Thiết kế mẫu trụ sở làm việc cho hệ thống chính trị cấp xã là việc làm cần thiết góp phần củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên

Thứ tư, 01/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX năm 2002 về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn" đã nêu rõ việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất trụ sở làm việc là một trong những vấn đề trọng tâm mà xã hội phải quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định số 85/2002/QĐ-TTg ngày 28/6/2002 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5. Tây Nguyên là một trong những khu vực được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.
Để đảm bảo an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả ở Tây Nguyên thì một trong những biện pháp hàng đầu là phải tăng cường củng cố và kiện toàn chính quyền cơ sở ở vùng này. Ngày 05/03/2003 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án: "Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2002 - 2010. Nội dung đề án nêu ra 10 giải pháp trong đó có giải pháp: " Bảo đảm trụ sở làm việc cho hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, xây dựng nhà hội họp, sinh hoạt văn hoá... cộng đồng ở nông thôn, buôn theo phương pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Trong tiến trình thực hiện các giải pháp trên cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Viện Nghiên cứu Kiến trúc - Bộ Xây dựng, với tư cách là một Viện Nghiên cứu khoa học được Bộ Xây dựng chỉ đạo thực hiện tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất trụ sở hành chính xã và thiết kế mẫu trụ sở xã vùng Tây Nguyên. Để thực hiện có hiệu quả công việc, Viện đã phối hợp với Bộ Nội vụ, các Sở Xây dựng các tỉnh Tây Nguyên lấy hàng trăm phiếu điều tra các trụ sở làm việc của các loại hình cơ quan hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Nội dung chính của các phiếu điều tra là điều tra khảo sát thực trạng xây dựng và nhu cầu đầu tư trụ sở hành chính xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên. Rà soát các văn bản quản lý hiện hành về tổ chức, hoạt động của chính quyền quản lý Nhà nước và việc sử dụng hiệu quả các diện tích trụ sở làm việc hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Điều tra thu thập các ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở các điều tra đánh giá đó, đề xuất mô hình thiết kế hợp lý, trong đó chủ yếu là đề xuất về mô hình, nội dung, cơ cấu và tổ chức không gian kiến trúc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Tiến hành thống nhất hoá không gian chức năng của trụ sở cơ quan xã, phường, thị trấn và xây dựng chỉ tiêu diện tích và mức đầu tư xây dựng mới cho một số loại hình trụ sở cơ quan xã, phường, thị trấn.
Qua công tác điều tra, đánh giá bằng hình thức phiếu điều tra cũng như đi khảo sát thực địa các trụ sở cấp xã, có thể đánh giá tình hình xây dựng trụ sở xã, phường, thị trấn ở Tây Nguyên như sau:
- Mô hình sử dụng chung một trụ sở cho cả 3 chức năng UBND - HĐND - Đảng uỷ chiếm đa số 94,08%. 70% xây dựng từ những năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, quy mô trụ sở cấp xã quá đa dạng, tạo nên sự cách biệt giữa các địa phương do chưa có chính sách đầu tư và quản lý đầu tư đúng đắn.
- Về quy hoạch: Vị trí trụ sở thường lựa chọn theo cảm tính, chủ yếu ở trung tâm xã chiếm 63,2%, không có quy hoạch xây dựng chung về xây dựng cho toàn xã nên khi kinh tế xã hội phát triển, nhiều vị trí trở nên không thích hợp hoặc không phát huy được lợi thế trong không gian kiến trúc khu trung tâm xã.
- Về kiến trúc: Diện tích khuôn viên thường từ 2100-7900m2, diện tích xây dựng thường 242 - 550m2. Nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm 40%, nhà cấp 4 và nhà tạm 56,14%, chưa có trụ sở 3,86%. Số tầng 1 chiếm 40,96%, 2 tầng chiếm 50,92%. Các thành phần chức năng trong công trình trụ sở xã không thống nhất, giải pháp tổ chức không gian chức năng khá tuỳ tiện, lộn xộn, thiếu sự chỉ đạo thống nhất. Diện tích trung bình phòng làm việc >16 - 18m2. Diện tích làm việc 4-6m2/người. Diện tích phòng họp, hội trường 66,5m2. Về hình thức kiến trúc tuyệt đại đa số không đạt yêu cầu về thẩm mỹ kiến trúc do quá sơ sài đơn điệu hoặc quá phô trương hình thức, đặc biệt tại các công trình mới được xây dựng trong thời gian gần đây.
