Tổng quan
Theo một nghiên cứu của Issac Boetangm giáo sư Đại học Portsmouth của Anh quốc năm 2009 về sự ảnh hưởng tiềm tàng từ biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tại khu vực châu Á chịu nhiều rủi ro từ ảnh hưởng này và hậu quả chính là mực nước biển dâng cao trong những thập niên tới. Tuy không phải là khu vực rủi ro nhất tại Việt Nam như đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam va châu thổ sông Hồng ở miền Bắc, nhưng Ninh Thuận, một tỉnh ven biển thuộc vùng vùng duyên hải Nam Trung Bộ với dân cư và các hoạt động nông nghiệp đa số tập trung tại các lưu vực sông, cửa sông, ven biển nên tổn thất sẽ là rất lớn khi thiên tai xảy ra. Trong thực tế hiện nay, Ninh Thuận đã phải hứng chịu hai hình thức thiên tai khắc nghiệt là hạn hán và lũ. Thêm nữa, các ảnh hưởng khí hậu như các hiện tượng sóng và thuỷ triều, bão lớn, lốc xoáy, lượng mưa tăng, cường độ ngày càng mạnh đều làm gia tăng gió mùa và các đợt lũ đột biến khó dự báo và kiểm soát. Giải pháp tổng thể về quy hoạch không gian và thiết kế đô thị thích ứng với thiên nhiên là một giải pháp cần thiết cho một Ninh Thuận hướng tới phát triển bền vững.
Ninh Thuận và các hiện tượng thiên tai
Theo một báo cáo khoa học của Viện Khoa học và thuỷ lợi miền Nam, Ninh Thuận là một tỉnh phải hứng chịu hạn hán khắc nghiệt nhất vào mùa kho tại Việt Nam và cũng là khu vực mà lũ hoành hành dữ dội nhất vào mùa mưa. Thật mâu thuẫn, nước vừa là yếu tố người dân Ninh Thuận cần, cũng là yếu tố mà họ sợ, Một câu hỏi đầy thử thách đặt ra là làm sao để điều tiết vừa giữ nước vào mùa lũ để người dân vẫn có thể tồn tại và vực dậy sau lũ, đồng thời giữ nước lại cho đất, cho trồng trọt và chăn nuôi vào mùa mưa?
Nguyên nhân- hậu quả
Hạn hán
Theo số liệu trong các báo cáo khoa học, Ninh Thuận bị bao bọc bởi các núi cao từ 1.200- 2.000m, chiếm 63,2% diện tích tự nhiên, các dãy núi này vô hình trung tạo thành một vòng cung chắn gió từ phía Bắc đến phía Tây và Tây Nam. Trong khi đó, gió mùa đông Bắc (tháng 9 đến tháng 2 năm sau) mang lại lượng mưa chủ yếu trong năm lại bị các dãy núi cao ở phía Bắc chắn lại làm giảm đáng kể lượng mưa vào mùa mưa. Vào mùa gió Tây Nam (tháng 4 đến tháng 8) thường mang lại lượng mưa đáng kể cho mùa khô, cũng bị các dãy núi cao ở phía Nam chặn lại. Thêm vào đó, lượng bốc hơi tiềm năng tại địa phương này lại cao gấp 2,6 lần lượng mưa trung bình năm (1,860 và 720mm) tạo ra sự khan hiếm nước cực độ. Điều đáng lưu ý là toàn bộ lượng nước mưa ít ỏi này lại phí phạm đổ thẳng ra biển. Chưa hết, tốc độ gió cao làm cát bay, cát nhảy cũng là điều kiện làm đất đai bị hoang mạc hoá nhanh chóng. Hệ thống thuỷ lợi được thiết kế thiếu tính tổng thể, liên hệ vùng nên không thể đảm bảo đủ cho các hoạt động nông nghiệp, mặc dù cho tới thời điểm này chính quyền tỉnh đã xây dựng hơn 30 hồ, đập với công suất 127 triệu m3 và dự kiến tiếp tục xây dựng để đạt 350 triệu m3 trong tương lai.
