Nhà lá Bình Định

Thứ sáu, 26/02/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhà có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Bình Định. Người Bình Định luôn quan niệm "Sống có nhà, già có mồ", vì vậy gần cả đời người, có khi nỗi lo chủ yếu là làm sao cất được ngôi nhà, như một thứ di sản để lại cho con cháu.

Và nếu ở Phương Tây có những ngôi nhà tuyền gỗ thì nhà lá mái của Bình Định cũng có thể coi  là một loại hình  kiến trúc nhà gỗ  độc đáo không nơi nào có được. Nhà lá mái mang đầy đủ những nét văn hóa của con người Bình Định.

Không chỉ là một di sản vật chất quý báu, nhà lá mái còn là  một phần đời sống tinh thần, một nét văn hóa tốt đẹp của người Bình Ðịnh.  Nhà lá mái không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa cư trú, sinh hoạt của người Bình Định xưa, mà còn là một dẫn chứng sống động về tài năng của những người thợ mộc Bình Định. “Mái nhà xưa, khu vườn cổ “ chính là  môi trường thích hợp  để bảo tồn thuần phong mỹ tục, đạo lý  truyền thống của gia đình  mà người  Bình Định gọi chung là “nếp nhà”. Nhà lá mái là một đặc trưng văn hóa truyền thống của Bình Định được thể hiện qua không gian quy hoạch, kiến trúc - một kiểu kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống độc đáo cần được bảo tồn.

Nhà lá mái Bình Định, dấu ấn nhà cổ Việt Nam

Nhà lá mái mang đầy đủ những nét văn hóa và là một kiểu kiến trúc độc đáo ở Bình Định, tuyvật liệu chỉ là gỗ, tre, tranh, đất nhưng độ bền vững của nhà lại rất cao, rất nhiều nhà đã có dư trăm tuổi nhưng gần như vẫn còn nguyên vẹn cấu trúc ban đầu.

Nhà lá mái được bố trí theo lối phong thủy, đặt ở vị trí cao, theo hướng Đông-Nam mát mẻ, có tụ thủy, mang tính khoa học. Nhà có hai lớp mái, một bằng đất sét và một bằng cỏ tranh, có tác dụng cách âm, cách nhiệt và chống cháy tốt; mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nhà có bộ khung được kết cấu bằng gỗ tốt, thường có bốn hàng cột, 4 vì kèo, nối kết bằng xiên - trính, cối - chày. Liên kết cấu trúc hoàn toàn bằng mộng, vừa vững vàng, chịu được nắng gió khắc nghiệt miền Trung nhưng cũng khá đơn giản, hợp với tích cách người Bình Định. Trong khi đó, nhà ở dân gian Việt ở phía Bắc, nhà rường Huế có kết cấu phức tạp hơn.

Thường nhà lá mái cất theo kiểu chữ Môn hoặc kiểu chữ công và có hai mái: mái đất và mái lá. Quy mô kiến trúc phụ thuộc vào từng gia cảnh, nhà chính thường 3 gian 2 chái (nhà giàu làm đến 5 gian 2 chái), ở giữa là gian thờ, hai đầu chái là đông phòng và tây phòng. Nhà chính nối với nhà đông và bếp bằng một lối đi có mái gọi là nhà cầu và hình thành một sân nhỏ tạo sự thông thoáng cho cả ngôi nhà. Bên phải nhà chính và thông với nó cũng bằng một lối đi có mái là nhà tây. Sự nghèo giàu của các chủ nhân nhà lá mái thể hiện rõ nét nhất là ở các nhà phụ thuộc. Ngoài ra, nhà lá mái còn có một số công trình phụ như: nhà ngõ, thủ kỳ (miếu thờ Thổ thần).

Thợ làm nhà lá mái thường phải là thợ giỏi, có tay nghề  cao trong vùng. Họ được gia chủ  rước về nuôi  ăn ở  trong trại ( được cất lên gần nơi làm nhà ) để làm từ năm này sang năm khác. Có nhà, từ khi  khởi công  dựng nhà, người con trai chưa lấy vợ, nhưng  đến khi khánh thành   thì đã có cháu nội để  ẵm bồng; nghĩa là phải mất hai-ba năm mới hoàn thành, mặc dù trước đó việc chuẩn bị khởi công dựng nhà cũng  đã khá lâu. Gia chủ phải  đi mua gỗ tận  vùng Bình Khê (Tây Sơn) đóng bè chở về, rồi tre phải được chặt, ngâm ở ao, mương  trước đó cả năm trời  để chống mối mọt; còn đá ong thì  đặt cho  các thợ làm đá ở Nhơn Mỹ hay  Thiết Trụ xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn… chọt theo kích cỡ đã định sẵn. Vì thế ca dao xưa có câu: “Anh về dỡ gỗ đa đa; Cất nhà lá mái tháng ba em về.”