- Về tài chính: Suất đầu tư trung bình một trụ sở dưới 300 triệu chiếm 32,91%. 300-500 triệu chiếm 61,93%. 500-1000 triệu chiếm 5,5%.
- Về nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước 66,29%. Nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm chiếm 28,23%. Nguồn vốn khác chiếm 5,5%. Tuy nhiên, quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập gây lãng phí, kém hiệu quả.
- Về tiện nghi: Phần lớn trụ sở xã chưa đáp ứng được những yêu cầu về tiện nghi và trang thiết bị làm việc. Yêu cầu về hiện đại hoá hành chính trong những năm tới sẽ đặt ra nhiều vấn đề gay gắt hơn cần giải quyết. Các công trình không có tiện nghi cho người tàn tật tiếp cận được.
- Về chất lượng xây dựng: Chất lượng xây dựng nói chung ở mức trung bình tiên tiến của địa phương.
Từ đánh giá trên, thấy rằng muốn nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng trụ sở cấp xã cần phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn thống nhất về quy mô trụ sở xã, phường, thị trấn, các không gian chức năng chính, diện tích làm việc chính và phụ trợ, trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác quản lý. Về kiến trúc xây dựng cần có hướng dẫn thiết kế, lựa chọn công nghệ, vật liệu xây dựng cho từng vùng miền. Hình thức kiến trúc cần giản dị, nghiêm túc, dễ gần, tránh hiện tượng phô trương hình thức. Mặt khác công trình trụ sở chính quyền cấp xã, phường, thị trấn cần thể hiện được nét văn hoá, kiến trúc địa phương trở thành dấu ấn và niềm tự hào của địa phương.
Tại Hội nghị triển khai Nghị định 253/NĐ-CP diễn ra ở Kon Tum tháng 6-2003, Viện Nghiên cứu Kiến trúc đã giới thiệu một số mẫu thiết kế "Trụ sở xã vùng Tây Nguyên". Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các ban ngành ở Tây Nguyên và rút kinh nghiệm từ các thiết kế đã điều tra, kết hợp với đề xuất nghiên cứu của Viện về cơ cấu chức năng trụ sở làm việc của xã, phường, thị trấn, các đề xuất về thống nhất hoá kích thước, và việc tổ hợp không gian chức năng trụ sở hành chính... Viện Nghiên cứu Kiến trúc đã thiết kế 20 mẫu trụ sở xã, trong đó 3 mẫu đặc thù cho Tây Nguyên. Các thiết kế điển hình này đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 1890/QĐ-BXD ngày 6-10-2005.
Những vấn đề cơ bản trong hướng dẫn sử dụng mẫu thiết kế điển hình "Trụ sở xã vùng Tây Nguyên"
Dựa vào các mẫu đã có, các chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tư vấn lựa chọn kiểu loại, các địa phương có nhu cầu xây dựng cần lựa chọn qui mô thích hợp, khi xây dựng, không tuỳ ý cắt bỏ các phòng làm thay đổi dây chuyền sử dụng nhưng có thể thay đổi kích thước phù hợp với điều kiện của dịa phương mình. Riêng phần móng cần có phương án thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất thuỷ văn của nơi xây dựng. Cần đặc biệt chú ý đến 4 vấn đề sau:
1. Vấn đề dây chuyền công năng hay tính thích dụng của công trình
Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của công trình trụ sở làm việc. Sự thống nhất hoá, tiêu chuẩn hoá trong công năng sử dụng được quán triệt trong tất cả các mẫu. Xuất phát từ tính chất làm việc của trụ sở cấp xã, các mẫu thiết kế điển hình bố trí những không gian làm việc tiện nghi, độc lập cho lãnh đạo và các bộ phận, giúp việc, các không gian giao tiếp và hội họp không những thuận tiện cả trong việc liên hệ nội bộ lẫn liên hệ công tác và giao tiếp khác từ bên ngoài vào.
