Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các Chương trình, Đề án, Kế hoạch và đã kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nhà ở xã hội. Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Bình Dương có tổng cộng 71 dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Trong đó có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và 68 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Ngoài 71 dự án nêu trên, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Bình Dương giai đoạn 2012- 2015. Theo đó, sẽ đầu tư 39 dự án , với tổng diện tích sàn là 500.000m2, đáp ứng cho 43.400 người, với tổng mức đầu tư 2.782 tỷ đồng, đầu tư tại các địa bàn Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên.
Qua 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đến nay có 6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích sàn 194.475m2, số căn hộ là 4.258 căn, đáp ứng chỗ ở cho 11.407 người. Dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng thêm 3 dự án, với diện tích sàn 102.064m2, só căn hộ là 2.465 căn, đáp ứng thêm cho 5.680 người. Như vậy, đến cuối năm 2013 có 9 dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích sàn 296.593m2, đạt 98,84% so với chỉ tiêu “Xây dựng 300.000 m2 sàn nhà ở xã hội” của Đề án nhà ở an sinh xã hội của Tổng Công ty Becamex.
Theo kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2015 thì mục tiêu và nhiệm vụ phải xây dựng 1.750.000m2 sàn nhà ở, đáp ứng cho 175.200 người. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bình Dương đã xây dựng được 194.475m2 sàn nhà ở, đáp ứng cho 11.407 người. Như vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần phải đầu tư xây dựng thêm 1.555.525m2 sàn nhà ở, đáp ứng cho 163.793 người để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình đã đề lả. Đây là mục tiêu và nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi các nàgnh các cấp, các doanh nghiệp phải cố gắng nỗ lực phấn đấu thực hiện. Đặc biệt, Bình Dương rất cần sự quan tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền, ban hành các chính sách về nhà ở xã hội mới có khả năng cải thiện điều kiện về nhà ở. Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội:
- Do tình hình biến động, suy thoái kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến việc đầu tư và phát triển của thị trường bất động sản trong nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, việc triển khai các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội bị chậm lại. Nhiều dự án đã đăng ký nhưng không triển khai, các dự án đã triển khai thì không hoàn thành đúng tiến độ, trong đó có nguyên nhân không vay được vốn để triển khai tiếp, dẫn đến việc giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội thời gian qua không đảm bảo về số lượng và tiến độ theo chương trình, đề án , kế hoạch đã đề ra.
- Thời gian qua, các dự án nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách còn ít. Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chưa quan tâm đến lĩnh vực này, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đầu tư phát triển nhà ở xã hội ở tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về nhà ở do UBND tỉnh đã ban hành.
Phần lớn doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn thiếu quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
- Đa số các dự án nhà ở xã hội đều triển khai chậm, kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư các dự án hạn chế về năng lực tài chính, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, kể cả nguồn vốn từ quỹ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trong thời gian qua, một số dự án nhà ở thương mại không quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Song song với đó, tình hình biến động, suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển thị trường bất động sản và các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Để từng bước phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
a. Về xác định nhu cầu về nhà ở xã hội:
- Cần có kế hoạch điều tra xã hội học trên phạm vi toàn quốc (tương tự điều tra dân số và nhà ở) đối với nhu cầu về nhà ở xã hội, bao gồm: các thống kê tương đối về số lượng có nhu cầu về nhà ở, số lượng chưa có nhà ở, số lượng cần thuê nhà ở, số lượng cần thuê mua, cần mua nhà, loại hình nhà ở (chung cư, căn hộ, nhà liền kề, nhà tập thể thấp tầng…) các loại diện tích căn hộ mà họ chấp nhận, giá thuê, giá mua mà họ chấp nhận được…và nhiều tiêu chí khác nữa. Dựa trên kết quả điều tra, từng địa phương sẽ lập kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội với nhiều loại hình nhà ở và thực hiện đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, qua đó xác định mô hình thích hợp cho từng địa phương, từng khu vực, từng đô thị để đảm bảo xây dựng nhà ở sẽ có người đến ở (thuê, thuê mua hoặc mua).
