Nội dung và các yêu cầu về việc đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng đô thị đã được hướng dẫn và quy định trong quyết định trong quyết định số 03/2008/QĐ - BXD ngày 31/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với Nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch xây dựng; QCVN: 01/2008/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng; và TCVN4449 - 1987: Tiêu chuẩn thiết kế – Quy hoạch xây dựng đô thị.
Bên cạnh những hướng dẫn và yêu cầu về nội dung phân tích, đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất đã được quy định trong các văn bản pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn; vấn đề lựa chọn công nghệ và phương pháp phân tích có một tác động rất lớn đến kết quả phân tích lựa chọn đất.
1. Thực trạng phân tích lựa chọn đất xây dựng trong quy hoạch đô thị Việt Nam
Theo nội dung hướng dẫn của các văn bản pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan, việc đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng dựa trên tổng hợp nhiều yếu tố: điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành phát triển đô thị, các bản đồ hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng kiến trúc cảnh quan, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và hiện trạng môi trường. Bản đồ đánh giá đất tổng hợp phải thể hiện được: khu đất xây dựng thuận lợi, khu đất xây dựng ít thuận lợi, khu đất không được phép xây dựng.
Đặc biệt các tiêu chuẩn đánh giá đất theo điều kiện tự nhiên được hướng dẫn tương đối cụ thể hơn so với các nội dung khác (bảng1).
Trong thực tế, phân tích, đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng trong các đồ án quy hoạch đô thị được thực hiện bởi bộ môn chuẩn bị kỹ thuật, tập trung chủ yếu vào đánh giá điều kiện tự nhiên với 02 yếu tố chính: độ dốc địa hình và độ cao ngập lụt (thuỷ văn). Các yếu tố phân tích đơn lẻ này được vẽ một cách thủ công trên giấy sau đó được số hoá hoặc được hỗ trợ bởi các phần mềm thiết kế AutoCad, Land Desktop, Topo, HS... 02 bản đồ phân tích của 02 yếu tố này được thể hiện chồng ghép trên cùng một bản đồ nền, từ đó phân loại theo các mức độ: thuận lợi, ít thuận lợi và không thuận lợi (hình1).
Đứng trước nhu cầu về cải tiến và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đề tài cấp Nhà nước KC11: “Nâng cao hiệu quả quản lý và xây dựng đô thị” đã được thực hiện năm 1993. Trong đó đề tài nhánh KC11 - 02: “Đổi mới công tác quy hoạch đô thị” có một phần nội dung “Hướng dẫn đánh giá tổng hợp đất đai trong quy hoạch xây dựng đô thị”. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất áp dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí vào đánh giá đất đai tổng hợp đối với các khu vực dự kiến mở rộng đô thị gồm 03 bước như sau:
- Bước 1: Xét chọn các nhóm yếu tố và các tham số trong các nhóm yếu tố đó để tham gia quá trình đánh giá tổng hợp. Các nhóm yếu tố và tham số được sắp xếp thành 06 nhóm: điều kiện tự nhiên, giá trị kinh tế, các yếu tố về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, và sinh thái môi trường.
- Bước 2: Xác định sức nặng hay tầm quan trọng (wi) và thang điểm (qi) cho các nhóm yếu tố và từng tham số; từ đó xác định kết quả tổng hợp (wiqi) trên tất cả các đơn vị đất trên toàn khu vực đánh giá
- Bước 3: Thể hiện kết quả tổng hợp thông qua 02 phương pháp phổ biến: phương pháp chồng ghép bản đồ và phương pháp kẻ ô vuông trên bản đồ (hình 2)
Đề tài nhánh KC11 - 02 đã đề xuất việc ứng dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí và nguyên tắc chung trong đánh giá tổng hợp đất với gợi ý các nhóm yếu tố và tham số tham khảo cũng như hướng dẫn cách xác định điểm, trọng số và thể hiện kết quả trên bản đồ. Việc tính điểm tổng hợp một cách thủ công dựa trên lưới ô vuông với điểm số cho từng tham số cho từng đơn vị đất đai đòi hỏi thời gian và công sức, vấn đề nghiên cứu ứng dụng tin học vào phân tích là cần thiết, nhưng chưa được đề xuất do sự phát triển công nghệ của Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngoài ra, phương pháp thể hiện kết quả theo chồng ghép bản đồ và lưới ô vuông là những phương pháp thủ công, cần được cải tiến thông qua áp dụng công nghệ mới.
Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu về việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong quy hoạch đô thị đã được thực hiện như luận án – Quy hoạch đô thị với việc tiếp cận hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở Việt Nam (1966), đề tài RD54 - Nghiên cứu áp dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý phục vụ quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị (2002), RD25 - 07 - Đổi mới công tác lập đố án quy hoạch xây dựng từ nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS (2008). Các nghiên cứu đã chỉ ra tính hiệu quả của việc ứng dụng GIS vào công tác quản lý và lập quy hoạch cũng như khả năng áp dụng GIS vào các bước trong quy trình lập đồ án quy hoạch, trong đó có đề cập một phần về khả năng ứng dụng GIS trong nội dung phân tích đánh giá đất đai.
2. Xu hướng phát triển công nghệ và phương pháp phân tích lựa chọn đất trên Thế giới
Phân tích lựa chọn đất là sự lựa chọn đất đai theo các tiêu chí liên quan đến sự phù hợp của đất với chức năng định lựa chọn. Phân tích sự phù hợp của đất là một công cụ hữu ích cho phép các nhà quy hoạch đánh giá sự tương tác giữa các yếu tố: vị trí, hoạt động phát triển, và các yếu tố môi trường. Theo dòng lịch sử phát triển của lý thuyết quy hoạch cũng như sự phát triển của công nghệ, phương pháp phân tích sự phù hợp của đất đã đạt được những bước tiến đáng kể, và có thể chia thành 05 giai đoạn phát triển chính như sau: i) giai đoạn sơ khởi vẽ tay, chồng lớp bản vẽ; ii) giai đoạn áp dụng các nghiên cứu tiến bộ; iii) giai đoạn chồng lớp bản đò hỗ trợ bởi máy tính; iv) giai đoạn định nghĩa lại các dữ liệu không gian và đánh giá đa tiêu chí; v) giai đoạn phát triển trí tuệ nhân tạo.
2.1. Giai đoạn sơ khởi vẽ tay, chồng lớp bản vẽ
Những ứng dụng đầu tiên về phân tích sự phù hợp của đất thông qua việc chồng lớp các bản vẽ tay. Phương pháp này được khởi xướng bởi các kiến trúc sư cảnh quan Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đây là tiền thân cho các phương pháp phân tích hiện đại ngày nay. Theo Miller (1993) và McHarg (1996), Charles Eliot là những người tiên phong trong việc chồng lớp bản vẽ dưới ánh sáng mặt trời. Năm 1912, Warren Manning đã chồng lớp các thông tin về thổ nhưỡng, thực vật với địa hình và bản đồ kết hợp đó với bản đồ sử dụng đất; từ đó đưa ra các khuyến cáo về sử dụng đất và giao thông cho thị trấn Billerica.
2.2. Giai đoạn áp dụng các nghiên cứu tiến bộ
Giai đoạn 2 đánh dấu sự phát triển phương pháp phân tích thông qua các cuộc thảo luận khoa học về kỹ thuật chồng lớp bản đồ vào năm 1950 với bài viết của Jacqueline Tywhitt trong ấn phẩm “Town and County Planning Texbook”, và kỹ thuật chồng lớp vẽ tay. Tywhitt đã chồng lớp 04 bản đồ (địa hình, thuỷ văn, phân loại đá, thoát nước) được vẽ trên giấy bóng kính với cùng một tỷ lệ và tham chiếu các đối tượng chung. Các bản đồ dữ liệu này được kết hợp lại thành bản đồ tính chất đất cung cấp đầy đủ thông tin tổng hợp của 04 bản đồ thành phần.
Trong giai đoạn này, các tài liệu về quy hoạch bắt đầu đề cập đến các thảo luận về kỹ thuật phân tích sự phù hợp sử dụng đất và các nhà thiết kế đã ứng dụng rộng rãi kỹ thuật chồng lớp bằng giấy bóng kính. Ngoài ra, với ứng dụng vật liệu chụp ảnh vào những năm 50, quy trình chồng lớp cũng đạt những tiến bộ thông qua kỹ thuật phơi sáng ảnh và đa âm bản.
