Xây dựng "không gian xanh" ở Thị xã Đông Hà

Thứ tư, 24/05/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 13/12/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã kí quyết định số 2285/QĐ/BXĐ công nhận thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị là đô thị loại III, đây là một sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mơ ước về một Đông Hà thành phố tương lai cũng đang dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, bộ mặt đô thị Đông Hà vẫn còn nhiều điều phải làm, trong đó, yếu tố cây xanh và việc tạo một "không gian xanh" là một vấn đề khá cấp thiết.

Một góc thị xã Đông Hà-Minh Thu

Công nghiệp hoá, đô thị hoá luôn gắn liền với sự đổi thay của môi trường, nhưng mức độ, tính chất, diễn biến của môi trường thay đổi thì tuỳ thuộc vào nhiều nhân tố. Ở đô thị, cấu trúc không gian và những đặc điểm của sự phát triển, chủ yếu là công nghiệp, mật độ xây dựng, dân cư... là những nhân tố quan trọng tác động đến môi trường và cảnh quan. Cây xanh, với vai trò thiên bẫm của nó, nếu được phân bố và cấu trúc hợp lý trong các khoảng không gian của đô thị sẽ đáp ứng nhu cầu nhiều mặt, trước hết là nhu cầu sinh thái trong lành, thiết yếu đối với đời sống dân cư, nhu cầu thẩm mỹ, cảnh quan, ngăn ngừa và giảm thiểu các yếu tố ô nhiễm... Thị xã Đông Hà là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Quảng Trị. Trong nhiều năm qua đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ, với nhiều tuyến đường mở rộng mới, các khu dân cư được quy hoạch nâng cấp, xây dựng. Do đó, trong quá trình đô thị hoá, hệ thống cây xanh phải được tính đến như là một yếu tố tổng thể không tách rời, để cây xanh đảm bảo tốt hiệu năng của chúng đối với cảnh quan, môi trường. Tuy nhiên, điều đáng buồn là yếu tố cây xanh ở Đông Hà chưa được các cấp các ngành và nhân dân quan tâm đúng mức, biểu hiện qua việc quy hoạch thiếu rõ ràng, cụ thể, dẫn đến môi trường đô thị Đông Hà còn tương đối kém, chưa đáp ứng được nhu cầu tại chỗ và thu hút được sự quan tâm của du khách.
Qua tìm hiểu, biểu hiện đầu tiên của vấn đề trên là hầu hết các hàng cây trên tất cả những đường phố ở Đông Hà đều được trồng không thẳng hàng, cự ly cây cách cây không đều, thiếu nhất quán trong việc phân bố từng loại cây, từ đó khiến bộ mặt cây xanh đường phố mất đi tính thẩm mỹ. Cây thì mọc ngoài, cây lại mọc trong, có tuyến đường rất nhiều cây, có tuyến lại chẳng có cây xanh nào. Lý giải điều này có thể là do cây chết không được trồng lại, hoặc trồng lại không đúng chổ, đôi khi do hoạt động xây dựng của nhân dân khiến cây bị chặt bỏ. Biểu hiện thứ hai là hàng cây không đảm bảo được cự ly an toàn đối với các công trình xây dựng trên và dưới mặt đất, dẫn đến tình trạng cây xanh khi lớn lên đã bao trùm vào hệ thống điện lưới, rất nguy hiểm cho người dân, nhất là vào mùa lụt bão. Cá biệt có nhiều cây còn mọc ngay sát mép đường nhựa, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường phố. Tất nhiên, để đảm bảo an toàn, ngành điện lực, giao thông lại kiến nghị chặt bỏ những cây, cành vướng víu. Từ đó, cây xanh sẽ bị ảnh hưởng đến phẩm chất sống, dẫn đến hiện tượng có nhiều cây được trồng gần cả chục năm trời vẫn như một đứa trẻ chậm lớn. Biểu hiện thứ ba là nhiều tuyến phố được trồng một số loại cây không thích ứng với môi trường sống, sinh hoạt, điển hình là cây hoa sữa, với mùi thơm quá nồng nàn đã ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của nhân dân. Một điều nữa là cây xanh đường phố ở Đông Hà chưa đảm bảo được yếu tố che bóng mát cho người đi đường, chưa tạo được cảnh quan cũng như nhu cầu cải tạo môi trường. Vốn đặc thù là một vùng đầy nắng, đầy gió, nên vào mùa hè, khi đi qua một số đường phố vắng bóng cây, sức nóng từ mặt đường nhựa bốc lên, bụi lại cuốn tung mù mịt, khiến cho người đi đường cảm thấy bức bối, ngột ngạt, lúc đó, mới cảm nhận được hết giá trị của những hàng cây xanh. Tại các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, qua quan sát nhận thấy ở đây được trồng một số loại cây bóng mát và trang trí nhưng số lượng ít và thiếu sự quy hoạch rõ ràng dẫn đến việc cây xanh chưa phát huy hết hiệu quả của nó. Đối với cây xanh trong công viên, lâm viên, có thể nói, ở Đông Hà hiện nay không có một lâm viên nào, còn cây xanh ở công viên thì chưa được cắt tỉa tạo dáng, chưa lập lịch tác động, chu kỳ bảo dưỡng và phát triển các hệ thống ổn định. Do đó vẫn chưa phát huy được tác dụng tôn tạo cảnh quan và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân đô thị...

