Quy hoạch xây dựng các đô thị miền duyên hải Việt Nam

Thứ hai, 17/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1- Đi từ sông ra biển: Dễ dàng nhận thấy rằng các đô thị lớn và quan trọng ở Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh... đều không chọn biển như yếu tố cấu thành và phát triển. Ngay cả đô thị Đà Nẵng, Cửa sông Hàn mới là bến cảng chính, tàu lớn phải neo ngoài Tiên Sa. Cấu trúc đô thị thật sự của Đà Nẵng là sông Hàn chứ không phải bờ biển.
Sự phát triển của kinh tế - xã hội và năng lực khoa học - kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam cho đến giữa thế kỷ XX không đủ sức hậu thuẫn cho các đô thị ven biển phát triển. Các đô thị biển chỉ phát triển một khi kỹ nghệ hàng hải phát triển. Kỹ nghệ hàng hải cần đến một trình độ kỹ thuật và công nghệ cao hơn kỹ nghệ nông nghiệp và dịch vụ trong cùng một nền kinh tế. Với một nền kinh tế lấy nông nghiệp làm chính, các đô thị của ta dễ chọn sông hơn là biển.
Trong tất cả các đô thị Việt Nam, chỉ có các đô thị: Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Hạ Long là các đô thị thực sự phát triển dựa trên tài nguyên biển ngay từ thuở mới hình thành và trong suốt quá trình phát triển.
Quy Nhơn từ lúc mới hình thành đa là thương cảng, dầu quy mô và ảnh hưởng không thực sự lớn, được định hình như một đô thị qua các hoạt động thương mại của các Hội quán Hoa thương và thương nhân Việt Nam. Ngày 30/4/1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier ra nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố. Nhưng từ nửa thế kỷ qua, tính thương cảng giảm dần và vai trò đô thị trong mạng lưới đô thị Việt Nam của Quy Nhơn cũng giảm theo. Các đô thị thương cảng cũ như Hội An, Quảng Yên, Phố Hiến, Cù Lao Phố khi mất vai trò cảng, thì tính thương mại cũng teo dần; hình thái đô thị mất dần hoặc phải chuyển hướng như Hội An hiện tại.
Hòn Gai trước đây, Hạ Long bây giờ cũng thực sự là thành phố biển. Hạ Long với tính chất là một đô thị cảng - công nghiệp luôn đựơc tồn giữ và phát triển. Ngày nay thành phố Hạ Long với Vịnh Hạ Long hai lần là Di sản Văn hoá thế giới, đã khai thác hai hình thức tài nguyên của biển để trở thành một đô thị công nghiệp và đô thị nghỉ mát - du lịch có tiếng trong cả nước và quốc tế.
Các thương cảng lớn và nổi tiếng của chúng ta từ Phố Hiến, Hội An, Đà Nẵng, Nông Nại Đại phố - Cù lao phố, Sài Gòn, Hải Phòng đều lấy sông làm yếu tố phát triển trước khi có điều kiện mới đi từ sông ra biển.
Nha Trang và Vũng Tàu từ khi hình thành đến nay, đều chọn biển là yếu tố cấu trúc và phát triển qua việc khai thác tài nguyên khí hậu và cảnh quan biển làm du lịch. Dẫu thăng trầm có lúc khác nhau nhưng biểu đồ phát triển theo hướng đi lên. Khi xã hội phát triển, nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch tăng dần, đô thị phát triển mạnh, tài nguyên sinh thái ven biển có nguy cơ cạn kiệt. Chưa đến mức phải kìm hãm phát triển nóng của đô thị nhưng ở các đô thị này đã rất cần bảo tồn và lưu giữ chút còn lại của tài nguyên sinh thái ven biển.
Các đo thị du lịch - nghỉ mát biển mới hình thành sau 1954 như Sầm Sơn, ĐỒ Sơn, Cửa Lò; hay các đô thị hải đảo như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo cho đến nay vẫn chỉ có thể chọn hướng khai thác dịch vụ du lịch - nghỉ mát để phát triển. Một mức độ khai thác thấp nhất tài nguyên biển.
Chúng ta chưa có đô thị nào đủ điều kiện khai thác toàn diện và khoa học tài nguyên biển từ các công nghệ đánh bắt và chế biến hải sản đến các công nghệ và dịch vụ của một cảng công nghiệp và thương cảng như Rotterdam, Marseille, Odecxa... Chúng ta cũng chưa có một đô thị ven biển nào thuần du lịch - nghỉ ngơi như Varadero Cuba, Languedoc-Roussillon Pháp, Bali Indonexia... Và cũng vì thế các vấn đề mâu thuẫn giữa bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên của biển, của hệ thống sinh thái ven biển và phát triển đô thị luôn là bài toán không lời giải. Phần lớn các đô thị ven biển hay hướng biển của chúng ta đến nay vẫn là các đô thị kết hợp các chức năng hành chính với du lịch - nghỉ mát. Về lý thuyết, khi hoạch định phát triển không gian đô thị các nhà quy hoạch đô thị đã có định hướng, nhấn mạnh các yếu tố chính cấu thành đô thị, nhưng trong thực tế, tiềm lực kinh tế không đủ mạnh để bảo đảm đô thị phát triển bền vững, cân bằng trong cấu trúc sinh thái và vùng ven biển.
