Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều bãi biển đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh như Vườn quốc gia Bạch Mã, núi Ngũ Hành Sơn, các bãi biển Thuận An, Mỹ Khê, Tiên Sa, Non Nước, Tịnh Sơn, Nhơn Hội, Gềnh Ráng…các di tích lịch sử văn hoá có giá trị, trong đó phải kể đến ba Di sản văn hoá thế giới đó là Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Bởi vậy, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn gắn liền với cụm từ có ý nghĩa và giá trị lớn: “Con đường di sản miền Trung” và cũng là lợi thế để vùng có thể trở thành tâm điểm du lịch và dịch vụ của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên Vùng KTTĐ miền Trung còn là vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, có nhiều bất lợi như: địa hình hẹp theo chiều Đông- Tây, đất đai kém phì nhiêu, sông suối ngắn và có độ dốc lớn thường gây ra lũ, lụt lớn…Với tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 27.877km2, chiếm khoảng 8,5% diện tích cả nước, dân số toàn vùng khoảng 6 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá trên 31%, mật độ phân bố dân cư toàn vùng 214 người/km2, thấp hơn mật độ dân số cả nước (246 người/km2).
Sự hình thành các đô thị trong vùng chủ yếu dựa trên cơ cấu lãnh thổ hành chính và bước đầu đã hình thành các trung tâm chuyên ngành rõ nét, tạo động lực phát triển chung cho từng tỉnh, toàn vùng và phụ cận. Các đô thị hạt nhân của vùng bao gồm các TP Huế , Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Dung Quất và thành phố Quy Nhơn bố trí chủ yếu theo trục quốc lộ 1A, các đô thị còn lại bố trí trên các trục lộ Đông Tây: QL 49, QL24,QL 14,QL 19.
Trong Quyết định 1085/QĐ- TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng KTTĐ miền Trung, dự kiến đến năm 2025 toàn vùng có 86 đô thị, trong đó có 43 đô thị mới. Đồng thời quy hoạch cũng xác định các cực phát triển kinh tế- đô thị (như TP Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, các đô thị Vạn Tường, Núi Thành), các cụm đô thị động lực như ( cụm Huế- Tứ Hạ- Phú Bài- Thuận An- Bình Điền, Chân Mây- Đà Nẵng- Điện Nam- Điện Ngọc- Hội An, Núi Thành- Dốc Sỏi- Châu Ổ- Vạn Tường, TP Quy Nhơn và phụ cận…). Trong đó, các đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn là các đô thị động lực quan trọng trong vùng.
Cùng với quá trình CNH- HĐH và đô thị hoá, diện mạo kiến trúc đô thị trong Vùng ngày càng có nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực. Công tác chỉnh trang, phát triển đô thị tại các thành phố Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn luôn được quan tâm. Đô thị gọn gàng, ngăn nắp, khang trang hơn. Diện mạo kiến trúc đô thị tại các thành phố này dường như đã bắt đầu bước sang trang mới. Dù còn những khiếm khuyết không tránh khỏi nhưng đã, đang từng bước tạo dựng hình ảnh riêng cho thành phố mình.
Đối với đô thị Huế, một điều dễ nhận thấy ở đô thị này là các tổ hợp và thành tố kiến trúc đặc sắc đã tạo nên diện mạo Cố đô Huế, đặc biệt là kiến trúc cung đình, được quy hoạch, phân bố điểm xuyết vào thiên nhiên một cách khéo léo. Tất cả cùng với khu phố do người Pháp xây dựng ở bờ Nam sông Hương vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã trở thành hình thái không gian cơ bản có giá trị của thành phố Huế hôm nay. Trong quá trình CNH- HĐH và đô thị hoá, thành phố Huế luôn chọn cách đi riêng để bảo toàn được những đặc trưng vốn có, nhưng vẫn phải đảm bảo được sự phát triển theo yêu cầu của thực tiễn. Cũng bởi vậy, dù đã có một số công trình lớn mọc lên ở khu vực bờ Nam sông Hương như trụ sở Đài truyền hình , Bưu điện tỉnh, Khách sạn Tân Hoàng đế, khách sạn Thái Bình, khách sạn Xi măng, một số khuôn viên nhà vườn bị chia nhỏ để làm nhà liền kề… mà dư luận quan tâm, nhưng thành phố vẫn giữ được vẻ quyến rũ của thiên nhiên, thanh bình, thơ mộng và rất “Huế” như đô thị này vốn có.
