để về bài toán nhiệt, mà còn đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm giá thành... Từ năm 1970, ở Mỹ đã bắt buộc phải sử dụng bê tông đầm lăn khi xây dựng đê, đập. Tại Nhật bản và Trung Quốc cũng nghiên cứu và ứng dụng rất rộng rãi loại bê tông này. Ở Việt Nam đã bắt đầu sử dụng bê tông đầm lăn trong xây dựng các công trình thuỷ điện.
Cuốn sách “Bê tông đầm lăn” cung cấp những nội dung cơ bản nhất về bê tông đầm lăn và giới thiệu một số phương pháp hiệu quả trong thiết kế và ứng dụng ở nước ta. Sách là tài liệu tham khảo cho các ngành Xây dựng công trình, đặc biệt cho ngành Thuỷ lợi, Vật liệu và Giao thông.
Nội dung sách gồm 6 chương:
- Chương 1: Bê tông đầm lăn cho các công trình xây dựng.
- Chương 2: Nguyên liệu chế tạo bê tông đầm lăn.
- Chương 3: Tính chất của bê tông đầm lăn.
- Chương 4: Thiết kế thành phần bê tông đầm lăn.
- Chương 5: Công nghệ sản xuất và kiểm định chất lượng.
- Chương 6: Áp dụng thực tế RCC ở Việt Nam.
Thư viện Bộ Xây dựng