Kiến trúc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập phát triển

Thứ ba, 09/02/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình hình kiến trúc đô thị  thành phố trong thời gian quaThập niên vừa qua, đặc biệt là nửa cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, TP.HCM chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế nạnh mẽ, những biến đổi sâu sắc trong xã hội và những chuyển động nhiều chiều của kiến trúc đô thị.

Đó là chiều mở rộng của đô thị hoá vươn ra các khu vực ngoại vi thành phố với nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư mới cũng như khu công nghiệp, khu công nghệ – kỹ thuật cao... Sự thay đổi về dân số kéo theo các đô thị mới được hình thành. Nhiều vùng ven nội thành (Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh...) và ngoại thành là khu vực có quỹ đất dành cho sự phát triển, mở rộng đô thị cũng dần trở thành những đô thị mới (Nam Sài Gòn, Bắc Nhà Bè...) như một xu thế tất yếu để giải quyết nhà ở cho quá trình đô thị hoá của thành phố.

Là chiều thẳng đứng của các công trình cao ốc đang không ngừng mọc thẳng lên ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố: từ khu vực trung tâm (tập trung quận 1, quận 3), ra đến một số quận mới (quận 7, quận 9...), hay xen cài trong một số quận nội thành cũ (quận 4, quận Phú Nhuận, Bình Thạnh...).

Là chiều tăng trưởng thương mại của kiến trúc gắn với thị trường bất động sản với nhiều công trình văn phòng, căn hộ cao cấp, khách sạn...

Đó còn là chiều muôn hình muôn vẻ của kiến trúc nhà ở – mảng kiến trúc quan trọng của đô thị – từ những nhà ở cao tầng mọc lên với chất lượng không gian sống được nâng cao: quy hoạch với không gian mở, thảm xanh, mặt nước, các tiện ích cộng đồng như trường mầm non, chăm sóc y tế; thiết kế nội thất căn hộ phong phú, thong thoáng chiếu sáng tự nhiên, phù hợp khí hậu và tập quán sinh hoạt người Việt; đến nhà ở riêng lẻ trong những năm gần đây lại được người dân chăm chút, trao đổi với kiến trúc sư để đem lại những không gian sống phù hợp nếp nhà, những hình khối và mặt dựng phong phú đóng góp vào sắc thái phố thị.

Dù trong một số khía cạnh còn băn khoăn (về môi trường, xã hội..), các dự án công trình trong thời gian qua đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị ở nhiều khu vực: từ các công trình mới mọc trên nền các “vùng lõm đô thị”xuống cấp ngay trong khu vực trung tâm thành phố cho đến các khu dân cư, khu đô thị mới dần hình thành ở các khu vực mới thập niên trước còn là vùng ven, vùng xa của thành phố  (như các quận, huyện phía Đông, phía Nam thành phố ).

Kiến trúc đô thị thành phố cũng không đứng bên lề những vấn đề đô thị đang đối mặt. Biến đổi khí hậu đã không còn xa xôi như một vấn đề toàn cầu, nó đã bắt đầu tác động trực tiếp đến đời sống người dân đô thị như ngập lụt, thời tiết bất thường.... Nhìn chung, với điều kiện hiện trạng và phát triển thành phố , kiến trúc đô thị thành phố  chưa quan tâm nhiều việc thích ứng biến đổi khí hậu: nhiều đô thị mới vẫn chưa phát triển với mô hình tói ưu điều kiện tự nhiên, kênh rạch vẫn còn bị san lấp mà chưa đảm bảo các giải pháp quản lý nước thay thế, nhiều công trình cao ốc vẫn chưa sử dụng vỏ bao che thích hợp điều kiện khí hậu nắng nóng... Tuy nhiên, gần đây đã bắt đầu có những sáng kiến tích cực: kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng được áp dụng trong một số thiết kế công trình mới; vỉa hè, công viên, quảng trường bắt đầu được quan tâm thiết kế giảm thiểu việc bê tông hoá bề mặt, tăng cường mảng xanh, đất thấm nước (các vỉa hè xanh đang được thi công trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn...). Những thực hành mới này một mặt góp phần vào khả năng thích ứng của thành phố  với các vấn đề môi trường, mặt khác cũng đóng góp vào diện mạo không gian cảnh quan kiến trúc đô thị.