Thiếu nước, bốc hơi nhanh, số giờ nắng cao, tốc độ gió cao, quy hoạch không tốt nên hạn hạn xảy ra vào mùa khô là điều không thể tránh khỏi cho Ninh Thuận.
Lũ lụt
Bên cạnh sự khó khăn của hạn hán vào mùa khô, Ninh Thuận còn bị hoàng hành bởi lũ vào mùa mưa.
Theo số liệu của trung tâm khí tượng thuỷ văn Ninh Thuận, mặc dù chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới, Ninh Thuận phải gánh chịu trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 1- 2 cơn bão áp thấp nhiệt đới trung bình hàng năm, tập trung chủ yếu vào các tháng cuối mùa bão (từ tháng 10 trở đi). Đỉnh lũ cao nhất dự báo năm 2013 ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình năm ngoái. Đỉnh lũ xảy ra trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận xảy ra trên mức báo động 3 từ 0,5- 1,5m. Số lượng trận lũ xảy ra trong năm 2013 ở mức xấp xỉ đến cao hơn số lượng trung bình năm ngoái, từ 11- 13 trận lũ. Trong đó, số trận lũ trên mức báo độong 3, từ 2- 4 trận. Bão số 1 và áp thấp nhiệt đới trong năm 2013 hoạt đọng rất sớm và trái mùa.
Phát triển đô thị
Ngoài các nguyên nhân khách quan do điều kiện tự nhiên mang lại, các nguyên nhân chủ quan do chính con người tạo ra từ các hoạt động phát triển đô thị lẫn các hoạt động sản xuất liên quan cũng có tác động không nhỏ đến nguyên nhân của lũ.
Với tác động của con người đến môi trường tự nhiên từ nông thôn đến đô thị, lượng nước thoát nước mặt trực tiếp ra sông ngòi tăng một cách đáng kể, từ 30 đến 55%, khiến các con sông khó có khả năng dung chứa lưu lượng thoát vào các mùa mưa và lẽ dĩ nhiên. Lũ lụt là điều khó tránh khỏi. Giải pháp quy hoạch và thiết kế đô thị cho một đô thị sông rạch, đặc biệt khu vực ven biển càng phải lưu tâm hơn nữa. Tiềm tàng một nguyên nhân nghiêm trọng hơn: hiệu ứng nhà kính/ biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao.
Một báo cáo năm 2001 của Ban biến đổi khí hậu đa quốc gia (PCC) đã cho rằng việc tiêu thụ nguyên liệu thiên nhiên và các hoạt động khác của loài người chiếm đến 90% việc đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Với báo cáo mới đây, nhiệt độ trung bình của trái đất vào năm 2010 sẽ có khả năng tăng từ 1,10 C đến 6,40 C . Việc nhiệt độ trái đất tăng dần đã dẫn đến một giả thuyết rằng mực nước biển sẽ dâng lên do các đảo băng ở Nam Cực tan chảy. Điều này sẽ đe doạ các khu vực dân cư ven biển và các quốc gia là đảo nhỏ rất nhiều. Với Việt Nam- một quốc gia tiếp giáp biển với chiều dài lên đến trên 3.000 km thì sự đe doạ cũng là một thách thức lớn cho chính quyền và cộng đồng.
Theo nghiên cứu của McGranahan- Viện nghiên cứu quốc tế về phát triển và môi trường tại Luôn Đôn, 1/10 dân số trên thế giới, bao gồm 1/8 dân số đô thị hiện đang sống trong khu vực chỉ cao hơn mực nước biển 10m- vùng được cho là khu vực rủi ro về lũ lụt và bão ngày càng mạnh hơn do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu cũng có thể dẫn đến việc xảy ra các bão áp thấp nhiệt đới và lốc xoáy thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn trong thế kỷ 21 này. Lượng mưa cũng sẽ thay đổi lớn vào năm 2100 tại các khu vực khác nhau, có nơi mưa và tuyết tăng đến 20%, nhưng có nơi lại giảm đi. Một sự biến đổi không chỉ làm cho người dân phải vật lộn sinh tồn mà còn bị ảnh hưởng đến lao động sản xuất, đặc biệt là các quốc gia làm nông nghiệp.
