Cần đổi mới quy hoạch xây dựng đô thị ở nước ta

Thứ sáu, 06/09/2019 11:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những bức xúc trong quy hoạch xây dựngQuy hoạch treo ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dânỞ Việt Nam, Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý và (nhiều khi) thực hiện quy hoạch (quy hoạch theo nghĩa chúng ta hiểu là để xây dựng đô thị) thì định nghĩa như thế này: Quy hoạch xây dựng (thêm chữ “xây dựng” để phân biệt với “quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”) là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường thích hợp cho dân sống tại các vùng lãnh thổ đó, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. (Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, phần về Quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành).

Khái niệm quy hoạch treo là gì? Quy hoạch treo là tình trạng của các kế hoạch có nội dung sử dụng đất nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện chậm so với tiến độ ban đầu. Các loại quy hoạch gián tiếp hoặc trực tiếp liên quan đến đất đai, như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chung về xây dựng đô thị, kế hoạch chi tiết xây dựng đô thị, kế hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn; quy hoạch giao thông và thủy lợi; quy hoạch ngành (công nghiệp, y tế, thể thao, du lịch, thương mại, nông nghiệp, quốc phòng, an ninh…) Quy hoạch treo vừa gây lãng phí xã hội vừa làm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân.

Ở trên thế giới sẽ hiếm khi ta gặp từ quy hoạch “treo” hay dự án “treo”, nhưng ở nước ta trong một thời gian dài quy hoạch treo, dự án treo đang là một vấn nạn làm ảnh hưởng đến quyền lợi về nhà đất và cuộc sống của người dân. Nội dung quy hoạch “treo” có thể hiểu đơn giản là chính quyền công bố quy hoạch và dự án nhưng không làm gì để thực hiện hoặc đã giao đất cho chủ đầu tư nhưng không làm gì hoặc chỉ đầu tư một ít. Tuy nhiên, ở nước ta, trong khoảng thời gian dài, “Dự án treo” là một cụm từ nóng gây nên nhiều bức xúc trong xã hội. Trên khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, trên nhiều lĩnh vực đều dễ dàng bắt gặp cụm từ “treo” đầy ẩn dụ với nội hàm vô cùng phong phú. Có thể nhận thấy đây là một vấn đề đã gây ra nhiều khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhìn chung, có ba dạng quy hoạch “treo” chính: Thứ nhất, địa phương công bố quy hoạch một khu đất để xây dựng công trình, dự án nhưng sau đó không làm gì để thực hiện quy hoạch. Trong khi người dân sống trong khu quy hoạch muốn xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng lại gặp khó khăn. Thứ hai, đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng việc thu hồi không dứt điểm, kéo dài từ năm này sang năm khác, có khi chỉ vướng một vài thửa, trong khi nhà đầu tư mỏi mắt chờ giao đất. Tình trạng “treo” này làm chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Thứ ba, đất đã giao nhưng chủ đầu tư không đầu tư gì hoặc đầu tư một ít rồi bỏ đó gây lãng phí…Theo thống kế của Bộ TN-MT, chỉ trong 3 năm (từ 2006-2008), tại 53 tỉnh, thành phố, có tới 1.763 trường hợp quy hoạch treo “treo” “đi” từ Bắc vào Nam; “treo” trong 1 năm, 10 năm và lâu hơn thế nữa…

Nguyên nhân của tình trạng quy hoạch “treo” và dự án “treo” trước mắt là tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, nguyên nhân sâu xa là giá đất quá thấp nên kéo dài. Mặt khác cũng do cơ chế “xin-cho” dẫn đến tình trạng “xí đất”, nhưng thiếu vốn, không theo cơ chế thị trường.

Mặt khác, là do quy hoạch không phù hợp với yêu cầu của thị trường nhưng lại không điều chỉnh được. Nguyên nhân của tình trạng này là Luật Quy hoạch đô thị hiện nay so với quy hoạch xây dựng trước đây không có nhiều thay đổi, cách nhìn về quy hoạch xây dựng vẫn là tạo ra một cơ cấu ổn định theo dự kiến trong tương lai, luôn có mong muốn kiểm soát mọi quyết định về quy hoạch, quy hoạch nêu lên những mục tiêu có tính chất bắt buộc.

