Quy hoạch xây dựng các khu dân cư và cơ sở hạ tầng nông thôn

Thứ sáu, 15/09/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Khái quát về nông thôn nước ta Nông thôn nước ta chiếm địa bàn rộng lớn, dân số hiện nay chiếm khoảng 76% dân số cả nước. Từ ngày có chính sách đổi mới, đời sống nông dân đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đói đã giảm rõ rệt. Ở nông thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông hộ, kinh tế trang trại, nhiều tỷ phú. Tuy vậy, cũng còn nhiều tồn tại cần được giải quyết, đó là đời sống nông dân ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Tại các vùng đông dân cư thì dư thừa lao động, không đủ việc làm, nông dân dồn vào các thành phố, gây sức ép đối với thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn.
Trong hơn hai thập kỷ qua, nhà ở và kết cấu hạ tầng ở nông thôn đã phát triển và đạt được những thành tựu to lớn. Một số vùng như vùng đồng bằng sông Hồng đã có tới hơn 90% nhà ngói, đường giao thông vào tới các xóm, trường học 2- 3 tầng, trạm xá khang trang, 90% số hộ dùng điện. Trên quy mô toàn tỉnh thì tỉnh Thái Bình và trên quy mô toàn huyện thì huyện Xuân Thuỷ tỉnh Nam Định có đường giao thông phát triển nhất. Tuy vậy nhìn trên phạm vi toàn quốc thì kết cấu hạ tầng nông thôn còn trong tình trạng thấp kém, lạc hậu đã gây ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất và phục vụ đời sống. Khó khăn nhất là các tỉnh, các huyện vùng núi và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Những tiền đề phát triển nông thôn đầu thế kỷ 21

Đảng và Chính phủ đã có các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, Nghị quyết công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, chiến lược phát triển nông thôn đến năm 2010, chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, chương trình 135, chương trình xây dựng Trung tâm các cụm xã miền núi, chương trình giao thông nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2010...
Nhiều vùng nông thôn đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, phát triển trồng cây công nghiệp, trồng rau xanh, trồng hoa, cây cảnh...
hình thành nền sản xuất hàng hoá. Nhiều vùng nông thôn đã phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, hải sản, phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các dịch vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn liền với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Sản xuất nông nghiệp từng bước được cơ giới hoá ở các khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch. Các công nghệ sinh học được áp dụng, các giống cây, con cho năng suất cao đã và đang được áp dụng phổ biến ở nông thôn, mang lại hiệu quả to lớn. Công nghệ sau thu hoạch cũng được phát triển nhằm giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các tiền đề phát triển kinh tế - xã hội nêu trên sẽ đảm bảo cho việc xây dựng khu dân cư và cơ sở hạ tầng nông thôn.
Nông thôn nước ta có nhiều vùng kinh tế sinh thái khác nhau, mỗi vùng có đặc điểm, tiềm năng và trình độ phát triển khác nhau, do vậy phải căn cứ vào tiềm năng và lợi thế của từng vùng để hoạch định chiến lược, bước đi và các giải pháp phát triển phù hợp. Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số rất cao, trên 1000người/km2, lao động dư thừa khá lớn, đang tràn vào các thành phố để kiếm việc làm, có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, trình độ dân trí cao, nguồn nhân lực dồi dào, lại có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, cảng biển và sân bay phát triển có thể gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Vì vậy, đồng bằng sông Hồng sẽ là vùng đi đầu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của bản thân và đóng góp vào phát triển chung của cả nước. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn sẽ thúc đẩy tiến trình đô thị hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đô thị hoá nông thôn.

3. Quy hoạch phân bố các điểm dân cư nông thôn, quy hoạch cải tạo và xây dựng các khu dân cư trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đô thị hoá nông thôn