Giống như trong việc xây dựng và phát triển một nhà máy, khu xử lý chất thải thường cần đến vốn đầu tư lớn mà sự tăng trưởng lợi nhuận của nhà máy không kham nổi, nên thường bị coi nhẹ, hoặc làm lấy lệ. Ở các đô thị đã phát triển, tài nguyên biển và cảnh quan sinh thái ven bờ đang bị lạm dụng. Khai thác than và lấn biển xây dựng đô thị ở Hạ Long đang biến dần một phần của Vịnh Hạ Long tuyệt tác trở thành Hạ Long trên cạn. Dải đất dài ven bờ từ Bãi Tiên đến Cầu Đá của Nha Trang coi như đã đô thị hoá xong. Cảnh quan sinh thái ven biển về cơ bản đã biến mất. Một chút cây xanh còn giữ lại như công viên đô thị không đủ làm nên chất biển của đô thị. Chỉ còn 3 yếu tố để nhận ra đô thị biển: cát, mặt nước biển và hình ảnh thị giác của các đảo xa. Đô thị hoá ở Đà Nẵng đã lan sang bờ Đông sông Hàn và đang đẹ doạ vùng cảnh quan Sơn Trà. Nếu chúng ta không giữ lại một chút gì của cảnh quan sinh thái biển cho đô thị thì sẽ tạo dựng bản sắc đô thị biển từ cái gì? Từ tầm nhìn hay từ địa dạng của khu đất, thực chất đó là những khái niệm trừu tượng thường gây tranh cãi. Con người vốn không làm ra thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hoá luôn bị đe doạ bởi cuộc sống của con người hiện tại, mất đi phần nào là vĩnh viễn mất.
Một dân tộc thì biết giữ gìn truyền thống, một gia tộc thì biết ghi nhớ gốc gác tổ tiên nhưng một cộng đồng thì thường xoá đi hết những tín hiệu và mắt xích sinh thái của đất đã nuôi sống mình trong quá trình phát triển. Con người đã không công bằng trong đối xử với thiên nhiên.
Trình bày đôi điều trên đây để đi đến kết luận rằng:
- Xây dựng và phát triển một đô thị lấy biển như một yếu tố chính cấu thành đô thị luôn cần đến một trình độ phát triển kinh tế - khoa học công nghệ cao hơn nhiều so với đô thị phát triển từ sông. Nghĩa là, ở đâu khi điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ khoa học công nghệ chưa đủ thì đừng vội xuống biển.
- Ngay cả khi đô thị chọn hình thức khai thác tài nguyên khí hậu và cảnh quan biển và ven bờ biển làm du lịch - nghỉ mát, một hình thức khai thác thấp nhất tài nguyên biển, thì cũng cần đến sự phát triển kinh tế và xã hộ của cả nền kinh tế quốc gia và các vùng mà đô thị đó phụ thuộc.
- Cho đến nay, chúng ta chỉ có 3 hình thức khai thác tài nguyên biển để phát triển đô thị: đô thị như một thành phố cảng - công nghiệp; đô thị như một trung tâm du lịch - nghỉ mát và lấn biển để phát triển đô thị.
- Cần phải công bằng trong đối xử đối với thiên nhiên, với tài nguyên biển và cảnh quan sinh thái ven bờ để phát triển đô thị một cách bền vững và có bản sắc.

2- Về các đô thị hướng biển:
Hơn 10 năm qua, khi nền kinh tế chung của chúng ta đã tăng trưởng đáng kể so với trước đây, đã có nhiều đô thị điều chỉnh hướng phát triển không gian tiệm cận với biển. Nhiều đô thị có lịch sử phát triển từ sông, hay các tuyến giao thông bộ đã đi dần ra biển khi vị trí và cảnh quan cho phép. Từ các đô thị lớn như Đà Nẵng, Hải Phòng, các đô thị thủ phủ như Phan Thiết, Phan Rang, Tuy Hoà, Đông Hà, Rạch Giá hoặc các đô thị công nghiệp mới như Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất đến các đô thị tương lai đầy tiềm năng du lịch - nghỉ mát như Lăng Cô , Vân Phong, Cam Ranh hoặc các đô thị tiềm ẩn tài nguyên biển như Diêm Điền Thái Bình, Vũng Áng Hà Tĩnh... tất cả đều hướng biển. Phần đông các đô thị này đều hướng biển để khai thác du lịch và nghỉ mát.
