Vật liệu xây dựng vươn ra thế giới

Thứ ba, 27/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hoá Việt Nam nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng ra thị trường thế giới, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp.
Cụ thể có thể kể đến Nghị định về xúc tiến thương mại; Nghị định về hoạt động thương mại điện tử; Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; Luật thương mại 2005; Quy chế cấp phép nhập khẩu hàng hoá năm 2005.
Mặt khác, Chính phủ còn cho phép thành lập các quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt Nhà nước dành một quỹ khen thưởng thành tích xuất khẩu và trao tặng cho các doanh nghiệp hàng năm.
Diễn đàn lần này lược ghi những ý kiến đóng góp rộng rãi của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý các cấp, các ngành, để đưa ra những thông tin chính xác về đánh giá thực trạng xuất khẩu vật liệu xây dựng Việt Nam, định hướng và các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng.
Từ đó giúp cho ngành vật liệu xây dựng Việt Nam xây dựng một chiến lược xuất khẩu đúng đắn. Bởi vì xu thế hội nhập kinh tế thế giới mở ra rất nhiều cơ hội để tham gia thị trường, song cũng đặt ra lắm thách thức. Xuất khẩu vật liệu xây dựng là con đường phát huy hết năng lực sản xuất đã đầu tư, giữ vững thị trường trong nước, mở rộng thị trường nước ngoài, tạo điều kiện tái đầu tư và phát triển bền vững.

Đa dạng hoá mẫu mã với chất lượng tốt nhất
Ông Nguyễn Trần Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty thuỷ tinh và gốm xây dựng
Tổng công ty thuỷ tinh và gốm xây dựng Viglacera nhận thức được tầm quan trọng của công tác xuất khẩu, do đó đã đầu tư thời gian, tài chính và nhân lực cho công tác này. Những năm gần đây, sản lượng và giá trị xuất khẩu vật liệu xây dựng của Tổng công ty có mức tăng trưởng cao, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng. Năm 2005, Viglacera đặt kế hoạch xuất khẩu vật liệu xây dựng gồm sứ vệ sinh, gạch ceramic, granite, kính xây dựng, gạch cotto... đạt xấp xỉ 15 triệu USD và chắc chắn sẽ đạt và vượt con số này.
Để tổ chức quản lý và điều hành công tác xuất khẩu vật liệu xây dựng, Tổng công ty đã giao cho bộ phận chuyên trách thực hiện các công việc theo dõi chung toàn bộ hoạt động xuất khẩu của Tổng công ty, thường xuyên cập nhật và nghiên cứu thông tin nhằm tham mưu cho Tổng giám đốc và Ban lãnh đạo Tổng công ty về việc xây dựng, điều chỉnh và triển khai chiến lược xuất khẩu của toàn bộ các đơn vị thành viên trong Tổng công ty.
Qua nghiên cứu thị hiếu khách hàng, đồng thời qua các hội chợ triển lãm lớn ở nước ngoài mà Tổng công ty đã tham dự, có thể nhận thấy các sản phẩm do các nhà sản xuất nước ngoài sản xuất có chất lượng và mẫu mã phát triển vượt bậc so với các sản phẩm vật liệu xây dựng của ta. Do đó, con đường để xuất khẩu đối với Viglacera chính là từng bước đa dạng hoá mẫu mã và cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng của mình, nhằm nâng cao doanh số xuất khẩu.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác xuất khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng, chúng tôi thấy, việc tổ chức, khảo sát thị trường là một biện pháp hữu hiệu nhằm thu thập thông tin thực tế từ đó có những đánh giá đúng về thị trường và có biện pháp hỗ trợ hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi nhiều chi phí, vì vậy Tổng công ty sẽ tổ chức các đoàn công tác kết hợp giữa các đơn vị thành viên trong Tổng công ty. Việc tổ chức các đoàn công tác kết hợp vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thể tạo các lợi thế kết hợp giữa các dòng sản phẩm do Viglacera sản xuất để quảng cáo tại hội chợ và hỗ trợ khách hàng. Các kỳ hội chợ quốc tế sẽ là một cơ hội tốt để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm một cách trực quan đến với rộng rãi người tiêu dùng nước ngoài. Trên cơ sở đó, có thể nắm bắt được nhu cầu khách hàng từng vùng thị trường và có các chính sách hợp lý hỗ trợ cho nhà nhập khẩu khi cần thiết.