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4186.596' />
Đường Hùng Vuơng, một trong những tuyến đường quy hoạch cây xanh đẹp nhất thị xã Đông Hà - Minh Thu
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4186.596' />
Đường Hùng Vuơng, một trong những tuyến đường quy hoạch cây xanh đẹp nhất thị xã Đông Hà - Minh Thu

Những năm gần đây, thị xã Đông Hà đã được quy hoạch mở rộng, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị. Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng, công tác lục hoá cũng được chính quyền và nhân dân chú ý đến. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn như thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ cấp trên, nhất là tình trạng thiếu ý thức chăm sóc và bảo vệ cây xanh của nhân dân thì hiện tại, diện tích cây xanh ở Đông Hà vẫn chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn của nó, nhất là tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và yếu tố thẩm mỹ đô thị. Đây là vấn đề khá cấp thiết hiện nay trong việc thực hiện chỉ tiêu trở thành thành phố. Chúng ta luôn biết rằng, việc phát triển hệ thống cây xanh, nhất là cây xanh đường phố là một yêu cầu bắt buộc đối với quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá. Do đó, các cơ quan chức năng và nhân dân cần phải có sự quan tâm đúng mức. Thị xã Đông Hà với tính chất là trung tâm của tỉnh lỵ, có vị trí nằm ngay trên giao lộ của quốc lộ 1A và quốc lộ 9, nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan... rất thuận lợi để phát triển các mối quan hệ giao lưu và phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch. Vì thế, yếu tố cây xanh càng phải được chú ý, để tương xứng với vai trò và tính chất của một thị xã tỉnh lỵ, làm sao phấn đấu đến năm 2010, diện tích cây xanh toàn đô thị đạt từ 7-10m¬2/người. Thiết nghĩ, để "khoác" lên đô thị Đông Hà một "không gian xanh", cần phải thoả mãn nhiều tiêu chuẩn và nguyên tắc đề ra, trước hết phải có định hướng chiến lược phát triển mảng xanh đô thị. Đó là công việc không chỉ thực hiện trước mắt mà phải thực hiện lâu dài, liên tục, gắn kết với tiến trình phát triển đô thị và chương trình chỉnh trang đô thị. Thứ hai, việc đầu tư, chọn loài cây và bố trí cây phải trên những khu vực cụ thể, đảm bảo đúng yêu cầu về kĩ thuật, phù hợp với tự nhiên và kiến trúc đường phố, đô thị. Cụ thể, đối với cây xanh đường phố, cần xác định cơ cấu cây dựa trên nguyên tắc phù hợp với đặc điểm sinh thái, đáp ứng với mục tiêu trồng như tạo bóng mát, hoa sắc bốn mùa, không ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là cần xây dựng quy phạm hợp lý đối với việc chăm sóc cây, bảo vệ, cắt tỉa cành định kỳ, tạo dáng làm đẹp cảnh quan, chú ý khống chế chiều cao phù hợp với các khoảng trống bên lề đường, đồng thời không gây tác hại đến hệ thống điện lưới. Việc chọn loại cây phải phù hợp với tính chất, vai trò, quy mô của mỗi tuyến đường. Ví dụ: Đường Hùng Vương, là tuyến đường có cơ sở hạ tầng dầy đặc, có nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh, nên phải chọn cây tạo được ấn tượng mạnh về mặt thẫm mỹ như Lim xẹt, long não, phượng vĩ, cau cảnh, dừa cảnh và một số loại hoa lâu năm... Đối với cây xanh trong công viên, lâm viên, cần phải tăng cường số lượng các loại cây có giá trị trang trí và che bóng cao như bằng lăng tím, bàng, bồ đề, lát hoa, sấu....đồng thời bố trí các cây khác nhau theo từng bậc nhằm tăng diện tích cây xanh, hạn chế khoảng trống và tạo ra được giá trị thẩm mỹ. Cần chú ý đến việc sưu tập các loại cây cảnh để làm tăng tính đa dạng về thành phần loài, nhằm tạo sự thích thú cho nhân dân khi đến vui chơi giải trí. Đối với cây xanh trong khuôn viên các công sở, trường học, bệnh viện, cần tận dụng diện tích đất đai và không gian trống để tăng số lượng cây, nhất là cây trồng trong chậu, bồn. Khuyến khích cây trồng có chiều cao vừa phải, để không gây ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, con người khi gặp gió bão, đặc biệt chú trọng các cây cho hoa, lá, quả, thân đẹp. Thứ ba là cần phát động sâu rộng trong nhân dân ý thức trồng và bảo vệ, chăm sóc cây xanh. Có như thế, hệ thống cây xanh, nhất là cây xanh đường phố mới phát huy được hiệu quả của nó. Mong rằng, trong một ngày gần nhất, Đông Hà thực sự có một "không gian xanh" để xứng đáng với tầm vóc của một thành phố trẻ.

Hoàng Quốc Tiến - Công an tỉnh Quảng Trị
www.quangtri.gov.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)