Quản lý chất lượng công trình xây dựng: Phải bắt đầu từ con người

Thứ tư, 07/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù thời gian qua các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng thực tế vẫn còn những trường hợp công trình kém chất lượng, để xảy ra sự cố...
Một trong những nguyên nhân mà hội thảo Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Thực trạng và giải pháp vừa được Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội, chỉ ra là trình độ, năng lực quản lý của các chủ thể trực tiếp tham gia xây dựng công trình còn yếu, công tác quản lý vấn đề này ở nhiều địa phương còn buông lỏng, chồng chéo..

Công tác quản lý chất lượng công trình ở địa phương còn chồng chéo
Theo số liệu của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bộ Xây dựng - qua điều tra tại các sở Xây dựng, sở Công nghiệp, sở NN&PT nông thôn, sở GTCC hoặc sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước, cơ quan có chức năng được giao thực hiện công tác quản lý nhà nước QLNN về chất lượng công trình xây dựng CLCTXD ở địa phương hiện nay có 49,38% là do sở Xây dựng giúp Chủ tịch tỉnh thống nhất quản lý và 50,62% các địa phương là do các sở Xây dựng chuyên ngành cùng quản lý. Hầu hết các sở tham gia điều tra 72,84% cho rằng công tác QLNN về CLCTXD hiện nay tại các địa phương có sự chồng chéo, không thống nhất do các sở địa phương chịu sự quản lý của cả cấp UBND tỉnh và cấp Bộ. Để khắc phục tình trạng này, theo kết quả điều tra, có đến gần 60% phiếu điều tra đồng ý quy định rõ việc giúp UBND cấp tỉnh thống nhất QLNN về CLCTXD nên giao sở Xây dựng đảm nhận; gần 40% ý kiến cho rằng giao nhiệm vụ này cho các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cùng quản lý.
Theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, trong thực tế, hệ thống QLNN về CLCTXD là chưa rõ ràng và thiếu tính đồng bộ. Đối với các bộ, ngành hầu như không có bộ phận được định rõ chức năng quản lý chất lượng trừ Bộ Xây dựng và Bộ GTVT. Ở các địa phương tình trạng còn phân tán hơn. Sở Xây dựng đã rõ chức năng quản lý CLCTXD dân dụng và công nghiệp; nhưng cũng còn gần 50% các sở không có bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng QLNN về CLCTXD. Các sở GTCC, sở NN & PTNT lại càng không có. Trong khi đó, những số liệu thống kê 5 năm gần đây cho thấy các sự cố công trình đều là các công trình thuộc dự án nhóm B và C. Theo đánh giá của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đây là một thực tế rất đáng lo ngại.

Cần nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng công trình
Chất lượng công trình sẽ xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào phương án lựa chọn ban đầu trong quá trình lập dự án đầu tư - ông Phạm Quốc Tuấn, Vụ Kết cấu hạ tầng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra ý kiến như vậy khi đề cập đến CLCTXD trong giai đoạn lập dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu. Theo ông Tuấn, chất lượng công tác tư vấn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư, một sai sót nhỏ của tư vấn chuẩn bị đầu tư cũng có thể dẫn đến quyết định đầu tư không hợp lý, vận hành khai thác dự án kém hiệu quả, giá thành cao, có khi đưa dự án đến thua lỗ, phá sản.
Đánh giá về thực trạng năng lực của các chủ thể tham gia dự án xây dựng của Viện Khoa học công nghệ xây dựng Bộ Xây dựng cho thấy, chủ đầu tư BQL DA còn thiếu năng lực chuyên môn và nghiệp vụ quản lý, công tác QLCL ở đây lỏng lẻo và nặng về hình thức, còn BQL DA trở thành một cấp quản lý hành chính; Tư vấn xây dựng về khảo sát, thiết kế cũng hạn chế về kinh nghiệm và năng lực chuyên môn dẫn tới các khiếm khuyết gây sự cố công trình. Tại TP.HCM, trên 50% hồ sơ thiết kế sau thẩm tra và 100% hồ sơ dự toán sau thẩm định có sai phạm về chất lượng; tư vấn giám sát thi công mới hình thành chưa nắm vững các quy phạm pháp luật về xây dựng, chuyên môn thiếu kinh nghiệm nên chưa đảm nhiệm vai trò đột phá trong hoạt động kiểm soát chất lượng; các doanh nghiệp thi công xây dựng còn chưa chú trọng bảo đảm yếu tố chất lượng, chưa xem chất lượng là yếu tố cơ bản của cạnh tranh, giữ gìn thương hiệu trong cơ chế thị trường và sử dụng nhân lực lao động chưa qua đào tạo, tay nghề không phù hợp với công việc.
Rõ ràng, yếu tố con người là hết sức quan trọng. Đặc biệt trong khâu chuẩn bị đầu tư, cần có một đội ngũ tư vấn giỏi, có đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Tuấn bên cạnh đó, việc thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư cũng vô cùng quan trọng. Việc Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho các bộ chủ quản, địa phương và các chủ đầu tư từ việc thẩm định đến phê duyệt dự án đầu tư là một chủ trương đúng, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp dưới đối với dự án đầu tư. Kết quả là các cấp đã chủ động hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, không phải bộ nào, ngành nào, địa phương nào cũng phát huy được tính năng động tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong thẩm định và phê duyệt dự án. Nhiều dự án vẫn được ra đời một cách gượng ép khi chưa đủ điều kiện chín muồi để rồi thực hiện nửa chừng phải điều chỉnh dự án, hoặc lựa chọn công nghệ không phù hợp, không tiên tiến nên sản phẩm làm ra thiếu tính cạnh tranh, CLCTXD không cao, gây lãng phí.