Hiện nay, việc khai thác thông tin để tìm kiếm thị trường và các nhà nhập khẩu vật liệu xây dựng đang được các đơn vị trong Tổng công ty tự tiến hành một cách đơn giản qua các công cụ tìm kiếm và các sàn giao dịch điện tử như: Google, Hotbot, Ask Jeeves...
Tuy nhiên, việc tìm kiếm thông tin như vậy còn kém hiệu quả và ngay chính Viglacera cũng chưa có được một Website đủ mạnh để truyền đạt thông tin phản hồi tới khách hàng trên thế giới. Tổng công ty đang có kế hoạch xây dựng một trang Web điện tử với các đường Link chi tiết đến từng sản phẩm của từng đơn vị trực thuộc.
Việc hoàn thiện website này cho phép giới thiệu một cách toàn diện và đầy đủ hơn về các sản phẩm do Viglacera sản xuất thông qua cổng giao dịch điện tử này. Các thông tin về giá cả, sản phẩm, chính sách bán hàng... của các đơn vị sẽ được quản lý chung qua cổng giao dịch điện tử của Tổng công ty, khách hàng sẽ thông qua các đường Link riêng để đến với từng sản phẩm của mỗi đơn vị trực thuộc một cách có hệ thống.
Trong thời điểm hiện tại, khi chúng ta chưa có nhiều điều kiện để thâm nhập, nghiên cứu thực tế thị trường nước ngoài vì chi phí còn cao, thì việc quảng cáo giới thiệu trên các sàn giao dịch điện tử là ít tốn kém nhất.
Viglacera cũng đề nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm trong thời gian đầu như: thu thập thông tin thị trường, thuê tư vấn kinh tế thương mại về xuất khẩu, hoạt động thị trường, tổ chức hội chợ triển lãm tại nước ngoài, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Nhà nước nên tăng cường hơn nữa các hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu như cấp tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm xuất khẩu, hỗ trợ xuất khẩu để các doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh về giá và đẩy mạnh việc đưa hàng ra thị trường nước ngoài. Mặt khác, đề nghị giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu cho nguyên vật liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng.
Dành ưu đãi về lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; có hình thức trợ giá cước vận tải biển cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Bởi vì nếu xét về lợi thế so sánh, khi cùng xuất khẩu sản phẩm sang một nước thứ ba, ngoài giá bán FOB của các nước này thấp thì chi phí cho vận tải tới nước nhập khẩu cũng thấp hơn rất nhiều, do đó càng có lợi thế cạnh tranh cao về giá. Nhà nước cũng cần xem xét lại chế độ công tác phí đi công tác nước ngoài cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Xuất khẩu gốm sứ là giải pháp phát triển
Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam
Năm 2005, công suất thiết kế của các nhà máy gạch ốp lát ceramic đã đạt mức 170 triệu m2/năm, trong đó có 24,5 triệu m2 là gạch granite, với tổng số 41 nhà máy sản xuất gạch ceramic và 11 nhà máy sản xuất gạch granite. Gạch ốp lát đang bị phát triển nóng, dẫn tới tình trạng dư thừa tới 40% năng lực sản xuất. Tôi cho rằng, hiện tại và trong nhiều năm tới, việc dư thừa sản phẩm gốm sứ vệ sinh là một thực tế. Và chừng nào thị trường bất động sản còn đóng băng thì vấn đề này còn tiếp diễn. Vì vậy, chỉ có mở rộng và chủ động xuất khẩu sản phẩm gốm sứ mới là hướng đi quan trọng giúp ngành này phát triển bền vững.
Theo dự kiến, năm 2005, xuất khẩu gạch ốp lát và sứ vệ sinh của toàn ngành sẽ đạt khoảng trên 65 triệu USD. Một số doanh nghiệp lớn như Viglacera, Taicera, gạch men Mỹ Đức, Vitaly, Bạch Mã, Hoàng Gia đã liên tục xuất khẩu sản phẩm gạch ốp lát với số lượng lớn ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Sứ vệ sinh Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là 3 thị trường quan trọng là Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, dẫn đầu về xuất khẩu sứ vệ sinh từ đầu năm tới nay là Inax, Caesar, Toto, Thanh Trì, Mỹ Phú.