Đất nước đã có đủ tiềm lực hậu thuẫn cho các đô thị ven biển phát triển. Chắc chắn trong vòng 10-15 năm tới mạng lưới các đô thị ven biển sẽ được hình thành như một cấu trúc chặt chẽ và có vai trò nổi trội không kém các đô thị đông bằng Bắc Bộ hay miền Tây Nam Bộ. Không giống như cấu trúc mạng của hệ thống đô thị đồng bằng, cấu trúc của hệ thống đô thị duyên hải trong tương lai có dạng tuyến và tương đối độc lập với nhau. So với các đô thị đã được định hướng phát triển công nghiệp là chính như: cảng nước sâu Chân Mây, Khu kinh tế mở Chu Lai. Thành phố lọc dầu Dung Quất... các đô thị khai thác tài nguyên biển để làm du lịch - nghỉ mát sẽ phát triển sớm hơn nhưng không ổn định bằng. Các đô thị công nghiệp hướng biển được hình thành trên cơ sở các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia như: Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hành lang kinh tế Chân Mây - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất, Tam giác kinh tế thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu... nên dầu có phát triển sớm hay muộn hơn thì các yếu tố tạo thị cũng chắc chắn và ổn định hơn. Các đô thị hướng biển để phát triển du lịch và nghỉ mát trên cơ sở nhu cầu và quyết định địa phương thì các yếu tố cấu thành đô thị chông chênh hơn. Trước hết là sự cạnh tranh trong dịch vụ và các yếu tố làm nên sức hút du lịch - nghỉ mát. Điển hình là trường hợp Phan Rang. Dẫu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nghỉ mát nhưng phía Bắc có Nha Trang, phía Nam có Phan Thiết và phía Tây có Đà Lạt. Du lịch Phan Rang chỉ phát triển khi biết khai thác độc đáo tài nguyên biển, tạo nên tính độc lập và sức hút riêng trong phát triển. Chỉ khi thật sự độc lập và bằng vai với các đô thị trên mới có thể liên kết và hoà vào mạng lưới của các đô thị du lịch - nghỉ mát này. Vấn đề của Phan Rang là chiến lược phát triển du lịch chứ không phải là giải pháp quy hoạch đô thị.
Các đô thị hướng biển và các điểm du lịch biển đang manh nha hình thành đô thị tạo thành một dải hơn 30 đô thị dày đặc, lớn nhỏ trong tương lai từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu là điều có thể hình dung được đến năm 2020. Đến lúc đó, vấn đề bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên biển là yếu tố chủ đạo trong chiến lược phát triển đô thị và hệ thống đô thị duyên hải. Về mặt lý thuyết vấn đề không gì mới, đã từng xảy ra ở nhiều đô thị trên thế giới, nhưng thường không được chuẩn bị lộ trình và bị coi thường trong thực tế phát triển giai đoạn đầu.
Vì vậy chiến lược ở tầm quốc gia và địa phương cần được nghiên cứu kỹ, không nóng vội và nhất là không thể được quyết định bằng ý chí của lãnh đạo như chúng ta vẫn thường biết tới.

3- Một số vấn đề của đô thị biển:
3.1- Vấn đề tạo lõi thiên nhiên cho đô thị biển
Xu hướng phát triển đô thị biển thường ôm lấy bờ biển, như trường hợp Nha Trang, sẽ đẩy đô thị xa dần với môi trường và cảnh quan sinh thái ven bờ. Tính huyền diệu, hoành tráng hay ngẫu nhiên của cảnh quan thiên nhiên được thay bằng những xếp đặt võ đoán của những con người cụ thể. Những dấu ấn sinh thái, những tín hiệu thị giác của cảnh quan và môi trường biển dần biến mất trong quá trình phát triển. Do vậy trong cấu trúc đô thị biển dứt khoát phải có yếu tố cảnh quan và môi trường sinh thái thiên nhiên ven bờ biển. Đã là yếu tố cấu trúc thì không thể thiếu vắng trong bất kỳ điều kiện nào. Bởi nếu không có nó đô thị sẽ có một cấu trúc khác, sẽ phát triển với một hình thái khác và sẽ không là một đô thị biển thật sự.
