Quy hoạch Xây dựng vùng TP.HCM: Vùng công nghiệp - dịch vụ hàng đầu của Việt Nam

Thứ sáu, 24/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM để lấy ý kiến đóng góp cho đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM bao gồm 8 tỉnh, thành là TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, một phần của Long An, Tây Ninh, Bình Phước và Tiền Giang, với diện tích tự nhiên 3.040,4ha. Cùng dự buổi làm việc, về phía TP.HCM có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thưThành uỷ Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua và lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng. Về phía Bộ Xây dựng có Thứ trưởng Trần Ngọc Chính và các cơ quan hữu quan của Bộ.
Vùng công nghiệp - dịch vụ
hàng đầu của Việt Nam
Đồ án đã đưa ra một số định hướng về kinh tế - xã hội KTXH, quy hoạch không gian xây dựng, quy hoạch hệ thống mảng xanh, quy hoạch hệ thống hạ tầng… Theo đó, sẽ xem xét tổng quan các mối liên kết giữa các tỉnh với TP.HCM để quy hoạch lại các khu đô thị KĐT và đô thị vệ tinh trên cơ sở phân bố hợp lý về vị trí, quy mô dân số, quy mô đất đai, khoảng cách và khoảng xanh giữa các đô thị... Đồng thời quy hoạch và sắp xếp lại các khu, cụm công nghiệp hiện có để hình thành các khu công nghiệp KCN chuyên ngành dựa vào thế mạnh của từng địa phương, cũng như sẽ phân bố lại các loại hình công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông cho những tỉnh có trình độ phát triển thấp, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm áp lực gia tăng lao động nhập cư vào những KĐT lớn trung tâm của vùng. Đồ án cũng đã xác định vị trí và quy mô diện tích của các khu rừng phòng hộ thuộc tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và rừng dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ. Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án cũng đã xác định các tuyến giao thông quan trọng liên vùng, bảo đảm việc kết nối giữa các KĐT của vùng về đường bộ, đường thủy, hệ thống cảng biển, đường hàng không và các khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật để có giải pháp bảo vệ nguồn cấp nước, khu xử lý chất thải độc hại...
Để bảo đảm tính liên kết và hiện đại, đồ án đề nghị các cấp thẩm quyền nghiên cứu lại đường vành đai 3, 4 của TP.HCM, nên nâng cấp các đường này thành đường vành đai vùng và là hành lang phát triển đô thị, công nghiệp. Đồng thời có thể mở thêm các đường xuyên TP theo các hướng Đông - Nam, Tây - Bắc. Nhóm tác giả đồ án cũng đề nghị TP nên xem lại vị trí xây dựng KĐT Tây Bắc, bởi khu vực này thấp và được coi như là cái rốn thoát nước nếu xây dựng đô thị ở đây e rằng sẽ không phù hợp.
Với những định hướng quy hoạch như vậy, vùng TP.HCM sẽ trở thành Vùng công nghiệp - dịch vụ hàng đầu của Việt Nam.

Những vấn đề cần điều chỉnh
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh đồ án. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính nhận định: Đồ án đã đánh giá được tiềm năng và vai trò động lực của TP.HCM đối với phát triển vùng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng được quy hoạch khung đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa và yêu cầu phát triển nhanh của vùng.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Trọng Hoà cũng băn khoăn về định hướng phát triển đô thị và các KCN. Theo ông Hòa, việc xác định khu vực Bình Chánh thành KĐT độc lập là chưa phù hợp vì có bán kính quá gần với khu vực nội thành hiện hữu. Khu vực huyện Hóc Môn và khu vực giáp ranh Hóc Môn của huyện Củ Chi, không nên hình thành các KĐT độc lập quy mô lớn mà chỉ nên hình thành các khu thị tứ quy mô vừa để khu vực này vẫn giữ được là vành đai xanh của TP.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM đặt câu hỏi: Xây dựng quy hoạch vùng mang tính pháp lệnh hay chỉ là hướng dẫn? Bởi pháp lệnh thì có tính cưỡng chế cao, còn hướng dẫn thì làm cũng được mà không cũng chả sao. Ông Lịch đề nghị đồ án cần khắc họa rõ mối quan hệ gắn kết giữa ĐTM Thủ Thiêm với Q.2, Q.9, Nhơn Trạch. Vùng TP.HCM phải có các đô thị nằm hai bên sông Đồng Nai. Ngay như KĐT Hiệp Phước được quy hoạch là đô thị mang tính chất vùng và được coi là điểm đột phá thúc đẩy KTXH cho vùng, nhưng đồ án cũng chưa làm bật lên được vị trí, chức năng của nó, đặc biệt là vai trò của cảng Hiệp Phước trong việc xây dựng, phát triển đô thị này.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua đưa ra ý kiến xem lại biểu đồ tăng dân số cơ học của các địa phương trong vùng. Qui mô dân số của TP.HCM hơn 10 triệu người vào năm 2025, mà đồ án dự báo e rằng không thực tế. Theo ông, con số này khả năng sẽ đạt vào trước năm 2025. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết cho biết, TP sẽ ưu tiên phát triển dịch vụ, còn công nghiệp thì chỉ ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao. TP cũng phải có kế hoạch phát triển một số đô thị vệ tinh ngay từ bây giờ nhằm giãn dân trong khu vực trung tâm. Muốn vậy đồ án cần phải nghiên cứu gắn KĐT với các tiểu KCN ở một mức nào đó.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân yêu cầu Phân viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Miền Nam đơn vị tư vấn xây dựng đồ án tiếp thu các ý kiến đóng góp, nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp để sớm hoàn chỉnh đồ án, tạo được ý tưởng quy hoạch các không gian xây dựng hiện đại nhằm đưa TP.HCM thành một TP của khu vực và của thế giới. Đồng thời phải gắn kết được với các đô thị của các tỉnh xung quanh, để tạo thành một hệ thống đô thị thống nhất, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguồn tin: Báo Xây dựng số 23 ngày 21/3/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)