Hiện một số đơn vị lớn như Tổng công ty thuỷ tinh và gốm xây dựng Viglacera, Đồng Tâm, Taicera, Inax, Bạch Mã... đã có chương trình xuất khẩu lâu dài, nhưng còn nhiều đơn vị khác chưa coi việc xuất khẩu là một kênh tiêu thụ quan trọng để khai thác hiệu quả tài sản đã đầu tư.
Tôi cho rằng, việc đánh giá chính xác và kịp thời để lựa chọn thị trường để xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Trước mắt, nên chọn thị trường có vị trí địa lý gần và tỷ số xuất khẩu/nhập khẩu lớn để xuất khẩu sản phẩm gốm sứ xây dựng như: Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia, Nga, Ukraina. Riêng thị trường Hoa Kỳ, mỗi năm đã nhập khẩu gạch ốp lát với giá trị từ 47 triệu USD trở lên là thị trường tiêu thụ khổng lồ đầy tiềm năng và tính thực dụng của người Mỹ trong tiêu dùng chính là một yếu tố quan trọng để các nhà sản xuất gạch ốp lát Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để khai thác.
Nếu Việt Nam khai thác tốt thị trường xuất khẩu gốm sứ xây dựng như đã nêu ở trên, thì trong một vài năm tới, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu gốm sứ xây dựng vượt con số 100 triệu USD/năm.
Để tránh tình trạng đầu tư vào sản xuất gạch ốp lát tràn lan khiến cung vượt cầu quá xa như hiện nay, tôi cho rằng, các nhà sản xuất gạch ceramic Việt Nam cần phải xem xét một cách nghiêm túc sự đầu tư phân tán không hiệu quả này.
Trước mắt, cần hợp lý hoá sản xuất, kiểm soát tốt công nghệ, quản trị tốt chi phí, tối ưu được các chỉ tiêu sản xuất để tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu và ngay cả thị trường nội địa. Không vì sức ép vay và trả nợ đầu tư mà bán sản phẩm dưới cả giá chi phí để gây rối loạn thị trường, dẫn đến phá sản. Nhà nước cũng cần có ngay biện pháp tạm cho dừng đầu tư mới vào lĩnh vực gốm sứ xây dựng để củng cố và khai thác tốt các nhà máy đã được đầu tư. Có biện pháp hỗ trợ tài chính và thị trường cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm gốm sứ xây dựng.
Chính phủ cần có chính sách kịp thời làm chuyển động thị trường bất động sản đang trầm lắng để thị trường gốm sứ xây dựng nội địa không bị chìm theo như hiện nay. Các ngân hàng cùng nên chia sẻ với các nhà đầu tư sản xuất gốm sứ xây dựng bằng cách giãn nợ, khoanh lại các khoản nợ cũ và tạo điều kiện để dòng tiền cho sản xuất và kinh doanh gốm sứ xây dựng vẫn được lưu thông vay trả một cách phù hợp.

Công nghiệp vật liệu xây dựng phải có chiến lược xuất khẩu
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đang phấn đấu khai thác tốt các tiềm năng của ngành sản xuất vật liệu xây dựng để đẩy mạnh xuất khẩu, tỷ lệ khối lượng xuất khẩu đạt 25-30% sản lượng của từng nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng, phấn đấu từ nay tới năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng trên 1 tỷ USD.
Hội vật liệu xây dựng Việt Nam đã nghiên cứu và xác định các loại vật liệu xây dựng chiến lược, có lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn tới, bao gồm: nhóm gốm xây dựng xây dựng với gạch ngói đất sét nung cao cấp, gạch cotto, gạch ốp lát trang trí mozaic ceramic, granite. Nhóm này có năng lực sản xuất lớn, chiếm tỷ trọng 44% tổng giá trị xuất khẩu vật liệu xây dựng trong năm 2004.
Nhóm sứ vệ sinh có các cơ sở sản xuất đã được đầu tư bằng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại với sự tham gia của các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Toto, Inax... là nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn. Nhóm thuỷ tinh xây dựng mặc dù mới tham gia vào thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu chưa lớn nhưng có triển vọng tốt. Nhóm đá xây dựng có tiềm năng xuất khẩu lớn như: đá cẩm thạch, đá vôi, đá granite, bazan, gabro, đá phiến sét, đá xây dựng... Riêng năm 2004, xuất khẩu đá chiếm tới gần 28% tổng giá trị xuất khẩu vật liệu xây dựng và năm 2005 dự tính sẽ chiếm tới trên 30%.