- Bố trí một phần nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc vốn trái phiếu Chính phủ, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê để đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân là thuê nhà vì họ chưa có nhu cầu hoặc chưa đủ điều kiện để mua nhà. Từ đó tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế buộc phải thu hồi vốn ngay sau khi đưa dự án vào kinh doanh.
b. Về quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội:
- Cần phải tạo ra quỹ đất sạch để giao cho các nhà đầu tư, các công trình phúc lợi xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật cần phải được đầu tư đồng bộ trước khi thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
- Đối với các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô 10 ha trở lên, chủ đầu tư phải có trách nhiệm dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cần xem xét nhu cầu và tình hình thực tế tại địa phương, nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Trường hợp cần thiết có thể linh động cho chủ đầu tư lựa chọn một vị trí đất khác với quy mô tương đương để xây dựng nhà ở xã hội. Nên mở rộng hình thức xây dựng nhà ở xã hội, không nhất thiết phải xây dựng chung cư mà có thể xây dựng theo hình thức nhà trệt, nhà phố có quy mô nhỏ.
c. Về tiêu chuẩm thiết kế và cho thuê, giá bán nhà ở xã hội:
- Đối với khu vực đô thị hoá cao cho phép thiết kế không quá tỷ lệ 20% căn hộ có diện tích từ 20m2 đến 20m2 sàn cho công nhân hay người thu nhập thấp, độc thân sử dụng.
- Thống nhất các tỉnh, thành phố, kể cả khu trung tâm đô thị hoặc ven đô thị trong quy hoạch khu nhà ở xã hội được sử dụng 30% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở một tầng nhiều gian để bố trí nhà ở cho công nhan và người thu nhập thấp.
- Đối với các đối tượng nhà ở xã hội, cần có chính sách cho vay ưu đãi tối đa bằng 70% giá trị căn hộ, được thế chấp bằng tài sản căn hộ, để người mua nhà góp vốn xây dựng nhà chung cư.
d. Về cơ chế, chính sách ưu đãi với chủ đầu tư nhà ở xã hội:
- Xem xét cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được tính lợi nhuận định mức từ 15%- 20% để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
- Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cần quy định hỗ trợ vốn vay ưu đãi bằng 30% tổng mức đầu tư của dự án, hoặc bù lãi suất vay ngân hàng thương mại bằng 50% trong thời gian đầu tư xây dựng.
- Quy định cụ thể về tỷ lệ phan bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các tỉnh có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội để góp phần tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
- Có cơ chế, chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, miễn giảm tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp sửa chữa nhà ở cho người lao động thuê theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng, quy định cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở và doanh nghiệp sử dụng lao động về thuê, mua sản phẩm nhà ở xã hội.
e. Về tổ chức, quản lý việc sử dụng, vận hành khai thác quỹ nhà ở xã hội và nội dung khác:
Bổ sung quy định đối với các tỉnh, thành phố có quỹ nhà ở xã hội lớn phải thành lập tổ chức quản lý việc sử dụng, vận hành khai thác nhà ở xã hội cho từng cấp hành chính quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tổ chức này có thể đảm nhận việc quản lý nhà ở xã hội thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vì các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản này rất ngán ngại đối với việc quản lý khai thác nhà ở xã hội sau khi xây dựng.
f. Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội:
Có thể là các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng lao động trong các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ ngoài khu, cụm công nghiệp mua nhà ở xã hội để cho công nhân thuê hoặc để bán, cho thuê mua theo quy định của từng địa phương.
Trong quá trình triển khai thực hiện, việc phát triển nhà ở xã hội ở Bình Dương trong giai đoạn đầu đã từng bước tạo được sự đồng thuận từ các sở ban ngành cũng như ý kiến đồng thuận phản hồi từ phía người dân. Điều đó đã minh chứng cho tính đúng đắn và thiết thực của việc phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người. Trong thời gian tới chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khuyến khích nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia và mở rộng đối tượng phục vụ nhằm thoả mãn nhu cầu về nhà ở của người dân đang sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 6/2013