Đặc biệt, khoảng một tháng trước khi dựng nhà, gia chủ  còn phải tổ chức giã gạo để  nấu cơm cho thợ  làm nhà  ăn. Đây là công việc  được khá nhiều nam thanh nữ tú  trong thôn và các vùng lân cận  hưởng ứng; vì  giã gạo không đơn thuần là một  hoạt động  nặng nhọc mà đây là một buổi sinh hoạt văn hoá khá độc đáo của người Bình Định, bỡi nó gắng liền với loại hình hò đối đáp mà ta gọi là hò giã gạo.
  
Nét độc đáo của nhà lá mái là nó có tới hai lớp mái. Lớp mái thứ nhất (giống phần la phông trong nhà  xây), nhưng được lợp phủ lên các đầu cột, kèo vào bám chặt  vào các đòn tay bằng các sợi dây mây chuốt rất kỹ. Phần mái này  có nơi lát ván hoặc vỏ cây đập dập, hoặc bằng những cây tre già (có sẵng ở khắp nơi  đã ngâm nước hơn 1 năm để khỏi mối mọt, rồi dùng chàng (dụng cụ của thợ mộc) đục, dầm thành  những tấm khịa bằng phẳng  trải lên trên  đầu cột, kèo và các đòn tay   trước khi đắp  đất sét đã trộn nhuyễn  với rơm. Lớp mái thứ 2 được chống cao phần đỉnh  với độ dốc lớn, song song với lớp mái thứ  nhất  để đến mùa mưa thóat nước nhanh, giữ được độ bền của mái rạ lâu hơn. Như vậy, nhà lá mái có hai lớp đòn tay. Lớp đòn tay của mái trong đỡ phần  khịa đã trét đất; lớp đòn tay của mái ngoài đỡ thêm rui, mè để có chỗ lợp tranh hoặc móc ngói. 
         
Nền nhà lá mái vẫn là nền đất nện như kiến trúc nhà ở đồng bằng quen thuộc của người Việt, nhưng nhà lá mái tuyền bằng đất thịt trộn muối đằm kỹ. Vì theo quan niệm của người Bình Định thì:

Nền nhà  nước đổ chảy vào
Làm ăn phát đạt đón  chào ngợi ca
Nền nhà  nước đổ chảy ra
Làm ăn kha khá  tiêu  pha bội phần
Nền nhà  bằng phẳng như cân
Đề phòng  con cháu ái ân tư tình.

Dàn cửa chính trong nhà lá mái được xoi chỉ rảnh, chạm khắc công phu. Ngày trước  chủ yếu là cửa bàng khoa  gồm nhiều khung hình chữ nhật  theo chiều đứng. Mỗi khung lại chia ra  nhiều ô, phần trên là những ô vuông, phần dưới là ô hình chữ nhật lát ván. Giữa các ô có nhiều khung với các rãnh lồi chạm hoa văn rất đẹp. Một  số ô vuông ở trên có  những trụ nhỏ đẩy qua đẩy lại được  để tạo ra khoảng trống cho mát. Vì thế nên cửa này còn có tên gọi là cửa” thượng song hạ bảng” là vậy. Nhà nghèo thì  làm cửa ”phên dại”, cửa này cũng  có cấu tạo bằng khung gỗ  hình chữ nhật đứng, có khổ thường là khoảng (8tấc x 1,6 m), có các thanh ngang cho chắc. Người ta chẻ tre, vót kỹ rồi gài vào  các thanh ngang của khung này cho kín  sịt sẽ có   một tấm cửa phênh dại  bằng phẳng và kín đáo . Những ngày giỗ kỵ hoặc cưới hỏi, người ta dễ dàng tháo rời từng tấm cửa cho rộng rãi  và tận dụng kê  làm  bàn ăn hoặc giường nghỉ thật tiện lợi. 

Lối kết cấu cửa ngõ của nhà lá mái cũng thể hiện tính cách của chủ gia là sống khép kín, “đóng cửa bảo nhau”, không muốn “chuyện trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường.” Cửa của nhà lá mái ở Bình Định  thường thấp, bậc lại cao, đặc biệt là cửa đi lên  gian nhà trên, nơi  có bàn thờ. Theo các cụ già  giải thích  thì cần bố trí  cửa như thế  để nhắc nhở mọi người  khi bước vào gian thờ tự phải cúi đầu, mọi động tác phải khoan thai, cung kính.