Sự thuận tiện này thể hiện từ cổng ra vào, bãi xe, hệ thống giao thông ngang, giao thông đứng hành lang, cầu thang. Các không gian chính và phụ trợ, thông gió tự nhiên và nhân tạo, vấn đề chống nắng, chống mưa hắt... cho đến đồ gỗ và các trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động hàng ngày của trụ sở.
2. Những vấn đề kỹ thuật vật liệu và công nghệ xây dựng
Đây là những công trình có thể được áp dụng cho cả những vùng sâu, vùng xa cho nên vấn đề ở đây là làm sao cho những yêu cầu kỹ thuật và công nghệ, xây dựng phải đơn giản, dễ thực hiện nhất mà vẫn đảm bảo an toàn cho công trình. Về vật liệu cũng vậy cần dễ kiếm, dễ thay thế để sử dụng tối đa vật liệu tại chỗ, vừa có ý nghĩa kinh tế vừa mang màu sắc địa phương.
3. Vấn đề kinh tế trong xây dựng
Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Vùng Tây Nguyên tuy rất giàu tiềm năng nhưng hiện nay còn nghèo. Để có kinh phí xây dựng trụ sở cho hàng trăm xã trong một thời gian ngắn là điều mà người nghiên cứu phải tính toán cẩn thận. Bài toán ở đây là trụ sở xã phải vững chắc, đàng hoàng, đẹp những giá thành phải tương đối rẻ. Vậy thì phải tìm tòi vẻ đẹp giản dị, hiệu quả nghệ thuật xuất hiện do khéo léo kết hợp trang trí nội, ngoại thất, lợi dụng địa hình, cảnh quan... chứ nhất thiết không thể theo hướng sử dụng vật liệu đắt tiền và tốn quá nhiều công xây dựng.
4. Vấn đề văn hoá và nghệ thuật kiến trúc
Vấn đề này phải xuất phát từ tính chất đặc thù của công trình.
Thứ nhất, trụ sở chính quyền là nơi làm việc của cơ quan công quyền vì thế công trình phải mang tính nghiêm trang, đĩnh đạc. Đối với trụ sở chính quyền cấp xã cũng cần thiết phải bề thế.
Thứ hai, vì chính quyền của ta là chính quyền nhân dân, do dân và vì dân nên công trình kiến trúc này cần phải có tính nhân dân. Không vì quá nhấn mạnh tính trang nghiêm mà làm cho dân chúng e ngại không dám bước chân vào trụ sở xã.
Hai mặt này có vẻ như đối lập nhưng thực ra vẫn có thể tìm thấy sự dung hoà và chỉ khi nào có được sự dung hoà này thì vấn đề cơ bản của nghệ thuật kiến trúc ở đây mới thật sự được giải quyết.
Thứ ba, công trình trụ sở là bộ mặt của xã, nó phải mang đậm bản sắc văn hoá của địa phương, của vùng Tây Nguyên. Hơn nữa, đây là vùng đất có truyền thống văn hoá đặc sắc và dễ nhận biết qua những biểu đạt của văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Vì vậy, tuy công trình mang tính hiện đại ở bố cục không gian, vật liệu và công nghệ xây dựng nhưng nhất thiết phải kết hợp bằng được ở trong đó những nét đặc sắc của văn hoá truyền thống Tây Nguyên.
Qua đây, Viện kiến nghị cần có một chương trình nghị sự riêng do Bộ Nội vụ tổ chức để Viện có thể giới thiệu chi tiết hơn về các thiết kế "Trụ sở xã, phường, thị trấn", đồng thời có thể trao đổi, hướng dẫn cho các chủ đầu tư xây dựng trụ sở xã lựa chọn được phương án phù hợp với vị trí khu đất cũng như kinh tế của từng nơi, đáp ứng được yêu cầu xây dựng một trụ sở xã khang trang, hiện đại, thể hiện được thẩm mỹ cao cũng như giá trị tinh thần lớn lao của một cơ quan công quyền gần dân nhất. Hoàn thiện một số mẫu thiết kế điển hình Trụ sở xã vùng Tây Nguyên là Viện cũng góp phần vào 1 trong 10 giải pháp xây dựng chính quyền cơ sở Tây Nguyên vững mạnh giai đoạn 2002-2010./.

Nguồn: Tuyển tập NCKH năm 2005-Viện Nghiên cứu Kiến trúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)