Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền đô thị

Thứ sáu, 27/04/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để có một hình ảnh đô thị tốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là khung pháp lý và năng lực quản lý. Hiện nay chúng ta đã dần hình thành được bộ khung pháp lý với Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn. Gần đây ngày 27/2/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2007/NĐ-CP về quản lý kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, để Nghị định này đi vào cuộc sống, điều này phụ thuộc rất  nhiều vào năng lực quản lý của các Chính quyền đô thị.

Nghị định Quản lý kiến trúc đô thị thể hiện rõ việc phân cấp quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cấp quản lý địa phương. Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu ở phần vĩ mô, ban hành chính sách. Địa phương có trách nhiệm thực hiện theo chức trách của mình. Tuỳ thuộc vào từng cấp độ mà các địa phương thực hiện theo luật định đã ban hành.

Lâu nay, công tác quản lý chúng ta làm chưa tốt. Nguyên nhân vì sao? Tôi cho rằng điểm quan trọng là ở chỗ người thực hiện va triển khai công việc đó năng lực còn hạn chế. Công tác tư vấn, quản lý còn ở mức độ nhất định. Chất lượng quy hoạch kém, người quản lý kém sẽ dẫn đến thực hiện công việc không có hiệu quả. Như vậy nó sẽ gây tác hại chứ không phải là tốt. Vì vậy mới có tình trạng nơi này làm tốt, nơi kia làm không tốt. Nguyên nhân là ở chỗ nơi nào cán bộ tốt, năng lực tốt thì ở đó sẽ tốt. Nơi nào cán bộ năng lực kém thì hiệu quả công việc kém. Do đó, các địa phương cần thiết phải quan tâm đến trách nhiệm của mình trong vấn đề đào tạo bồi dưỡng những người có tâm, có tầm để quản lý.

Bộ Xây dựng đang cùng với các địa phương xem xét lại năng lực của các tư vấn. Đặc biệt là việc cấp giấy phép hành nghề. Cần soát xét kỹ năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, tránh tình trạng người không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn được cấp giấy phép hành nghề, được làm những việc ngoài khả năng của mình.

Để diện mạo đô thị đẹp trước hết việc tư vấn, đưa ra các nội dung đồ án quy hoạch kiểm tra phải có chất lượng cao. Bên cạnh đó, người quản lý nó, chưa nói đến tâm nếu không có năng lực sẽ vận hành công tác quản lý yếu kém. Nói như thế không phải là không nên phân cấp quản lý. Việc tăng cường nâng cao năng lực cho công tác tư vấn, cho các nhà quản lý địa phương là hết sức quan trọng. Bộ Xây dựng cũng đã và đang tiến hành những dự án lớn về năng lực, nhằm tạo điều kiện phát triển tốt nguồn nhân lực cho các địa phương.

Vậy, Việc thi hành Nghị định về Quản lý kiến trúc đô thị Bộ Xây dựng sẽ kiểm soát vấn đề này như thế nào? Trong Nghị định có phân trách nhiệm của UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về bộ mặt kiến trúc đô thị và xử lý các sai phạm về kiến trúc đô thị trên địa bàn quản lý. Soạn thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị, tổ chức lấy ý kiến hướng dẫn, theo dõi, giám sát, tổ chức việc thực hiện Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị. Vậy, Quy chế đó có nghĩa là tập thể làm chứ không phải cá nhân làm. Quy chế ấy trước tiên phải dựa trên thực tế kiến trúc quy hoạch hiện có rồi mới định ra. Tuy nhiên, với từng thành phố, từng vùng, miền với những đặc thù khác nhau và theo các cấp độ phân loại đô thị. Lấy Hà Nội làm ví dụ: Với đặc trưng của Hà Nội có các khu phố cổ, cũ cũng như các quận trung tâm, các khu đô thị phát triển mới, đặc biệt Hà Nội có khu vực hồ Hoàn Kiếm... Những khu vực này đều cần có những quy chế riêng. Do đó quy chế trong đô thị Hà Nội phải khác quy chế của các đô thị khác.

Như vậy, từ các Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị tại các địa phương, Bộ Xây dựng luôn giám sát chặt chẽ được thông qua một hội đồng giám sát quản lý.

Vai trò quan trọng của Nghị quyết Quản lý kiến trúc đô thị là tạo dựng nên một diện mạo kiến trúc đô thị đẹp, trật tự, kỷ cương. Đồng thời tác động mạnh đến công tác thiết kế đô thị. Quan trọng là làm thế nào để bộ mặt mỗi đô thị nói chung tạo nên được những đặc trưng riêng cho mình thông qua các kiến trúc nói chung và kiến trúc thực hiện theo quy hoạch tổng thể với hệ thống đường giao thông nói riêng. Bên cạnh đó là tổ chức không gian, hình khối, màu sắc, ánh sáng, cây xanh... Tất cả nội dung đó đều liên quan đến công tác hoạch định quy hoạch, cũng như việc chúng ta phải quản lý, giám sát được quy hoạch.

Một vấn đề được đề cập đến trng Nghị định Quản lý Kiến trúc đô thị là trong tương lai các đô thị phải đề cập và xem xét đến mô hình KTS Trưởng. KTS Trưởng ở các đô thị phải có nhưng không nhất thiết ở tất cả các đô thị, việc này phải cân nhắc rất kỹ và thận trọng. Hà Nội đã có Sở Quy hoạch Kiến trúc, nhưng có cần một nhạc trưởng không? Vấn đề còn lại là cơ chế hoạt động của KTS Trưởng như thế nào thì Bộ Xây dựng phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét ban hành.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang soát xét lại nội dung để ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định Quản lý kiến trúc đô thị, cũng như việc hướng dẫn chung cho các địa phương thực hiện Nghị định này. Chúng ta mong muốn Nghị định Quản lý Kiến trúc đô thị sẽ tạo nên một cơ sở pháp lý cho mọi người dân thực hiện. Đồng thời chính quyền quản lý các cấp cũng có một khung pháp lý để quản lý, hướng dẫn người dân.

Hy vọng tất cả những tồn tại, những vấn đề mà xã hội, báo chí nêu lên ở các thành phố lớn trong thời gian qua sẽ không còn lặp lại. Còn việc có làm tốt hay không vấn phụ thuộc nhiều vào công tác quản lý tại các địa phương.

Bởi thế, tôi vẫn nhấn mạnh vấn đề năng lực quản lý là quan trọng nhất. Các địa phương cần phải có chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đủ về số lượng, hiểu biết pháp luật và có tâm huyết với trách nhiệm của mình.

Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 3/2007
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)