Phát triển đô thị mới - Kinh nghiệm quốc tế

Thứ ba, 17/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiêm nhiệm cơ bản cho mục tiêu xây dựng đô thị mới là quản lý và tập trung ở mức cao có hiệu quả các nguồn đầu tư của Chính phủ và của các thành phần kinh tế khác nhau nhằm phục vụ tốt hơn cho phát triển đô thị. Trên cơ sở đó tạo được bộ mặt mới hiện đại cho đô thị, đáp ứng được những nhu cầu phát triển về đời sống, văn hoá, kinh tế, xã hội trong tương lai.
Hơn muời năm qua, cùng với những chuyển biến mạnh mẽ của đất nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập cộng đồng quốc tế, các đô thị lớn của Việt Nam đang được đô thị hoá với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển mạnh mẽ hiện nay, các đô thị lớn Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thử thách đầy cam go để phát triển kinh tế dân sinh: Quỹ nhà ở và hạ tầng hạn hẹp, sơ sài, chắp vá, kém tiện nghi; trình độ quản lý đầu tư và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập, khả năng thu hút đầu tư rất hạn chế. Chính vì vậy, việc xây dựng các đô thị mới là cần thiết và cấp bách, vì nó là một cấu thành cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, nhằm tạo bộ mặt mới đồng bộ, hiện đại cho các đô thị hiện hữu.
Hiện nay, chính quyền địa phương trong cả nước đang có chủ trương xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, trong khi chúng ta còn rất thiếu kinh nghiệm và chưa có các văn bản pháp quy riêng cho lĩnh vực này. Một số thông tin về kinh nghiệm xây dựng đô thị mới của các nước trên thế giới cũng như một số quan điểm được rút ra từ thực tế xây dựng các khu đô thị mới của Việt Nam sẽ cho chúng ta cách nhìn mới nhạy bén hơn để xây dựng và phát triển đô thị, để góp phần xây dựng thành công các đô thị mới ở Việt Nam.
Việc phát triển đô thị theo mô hình xây dựng đô thị mới đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã đạt được nhiều thành công. Mục tiêu xây dựng các khu đô thị mới được xác định trên cơ sở điều kiện kinh tế, trình độ quản lý của mỗi quốc gia và quy mô của chúng cũng thay đổi tuỳ theo nhu cầu cũng như điều kiện đất đai của mỗi khu vực. Qua nghiên cứu việc xây dựng và phát triển khu đô thị mới của một số nước như Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc...bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Tổng quan nhìn nhận vấn đề đô thị mới:
Các đô thị mới ở các nước thường được hình thành và phát triển tại các khu vực gần đô thị cũ, khi mà điều kiện của các đô thị cũ không đáp ứng được yêu cầu phát triển mới như: Thiếu đất xây dựng làm cho giá nhà và đất quá cao, gây nên tình trạng thiếu nhà ở và khó khăn cho việc xây dựng các công trình trong đô thị; hệ thống hạ tầng quá tải gây nên tình trạng ách tắc giao thông, thiếu nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường...mà nếu đầu tư cải tạo xây dựng thì quá tốn kém và phức tạp; mặt khác cơ cấu đất của đô thị cũ không đáp ứng được nhu cầu phát triển mới.
Do đó theo kinh nghiệm thực tế của các nước trên thế giới, các đô thị mới thường được bố trí gần đô thị cũ với khoảng cách 10 -30km, để tận dụng được những thế mạnh của đô thị cũ như nguồn nhân công và các sản phẩm sẵn có của đô thị cũ đồng thời phát huy được tiềm năng phát triển của đô thị mới về đất đai và cơ sở hạ tầng.
Khu vực quy hoạch đô thị mới thường được chọn ở những nơi có điều kiện thuận lợi về quỹ đất xây dựng, nguồn nhân công, về tổ chức hạ tầng kỹ thuật điện, nước...; đặc biệt là về giao thông như gần cảng, sân bay quốc tế và các trục giao thông quan trọng.
Các đô thị mới có quy mô khác nhau với diện tích loại nhỏ từ 400ha đến các đô thị loại vừa 1000-2000ha, loại lớn từ 6000- 8000ha đến rất lớn từ 10000ha trở lên.
Do đó dân số của các đô thị mới thường dao động từ mức nhỏ 65.000người Evry cuả Pháp đến mức khoảng hơn 100.000người Cergy Pontoise, Marne la Vallée của Pháp, đô thị loại lớn từ 200.000 đến 400.000người Sanbon, Pyungchon, Ilsan và Bungdang của Hàn Quốc và loại rất lớn như Shuzou 650.000 người và Phố Đông 1.800.000người của Trung Quốc. Do điều kiện đất đai, lối sống và dân số nên mật độ dân cư của các đô thị châu Á thường cao hơn các đô thị châu Âu.