Khó khăn gấp đôi
Cũng theo McGranahan thì rủi ro sẽ tăng gấp đôi tại các khu vực dân cư ven biển. Trước tiên các khu vực này thường thu hút một số lượng lớn dân nhập cư do vị trí địa lý hấp dẫn. Ngoài ra, sự phát triển đô thị tại các khu vực này dang dân dần tàn phá môi trường tự nhiên, vốn là một công cụ giữ cho hệ sinh thái cân bằng hơn. Điều này dễ dàng nhận thấy một sự liên hệ với Ninh Thuận, dân số đô thị tăng trong vòng 7 năm qua, từ 123,700 người- 185.700 người, tốc độ phát triển đứng thứ 2 trong khu vực và chỉ sau Đà Nẵng. Điều đáng lưu ý là dân số làm nông nghiệp lại giảm nhẹ, vốn là một hình thức đáng được khuyến khích rất lớn để cân bằng hệ sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Một vấn đề quan trọng nữa là là đa phần dân cư lại tập trung tại khu vực 1, khu vực miền duyên hải miền duyên hải chịu nhiều ảnh hưởng của hạn hán và lũ lụt nhất trong tỉnh. Sự đô thị hoá nhanh chóng này đang đặt một áp lực lớn cho khu vực ven biển của Ninh Thuận.
Giải pháp sẽ đơn giản nếu chúng ta biết đâu là nguyên nhân cơ bản, đâu là nguyên tắc phát triển và đặc biệt, cần hiểu mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Cần có một giải pháp tổng thể cả về kinh tế, kỹ thuật lẫn môi trường cho Ninh Thuận.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin đưa ra định hướng đề xuất thuần tuý về kỹ thuật trong phạm vi quy hoạch không gian và thiết kế đô thị thích ứng với thiên nhiên:
- Quy hoạch không gian và thiết kế đô thị thích ứng với môi trường:
Ngay trong quy hoạch phát triển bền vững, cũng có nhiều giải pháp:
+ Giải pháp bảo vệ
+ Giải pháp giảm thiểu tác động
+ Giải pháp thích ứng với thiên nhiên:
- Quy hoạch không gian:
Trước đây, khi quá trình biến đổi khí haụa chưa thực sự gây hậu quả nghiêm trọng và nhận thức về nó cũng chưa cao, thì 2 giải pháp đầu thực sự được coi trọng, nó thể hiện một sự thách thức của tri thức nhân loại đối với thiên nhiên. Chinh phục thiên nhiên là niềm mơ ước của các khoa học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước sức tàn phá thảm khốc của thiên nhiên qua các thảm hạo như sóng thần tại Nhật Bản năm 2011 và bão Sandy tại Hoa Kỳ năm 2012, thì giải pháp quy hoạch thích ứng với thiên nhiên lại càng là lựa chọn phù hợp nhất để tránh những tổn thất không đáng có.
Quy hoạch không gian cần có sự phối hợp chặt chẽ với quy hoạch và quản lý nguồn nước trên diện rộng với Ninh Thuận để tránh các hoạt động thiếu hiệu qủa như hiện nay. Chính việc sử dụng đất thiếu quy hoạch, sản xuất nông nghiệp thiếu định hướng, nạn phá rừng tại đầu nguồn làm nương rẫy gây ô nhiễm nguồn nước, tốc độ đô thị hoá cao, chính là những nguyên nhân tác động mạnh hơn vào quá trình. Tất cả những việc quy hoạch, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên thiếu đồng bộ này càng làm cho diện tích hoang hoá ngày càng tăng lên, đồng thời làm cho những tổn thất vào mùa lũ là không thể lường trước.