Nước ta hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với quá trình hội nhập toàn cầu, hệ thống kinh tế trở nên hỗn hợp. Trong bối cảnh đó, dự báo trong quy hoạch không hoàn toàn trở thành hiện thực, cho dù là dự báo của những nhà quy hoạch giỏi nhất.

Công tác quy hoạch chỉ nên đưa ra những mục tiêu có tính định hướng dựa trên cơ sở dự báo. Quy hoạch nên mang tính chiến lược hơn, xác định rõ các ưu tiên, quy định “cứng” đối với những vấn đề không thể xâm phạm, các quy định “mềm dẻo” với những mảng phát triển kinh tế - xã hội.

Cần suy nghĩ công tác quy hoạch như một hệ thống luôn được điều chỉnh sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể trong văn hóa trách nhiệm của cơ quan chuyên môn.

Luật quy hoạch đô thị hiện nay thời hạn điều chỉnh quy hoạch chi tiết là 3 năm? Ở Pháp thường là 4 tháng bản đồ quy hoạch các thành phố lớn lại được điều chỉnh một lần, có thể nói quy hoạch đô thị ở Pháp luôn được điều chỉnh kịp thời và gần như liên tục.

Quy hoạch đô thị cần có tính đàn hồi nhất định, thích ứng với sự phát triển kinh tế thị trường, như vậy mới có thể thực sự chỉ đạo kịp thời cho xây dựng. 

Hà Nội và TP.HCM là trung tâm kinh tế thương mại lớn của cả nước, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nhanh nhất cả nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới, do vậy cần được Chính phủ phân cấp cho thành phố trong điều chỉnh quy hoạch hàng năm để thích nghi với tốc độ phát triển nhanh, đồng thời đảm bảo quyền lợi về nhà đất và cuộc sống của người dân nhất là trong khu vực dân cư.

Vai trò đầu tư của doanh nghiệp trong quy hoạch xây dựng

Ở các nước Phương Tây, kinh tế thị trường chỉ với sự can thiệp hạn chế của nhà nước nên họ xem sự phát triển đô thị như một lực do thị trường (bao gồm các quyết định của doanh nghiệp và cá nhân) tạo ra và xem các công cụ quy hoạch như là công cụ để hỗ trợ, điều tiết và phải không ngừng điều chỉnh theo sự luân chuyển.

Ở Việt Nam: “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Với quá trình hội nhập toàn cầu, hệ thống kinh tế đã trở nên hỗn hợp. Cách nhìn ở nước ta thì vẫn là tạo ra một cơ cấu ổn định trong tương lai. Trong khi đó các công cụ quy hoạch trong nền kinh tế thị trường cần được xem như những công cụ điều tiết trong một thực tế kinh tế - xã hội năng động và linh hoạt. 

Do vậy, cần kết hợp quy hoạch tổng thể (Master Plans), quy hoạch quy chế (Statutory Plans) của nhà nước với quy hoạch bằng dự án (Project Plans) của doanh nghiệp nên cần phải điều chỉnh thường xuyên quy hoạch đô thị để thích nghi với thị trường. 

Có thể nói quy hoạch cần có “tính đàn hồi” (cần điều chỉnh) để thích nghi với cơ chế thị trường. Đó chính là “tính tùy biến trong quy hoạch đô thị” (Urban Planning Discretion). Có thể nói quản lý quy hoạch tốt để thu hút đầu tư của doanh nghiệp bằng dự án là cơ sở để phát triển đô thị bền vững. 