Mô hình tổ chức thực hiện:
Chính phủ của các quốc gia đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức thực hiện xây dựng đô thị mới. Để tạo lập bộ máy và cơ chế linh hoạt cho phép huy động và tập trung các nguồn lực cho phát triển đô thị mới. Chính phủ của các nước thường thành lập hai cơ quan chuyên trách về xây dựng đô thị: cơ quan thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và cơ quan quản lý việc xây dựng. Qua nghiên cứu thực tế xây dựng đô thị mới ở một số nước, mô hình quản lý đầu tư và xây dựng được tổ chức như sau:

Mô hình của Pháp.
Các đô thị mới ở Pháp được xây dựng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương có liên quan. Để xây dựng phát triển đô thị mới ở Pháp, Chính phủ đã thành lập Ban thư ký tổng hợp về các Đô thị mới General Secretariat for New Towns là cơ quan điều phối giữa các nhà chính trị, các nhà kinh tế thuộc nhiều ban ngành của Chính phủ trong việc thực hiện các dự án đô thị mới. Ban đầu là mối liên hệ giữa Chính quyền địa phương và Công ty Xây dựng Cộng đồng Public Development Corporation. Ban thư ký là cơ quan chỉ đạo, hỗ trợ và đưa ra các quy định giúp cho việc thực hiện xây dựng thành công đô thị mới.
Khi dự án đô thị mới được Chính phủ xác định và công bố, Công ty Xây dựng Cộng đồng được thành lập, Công ty có trách nhiệm lập các quy hoạch chi tiết và phê duyệt các dự án đầu tư trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt. Đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc chuẩn bị đất đai và xây dựng hạ tầng của đô thị mới. Công ty này có một ban giám đốc gồm 15 đến 30 thành viên, trong đó 50% là đại diện của cơ quan nhà nước và 50% còn lại là các đại biểu của các cấp địa phương.
Ban giám đốc của Công ty nhận vốn của Chính phủ và của các nguồn khác giao cho Giám đốc điều hành thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở khung sườn của đô thị mới và bán lại đất có hạ tầng cho các chủ đầu tư thứ phát xây dựng các công trình đô thị.
Hội đồng phát triển đô thị liên quận Intermunicipal Development Districs là cơ quan điều phối hoạt động của chính quyền các địa phương. Hội đồng phát triển đô thị liên quận là cơ quan chuyên môn về quy hoạch và đầu tư được thành lập để quản lý việc xây dựng đô thị như việc xem xét dự án, cấp phép xây dựng các công trình trong đô thị mới.
Theo mô hình của Pháp, việc xây dựng đô thị mới dựa trên hệ thống hành chính hiện có và các nguồn tài chính trong nước là chủ yếu, được hỗ trợ bởi một khung giá đất ổn định khi dự án đô thị mới được duyệt Chính phủ cho đóng băng giá đất để tránh việc đầu cơ đảm bảo cho việc đầu tư lâu dài và ổn định.