- Thiết kế đô thị và các nguyên tác thiết kế thích ứng với môi trường:
Để tăng tính hiệu quả cho công tác quy hoạch, thiết kế đô thị thích ứng với môi trường cũng cần được đặt nặng trong giai đoạn thiết kế để xử lý không gian đô thị, sử dụng vật liệu cho môi trường đô thị, cân đối diện tích bề mặt tự nhiên cho không gian công cộng nhằm tránh hậu qủa thiên tai một cách hiệu qủa nhất, giữ cho độ thẩm thấu bề mặt tự nhiên cao nhất.
Để thiết kế thích ứng với thiên nhiên, để cộng đồng vẫn có thể tồn tại và vực dậy với khả năng tốt nhất sau các đợt thiên tai, cần bám sát các nguyên tắc:
+ Khả năng hấp thu và chống chọi với các cơn bão bằng cách xây dựng các vùng cách ly để bảo vệ các vùng lõi một cách tốt nhất.
+ Quy hoạch để có thể khuếch tán nước lũ, thu gom và đặc biệt nâng cao khả năng giữ lại nước.
+ Hồi phục chất bỏ dưỡng từ các chất thải dư thừa
+ Thiết kế để thực tế phải được điều chỉnh, đáp ứng một cách nhanh chóng với hoàn cảnh.
+ Tái tạo, tái sử dụng, tái sắp xếp một cách nhanh chóng sau các đợt thiên tai.
+ Thiết kế các bờ mềm một cách uyển chuyển tạo các ranh giới giữa đất và nước để thay bờ cứng.
Lời kết
Ai cũng có thể hiểu và nhìn nhận được rằng thiên nhiên đang ngày một khắc nghiệt hơn với chúng ta. Chúng ta không thể sống và tồn tại tách biệt hẳn với thiên nhiên và chiến đấu với nó, mà cần phải tìm cách sống hoà thuận với thiên nhiên để cuộc sống tốt hơn. Với một Ninh Thuận còn chịu nhiều thiệt thòi về các điều kiện tự nhiên thì việc định hướng phát triển để giảm thiểu các thiệt thòi đó là một việc làm cần thiết ngay. Trước tiên đó là việc rà soát lại định hướng quy hoạch tổng thể không gian trên toàn địa bàn tỉnh với sự xem xét hợp nhất các vấn đề như quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị trong tương lai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chính sách bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, quy hoạch thuỷ lợi trên diện rộng, sử dụng các nguồn nước một cách hợp lý nhằm dự trữ và bảo vệ vào mùa mưa lũ để cung cấp tưới tiêu cho mùa khô, tất cả là thực sự cần thiết cho một quy hoạch không gian thích ứng với môi trường.
Bên cạnh quy hoạch không gian bền vững, thiết kế đô thị bền vững cũng là một bước tạo ra sản phẩm nhằm phục vụ cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên hữu hiệu. Thách thức về hạn hán là một bài toán khó cần khắc phục, theo đó, việc thiết kế đô thị làm sao để giữ lại nguồn nước quý giá trong mùa mưa lũ, sử dụng một cách hợp lý cho cả công tác thuỷ lợi, tạo vi khí hậu và môi trường cảnh quan đô thị giảm thiểu đến mức tối đa diện tích bê tông, mà bù vào đó là diện tích mặt nước, cây xanh, hoặc thậm chí diện tích đất trần nhằm đảm bảo tính thẩm thấu cho bề mặt trái đất, giúp giữ độ ẩm cho đất.
Với Ninh Thuận, nước cần được quản lý một cách hữu hiệu hơn để tránh tác hại khó lường của nó, nhưng lại cần để phục vụ con người. Tuy nhiên, để quản lý được nước, cần phải tìm cách sống chung với nước, sống chung với thiên nhiên.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 6/2013