Những đóng góp của kiến trúc sư thành phố trong phát triển kiến trúc đô thị

Có thể nói kiến trúc sư luôn đồng hành với quá trình phát triển đô thị. Không kể một bộ phận nhà ở riêng lẻ do dân tự thiết kế xây dựng (thực chất cũng là học tập theo một mẫu thiết kế trước đấy), kiến trúc đô thị chủ yêu thành hình qua khối óc và bàn tay của các kiến trúc sư.

Tuy thời gian qua chưa đủ dài để đô thị kịp hiện thực đầy đủ các thiết kế của Kiến trúc sư thành phố, một số công trình lớn đã góp mặt vào bộ mặt kiến trúc đô thị đang biến đổi từng ngày. Đó là một số công trình mới xen cài trong trung tâm thành phố như Toà nhà văn phòng Bitexco trên đường Nguyễn Huệ, toà nhà làm việc mới của Kho bạc Nhà nước TP. HCM với hình khối kiến trúc theo phong cách đương đại, đơn giản và trong suốt đóng vai trò như hậu cảnh của toà nhà kho bạc hiện nay với kiến trúc cổ điển bảo tồn; hay các khu nhà ở, chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng (như khu phố Thuận Việt, Cụm chung cư đường Lý Thường Kiệt, cao ốc văn phòng Sacombank đường Nguyễn Văn Trỗi...) ở các quận nội thành khác như quận 4, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình... Cho đến các quận mới, quận ven như quận 7, quận Tân Phú...

Ở góc nhìn nhỏ hơn, không thể không nhận ra đây đó những công trình kiến trúc thú vị, từ những nhà liền kề, nhà biệt thự... trên đường phố hay tận trong hẻm nhỏ với hình khối giản dị, hiện đại nhưng phù hợp khí hậu nắng nóng mưa nhiều với cấu trúc bao che vừa rất quốc tế vừa rất địa phương, cho đến những shop nhãn hiệu đẳng cấp, những nhà hàng, quán cafe đầy ắp cây xanh và hoa hay rực rõ nhiều màu sắc sinh động. Và không chỉ có công trình xây dựng mới, nhiều công trình cũ như biệt thự, chung cư cũ... đã được tái sinh với diện mạo và không gian mới, có khi lại đảm đương chức năng mới như trụ sở văn phòng, hay cả nhà trẻ, spa...

Mặc dù vậy, các dự án lớn ở thành phố, đặc biệt là các dự án đầu tư thương mại và công trình cao ốc, khu phức hợp... thường do các đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện thiết kế kiến trúc. Tuy nhiên, thực tế trong suốt quá trình thiết kế thì phía đơn vị tư vấn nước ngoài chủ yếu cung cấp ý tưởng, kết hợp với đơn vị tư vấn trong nước triển khai chi tiết và tổ chức giám sát tác giả. Rõ ràng là sự kết hợp này cũng tạo điều kiện để các kiến trúc sư trong nước làm việc với anh em đồng nghiệp từ các nước tiên tiến hơn, có dịp trao đổi học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là đối với một số loại công trình mới xuất hiện trong nước. Ngược lại, với kinh nghiệm và sự hiểu biết về tình hình xây dựng tại địa phương, các kiến trúc sư trong nước cũng giúp các đồng nghiệp nước ngoài trong việc hoàn chỉnh thiết kế theo hướng phù hợp nhất, khả thi nhất với đặc điểm thành phố.

Gần đây, nhiều đơn vị tư vấn trong nước đã tham gia các cuộc thi tuyển kiến trúc (cùng với các đơn vị nước ngoài tham gia) và một số đã giành được giải cao – thậm chí cao hơn cả các đơn vị nước ngoài. Điều này cũng cho thấy kiến trúc trong nước hoàn toàn không thua kém các đồng nghiệp nước ngoài về ý tưởng. Ấy vậy mà trong việc lựa chọn nhà thiết kế cho các dự án lớn, các kiến trúc sư trong nước thường vẫn “thua”. Cũng có phần hợp lý khi chúng ta còn thua kém ở bộ máy tổ chức công việc, cách thức và điều kiện làm việc, chưa có kinh nghiệm liên kết hợp tác, ít nối kết trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị, vật liệu... Nhưng có nhiều trường hợp “thua” là do tình trạng... chủ đầu tư Việt “chuộng ngoại” dẫn tới thích và lựa chọn một số thiết kế ngoại mà không nhận ra cái tình, cái lý có thể có trong một bản thiết kế nội khác.