Mô hình của Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, việc thực hiện xây dựng đô thị mới dựa trên cơ sở phối hợp một cách hài hoà giữa Chính phủ và khu vực tư nhân. Cơ quan xây dựng hạ tầng đô thị mới là Công ty Phát triển đất Hàn Quốc Korea Land Development Corporation – KLDC có trách nhiệm mua đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ quan chịu trách nhiệm phát triển nhà ở là Công ty quốc gia phát triển nhà Hàn Quốc Korea National Housing Development Corporation – KNHC và Văn phòng Phát triển đô thị mới Office of New Town Development là cơ quan quản lý việc xây dựng đô thị mới. Tất cả các đơn vị trên đều là các đơn vị chủ chốt trực thuộc Bộ Xây dựng và Giao thông Hàn Quốc, tham gia trực tiếp vào việc xây dựng phát triển đô thị mới. Công ty phát triển đất Hàn Quốc thực hiện việc mua đất và phát triển hạ tầng bằng khoản ứng trước của các nhà đầu tư và các khoản tín dụng. Công ty thanh toán lại cho các nhà đầu tư bằng đất đã có hạ tầng để thực hiện các dự án tứ phát theo đúng các quy hoạch được duyệt.
Việc xây dựng đô thị mới tại Hàn Quốc được hỗ trợ bằng một chính sách trưng mua đất đai và một chương trình quốc gia phát triển nhà ở rộng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nhà ở trong các đô thị dựa trên các nguồn lực trong nước.
Trong mô hình đô thị mới của Hàn Quốc, Chính phủ đóng vai trò chỉ đạo tập hợp mọi nguồn lực trong nước để phát triển đô thị một cách có hiệu quả.

Mô hình của Trung Quốc.
Việc xây dựng các đô thị mới của Trung Quốc thường được thực hiện trên cơ sở thành lập một khu hành chính đặc biệt có cơ chế riêng. Khu hành chính đặc biệt do một tổ chức thay mặt Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước toàn diện, theo cơ chế đặt biệt. Tổ chức này có thể là tổ chức do Chính phủ thành lập Đô thị mới Phố Đông, cũng có thể là một cơ quan liên Chính phủ Đô thị mới Shuzou hay một doanh nghiệp nhà nước Đô thị mới Daxie được hoạt động theo một cơ chế đặc biệt với tinh thần đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có thể do doanh nghiệp trong nước Daxie, Phố Đông hoặc phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài Shuzou.
Đất đai ở Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước, việc đền bù giải phóng mặc bằng được điều tiết bằng luật thông qua việc chỉ đạo thực hiện một cách cứng rắn của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Mô hình của Dự án Đô thị Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức đầu tư xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một dự án thí điểm, do đó đã được Chính phủ cho thành lập Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh và được giao một số chức năng và quyền hạn nhất định, tạo điều kiện thực hiện thành công dự án. Tham gia vào thực hiện đầu tư xây dựng khi đô thị mới Nam Sài Gòn còn có Công ty phát triển hạ tầng SADECO và Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện quản lý theo cơ chế một cửa, tuy nhiên cũng còn bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ như thiếu các cơ chế khuyến khích đầu tư, các chính sách về đất đai, về tài chính...
Đầu tư xây dựng đô thị mới Nam Sài Gòn là việc thực hiện chủ trương thống nhất và ý chí quyết tâm của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, đồng thời là mong muốn của toàn thể nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trước sức ép mạnh mẽ của sự phát triển đô thị.

