Tổng quan và các vấn đề tồn tại của thiết kế đô thị trong quy hoạch đô thị ở Việt Nam

Thứ ba, 21/02/2017 10:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự ra đời của Thiết kế đô thị:Thiết kế đô thị là một công việc không hề mới mẻ. Từ hàng ngàn năm trước, những nền văn minh cổ đại đã thiết kế và xây dựng những không gian đô thị còn đủ sức hấp dẫn nhân loại ngày nay về vẻ đẹp và cảm xúc mà chúng mang lại. Tuy nhiên, phải tới những năm cuối thập 50 của thế kỷ 20, thiết kế đô thị với tư cách một lĩnh vực chuyên môn và một ngành học ở bậc đại học mới được ra đời.  

Sự ra đời của thiết kế đô thị trước hết gắn liền với sự phát triển của quy hoạch đô thị thành một ngành khoa học mới, tách rời với kiến trúc. Quy hoạch không còn là kỹ thuật thiết kế mà đã trở thành khoa học về ra quyết định với một loạt những khái niệm và tư duy từ các ngành khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học…). Đây là sự điều chỉnh từ phương pháp thực hành cũ khi mà quy hoạch đô thị dựa trên một cách tiếp cận hình thức nông cạn của trào lưu City Beautiful (thành phố tươi đẹp) mà bỏ qua gốc rễ kinh tế - xã hội của vấn đề. Sự biến đổi này đã thúc đẩy thiết kế đô thị ra đời để quán xuyến yếu tố hình thức của đô thị nay không còn là mối quan tâm của các nhà quy hoạch.

Sự ra đời của thiết kế đô thị cũng gắn liền với sự sụp đổ của Chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc và quy hoạch phương Tây. Như tuyên ngôn của Le Corbusier, thành phố nay trở thành những “cỗ máy” khổng lồ nghiền nát lịch sử, cộng đồng cũng như mối dây liên hệ giữa con người và không gian sống của họ. Chính những nỗ lực hàn gắn vết thương đô thị, kiến tạo không gian sống cho con người đã xây dựng nên nền tảng lý thuyết cho ngành thiết kế đô thị.

Năm 1961, Kevin Lynch cho ra đời tác phẩm The image of the City (Hình ảnh của thành phố) mang lại một công cụ thiết kế đô thị. Sau 5 năm nghiên cứu thông qua những phương pháp như bản đồ tâm lí, tác giả tìm ra mối liên hệ của con người đối với không gian sống thông qua 5 yếu tố: tuyến, biên, giao điểm, điểm nhấn và khu vực. Bằng cách sử dụng các yếu tố này, tác giả biện luận rằng các nhà thiết kế đô thị sẽ có được một bộ công cụ để kiến tạo những nơi chốn có thể dễ dàng “đọc” được bởi cư dân và thỏa mãn tâm lí của họ.

Giống Lynch, kiến trúc sư Gordon Cullen cũng quan tâm tới cách con người cảm nhận về môi trường sống thông qua thị giác nhưng ông nhấn mạnh về tác động cảm xúc hơn là khả năng “đọc” môi trường. Cullen định nghĩa thiết kế đô thị là “nghệ thuật về mối quan hệ”. Cullen cho rằng con người tiếp nhận môi trường đô thị thông qua di chuyển và định vị trong môi trường đó. Từ đó, ông phát triển khái niệm Tầm nhìn chuỗi (Serial Vision), trong đó giải trình các hình ảnh đô thị được coi như là một chuỗi các khám phá. Từ đó, ông cho rằng trạng thái liên quan đến vị trí của người quan sát trong môi trường, ví dụ: đây và đó, đóng và mở, sự kiềm chế và sự giải thoát…, có thể được thiết kế với tính nghệ thuật và mục đích.

Thiết kế đô thị ra đời để lấp đi khoảng trống trách nhiệm giữa kiến trúc, vốn quan tâm từng công trình đơn lẻ, và quy hoạch, vốn giờ đây tập trung vào các khía cạnh kinh tế - xã hội của đô thị. Quan trọng hơn, thiết kế đô thị đã ra đời để tạo dựng những không gian đô thị, nhân bản hơn trong các thành phố hiện đại.

Khái niệm về Thiết kế đô thị

Đô thị là tổng thể không gian các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, vật thể và phi vật thể, mang lại nội dung kinh tế, kỹ thuật (công năng), văn hóa tinh thần (mỹ quan). Từ khi con người có ý thức xây dựng không gian cư trú của mình (đô thị, điểm dân cư) thì từ đó xuất hiện thiết kế đô thị. Cho đến nay, nhận thức về Thiết kế đô thị trên thế giới có nhiều quan điểm, trong đó có 3 quan điểm cơ bản về thiết kế đô thị là:

- Thứ nhất: thiết kế đô thị là nghệ thuật tổ chức không gian đô thị, “nghệ thuật tạo lập và bảo tồn môi trường vật thể đô thị”, “nghệ thuật thiết kế mọi thứ vật thể thuộc về đô thị, trừ các công trình kiến trúc, xây dựng” (Jonathan Barnett, M.Perfect & G.Power, Anh).