Trong bối cảnh đó, một bộ phận giới kiến trúc sư trong nước đã không ngừng tìm tòi phát huy sức sáng tạo để khẳng định mình. Bên cạnh một số kiến trúc sư thành danh vững vàng trong nước và một số kiến trúc sư người Việt trở về từ nước ngoài để hoạt động trong nước, nhiều kiến trúc sư trẻ một mặt nâng cao kiến thức nghề nghiệp kết hợp giữa xu hướng thế giới và thực tế bản địa, một mặt từng bước chuyên nghiệp hoá cách thức hành nghề, tổ chức triển khai công việc theo mạng lưới liên kết, phối hợp.

Vai trò của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố

Do UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP cùng phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc giữ vai trò tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong việc xem xét các vấn đề kiến trúc đô thị quan trọng: định hướng phát triển không gian kiến trúc một số trục đường, ô phố đặc thù (như trục Đại Lộ Lê Duẩn, 4 ô phố trước Dinh Thống Nhất, các ô phố kêu gọi đầu tư có vị trí và quy mô đặc biệt...), các dự án có tính chất đặc biệt như các công trình có quy mô lớn, cao tầng, toạ lạc ở khu vực cần lưu ý về không gian – cảnh quan như khu trung tâm thành phố, gần công trình bảo tồn... mọt số dạng công trình mới,chưa có tiền lệ trên địa bàn thành phố như bãi đỗ xe ngầm, tuyến và ga metro...

Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP có thành viên thường trực bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan các vấn đề đô thị như lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường... đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Phát triển TP và Viện Quy hoạch Xây dựng trực thuộc, đại diện lãnh đạo Hội kiến trúc sư TP, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP, cùng với một số chuyên gia đầu ngành về đô thị; ngoài ra đối với từng trường hợp Hội đồng mời thêm đại diện về phía địa phương, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn để lắng nghe thông tin cụ thể.

Thành phần, thành viên mang tính đa phương, đa ngành như trên giúp cho việc xem xét các vấn đề đất của Hội đồng có sự đối chiếu, rà soát, đánh giá nhiều chiều, trên nhiều khía cạnh của đô thị như sử dụng đất, không gian, môi trường, xã hội... Có thể nói Hội đồng trở thành một kênh đối thoại trực tiếp giữa đại diện phía quản lý nhà nước thành phố và địa phương, các chuyên gia với phía các nhà đầu tư, các kiến trúc sư. Nhiều vấn đề qua đó mà đã trở nên rõ ràng hơn, hạn chế được một số tác động tiêu cực, phát huy được các mặt tích cực. Một mặt nào đó, Hội đồng đóng vai trò tham mưu cho thành phố trong việc cân bằng lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư đối với mọt số dự án đầu tư quan trọng,nhờ đó tạo điều kiện hiện thực hoá những công trình kiến trúc mới cho thành phố.

Tuy nhiên, một hạn chế của hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch TP hiện nay là trong thành phần còn ít thành viên là kiến trúc sư đang hành nghề, đặc biệt là kiến trúc sư trẻ có năng lực và hoạt động nghề năng động. Do đó, trong sự nhận định của Hội đồng phần nào còn chưa phản ánh đầy đủ góc nhìn của anh em kiến trúc sư đối với những vấn đề thực tế trên thành phố. Sắp tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng Hội đồng, quy tụ được thêm những kinh nghiệm và chuyên môn thực tế của giới hành nghề kiến trúc sư, Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP sẽ kiến nghị với UBND thành phố mời thêm các kiến trúc sư đang hành nghề sáng tác và phê bình – lý luận vào thành phần Hội đồng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong thời gian qua, kiến trúc đô thị thành phố cũng còn một số vấn đề cần quan tâm.

Trên địa bàn thành phố chưa định hình rõ các mảng, tuyến cảnh quan đặc trưng như mảng cao tầng, tuyến phố, mảng biệt thự.... Một số khu vực còn nhạt nhoà đi bản sắc vốn có: khu biệt thự quận 3 đang mất dần những khuôn viên biệt thự Pháp do tình trạng chia tách biệt thự cho nhiều hộ cư trú, công trình cũ xuống cấp bị cơi nới, biến dạng hay tháo dỡ để xây dựng lại công trình khác; hay những dãy phố người Hoa ở khu vực Chợ Lớn quận 5, quận 6 bắt đầu đan xen những nhà phố xây mới hoặc công trình cao tầng với kiến trúc chưa thực sự phù hợp...