Ngoài việc chạm khắc sinh động, trình độ của thợ làm nhà lá mái sẽ được bộc lộ ở khâu xoi đục các ngàm miệng. Những ngàm miệng này  vừa đẹp vừa chắc, lại rất khít khao. Nhiều chủ nhà đã  thử bằng cách đổ nước vào chỗ lắp ghép, lúc tháo ra nếu phần lỗ mộng bên trong vẫn khô là đạt yêu cầu.  Trong việc dựng nhà lá mái, quan trọng nhất là gác đòn dông. Lễ gác đòn dông  thường tiến hành vào đêm khuya để tránh người ta “dòm ngó “, nhất là đàn bà chửa. Luận về cách chọn ngày giờ để gác đòn dông, dân gian Bình Định có bài thơ: Kinh Dịch luận gác đòn dông Giờ Tí, giờ Sửu: Phước hồng trời ban. Khi đòn dông gác lên phải dán một lá bùa và treo một bát quái bằng gỗ để cầu an, trừ tà. Gỗ làm đòn dông phải là cây  thẳng, tròn, không bị sâu mọt. Khi gác đòn dông, bao giờ đầu ngọn cũng phải nằm bên tay  phải của ngôi nhà.

Nhà lá mái ở Bình Định  thường  có từ 12 đến 16 cây cột  lớn trồng thẳng xuống đất theo bốn hàng, mỗi hàng bốn cây, bao gồm: Hàng cột cái (cao và to nhất) rồi đến hàng cột con, hoặc cột nhì, cột ba nhỏ và thấp hơn. Riêng bốn cây  cột ở giữa cao  từ 3,5m  đến 4m, còn các cây cột bên ngoài  giảm đều xuống từ  2 đến 3m. Đoạn tiếp giữa các đầu cột  với các cây xiên, trính đều có chạm  trổ hình con lân, qui, hoặc nho sóc  rất công phu. Xiên là cây  đặt từ đầu cột này sang đầu cột kia theo chiều dọc ngôi nhà. Trính  là cây  đặt từ  đầu cột này sang đầu cột kia theo chiều ngang của ngôi nhà.Ở Bình Định, cây xiên thường bào có cạnh lục giác, chạy rãnh nổi, hoặc chạm hoa văn rất đẹp; còn cây trính (để đỡ trụ lỏng) thì được đẽo bằng một khúc gỗ rất to, dáng  cong hình vòm, và cũng được chạm trổ hoa văn, sống  nổi , uốn lượn  dọc theo thân cây. Khi đầu cột có chạm trổ thì đầu kèo cũng chạm trổ cho cân xứng. Các cây trính, xiên dùng gỗ vuông thì  ở cạnh có chạy chỉ  và những gờ, rãnh  dọc chiều dài cho đẹp. Ngoài các cột đứng còn có các trụ lỏng; tuỳ theo nhà mà có trụ lỏng cối, trụ lỏng ba lá hoặc trụ lỏng  chữ lập. Trong nhà lá mái, trụ lỏng  và xiên, trính là  các  điểm trang trí  quan trọng. Khách đến thường  nhìn lên trần và thấy ngay trụ lỏng, cũng như trính, xiên… cho nên trụ lỏng không  chỉ là cây gỗ thẳng đơn thuần mà  còn được trang trí  dưới nhiều hình thức. Điều đặc biệt ở  nhà lá mái là nơi giáp khớp, ngàm, người ta không dùng đinh như ngày nay mà  khoan lỗ, đóng những con sẻ  bằng tre đực già  thay đinh  giữ  chặt, vì thế khi chạm trổ không đụng đến lưỡi bạc, chàng, hoặc cưa đục của thợ mộc.

Nhà  lá  mái thường xoay mặt vào hướng  Nam. Và nhà nào cũng đều có vườn cây ở chung quanh và sân ở phía trước, rồi  hàng rào ở 4 bên. Ngõ ra vào trổ trước nhà. Có nhà trổ thêm ngõ sau. Và ngõ sau cũng như ngõ trước đều trổ xiên một bên, chứ không bao giờ trổ ngay ở giữa. Ngõ trước nếu vì phương hướng phải trổ ở giữa, thì đường vào nhà cũng phải chạy né một bên, hoặc quanh co như ất tự: Đường đi,  nước chảy chớ cho ngay; Hai bên thềm uyển như ất tự; Gia nội an khương, tự nhiên hưng. 