Để Hà nội, TP.HCM và các thành phố khác của Việt Nam trở thành một đô thị có không gian sống văn minh hiện đại và thẩm mỹ, trước tiên thành phố cần nghiêm túc thực hiện quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng của Thủ tướng Chính phủ đối với các thành phố còn được gọi là “quy hoạch bằng quy chế”. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường và toàn cầu hóa, phát triển đô thị gần như chịu tác động của một lực thị trường, bao gồm đa phần các quyết định của cá nhân, tư nhân, doanh nghiệp tạo ra bằng các dự án, còn được gọi là “quy hoạch bằng dự án”. Do vậy, chỉ nên xem các công cụ quy hoạch đô thị “quy hoạch bằng quy chế” như công cụ để hỗ trợ điều tiết và không ngừng điều chỉnh theo diễn biến của thị trường. Do vậy, công cụ “quy hoạch tổng thể”, “quy hoạch bằng quy chế” của nhà nước cần kết hợp với công cụ “quy hoạch bằng các dự án” của doanh nghiệp, nói cách khác nhà đầu tư/doanh nghiệp có thể tham gia làm quy hoạch, nếu không có nhà đầu tư thì quy hoạch đẹp và hoàn hảo tới mấy cũng chỉ là đồ án nằm trên giấy, chính xác “dự án đầu tư” giúp “điều chỉnh quy hoạch” và là công cụ kiểm soát đất đai. Đó chính là cơ sở để điều chỉnh quy hoạch giúp phát triển đô thị bền vững.

Do vậy, Quy hoạch xây dựng cần được điều chỉnh thường xuyên để thích nghi với thị trường. Luật Quy hoạch đô thị hiện nay so với quy hoạch xây dựng trước đây không có nhiều thay đổi, cách nhìn trong quy hoạch xây dựng vẫn là tạo ra một cơ cấu ổn định theo dự kiến trong tương lai, luôn có mong muốn kiểm soát mọi quyết định về quy hoạch, quy hoạch nêu lên những mục tiêu có tính chất mệnh lệnh bắt buộc nên phát sinh tình trạng “quy hoạch treo”/”quy hoạch phi thị trường”. Trong bối cảnh đó dự báo không bao giờ trở thành hiện thực hoàn toàn, cho dù  là dự báo của những nhà quy hoạch giỏi nhất. Công tác quy hoạch chỉ nên đưa ra những mục tiêu có tính “định hướng” dựa trên cơ sở dự báo. Quy hoạch nên mang tính chiến lược hơn, xác định rõ các ưu tiên, các quy định cứng đối với những mảng không thể xâm phạm, các quy định mềm dẻo với những mảng phát triển kinh tế - xã hội. Cần suy nghĩ công tác quy hoạch như một hệ thống luôn luôn được điều chỉnh sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể trong “văn hóa trách nhiệm” của các cơ quan chuyên môn.

Quy hoạch xây dựng đô thị theo quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch bằng quy chế cần có tính đàn hồi nhất định, thích ứng với sự phát triển của kinh tế thị trường và yêu cầu của doanh nghiệp thông qua các dự án đề nghị, như vậy mới có thể thực sự chỉ đạo được xây dựng. Vai trò của các nhà quy hoạch đã thay đỏi về bản chất, vai trò đó là trở thành người hướng dẫn chịu trách nhiệm chính trong cuộc thảo luận và tạo điều kiện cho một sự thỏa thuận với doanh nghiệp đó thành những quy định.

Các thành phố hiện đang đấu tranh với 3 xu hướng cực lớn: Toàn cầu hóa, đô thị hóa và phân quyền hóa. Hà Nội và TP.HCM đều là đô thị đặc biệt, là các trung tâm kinh tế - thương mại lớn, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nhanh nhất cả nước, do vậy cần được Chính phủ phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch với thời gian ngắn hơn để thích nghi với tốc độ phát triển nhanh của thị trường. Quản lý quy hoạch xây dựng tốt với vai trò tham gia bằng dự án của doanh nghiệp chính là cơ sở để phát triển đô thị bền vững trong toàn cầu hóa cơ chế thị trường và BĐKH.