Theo tôi, việc xác định thị trường xuất khẩu cho từng chủng loại mặt hàng vật liệu xây dựng là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, khi đã xác định được mặt hàng vật liệu xây dựng chiến lược, có lợi thế cạnh tranh để xuất khẩu, cần khảo sát và tìm hiểu kỹ từng thị trường về nhu cầu nhập khẩu, tiêu chuẩn, chất lượng, thị hiếu khách hàng, giá cả, thuế nhập khẩu, phí vận chuyển, phương thức thanh toán, các rào cản kỹ thuật của các nước sở tại, đối thủ cạnh tranh để lựa chọn thị trường xuất khẩu vật liệu xây dựng cho phù hợp.
Theo đánh giá của Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, chúng tôi đã lựa chọn các thị trường trọng điểm cho vật liệu xây dựng Việt Nam kể từ năm 2006. Đó là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Asean, đặc biệt là Lào, Campuchia và Myamar, Singapore; thị trường Australia, châu Âu, Nga, Ucraina và các nước Đông Âu; thị trường Mỹ, Canada và các nước châu Mỹ.
Theo tôi, có tới 8 giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện ngay, cụ thể là: khảo sát kỹ các thị trường trọng điểm bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng, xuất khẩu vật liệu xây dựng mà thị trường thế giới cần, chứ không phải xuất khẩu những sản phẩm vật liệu xây dựng mà mình có; đầu tư cho khai thác và chế biến nguyên liệu, nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng đạt chất lượng tốt; tăng cường hợp tác trong nước, ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng; xây dựng các bộ tiêu chuẩn đồng bộ cho từng loại sản phẩm vật liệu xây dựng; thành lập các trung tâm thương mại và thiết bị nội thất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ, tiếp thị, kinh doanh hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại cần tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thảo, trung tâm giới thiệu sản phẩm vật liệu xây dựng Việt Nam ở nước ngoài.
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý về các vấn đề như: cho vay vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ vốn để sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng xuất khẩu có giá trị cao. Miễn thuế hải quan nhập vật tư, kỹ thuật, thiết bị, phụ tùng và nguyên liệu mà trong nước không có, mặt khác đơn giản thủ tục, nhanh chóng hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu vật liệu, phụ kiện để sản xuất hàng xuất khẩu. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ giá năng lượng để sản xuất hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu; giảm giá cước... Đưa vật liệu xây dựng vào danh sách mặt hàng xuất khẩu trả nợ cho các nước.
Theo tôi, cũng rất cần xây dựng một tổ chức phụ trách công tác xúc tiến thương mại riêng cho ngành vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn quốc, tổ chức này sẽ là đầu mối để tập hợp tất cả các đơn vị xuất khẩu trong ngành, tập hợp thông tin trong và ngoài nước để giúp các doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời công tác xuất khẩu của mình; tổng hợp chính xác tình hình về xuất khẩu của các doanh nghiệp, giúp các cấp quản lý nhà nước có những cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển xuất khẩu vật liệu xây dựng.

Ngành ngoại giao cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp
Ông Vũ Xuân Trường, Phó vụ trưởng Vụ tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao
Để trở thành chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu vật liệu xây dựng nói riêng thâm nhập vào thị trường nước ngoài, ngành ngoại giao rất cần sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, với hiệp hội cũng như các doanh nghiệp.
Để tăng cường sự phối hợp này, theo tôi, cần tăng cường tính chủ động của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan đại diện, để các cơ quan này hỗ trợ xuất khẩu vật liệu xây dựng. Nếu Hiệp hội hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng có các yêu cầu cụ thể, với vai trò là cơ quan đầu mối, Vụ tổng hợp kinh tế có thể yêu cầu các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài cung cấp thông tin, tìm hiểu đối tác hoặc trợ giúp các doanh nghiệp lập kế hoạch và triển khai công tác xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, quảng bá tiếp thị các sản phẩm...