Có những dự án sử dụng vốn ngân sách, tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt cao, khi triển khai cụ thể, chủ đầu tư thấy dư nguồn vốn thì cố gắng tận dụng, do vậy đã sinh ra các hạng mục công việc ngoài dự án nhưng chất lượng lại không cao, không mạng lại hiệu quả. Ngược lại, có dự án do không lường hết được các yếu tố khi lập báo cáo khả thi nên tổng mức đầu tư được duyệt thấp, lúc triển khai thiết kế, dự toán thì vượt tổng mức đầu tư, do vậy chủ đầu tư và thiết kế phải tìm mọi giải pháp để ép dưới trần tổng mức đầu tư. Việc làm này ngay trong bước chuẩn bị đầu tư, đã ngầm báo hiệu chất lượng công trình không đảm bảo, mục tiêu của dự án thì không thể giảm, tiền ít thì không thể có công trình chất lượng. Nguy hiểm hơn, do tâm lý đi xin mà một số chủ đầu tư cố tình lập thấp tổng mức đầu tư nhằm hạ nhóm từ B xuống C hoặc nguy hiểm hơn là từ A xuống B để giảm nhẹ hàng rào pháp lý, thực hiện mục tiêu trước mắt là được chấp thuận đầu tư. Để rồi, khi dự án được đầu tư thì, hoặc là chất lượng từ thiết kế đến thi công sẽ không bảo đảm, dự án không đồng bộ, đưa vào vận hành trục trặc; hoặc thực hiện nửa chừng phải dừng lại làm điều chỉnh dự án, phê duyệt lại từ đầu mất thời gian, dự án chậm tiến độ, hậu quả là gây lãng phí, công trình chóng xuống cấp.
Ông Phạm Quốc Tuấn - Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Sự cố công trình ở nước ta xảy ra thường xuyên, năm nào cũng có với tỷ lệ 0,17 - 0,4% trên tổng số các công trình xây dựng trong năm; trung bình 0,23% ở các mức độ thiệt hại khác nhau, phân bố ở tất cả các nhóm dự án A, B, C, các ngành xây dựng dân dụng, giao thông, thuỷ lợi..., trong tất cả các hình thức đầu tư Nhà nước, tư nhân, nước ngoài, trong tất cả các giai đoạn thực hiện dự án từ thi công đến khai thác sau bảo hành.
Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng

Nhìn chung năng lực tư vấn chưa đủ mạnh, chất lượng không đều, chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra... Có một số Cty tư vấn nặng về thực hiện dịch vụ theo phương thức môi giới hoặc thuê mượn, thiếu năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến không bảo đảm chất lượng dự án.
Ông Nguyễn Xuân Giảng - Tổng giám đốc TCty Tư vấn thiết kế GTVT TEDI

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 97, ngày 06/12/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)