Trái với việc điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với diễn biến của thị trường, trong “Báo cáo giám sát việc quản lý sử dụng đất tại đô thị từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến nay” của Ủy ban Kinh tế quốc hội, ngày 27/5/2019, cả nước có 1.390 dự án được điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần. Theo các đại biểu quốc hội, “Quy hoạch được điều chỉnh có xu hướng tăng lợi ích tối đa cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích lợi ích công cộng và lợi ích của người sử dụng”, vấn nạn trên “đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải…”

Cần đổi mới Quy hoạch xây dựng đô thị ở nước ta

Hướng tới quy hoạch đô thị hậu hiện đại

Trong thời kỳ toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, hậu công nghiệp, thông tin và lập trình, khủng hoảng sinh thái thì không thích hợp nếu quy hoạch không gian vật chất lại vẫn sử dụng quy hoạch “đô thị hiện đại” truyền thống theo “phân khu kiểu hình học cứng nhắc thiếu sự linh hoạt”

“Trong khuôn khổ của quy hoạch chiến lược hợp nhất” quy hoạch tích hợp đã được quy định trong luật quy hoạch, cần sử dụng “quy hoạch đô thị hậu hiện đại” có tính đa phương thì ngoài phân khu còn cần linh hoạt, hợp lý và đa dạng còn có thể còn bao gồm nhiều loại: Từ không gian lịch sử, không gian trí tuệ, không gian tinh thần, không gian nghệ thuật và không gian văn hóa đến không gian tự nhiên…

Về quy hoạch đô thị, thì ở nước ta từ sau 1954 tới nay, theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 khi chỉ tập trung chủ yếu vào 3 loại quy hoạch: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để ràng buộc mọi hoạt động đầu tư vào một “khuôn khổ cứng nhắc” của quy hoạch chi tiết, thực chât là vẫn sử dụng theo phương pháp quy hoạch của Liên Xô cũ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của quy hoạch chức năng do Le Corbusier đề xướng vào thời kỳ công nghiệp, hay còn được gọi là quy hoạch tổng thể, quy hoạch đô thị hiện đại hay quy hoạch đô thị truyền thống, đó là quy hoạch phân khu chức năng kiểu hình học cứng nhắc, thiếu linh hoạt không thích ứng với kinh tế thị trường, toàn cầu hóa với hàng trăm hàng ngàn các nhà đầu tư tư nhân và cá nhân mà trong đó sự điều tiết của nhà nước rất hạn chế.

Trên thực tế, công tác quy hoạch đô thị ở nước ta hiện nay vẫn cố gắng dự báo và định hướng tối đa mọi việc. Trên cơ sở đó chính quyền luôn có mong muốn kiểm soát mọi quy định về quy hoạch và kế hoạch.

Kế hoạch hóa thường ít linh hoạt hơn thị trường và chỉ có tác động đến những “khối lượng hạn chế” trong khi đó thị trường có thể tác động đến những “khối lượng có tiềm năng không hạn chế”. Điều này buộc công tác quy hoạch và kế hoạch phải thay đổi để có thể phản ứng và điều chỉnh thị trường.

Tóm lại, cách nhìn trong quy hoạch đô thị ở nước ta vẫn là tạo ra một cơ cấu ổn định trong tương lai theo kế hoạch. Trong khi đó, công cụ quy hoạch trong kinh tế thị trường cần được xem như những “công cụ điều tiết và điều chỉnh” trong một thực tế kinh tế - xã hội năng động và linh hoạt.

Theo Lawrie Wilson, quy hoạch xây dựng tổng thể của Việt Nam là di tích của thời kỳ tiền đổi mới và rất ít có giá trị trong thời kỳ hậu gia nhập WTO. Bạn có thể đứng lại và có cái nhìn tổng quan về đa số các thành phố ở Việt Nam, rằng một điều không thể bác bỏ chính là quy hoạch đô thị như hiện nay đang áp dụng đã thất bại trong việc cung cấp chất lượng cuộc sống như đữa hứa hẹn.