Là trung tâm động lực của Vùng KTTĐ miền Trung, một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của Việt Nam, lại có tốc độ đô thị hoá lớn nhất vùng, thành phố Đà Nẵng cũng có cách đi riêng với khát vọng sớm trở thành đô thị hiện đại. Chính điều đó đã tạo nên tư duy đột phá mang tính chỉ đạo trong quy hoạch, phát triển kiến trúc đô thị. Và cũng chính vì thế mà diện mạo kiến trúc đô thị được thay đổi từng ngày. Thành phố Đà Nẵng trẻ trung, khoẻ mạnh đang được mở rộng, vươn theo chiều cao và tiến ra biển lớn. Những cây cầu mới bắc ngang sông Hàn, những con đường mới mở, những tuyến phố mới hình thành và những công trình kiến trúc công cộng, nhà ở mới xây trong thành phố cũng như đang tự khẳng định mình về sự đổi thay. Kiến trúc cảnh quan dọc hai bờ sông Hàn, dọc tuyến đường ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc và một số tuyến phố chính quan trọng khác được thành phố quan tâm đặc biệt từ vệt đi bộ trên vỉa hè, cây trồng, thảm cỏ, tượng, phù điêu trang trí đến hệ thống chiếu sáng dọc tuyến… nhằm tạo nên những nét riêng, có bản sắc. Ai đã từng đi dọc sông Hàn những năm 90 của thế kỷ trước, khi phía bờ Đông vẫn còn nhấp nhô, chen chúc các làng chài nghèo khó, tạm bợ mới thấy sự thay đổi căn bản của thành phố, khi hôm nay trên những con đường khang trang mọc lên các tổ hợp cao tầng như Trung tâm hành chính, các công trình công cộng như cung văn hoá, nhà thi đầu, trung tâm hội chợ triển lãm, tổ chức sự kiện khách sạn, kiến trúc nhà ở… Tất cả đang góp phần làm cho diện mạo kiến trúc đô thị Đà Nẵng đẹp và hiện đại hơn.
Nằm trên “Con đường Di sản”, rất gần hai Di sản văn hoá thế giới là đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, thành phố Tam Kỳ có chức năng là đô thị động lực, cực tăng trưởng chủ đạo, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực duyên hải nhằm khai thác tiềm năng, nguồn lực thúc đẩy phát triển KT- XH toàn tỉnh. Tuy thành phố Tam Kỳ đổi thay có chậm hơn so với các đô thị khác trong vùng, nhưng không gian đô thị được từng bước mở rộng, có mối liên kết chặt chẽ với khu kinh tế Chu lai- Kỳ Hà và vùng kinh tế động lực duyên hải của tỉnh. Các khu chức năng đô thị được hoạch định rõ hơn, trong đó có khu trung tâm đô thị. Mặc dù chưa có công trình kiến trúc thật tiêu biểu, nhưng diện mạo kiến trúc của thành phố, nhất là khu trung tâm và một số tuyến đường chính đã khang trang, bề thế hơn trước.
Từ một thị xã nghèo, Quảng Ngãi đã quy hoạch mở mang, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và xã hội đạt tiêu chuẩn, để trở thành thành phố thuộc tỉnh, một trong những đô thị quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thành phố Quảng Ngãi đang có xu hướng vượt sông Trà Khúc lên phía Bắc, tràn về phía Đông để vươn mình ra biển lớn. Trong cấu trúc tổng thể, sông Trà Khúc là bố cục không gian chính, trở thành một trục cảnh quan quan trọng của thành phố. Đưa Quảng Ngãi từ đô thị phát triển một phía, thành đô thị hai bên sông, như Đà Nẵng với sông Hàn. Diện mạo kiến trúc đô thị Quảng Ngãi được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, bước đầu đã tạo ra sự khởi sắc cho thành phố. Chất lượng thẩm mỹ công trình kiến trúc công cộng, nhà ở được nâng cao đáng kể. Các tuyến phố chính với việc trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và các tiện ích đô thị khác đã giúp cho bộ mặt đô thị Quảng Ngãi ngăn nắp, sạch đẹp hơn.
Với Bình Định, thành phố Quy Nhơn gắn với sự phát triển của khu kinh tế Nhơn Hội, là đô thị trung tâm phía Nam Vùng KTTĐ miền Trung. Quy Nhơn được coi như nguồn lực quan trọng trong phát triển KT- XH của tỉnh và của vùng. Những năm gần đây, thành phố Quy Nhơn đã từng được được quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển mở rộng. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc đô thị cũng đã tạo được dấu ấn đổi thay theo chiều hướng tích cực. Kiến trúc công trình dịch vụ công cộng, nhà ở được chính quyền đô thị, giới chuyên môn và người dân đặc biệt quan tâm. Các công trình xây dựng tại khu trung tâm thành phố, trên các tuyến đường chính đô thị, nhất là trên tuyến đường ven biển, đã tạo nên hình ảnh mới cho thành phố Quy Nhơn.
Trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hoá trong Vùng KTTĐ miền Trung sẽ tăng nhanh. Diện mạo kiến trúc đô thị trong vùng theo đó cũng đứng trước cơ hội, đổi mới, chất lượng, có bản sắc hơn. Diện mạo kiến trúc đô thị tại các thành phố Huế, đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tam Kỳ và Quy nhơn…sẽ ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 7/2010.