Đô thị mới Hà Nội Tây Hồ Tây và Bắc Sông Hồng
Đô thị mới Hà Nội là một dự án cực lớn về phát triển đô thị, nằm ở vị trí đặc biệt ngay cạnh đô thị cũ của Thủ đô có gần 1000năm tuổi. Chính vì vậy, thực hiện dự án này cần có một cơ chế đặc biệt, một mô hình tổ chức đặc biệt để có thể xây dựng đồng bộ về hạ tầng, hiện đại và to lớn về quy mô, tạo nên một bộ mặt mới cho Thủ đô song vẫn hài hoà với cảnh quan thiên nhiên và giữ được đặc thù truyền thống của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Với những mục tiêu trên, dự án Đô thị mới Hà Nội cần được xem xét như một dự án đặc biệt, thông qua việc được Nhà nước cho áp dụng các cơ chế đặc biệt trong quá trình thực hiện nhằm thu hút tối đa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Muốn thực hiện thành công Đô thị mới Hà Nội, trước tiên phải có bộ máy đủ mạnh, được vận hành theo cơ chế một cửa nhằm thông thoáng môi trường đầu tư, nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm tối đa thời gian cho các nhà đầu tư khỏi các thủ tục hành chính rườm rà. Điều tối kỵ trong quá trình thực hiện đầu tư và xây dựng Đô thị mới Hà Nội là xé nhỏ để quy hoạch, để xây dựng manh mún, xôi đỗ làm cho bộ mặt đô thị chắp vá , không đồng bộ, lãng phí về kinh tế, khó khăn khi khắc phục hậu quả trong tương lai.
Ban quản lý Đầu tư và xây dựng khu Đô thị mới Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 36/2002/QĐ-UB ngày 7/3/2002 và đã đi vào hoạt động; song trong thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc về cơ chế, về tổ chức, về sự không rõ ràng trong chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Mặc dù đã thành lập được hơn 2 năm, song đến nay, Quy chế tổ chức hoạt động của Ban vãn chưa được thành phố phê duyệt và ban hành chính. Chính vì thế, ý đồ ban đầu thành lập cơ quan này để vận hành việc quản lý đầu tư và xây dựng theo cơ chế một cửa đã không thực hiện được.
Hiện nay, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội đang triển khai một số công việc ban đầu mang tính lấy ngắn nuôi dài chứ chưa có một chiến lược, một lộ trình mang tính dài hơi, quyết định cho sự thành công của việc đầu tư và xây dựng khu đô thị mới.

Những yếu tố quan trọng cho sự thành công của các đô thị mới.
Sự thành công hay thất bại của việc xây dựng đô thị mới đều phụ thuộc vào vai trò và ý chí quyết tâm của Chính phủ, của chính quyền địa phương thông qua những chính sách, cơ chế về đầu tư, tài chính và sự tham gia vào các chương trình đầu tư phát triển đô thị.
Có một tổ chức bộ máy hợp lý, có thực quyền và đủ năng lực để điều hành và quản lý đồng bộ việc xây dựng phát triển đô thị mới theo cơ chế một cửa với đúng nghĩa của nó.
Cần có một cơ chế tài chính thích hợp nhằm huy động các nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các chương trình đầu tư và xây dựng đô thị mới.
Đô thị mới phải lập được nhiều công ăn, việc làm mới thông qua chương trình phát triển sản xuất và dịch vụ trong đô thị.
Xây dựng môi trường sống mới có chất lượng cao, trong đó có nhà ở với giá cả hợp lý cho mọi tầng lớp cư dân.
Đô thị mới cần phát triển một cách đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ công cộng như nhà trẻ, trường học, bệnh viện phục vụ cho nhu cầu của mọi người dân. Đây sẽ là động cơ cho việc thu hút dân cư từ các đô thị có mật độ cao hiện tại.
Việc xây dựng đô thị mới không thể thành công nếu chỉ có các công chức chuyên ngồi văn phòng hay những người làm kinh doanh chỉ biết lo mối lợi trước mắt cho riêng mình. Xây dựng đô thị mới là một lĩnh vực trong đó không có công chức, nhưng đó là một bài học lớn để tất cả những người hiện đang đối mặt với những vấn đề nóng bỏng, nghiêm trọng về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cùng suy ngẫm.

Nguồn: Theo Tạp chí Quy hoạch, số 13/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)