Bước tiến quan trọng nhất vào những năm 60 là nghiên cứu của McHarg trong việc chồng xếp thêm một lớp bản đồ trong suốt với bản in các giá trị sáng tối thể hiện mức độ phù hợp của từng loại đất và sự kết các bản đồ chồng xếp thành bản đồ tổng hợp về sự phù hợp của các loại đất cho các chức năng khác nhau (Mcharg 1969).
2.3. Giai đoạn chồng lớp bản đồ hỗ trợ bởi máy tính
Trong những năm 60 và 70, việc chồng ghép bản đồ một cách thủ công gặp khó khăn khi số lượng bản đồ cần chồng ghép ngày càng nhiều. Khi mà việc phân tích sự phổ hợp được ứng dụng rộng rãi, các yêu cầu phân tích ngày càng đa dạng hơn, các tiêu chí phân tích bổ sung, và hệ quả là sự gia tăng số lượng bản đồ phục vụ chồng ghép; điều này đòi hỏi sự hỗ trợ của máy tính.
Trong giai đoạn này, nhiều nghiên cứu có ý tưởng sử dụng trợ giúp bằng máy tính với việc đưa ra các bản vẽ lưới đơn giản với các giá trị của từng ô, và được nâng cao chức năng chồng lớp các bản đồ kết hợp trọng số của các tiêu chí. Nhiều phần mềm đã ra đời như SYMAP, GRID, IMGID, MAP, METLAND,...
Vượt xa hơn nữa, đó là việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào phân tích; công nghệ này cho phép lưu trữ, phân tích và thể hiện các dữ liệu không gian và phi không gian, và tạo ra các dữ liệu mới thông qua quá trình tự động chồng ghép bản đồ. Việc ứng dụng GIS vào phân tích đã được chấp nhận và sử dụng phổ biến từ những năm 80.
Bảng1: Tiêu chuẩn đánh giá đất đai theo điều kiện tự nhiên
Yếu tố của điều kiện tự nhiên | Tính chất xây dựng | Phân loại mức độ thuận lợi |
Loại I (Thuận lợi) | Loại II (ít thuận lợi) | Loại III (không thuận lợi) |
Độ dốc địa hình | a) Xây dựng nhà ở và công trình công cộng b) Xây dựng công nghiệp | Từ 0,4 đến 10% Từ 0,4 đến 3% | Dưới 0,4% (vùng núi từ 10 đến 30%) Dưới 0,4% (vùng núi từ 0,4 đến 10%) | Đển trên 20% (vùng núi trên 30%) Trên 10% |
Cường độ chịu nén của đất (R) | Xây dựng nhà ở công trình công cộng và công nghiệp | R ≥ 1,5kG/cm2 | R=1 đến1,5kG/cm2 | R < 1 kG/cm2 |
Thuỷ văn địa chất | Xây dựng nhà ở công trình công cộng và công nghiệp | Mực nước ngầm cách mặt đất trên 1,5m. Nước ngầm không ăn mòn bê tông | Mực nước ngầm cách mặt đất từ 0,5 đến 1,5m. Nước ngầm ăn mòn bê tông | Mực nước ngầm sát mặt đất đến cách mặt đất 0,5m. Đất sình lầy, nước ăn mòn bê tông |
Thuỷ văn | Xây dựng nhà ở công trình công cộng và công nghiệp | Với lũ có tần suất 1% không bị ngập lụt | Với lũ có tần suất 4% không bị ngập lụt. Với lũ có tần suất 1% không ngập quá 1m | Với lũ tần suất 1 ngập trên 1m. Với lũ có tần suất 4% ngập trên 0,5m |
Địa chất | Xây dựng nhà ở công trình công cộng và công nghiệp | Khu đất không có hiện tượng sụt lở, khe vực hang động (castơ) | Có hiện tượng sụt lở khe vực nhưng có khả năng xử lý đơn giản | Có hiện tượng sụt lở hình thành khe vực hang động, xử lý phức tạp |
Khí hậu | Xây dựng nhà ở công trình công cộng và công nghiệp | Chế độ nhiệt ẩm mưa, nắng, gió không ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sức khoẻ | Chế độ nhiệt ẩm mưa, nắng, gió ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sức khoẻ nhưng không thường xuyên | Chế độ nhiệt ẩm mưa, nắng, gió ảnh hưởng lớn và gần như thường xuyên hàng năm đến sản xuất và sức khoẻ |
2.4. Giai đoạn định nghĩa lại dữ liệu không gian và đánh giá đa tiêu chí
Giai đoạn phát triển này được đánh dấu bằng 02 hướng nghiên cứu sử dụng logic toán tử và logic mở trong hệ thống GIS để lựa chọn tính phù hợp. Một vài nhà nghiên cứu, trong đó có Reza Banai đã chỉ ra nhiều vấn đề của phương pháp toán tử khi phân loại đất. Sự tranh cãi về 02 phương pháp logic này đã trở thành chủ đề nổi bật trong phân tích sự phù hợp đất sử dụng công nghệ GIS trong những năm 80.