Tình trạng mất dần không gian kiến trúc đô thị đặc thù này cũng gắn liền với vấn đề bảo tồn không gian kiến trúc hiện chưa được nghiên cứu và pháp lý hoá một cách hệ thống: thành phố chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý về các công trình bảo tồn và những quy định, hướng dẫn liên quan việc sửa chữa, xây dựng đối với địa điểm công trình bảo tồn cũng như khu vực xung quanh có thể có ảnh hưởng đến công trình bảo tồn.

Trên góc độ không gian đô thị gắn với đặc điểm tự nhiên, trên địa bàn thành phố chưa nhận dạng được những bản sắc đô thị dặc trưng cho mỗi loại khu vực với điều kiện tự nhiên khác nhau, dù cho thực tế các khu dân cư, khu đô thị mới được phát triển trên nhiều loại từ nơi đất tốt, cao,ít kênh rạch, cho đến nơi đất xấu, thấp, kênh rạch chằng chịt... Mạng đường và cấu trúc hạ tầng đô thị tương tự nhau, hình thái đô thị na ná nhau với các ô phố, mảng xanh và công trình đặt ở bất cứ khu vực nào cũng được.

Một vấn đề khác, cũng phải nhìn nhận là kiến trúc các công trình hạ tầng đô thị ở thành phố – bên cạnh một số thành tựu nổi bật như Cầu Phú Mỹ, Đại lộ Nguyễn Văn linh, Đại lộ Đông Tây... nhìn chung còn chưa thực sự đáp ứng trọn vẹn các tiêu chí về cảnh quan thẩm mỹ đô thị. Một số công trình cầu, đường, kể cả công viên đô thị. còn thể hiện sự lúng túng về chủ thể thiết kế, cách xử lý lựa chọn vật liệu ốp lát... Có hai trạng thái thường gặp: hoặc công trình được thiết kế sơ sài, thiếu quan tâm đến khía cạnh thẩm mỹ kiến trúc; hoặc công trình quá câu nệ vào hình thức một cách không phù hợp, dân đến thiết kế rối rắm, nhiều chi tiết thừa, vật liệu sử dụng không cần thiết và không đúng chỗ, có khi ảnh hưởng cả đến việc công năng và an toàn sử dụng hay duy tu bảo dưỡng công trình. Thực tế là trong sự thành hình các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện nay còn rất thiếu vắng bàn tay của kiến trúc sư. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị, đặc biệt là cầu trong khu vực trung tâm, được quan tâm thiết kế như một công trình kiến trúc tiêu biểu cho thành phố. Vẻ đẹp này được thể hiện ở nhiều góc độ: kiểu dáng của cầu, kiểu dáng lan can, kiểu dáng đèn, cách chiếu sáng trên cầu hoặc thậm chí là những bức phù điêu gắn ở hai bên thân cầu... Tất cả những giải pháp đó được chọn lọc theo một chủ đề thống nhất, phù hợp vị trí đặt để và những tiêu chí từ thẩm mỹ đô thị đến công năng sử dụng.

Là điểm hội tụ của nhiều luồng văn hoá, trong một thời kỳ đô thị chuyển động mạnh mẽ, nên TP.HCM là một đô thị nhiều màu sắc, sống động trẻ trung và tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, trong khi dáng dấp đô thị cũ mất dần đi – tuy chưa nhiều và quá nhanh – thì phần đô thị mới cấy xen vào đây đó chưa thực sự có cùng ngôn ngữ. Bố cục không gian tầng cao chưa có hệ thống trên toàn thành phố; có sự khập khiễng về khoảng lùi các công trình trên cùng tuyến phố. Nhìn chung kiến trúc thành phố có phần hỗn loạn, thiếu trật tự và thiếu sự sắp xếp bài bản, thiếu tổ chức một cách tổng thể hài hoà đồng bộ, nên chưa tạo được hình bóng của một đô thị văn minh, hiện đại. Nếu đặt các công trình xây dựng mới cạnh nhau sẽ như những nốt nhạc khó tạo thành hợp âm, chứ đừng nói đến giai điệu. Gần như chưa thể nhận dạng được kiến trúc Việt Nam đương đại trong đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Một số suy nghĩ về phương hướng phát triển không gian kiến trúc

