Bắc Kạn tăng cường đầu tư và quy hoạch để phát triển

Thứ sáu, 24/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với đặc thù của một tỉnh miền núi được chia tách năm 1997, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, Bắc Kạn được đánh giá là một trong những tỉnh nghèo. Những năm gần đây, Bắc Kạn đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm 2002- 2005 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 12,4%/năm, nhờ ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình thiết yếu. Gần 2.000 tỷ đồng đã được dành cho các công trình hạ tầng cấp thiết như giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện, trụ sở... Với 519km đường cấp huyện, 1.000km đường liên xã tới các thôn bản và các cầu lớn như: Thác Giềng, Bắc Kạn 2, Dương Quang, Yên Đĩnh, Hảo Nghĩa được xây dựng. 460 công trình thuỷ lợi, 6.000 công trình cấp nước sinh hoạt, hơn 1.000 phòng học đã được xây dựng nâng cấp, hệ thống trạm phát thanh truyền hình đã được nâng cấp tới các xã. Hiện 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đã tiến hành lập quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và cụm dân cư nông thôn đến năm 2020; quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết hầu hết các đô thị và cụm dân cư nông thôn. Hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và khu dân cư đến năm 2020; quy hoạch chung xây dựng đô thị gồm 1 thị xã, 4 thị trấn, 2 trung tâm huyện, 2 thị tứ và 1 khu du lịch sinh thái; quy hoạch chi tiết 22 đồ án các khu chức năng trong đô thị. Công tác quy hoạch của Bắc Kạn đã thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với tốc độ đô thị hoá tăng từ 13,93% năm 1997, đến năm 2005 là khoảng 25%, tuy nhiên hạ tầng của Bắc Kạn còn rất khó khăn, đặc biệt là hệ thống giao thông. Từ năm 2003 đến nay, QL 3 là con đường huyết mạch của Bắc Kạn được tập trung đầu tư nâng cấp, nhiều đoạn đường thi công dang dở đi lại rất khó khăn, đã gây ảnh hưởng tới tốc độ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Để tạo điều kiện phát triển, đưa Bắc Kạn đi lên, thoát nghèo, tỉnh đã có cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Theo đó một số lĩnh vực được tạo điều kiện là đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông, cung cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc; hỗ trợ giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, xây dựng dân dụng… Theo quy hoạch chung đến năm 2010, thị xã tỉnh lỵ Bắc Kạn sẽ là đô thị loại III, do vậy việc xây dựng các chương trình cụ thể về hạ tầng để đạt tiêu chuẩn cũng đang được tích cực chuẩn bị.
Mới đây, tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ giúp đỡ công tác quy hoạch xây dựng vùng Ba Bể - Chợ Đồn Bắc Kạn - Na Hang Tuyên Quang nhằm gắn phát triển kinh tế đô thị với bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái vùng lòng hồ Ba Bể và phụ cận trong đó có vùng ATK Chợ Đồn. Bộ Xây dựng đã giao Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu quy hoạch đô thị Ba Bể gắn với quy hoạch phát triển sinh thái, du lịch vùng, vườn quốc gia và các khu vực lân cận, tạo tiền đề cho du lịch, dịch vụ phát triển. Theo đánh giá, thì tiềm năng về du lịch của Bắc Kạn là rất phong phú, với nhiều điểm du lịch sinh thái, tuy nhiên do cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn nên hầu như chưa thu hút được khách du lịch nước ngoài đến với nơi đây.
Nhằm giúp Bắc Kạn khai thác các tiềm năng sẵn có của mình, một số doanh nghiệp ngành Xây dựng cũng đang nghiên cứu về các lĩnh vực: Thuỷ điện vừa và nhỏ; khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên đá vôi trắng, đất sét, đá granit đen để đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng. Đây cũng là tiền đề để Bắc Kạn duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng 33%/năm từ 2006 - 2010.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 23, ngày 21/3/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)