- Nhóm quan điểm thứ hai nhìn nhận thiết kế đô thị là quy trình, phương pháp thiết kế độc lập tách biệt vừa là cầu nối giữa quy hoạch xây dựng và thiết kế kiến trúc, có đối tượng là tổng thể đô thị hoặc khu đô thị; là thiết kế chi tiết xây dựng các tổng thể kiến trúc đô thị.

- Cách hiểu thứ 3 coi thiết kế đô thị là mục tiêu vừa là nội dung có tính xuyên suốt, thuộc về phạm trù quy hoạch xây dựng đô thị, gắn với quá trình xây dựng và phát triển đô thị. Thiết kế đô thị là trình tự, phương pháp vừa là sản phẩm của nghệ thuật tổ chức không gian đô thị.

Xuất phát từ các quan điểm trên, ta có thể hiểu 1 cách ngắn gọn Thiết kế đô thị là hoạt động tổ chức kiến trúc cảnh quan (nghệ thuật tổ chức không gian vật thể) đô thị, một trong các nội dung chủ yếu của quy hoạch xây dựng: Công năng (phân khu chức năng, tổ chức các hoạt động KTXH, sử dụng đất…), nghệ thuật (TKĐT).

- Thiết kế đô thị vừa là mục tiêu của quy hoạch xây dựng;

- Là nội dung của quy hoạch xây dựng;

- Là quy trình thiết kế của quy hoạch xây dựng;

- Thiết kế đô thị là cầu nối giữa quy hoạch xây dựng và kiến trúc;

- Cơ sở cho thiết kế kiến trúc về các mặt Tính chất, vị trí, hình thái, không gian và màu sắc…

Thiết kế đô thị trong hệ thống Quy hoạch xây dựng Việt Nam hiện nay

Hệ thống các đồ án Quy hoạch đô thị hiện nay gồm có:

- Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam.

- Quy hoạch xây dựng vùng.

- Quy hoạch chung xây dựng.

- Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

- Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, các điểm dân cư nông thôn.

Các vấn đề còn tồn tại của Thiết kế đô thị trong hệ thống Quy hoạch xây dựng hiện nay:

Ở Việt Nam hiện nay, Thiết kế đô thị đang rất được quan tâm và chú trọng, việc ra đời của Thông tư số 06/2013/TT-BXD về hướng dẫn nội dung lập đồ án Thiết kế đô thị, đã tạo nên một bước ngoặt có tính định hướng và phát triển quan trọng cho Thiết kế đô thị ở Việt Nam.

Tuy nhiên vẫn còn có sự chồng lấn về các bước thực hiện, cũng như vai trò của “thiết kế đô thị” với quy hoạch và kiến trúc, cùng với đó là các đồ án thiết kế đô thị còn thiếu thực tế chưa đi vào cuộc sống, nhiều đồ án vẫn còn nằm trên giấy, có tính chất chung chung và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Các vấn đề tồn tại trên chủ yếu nằm ở các khâu sau:

- Các văn bản hướng dẫn còn nhiều chỗ chung chung, chưa rõ ràng.

- Chưa có quy định về nghiên cứu xã hội học đối với các đồ án thiết kế đô thị.

- Thiếu các nghiên cứu lồng ghép các giải pháp về phát triển bền vững và ứng phó với Biến đổi khí hậu trong Thiết kế đô thị, trong khi đó hiện nay Việt Nam nằm trong số các nước trong vùng bị tác động nhiều nhất của Biến đổi khí hậu.

- Chi phí lập một đồ án Thiết kế đô thị được quy định không vượt quá chi phí lập một đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 là chưa sát với thực tế, thiếu tính cân bằng làm các đồ án thiết kế đô thị bị thiếu nguồn lực, gặp khó khăn khi triển khai các bước thiết kế chi tiết nhằm phục vụ việc xây dựng và quản lý trong thực tế.

Kết luận

Thiết kế đô thị hiện tại ở Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò hết sức quan trọng của nó trong đời sống xã hội, và trong hệ thống Quy hoạch đô thị hiện hành, dù vậy các vấn đề còn tồn tại của Thiết kế đô thị là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của Việt Nam hiện nay, do đó trong tương lai không xa, các nhà thiết kế đô thị, quản lý đô thị, quy hoạch đô thị và cơ quan chức năng cần có sự phối hợp để khắc phục các tồn tạ nhằm thúc đẩy Thiết kế đô thị tiếp tục phát triển và đóng góp tích cực vào quá trình đô thị hóa hiện đại ở Việt Nam.


Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 83+84/2016 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)