Trung tâm thông tin kinh tế đối ngoại của Bộ ngoại giao đặt tại 30 Bà Triệu cũng có nhiệm vụ làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước, các địa phương với các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài. Tại đây các doanh nghiệp có thể yêu cầu trợ giúp thông tin khi cần thiết hoặc chủ động cung cấp thông tin cho trung tâm để Trung tâm giới thiệu đối tác khi có đối tác có nhu cầu phù hợp.
Do đặc điểm của mặt hàng vật liệu xây dựng không phải là hàng tiêu dùng hàng ngày, mà gắn với việc thực hiện các công trình xây dựng, nên một trong những phương pháp xúc tiến mặt hàng này là tạo sự hợp tác trong tìm kiếm thị trường giữa các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng với các doanh nghiệp xây dựng. Một mặt, các doanh nghiệp xây dựng cần sự hợp tác của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng để có được giá chào rẻ. Mặt khác, nếu trúng thầu tại các thị trường nước ngoài thì đó là cơ hội để các doanh nghiệp vật liệu xây dựng quảng bá sản phẩm của mình.
Trong sự hợp tác này, cơ quan đại diện ta tại nước ngoài có những thuận lợi nhất định để hỗ trợ các hợp đồng xuất khẩu tại nước bạn, nhất là ở những hợp đồng lớn.
Đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, việc xuất khẩu đòi hỏi sự hiểu biết kỹ càng về thị hiếu, tập quán xây dựng của thị trường đó. Chính vì vậy, việc tìm hiểu thông tin qua những người bản địa là cách làm hiệu quả. Hơn nữa, chính những cán bộ kinh tế thương mại của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước. Họ có kênh thông tin với các cơ quan hữu quan khác trong nước họ để có thể giúp doanh nghiệp ta tìm hiểu thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp nên trực tiếp tìm đến các cơ quan này, hoặc thông qua hiệp hội để có thêm thông tin thị trường.

Nên có chiến lược xúc tiến thương mại
Ông Hoàng Thịnh Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại
Theo tôi, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam chưa xứng với tiềm năng là do ngành này đang phát triển tự phát, thiếu quy hoạch và dự báo thị trường; các đơn vị sản xuất trong nước còn non trẻ kể cả về kinh nghiệm sản xuất lẫn hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Trong khi đó, chưa xây dựng và tổ chức thực hiện được chiến lược phát triển mặt hàng và thị trường xúc tiến thương mại, nâng cao uy tín thương hiệu của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Suất đầu tư cho sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam còn quá cao cũng là một nguyên nhân khiến cho giá thành vật liệu xây dựng của Việt Nam thường cao hơn 15-20% so với mức trung bình trên thế giới. Do vậy, nếu tình trạng này kéo dài thì ngay khi cả Hiệp định mậu dịch tự do được áp dụng đầy đủ, vật liệu xây dựng của Việt Nam cũng ít có ưu thế để vươn ra thị trường thế giới.
Để khuyến khích xuất khẩu vật liệu xây dựng, tôi cho rằng, cần chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển các mặt hàng vật liệu xây dựng. Đầu tư một số khu công nghiệp tập trung để sản xuất vật liệu xây dựng xuất khẩu, trong đó định hướng các mặt hàng xuất khẩu vật liệu xây dựng chủ lực đạt kim ngạch 10 triệu USD/năm trở lên. Chú trọng phát triển các mặt hàng vật liệu xây dựng mới nhưng có triển vọng lớn, trong tương lai gần sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. xây dựng và phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng xuất khẩu.
Đặc biệt, phải xác định được thị trường trọng điểm và các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng mũi nhọn để có sự đầu tư hợp lý trong công tác tiếp thị, makerting sản phẩm. Đây có thể coi là yếu tố quyết định sự thành công của công tác xuất khẩu vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Quỹ tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, Quỹ thưởng xuất khẩu, đồng thời tiếp tục đưa các mặt hàng vật liệu xây dựng vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.
Một vấn đề có tính chất quyết định cho công tác xuất khẩu vật liệu xây dựng chính là việc xây dựng, tổ chức và quản lý tốt thương hiệu các mặt hàng vật liệu xây dựng Việt Nam. Rất cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia phát triển thương hiệu Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Đồng thời nâng cao chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng vật liệu xây dựng, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Nguồn tin: Theo VnEconomy, ngày 24/12/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)