Tác giả: Lê Đình Phụng.
Nhà xuất bản: Văn hoá - Thông tin và Viện Văn hoá. Năm 2005. Số trang: 317 và ảnh.
Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: VT.001425 - Thư viện KHCN-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Trong các loại hình di tích kiến trúc cổ ở nước ta, kiến trúc đền tháp Chămpa có vị trí đặc biệt. Đây là những công trình kiến trúc được xây dựng mang nội dung tôn giáo riêng, kỹ thuật, mỹ thuật riêng đặc sắc được người Chăm dựng xây theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những đền tháp Chămpa phản ánh phong phú, đa dạng đời sống vât chất, tinh thần của người Chăm, biểu hiện điều kiện sống, trình độ phát triển của nhiều thời kỳ khác nhau, những mối quan hệ giao lưu văn hoá giữa các nền văn hoá, tộc người, giữ vai trò quan trọng quyết định hình thành nên bản sắc văn hoá Chăm trong lịch sử.
Trong những di sản văn hoá Chămpa để lại, tháp Chămpa là loại hình kiến trúc tôn giáo duy nhất còn lại cho đến ngày nay. Có mặt theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc Chăm, tháp Chămpa hiện diện ở khắp nơi trên địa bàn cư trú của người Chăm trên dải đất ven biển miền Trung. Trải qua bao thăng trầm biến động của xã hội, sự tàn phá của thiên nhiên, cho đến nay, tháp Chămpa còn khoảng 60 chiếc, bên cạnh đó là hàng trăm phế tích kiến trúc tháp. Mặc dù không còn nhiều so với số lượng kiến trúc tháp được dựng xây trong lịch sử, nhưng sự kỳ vĩ của mỗi ngọn tháp, vẻ đẹp thanh tú hài hoà của hình khối, sự nuột nà tinh tế trong điêu khắc, mỗi tháp Chăm được coi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, góp nên sự độc đáo, làm phong phú sinh động nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của dân tộc Chăm, văn hoá Chăm. Chính vì thế, hơn một thế kỷ nay, tháp Chămpa được nhiều thế hệ học giả quan tâm nghiên cứu và có nhiều công trình đạt được thành tựu to lớn.
Kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua, bằng những tư liệu mới, những kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ trong nhiều năm, dựa vào những kiến trúc hiện còn, những bằng chứng vật chất, tác giả đã tập hợp, thống kê khảo tả những kiến trúc hiện biết với mong muốn sắp xếp lại trình tự xây dựng các kiến trúc tháp hiện còn một cách hợp lý và tìm ra tiến trình phát triển của loại hình kiến trúc này, góp phần tạo dựng lại Lịch sử kiến trúc Tháp Chămpa.
Để đưa ra các niên đại cụ thể xây dựng các tháp, tác giả sử dụng bảng niên đại của các nhà nghiên cứu đi trước và bổ sung thêm tài liệu, nhận thức mới, nhằm đưa ra niên đại hợp lý hơn giúp bạn đọc hiểu biết thêm về loại hình kiến trúc này.
Nội dung cuốn sách gồm có 3 chương sau:
Chương 1: Những tiền đề tạo nên kiến trúc tháp Chămpa.
Chương 2: Kiến trúc đền - tháp Chămpa.
Chương 3: Những đặc trưng và quá trình phát triển của kiến trúc đền - tháp Chămpa.
Thư viện Bộ Xây dựng