Yếu tố cảnh quan và sinh thái thiên nhiên ven bờ đã có nhiều hình thức công năng tương ứng tuỳ trường hợp cụ thể, được coi như là một phần của tài nguyên biển trong đô thị. Là cái lõi thiên nhiên của đô thị. Nói là cảnh quan và sinh thái thiên nhiên ven biển bởi chúng ta không thể tạo biển trong đô thị, cũng không nên tạo sơn giả hay giả đảo trong đô thị. Giữ nguyên một phần cảnh quan và sinh thái thiên nhiên ven bờ khi hoạch định phát triển không gian và kiến tạo hình thái đô thị là điều khả thi và hợp lệ đất trời nhất.
3.2- Vấn đề cấu trúc đô thị ven biển
- Việc chọn biển làm hướng phát triển, các đô thị ven biển thường có cấu trúc các lớp song song tương đối với bờ biển. Do vậy các lớp ưu tiên phát triển phải là các lớp gần bờ. Việc các công trình kiến trúc cao tầng chiếm phần lớn dải đất ven biển sẽ là tất yếu. Vấn đề là ở tỷ lệ và nhịp điệu tương quan với các khoảng trống của các con đường hướng biển và quảng trường biển. Các đô thị Nam Mỹ như Rio de Janeiro của Brasin, Caracas của Venezuela hay Habana của Cuba... đều là vậy. Hình thái phát triển đó là không thể tránh khỏi, chúng ta chỉ điều tiết hình thái chứ không loại bỏ nó trong quan niệm về cảnh quan và hình thái đô thị biển.
- Các đô thị tiến dần ra biển thường có một trục chính hoặc một hệ trục nối đô thị cũ với bờ biển. Trong các trường hợp này, đô thị có độ dày phát triển, và biển như một yếu tố nhấn của cảnh quan đô thị. Các trục đường hướng biển thực chất là các trục cáu trúc và hoạt động quan trọng của đô thị nên tập trung nhiều công trình kiến trúc có quy mô và độ cao tương xứng. Đô thị dẫu có hay không đường bao ven biển cũng không ảnh hưởng lắm đến cảnh quan và hình ảnh đô thị. Biển chỉ là một trong các yếu tố phát triển của đô thị, dẫu quan trọng hay thứ yếu. Do vậy, cảnh quan đô thị ven bờ có điều kiện để giữ được ở mức cao nhất tính chất thiên nhiên và sinh thái ven biển. Các công trình kiến trúc cao chỉ là những điểm nhấn xuyết so với số lượng các điểm cao của đô thị. Nhà thấp tầng và hình dạng tự nhiên là các yếu tố chính tạo cảnh quan đô thị ven bờ.
- Trong thực tế không chỉ có và không đơn giản, rõ ràng với 2 loại cấu trúc này. Còn các hình thái cấu trúc kết hợp, hoặc khác hẳn. Tuy nhiên nêu vấn đề cấu trúc để nói rằng: hình ảnh cảnh quan, vẻ đẹp đô thị là phụ thuộc và cấu trúc đô thị chứ không vì vẻ đẹp đô thị thường không đồng nhất trong quan niệm, hay vì hình ảnh thị giác của đô thị mà ép cấu trúc đô thị đi theo. Cấu trúc đô thị là cái logic, và bất cứ một cấu trúc logic nào cũng có vẻ đẹp, có một giá trị thẩm mỹ nhất định mà nhiệm vụ của nhà chuyên môn phải tìm ra và lý giải nó. Còn không phải vẻ đẹp nào cũng có logic là điều chúng ta đã biết.
3.3- Vấn đề đường bao ven biển
Nếu xét trên quan điểm cấu trúc đô thị, thì đường bao biển phụ thuộc vào cấu trúc của đô thị. Tự thân đường bao biển không có lỗi gì đối với giá trị thẩm mỹ của đô thị, không ảnh hưởng gì đến cảnh quan đô thị biển. Bởi nếu nó được sinh ra từ cấu trúc thì đường bao biển không có vẻ đẹp này sẽ có vẻ đẹp khác, sớm hay muộn, lâu hay mau cũng nhận ra. Còn lại là các trường hợp cụ thể với các liều lượng và quy mô dài rộng khác nhau của dải đất ven biển. Không nên kết luận là nên hay không nên có đường bao biển mà phải trả lời trong trường hợp cụ thể này cần đến cấu trúc nào cho đô thị ven biển.
Các đô thị Việt Nam đã đi từ sông ra biển. Trong khoảng 20 năm đầu của thế kỷ XXI sẽ là thời điểm phù hợp cho các đô thị biển Việt Nam phát triển.
Nếu tính bản địa làm nên bản sắc của đô thị thì cái nền của bản đó là do thiên nhiên tạo ra. Chỉ khi nào chúng ta công bằng với thiên nhiên trong ứng xử thì chúng ta mới nâng cao hơn các giá trị nhân văn do mình tạo ra. Bản sắc của đô thị ven biển phải được xây dựng trên cái nền của cảnh quan và môi trường sinh thái ven biển.

Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 130/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)