Thời kỳ hiện nay là thời kỳ toàn cầu hóa thị trường, hậu công nghiệp – thông tin và lập trình và khủng hoảng sinh thái thì không thể sử dụng mãi phương pháp quy hoạch đô thị hiện đại vì: So với quy hoạch hiện đại đơn thuần công năng thì quy hoạch đô thị hậu hiện đại khẳng định rằng phải thỏa mãn yếu tố con người sống trong đô thị, mặt khác một đô thị không đơn thuần chỉ là công năng mà còn có tính bản sắc hay giá trị lịch sử.

Theo William S.W.Lim: “Không gian hậu hiện đại có tính đa phương và có thể gồm nhiều loại, từ không gian lịch sử, không gian trí tuệ, không gian tinh thần, không gian nghệ thuật và không gian văn hóa… đến không gian tự nhiên và không gian thật sự…

Tính hậu hiện đại là một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Sự năng động và khác biệt của nó có tính toàn cầu thích ứng với địa phương…” Thực ra thì đô thị hậu hiện đại cũng chính là sự hòa trộn giữa các yếu tố hiện đại và hậu hiện đại trong thiết kế và tổng thể. 

Do vậy có thể nói, quy hoạch đô thị hậu hiện đại ngày nay vừa “phân khu chức năng” vừa phải “linh hoạt và rất đa dạng”vì nó còn được quyết định nhiều hơn bởi các đại lượng như: Vị trí địa hình, sự liên hệ giữa cảnh quan và nước, các di sản kiến trúc cần bảo tồn…

Nếu chỉ sử dụng “Quy hoạch phân khu” của quy hoạch đô thị hiện đại thì không thể cứng nhắc “kiểu hình dọc” như trước đây vì sẽ “không hiệu quả”, vì “đô thị rất phức tạp”, do vậy mà cần “linh hoạt” tổ chức không gian để hợp nhất giữa khu nhà ở, khu làm việc và dịch vụ công cộng, phát huy vai trò của người đi bộ và tránh giao thông con lắc, để giảm ách tắc giao thông nhằm tạo ra một cơ cấu đô thị “hợp lý”, “đa dạng”, và cần có giải pháp ứng xử có hiệu quả với sự “suy thoái về môi trường”. Một thành phố sinh động phải là “một bản liên hợp”.

Chủ nghĩa đô thị có thể tạm gọi là hậu hiện đại phải có một bản sắc địa phương đã được phát triển với quá trình hiện đại hóa, đảm bảo tính công bằng giữa các nhóm người và giữa con người với môi trường. Thực ra hậu hiện đại chính là sự hòa trộn giữa các yếu tố hiện đại và hậu hiện đại trong thiết kế tổng thể. Là việc gặp nhau của việc đem các cách thức thiết kế và quản lý hiện đại ra xây dựng các đặc trưng gắn liền với bản sắc địa phương. Điều này có lẽ phù hợp với đô thị, vì theo Charles Jenks “Chủ nghĩa hậu hiện đại là một thứ hỗn hợp mang tính chiết trung của bất kỳ truyền thống nào với những gì mới qua: Nó vừa là sự kế tục vừa là sự siêu việt hóa chủ nghĩa hiện đại”.

Quy hoạch đô thị hậu hiện đại “chứa đựng các nhu cầu không gian đa dạng” của các bản quy hoạch: Kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng trong “sự hợp nhất hài hòa” giữa công bằng xã hội, sống tốt và tính bền vững, hướng tới mục tiêu “phát triển bền vững” theo phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất/ quy hoạch tích hợp.

Hiện có nhiều “mô hình đô thị” theo hướng hậu hiện đại như: Thành phố sinh thái – kinh tế, thành phố sống tốt, tăng trưởng thông minh, mô hình TOD, chủ nghĩa đô thị mới, đô thị học cảnh quan..Trong thời kỳ BĐKH thì phải là đô thị sinh thái, đô thị xanh. Quy hoạch đô thị xanh thực hiện phân vùng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên (con người, văn hóa, lịch sử) và  thích ứng với BĐKH làm căn cứ để lập quy hoạch không gian và sử dụng đất.

