Tác giả: Trần Bá Việt Chủ biên...
Nhà xuất bản: Xây dựng. Năm 2007. Số trang: 344 và ảnh.
Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: VB.002656 - Thư viện KHCN-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Trong kho tàng di sản kiến trúc của dân tộc, nghệ thuật kiến trúc Chămpa có vị trí đặc biệt quan trọng. Gần 900 năm từ cuối thế kỷ thứ VII đến nửa đầu thế kỷ XVII, bằng sự lao động không mệt mỏi và tài năng sáng tạo tuyệt vời, người Chăm đã xây dựng nên một nền kiến trúc điêu khắc độc đáo với hàng trăm đền tháp, trải dài suốt từ miền Trung đến vùng đất phía Nam của Tổ quốc.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thiên tai khắc nghiệt, đến nay số lượng đền - tháp Chămpa còn lại không nhiều, lại trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đó là những di sản kiến trúc vô giá không chỉ của Quốc gia, mà còn của nhân loại, là nhân chứng về một nền văn hoá Chămpa cổ rực rỡ, rất cần được giữ gìn, tôn tạo và bảo tồn.
Khám phá nghệ thuật xây dựng đền - tháp Chămpa là vấn đề hấp dẫn, được người Pháp tìm tòi từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến các nhà khoa học Việt Nam hôm nay. Cuốn sách “Đền tháp Chămpa - Bí ẩn xây dựng” là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học do Viện KHCN Xây dựng - Bộ Xây dựng chủ trì, với sự tham gia của một tập thể các nhà khoa học có uy tín trong các lĩnh vực: Kiến trúc, xây dựng, lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật...
Đề tài không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu lịch sử, kiến trúc Chămpa, đánh giá hiện trạng của các di tích kiến trúc, mà nhóm tác giả đã dành nhiều công sức nghiên cứu kỹ về kỹ thuật xây dựng, từ việc xử lý nền móng, kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật điêu khắc, lực liên kết, cường độ chịu nén, khả năng chịu lực của khối xây tháp đến việc sử dụng các phương pháp khoa học công nghệ hiện đại để xác định thành phần pha và thành phần khoáng của gạch, của chất kết dính giữa các viên gạch... Đặc biệt, đề tài đã nghiên cứu chế tạo được mẫu gạch phục chế, xác định quy trình nung gạch Chăm, chế tạo nhớt ô dước, nhớt bời lời, cũng như các giải pháp gia cường, tu bổ kiến trúc đền tháp Chămpa. Đây là một bước tiến quan trọng trên con đường nghiên cứu tìm hiểu những bí ẩn về các đền tháp Chămpa nói chung, về vật liệu và kỹ thuật xây dựng nói riêng.
Những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ định hướng cho việc bảo tồn, tôn tạo một loại hình di tích có cấu trúc và phương pháp xây dựng, đặc biệt là đền tháp Chămpa ở Việt Nam. Đồng thời, qua cuốn sách này, những người làm công tác bảo tồn, trùng tu, quản lý di sản và du lịch văn hoá sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích mang tính thực tiễn và ứng dụng.
Nội dung cuốn sách có 5 chương:
Chương 1: Lược sử, khảo cổ, kiến trúc Chămpa.
Chương 2: Thực trạng các di tích, phế tích kiến trúc đền tháp Chămpa.
Chương 3: Kỹ thuật xây dựng các đền tháp Chămpa.
Chương 4: Phục chế khối xây mài chập đền tháp Chămpa.
Chương 5: Định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các đền tháp Chămpa.
Thư viện Bộ Xây dựng