Một nghiên cứu lớn nữa đánh dấu sự phát triển của giai đoạn này tập trung vào tìm kiếm các phương pháp lựa chọn sự phù hợp. Một trong những phương pháp đó là phân tích đa tiêu chí (MCE) hay (MCDM) cho phép phân tích các quyết sách đa mục tiêu sử dụng các phương pháp toán học. Phương pháp tiếp cận Delphi đã được sử dụng để xác định các tiêu chí và trọng số.
Banai (1993) đã đề xuất tích hợp một phương pháp phân tích đa mục tiêu đang rất phổ biến hiện nay vào môi trường GIS phục vụ phân tích, đó là quá trình phân tích tầng bậc (AHP) [10]. AHP được ứng dụng trong môi trường GIS là một phương pháp toán học đánh giá các hàm giá trị dựa trên so sánh từng cặp một và từ đó xếp hạng các lựa chọn. AHP được phát triển bởi Saaty vào những năm 70 với hướng tiếp cận từ các kịch bản, lựa chọn kịch bản thông qua phân tích đa mục tiêu theo so sánh từng cặp. Nhiều nghiên cứu ứng dụng MCE, AHP và GIS trong phân tích sự phù hợp của đất đã được thực hiện.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu theo hướng khác như kết hợp phương pháp tuyến tính với công nghệ GIS cũng được phát triển.
2.5. Giai đoạn phát triển trí tuệ nhân tạo
Giai đoạn 5 được đánh dấu bằng việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích sự phù hợp của đất, đây là xu hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trong vòng 10 năm gần đây, các công cụ và phương pháp trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến địa lý. Tại thời điểm phát triển công nghệ hiện nay, trí tuệ nhân tạo vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, có công nghệ cao và chi phí quá tốn kém so với chi phí quy hoạch truyền thống.
3. Đề xuất về công nghệ và phương pháp phân tích lựa chọn đất xây dựng trong quy hoạch đô thị Việt Nam
Qua thực tế xu hướng phát triển về công nghệ và phương pháp phân tích lựa chọn đất trên Thế giới, có thể thấy mức độ ứng dụng công nghệ và phương pháp phân tích phổ biến tại Việt Nam hiện đang ở mức độ tương đương với giai đoạn 3 của Thế giới vào những năm 80.
Với tình hình phát triển công nghệ trong thời gian gần đây, hệ thống thông tin địa lý GIS đã được ứng dụng khá phổ biến trong nhiều ngành quản lý đất đai tại Việt Nam. Một số đề tài nghiên cứu cũng đã chỉ ra tính khả thi và hiệu quả về việc ứng dụng công nghệ GIS trong công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Với sức mạnh của công nghệ GIS, các phân tích tổng hợp, chồng lớp nhiều yếu tố có thể được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác so với các công nghệ vẽ truyền thống như: vẽ tay, thiết kế hỗ trợ bởi máy tính – CAD, hay các phần mềm chuyên dụng về san nền và chuẩn bị kỹ thuật.
Trong khi sự phát triển về công nghệ và phương pháp phân tích trên thế giới đang bước sang giai đoạn 5 về phát triển trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và đòi hỏi công nghệ cao cũng như chi phí tốn kém; một sự lựa chọn hợp lý tại Việt Nam vào thời điểm hiện nay là sự kết hợp tổng hoà giữa công nghệ GIS với các phương pháp phân tích đa tiêu chí, phân tích tầng bậc, phương pháp Delphi,... đây sẽ là một xu hướng trong công tác phân tích, đánh giá tổng hợp đất đai xây dựng đô thị trong thời gian tới.
Nguồn: TC Xây dựng, số 5/2010.