Các nhà khoa học tại Trung tâm Hải dương học quốc gia thuộc Đại học Southampton (Anh) sẽ sử dụng tàu biển và máy bay để rải dung dịch sắt sunphát trên diện tích 10.000 km2 thuộc các vùng biển Nam Cực trong vòng 5 năm nhằm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển Trái Đất...
Lượng sắt này (dự kiến khoảng 600 tấn/năm) sẽ kích thích các loại tảo phát triển để chúng hấp thụ khí cácbonníc (CO2) – thủ phạm gây ra hiệu ứng nhà kính. Khi các loại tảo này chết đi, chúng chìm xuống đáy đại dương và lưu giữ khí CO2 dưới đáy biển hơn 50 năm.
Theo các tính toán khoa học, dự án có thể giúp hấp thụ hàng tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, tương đương với 12% tổng lượng khí CO2 do con người tạo ra.
Nhiều doanh nghiệp ủng hộ dự án này, bởi nó kinh tế hơn nhiều so với việc họ phải tìm cách cắt giảm lượng khí CO2 thải vào môi trường.
Trước đó, việc thử nghiệm dự án “rải sắt trên biển” ở quy mô nhỏ đã thu được những thành công ban đầu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng còn e ngại dự án kiểu này sẽ gây ra những tác dụng phụ với một số loài sinh vật biển.
Theo Chính phủ.