Từ cách bố trí cửa, ngõ, sân, vườn như trên, đã tạo nên sự hài hoà giữa thiên nhiên và kiến trúc. Sống trong nhà lá mái, tuy kín nhưng không bí, thấp mà không ẩm, con người  dễ giao hoà với thiên nhiên cây cỏ nên thường sống thanh bạch, đậm nhân văn và có cốt cách văn hoá cao. 

Nhà lá mái – Di sản kiến trúc văn hoá cần được bảo tồn

Là một loại hình kiến trúc dân gian nổi bật ở Bình Định. Tuy nhiên, nhận diện hiện trạng của di sản nhà lá mái và định hướng trong công tác bảo tồn vẫn là những vấn đề đang đặt ra hiện nay. Hàng trăm ngôi nhà lá mái hiện còn sót lại trên đất Bình Định là một di sản quý báu của kiến trúc truyền thống.

Từ năm 2001 đến 2003, Hội Kiến trúc sư Bình Định thực hiện đề tài Nghiên cứu kiến trúc truyền thống Bình Định góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong kiến trúc hiện đại. Đây là công trình nghiên cứu nhiều ý nghĩa đối với nền kiến trúc hiện đại mang bản sắc Việt Nam.  Đợt điều tra lần 1 về nhà ở truyền thống Bình Định do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin) phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tiến hành năm 2004 đã thống kê, lập biểu mẫu được 350 nhà. Trong đó, có 35 nhà được chọn ra và lập hồ sơ chi tiết vào đợt 2. Con số đó cho thấy, số lượng nhà lá mái hiện tồn ở Bình Định không nhỏ.


Tuy hoàn toàn làm bằng gỗ, nhưng nhà lá mái là một loại hình kiến trúc khá bền vững, nhiều nhà do bị cháy phần mái, hoặc vì điều kiện phải di dời, người ta tháo rời các mộng bằng gỗ, cắt các vòng mây buộc  rồi  dỡ từng cây cột, kèo, trính để dựng nhà  khác.   


Quy mô nhà lá mái xưa là thế, nhưng hiện nay cả tỉnh chỉ còn vài nhà cổ lợp tranh, lợp rạ đã bị hư hỏng nặng, hàng trăm nhà lá mái khác được thay thế mái lá bằng mái ngói hoặc mái tôn. Một số ít nhà còn giữ được nhà cổng, thủ kỳ, khu vực nhà cầu - nhà đông - nhà bếp và sân nhỏ, nhưng vách mầm trỉ trét đất thay bằng gạch. Một số nhà còn giữ được vách trét đất của nhà chính lại không giữ được các nhà phụ. Có vài nhà để chống mối không những thay vách mầm trỉ trét đất bằng gạch mà còn tháo dỡ cả mái đất chỉ để lại lớp trần sìa tre hoặc ván lát. Do nhiều lý do khách quan buộc các gia chủ phải thu dần các kiến trúc phụ của nhà lá mái để tiện bảo quản, nghĩa là phải chấp nhận tháo dỡ các nhà phụ bị hư hỏng để tập trung đầu tư gìn giữ nhà chính. Đa phần nhà lá mái Bình Định hiện nay chỉ còn giữ lại 3 gian, 2 chái. Có nhà còn giữ đủ 3 gian nhưng thiếu một chái tây hoặc thiếu cả hai chái đông và tây. Một số nhà vẫn giữ nguyên khung gỗ nhưng lại thay trần sìa lá mái bằng trần bằng hoặc chỉ giữ lại các vì kèo, án thờ, bạo xổ để gọi là giữ lại "nếp gỗ" của ông bà.

Từ năm 2002, sau khi Chính phủ ban hành Luật Di sản văn hóa, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đã được nâng cao, những ngôi nhà lá mái cũng được gìn giữ và bảo quản tốt hơn. Thế nhưng cho đến hiện nay, nhà lá mái Bình Định vẫn còn là một loại hình di sản văn hóa còn ít được quan tâm và có nguy cơ huỷ hoại do quá trình đô thị hóa và gánh nặng thời gian. Có lẽ đã đến lúc cần có một chủ trương chính sách trong việc bảo tồn nhà lá mái, một đặc trưng văn hóa truyền thống của Bình Định được thể hiện qua không gian quy hạch kiến trúc.
 
Theo Cinet.VN
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)