Tác giả: ThS. KTS. Nguyễn Cao Lãnh.
Nhà xuất bản: Xây dựng. Năm 2006. Số trang: 206 và ảnh.
Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: VB.002647 - Thư viện KHCN-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Trong cấu trúc tổng thể của đô thị, đơn vị ở được coi là thành phần tế bào cơ sở. Mỗi một tế bào cơ sở - đơn vị ở là một khu vực được đô thị hoá, có giới hạn không gian nhất định, có giới hạn dân số nhất định, được quy hoạch thiết kế tập trung xung quanh một trung tâm nhất định. Có thể coi mỗi đơn vị ở là một tổng thể các hoạt động cư trú, làm việc, nghỉ ngơi giải trí, mua sắm và các hoạt động thường ngày khác của con người.
Trong quá trình phát triển đô thị, có rất nhiều mô hình và quan điểm được đề xuất về đơn vị ở. Các mô hình này, hoặc được áp dụng rộng rãi, hoặc được áp dụng tại một số địa điểm, hoặc mới chỉ là ý tưởng trên giấy, nhưng về cơ bản đều xuất phát từ mong muốn đáp ứng cao nhất chất lượng cuộc sống của con người. Yếu tố mấu chốt dẫn đến sự thành công của các đơn vị ở hiện nay chính là nhờ phát huy được những giá trị mang tính cộng đồng, tính bản sắc, sự hoà nhập và sự cân bằng từ các mô hình cộng đồng dân cư truyền thống...
Bước sang thế kỷ XXI, phát triển bền vững trở thành mục tiêu hàng đầu cho tất cả các quốc gia, các thành phố, các đơn vị ở và mọi người dân. Đơn vị ở của thế kỷ XXI không phải chỉ phát triển trên cơ sở các giá trị truyền thống, mà còn phải phát triển trên cơ sở các giá trị của bền vững. Đây là một quá trình phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau trong đơn vị ở như quy hoạch, thiết kế, kinh tế, xã hội, môi trường... theo một khuôn khổ và định hướng thống nhất chung về bền vững.
Trong khuôn khổ cuốn sách này, tác giả tập trung nghiên cứu vào lĩnh vực đầu tiên - Quy hoạch đơn vị ở và đưa ra một hệ thống các nguyên tắc cùng với chỉ dẫn cơ bản. Các nguyên tắc và chỉ dẫn này nhằm tạo ra các không gian hay hình thức giúp mang lại khả năng cân bằng hay định hướng cho sự cân bằng và hoà nhập các yếu tố trong quá trình phát triển. Từ đó, đơn vị ở có thể phát triển theo hướng bền vững.
Nội dung sách gồm các phần sau:
1. Các mô hình và quan điểm về đơn vị ở.
2. Đơn vị ở bền vững.
3. Các yếu tố và đặc điểm quy hoạch đơn vị ở bền vững.
4. Cấu trúc đơn vị ở bền vững.
5. Các công trình công cộng.
6. Các không gian mở và cảnh quan.
7. Khu vực nhà ở.
8. Đường phố.
9. Kiến trúc.
10. Môi trường.
11. Hệ thống các quy định kiểm soát phát triển.
12. Trình tự phát triển đơn vị ở bền vững.
13. Đánh giá sự bền vững của đơn vị ở.
14. Một số đơn vị ở điển hình trên thế giới.
Thư viện Bộ Xây dựng