Trên thế giới, quy hoạch dựa trên các bản đồ, trong đó có một bản đồ tích hợp (tổng hợp) quản lý kinh tế,hạ tầng, cây xanh, phúc lợi xã hội…sau đó dựa vào bản đồ này để quản lý sử dụng đất đai theo sự phân loại đất công và đất tư. Đất công là đất dành cho giao thông, bến cảng, sân bay, công viên… còn lại là đất tư, kèm theo là bản đồ phân khu chức năng. Đây là bản đồ quy hoạch rõ ràng phân ra khu công cộng, dân cư, đường xá…Với cách làm quy hoạch đó, nhà nước quản lý rất dễ dàng, không có việc móc nối giữa nhà đầu tư và chính quyền để thay đổi quy hoạch.

Cần sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị 2009 cho phù hợp với cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, không còn quy hoạch treo và thích ứng BĐKH. Hy vọng Quy hoạch đô thị nước ta sau 30 năm đổi mới cũng sẽ theo kịp xu thế của thế giới.

Cần có Chiến lược phát triển đô thị để thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị có hiệu quả

Bản đồ quy hoạch chỉ là dự kiến trong tương lai, muốn thực hiện quy hoạch phải có chiến lược phát triển đô thị. Các cơ quan sở ngành tổng hợp như: Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến tríc, Sở Xây dựng, Sở GTVT…do Sở Kế hoạch đầu tư chủ trì phải có trách nhiệm tham mưu cho UBND TP chiến lược phát triển đô thị. Chiến lược này phải cân đối nguồn vốn của cả nhà nước và tư nhân cho phát triển, cân đối giữa phát triển kinh tế với hạ tầng, kể cả hạ tầng kỹ thuật xã hội và cả hạ tầng dịch vụ, cân đối với phân bổ dân cư…giảm ô nhiễm môi trường. Tổ tư vấn phải có chiến lược phát triển của thành phố hàng năm và 5 năm. 

Chiến lược phát triển đô thị có thể bao gồm: (i) Chiến lược phát triển đất đô thị theo “hình thái đô thị”, “phân bố và tích tụ dân cư” trong đó lưu ý và đưa hoạt động phát triển đất như một hoạt động của kinh tế thị trường, không chỉ là hoạt động của ác đơn vị nhà nước; (ii) Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; (iii) Chiến lược phát triển  đô thị theo hướng “tăng trưởng xanh”, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thảm họa, kết hợp với phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; (iv) Chiến lược điều tiết đô thị hóa gắn với tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội; (v) Chiến lược phát triển vùng ven đô thị liên quan đến tiến trình chuyển hóa dân cư nông nghiệp và quản lý phát triển vành đai xanh; (vi) Chiến lược phát triển các không gian công cộng để thành phố có chất lượng sống tốt và sáng tạo.

Trên đây chỉ là những phân tích kiến nghị có tính chất định tính, rất cần có “chiến lược phát triển thành phố” và kế hoạch thực hiện các chiến lược của thành phố dựa trên quan niệm coi thành phố như một không gian ưu tiên phát triển theo mô hình đô thị phù hợp. Nó chứng minh các quyết định bằng các tiêu chuẩn có hiệu quả và sử dụng nguồn tài chính tối ưu. Phương pháp sử dụng để lập chiến lược phát triển thành phố chỉ có thể là phương pháp “Chiến lược phát triển thành phố” do WB tài trợ cho Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM từ năm 2000, cần triển khai thực hiện trong thực tế. Nguồn ngân sách địa phương phải được hình thành từ “Chương trình đầu tư vốn” cho kế hoạch 5 năm và hàng năm, trong đó cần chú trọng cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” vì “hạ tầng luôn phải đi trước một bước”.

Nhà nước phải lập, quản lý và thực hiện quy hoạch bài bản. Trong đó, chính quyền làm và công bố quy hoạch, nếu điều chỉnh quy hoạch thì thủ tục và quy trình cũng phải như lập quy hoạch ban đầu, phải do các cơ quan trình tư vấn thẩm định, lấy ý kiến của người dân. Do vậy, rất cần phải có cơ chế quản lý điều chỉnh quy hoạch xây dựng mới có hiệu quả.


(Nguồn: Tạp chí)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)