Dưới góc độ của Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP, qua việc nhận định trạng kiến trúc đô thị và tình hình hành nghề của anh em kiến trúc sư tại thành phố thực trong thời gian qua, một số phương hướng có thể nêu ra để cùng nhau thảo luận như sau:

Cần có các quy chế để hình thành khung pháp lý về quản lý phát triển không gian kiến trúc đô thị; các quy định, quy chế không nên cứng nhắc mà chủ yếu là các định hướng, yêu cầu và tiêu chí để hướng dẫn thiết kế. Việc hình thành khung pháp lý một cách công khai, rõ ràng cũng giúp cho nhà đầu tư, nhà thiết kế chủ động trong việc hoạch định kế hoạch, dự án; đồng thời góp phần điều tiết thị trường bất động sản theo đúng định hướng phát triển đô thị của thành phố.

Một nội dung quan trọng đối với khung pháp lý vừa nêu là định hình những đặc trưng đô thị thành phố. Ở các nội dung chính: (i) cấu trúc đô thị (hình thái đô thị, mạng đường...) phù hợp đặc điểm tự nhiên (đất đai, địa hình, thuỷ văn) và văn hoá - xã hội; (ii) cảnh quan kiến trúc đặc thù (tuyến phố, mua bán, mảng biệt thự, khu phức hợp cao tầng...); (iii) không gian công cộng (gắn kết với công trình công cộng, khu phức hợp... ở quy mô lớn với công trình  công cộng, khu phức hợp... ở quy mô lớn cho đến các khu ở, xóm nhà...ở quy mô nhỏ). Thực ra trước đây cũng đã có nhiều chương trình nghiên cứu, đề xuất về nội dung này, nhưng chưa có một đầu mối tổng hợp, rà soát một cách khoa học phù hợp định hướng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung thành phố và thực tiễn phát triển đô thị. Ngoài ra, tình trạng chưa được pháp lý hoá dẫn đến khó khăn, lỏng lẻo trong việc thực thi những kết quả nghiên cứu trong các đồ án quy hoạch pháp lý.

Riêng đối với thể loại công trình phúc lợi xã hội như công viên  - tượng đài và công trình hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, bến cảng..., rõ ràng là cần có nhận thức và cơ chế để đẩy mạnh sự tham gia của kiến trúc sư trong việc quy hoạch – thiết kế các loại công trình trên. Tượng đài đẹp trước hết phải được đặt trong bối cảnh không gian phù hợp, có tỷ lệ tương xứng với tầm vóc tượng đài, có sự tương tác hợp lý giữa các công trình trong khu vực, giữa người dân với tượng đài. Cũng như thế, một công viên đẹp không chỉ cần có cây xanh, đường dạo... mà quan trọng hơn, là chủ đề thiết kế công viên phù hợp vị trí, không gian quy hoạch, là giải pháp thiết kế tạo điều kiện cho các hoạt động hưởng dụng công viên. Một cây cầu trong trung tâm đô thị không chỉ có chức năng giao thông, mà còn đảm nhận những chức năng khác như không gian công cộng, điểm nhấn công trình đô thị. Rất cần sự tham gia xuyên suốt của kiến trúc sư trong quá trình thực hiện các dự án kể trên.

Cần có nhận thức chung và những hành động cụ thể để giảm dần sự thiếu bình đẳng như tư tưởng “chuộng ngoại”, thiết kế phí quá chênh lệch giữa tư vấn nước ngoài và trong nước, tạo điều kiện hơn nữa cho các kiến trúc sư trong nước tham gia thiết kế các dự án, công trình trong và ngoài nước, có thể qua việc tổ chức các cuộc thi tuyển kiến trúc quốc tế rộng rãi; đồng thời  kiến trúc sư trong nước hoàn toàn có thể cộng tác với các đối tác nước ngoài để nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực tổ chức công việc, đảm đương yêu cầu của các dự án.

Về phía các đơn vị tư vấn trong nước, cần có chiến lược hoạt động thích ứng với yêu cầu của thị trường hiện nay với mức độ cạnh tranh rất cao. Hành nghề tư vấn kiến trúc ngày nay không chỉ có cá nhân, có tài năng chuyên môn giỏi là đủ, mà cần có đội ngũ mạnh, hiểu biết pháp luật, thông lệ kinh doanh không chỉ trong nước mà cả quốc tế, có sự liên danh liên kết hợp tác (trong và ngoài nước) để đáp ứng tầm vóc và quy mô ngày càng lớn của công việc.

 

  Nguồn: Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng, số  12/2009.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)