Theo số liệu điều tra gần đây nhất, nước ta có gần 10.000 xã, 537 huyện. Trong đó số xã có dưới 3000 dân chiếm 17,3% chủ yếu là các xã vùng cao, số xã có số dân từ 3000 đến 8000 người chiếm 49,6 %, số xã có số dân 8000 - 12000 người chiếm 6,9%, số xã có dân từ 15.000 người trở lên chiếm 6,9%, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Bình quân mỗi xã có 7,42 thôn, bản. Trong đó xã có số thôn, bản thấp nhất là 3 và nhiều nhất là 14. Số liệu trên đây phần nào phản ánh tính chất phân tán manh mún của các điểm dân cư nông thôn. Nhiều điểm dân cư chỉ có 5 - 10 hộ dân. Xét về yêu cầu dịch vụ công cộng và phát triển sản xuất hàng hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng thì tình trạng dân cư manh mún như trên gây trở ngại rất lớn. Xu hướng trong thập kỷ tới là dân cư sẽ tích tụ dần từ nhỏ đến lớn theo quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đô thị hoá nông thôn. Sẽ hình thành các điểm dân cư có quy mô dân số hợp lý 1000 - 2000 người, các trung tâm xã, trung tâm cụm xã, các thị trấn gắn liền với đô thị là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và toàn quốc. Một mạng lưới dân cư toàn quốc gắn bó đô thị với nông thôn. Trước mắt cần hạn chế phát triển các điểm dân cư manh mún, phân tán, tiến tới xoá bỏ các điểm dân cư phân tán không đủ điều kiện phát triển.
Quy hoạch các khu dân cư nông thôn chủ yếu là quy hoạch cải tạo các công trình công cộng và kết cấu hạ tầng, quy hoạch cải tạo khu dân cư phải kết hợp với quy hoạch sử dụng đất đai, do đó cần có phương pháp quy hoạch thích hợp, mang tính xã hội cao. Hiện nay ở nước ta trong quy hoạch khu dân cư nông thôn cần đặc biệt chú ý quy hoạch khu dân cư vùng lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch dân cư vùng kinh tế mới có yêu cầu cấp bách nhất. Ở vùng lũ lụt ĐBSCL quy hoạch xây dựng khu dân cư phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thuỷ lợi và quy hoạch giao thông. Hình thái dân cư là tuyến và điểm bám theo các bờ kênh cấp I và cấp II, các trục giao thông đường bộ. Hai giải pháp để tránh lũ phổ biến nhất cho các điểm dân cư vùng lũ là tôn nền và đắp đê bao cục bộ đã được áp dụng cho nhiều địa phương nhằm đạt mục tiêu ổn định được các khu dân cư trong vùng lũ lụt.
Đối với vùng kinh tế mới, ở vùng Tây Nguyên và vùng khai hoang Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên có yêu cầu tiếp nhận dân cư để khai thác tiềm năng đất đai phát triển sản xuất. Kinh nghiệm thực tiễn xây dựng các vùng kinh tế mới ở nước ta trong nhiều năm qua cho thấy cần có các dự án khả thi giải quyết một cách tổng hợp về phát triển sản xuất và các yêu cầu về xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân đến lập nghiệp ở nơi đất mới, phải phối hợp chặt chẽ giữa ácc địa phương có dân cư đi và nơi tiếp nhận đân cư đến mới đảm bảo cho sự thành công.

4. Quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cải thiện đời sống dân cư nông thôn

Các chương trình phát triển nông thôn của Chính phủ đã nêu các chỉ tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đến năm 2010 như sau:
- Hầu hết các xã hoặc cụm xã đều có đường ô tô đến trung tâm
- 100% huyện lỵ và 90% số xã có điện
- 90% dân số nông thôn được dùng nước sạch và dùng điện
- 100% số huyện có trạm phát lại truyền hình, hầu hết các xã có điện thoại
- 100% số xã có trạm y tế
Những chỉ tiêu trên đây được thực hiện sẽ có tác động tích cực đến quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn bao gồm:
- Đưa công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và công nghiệp nông thôn
- Trang bị máy móc thiết bị cho quản lý và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nông thôn
- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển dịch mùa vụ
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và phát triển các ngành nghề ở nông thôn
- Nâng cao trình độ kỹ thuật cho người lao động
-Nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn có vai trò rất quan trọng và là yêu cầu cấp bách đối với công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, bao gồm phát triển giao thông đường bộ, đường thuỷ; phát triển thuỷ lợi, cung cấp điện, phát triển mạng lưới chợ nông thôn; xây dựng các trường sở, các cơ sở y tế, văn hoá; cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cần tuôn thủ nguyên tắc phát triển bền vững, phương pháp tiếp cận dựa trên nhu cầu, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng. Phát huy vai trò làm chủ của các cấp chính quyền cơ sở, các đoàn thể quần chũng như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân và đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở các xã và huyện.

5. Các giải pháp đẩy mạnh quy hoạch và xây dựng các Khu dân cư và cơ sở hạ tầng nông thôn

Quy hoạch và xây dựng các khu dân cư và cơ sở hạ tầng nông thôn là sự nghiệp to lớn, rất phức tạp và lâu dài, dựa trên các tiền đề phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sự nghiệp này chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi phát huy được đầy đủ sức mạnh của toàn dân và của các cấp chính quyền cơ sở, khi huy động được nội lực kết hợp với sự trợ giúp quốc tế. Các chính sách đúng đắn của Nhà nước là đòn bẩy có ý nghĩa rất to lớn đối với quy hoạch khu dân cư và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Dưới đây xin nêu một số chính sách và giải pháp
- Trước hết phải quy hoạch, phân bố mạng lưới dân cư nông thôn theo hướng tích tụ dần, hình thành các trung tâm xã, cụm xã, các thị tứ, thị trấn cho phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, và quá trình đô thị hoá.
- Quy hoạch cải tạo và xây dựng làng xóm phải gắn với quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất đai. Ở các vùng đồng bằng có mật độ dân số cao phải tiết kiệm đất xây dựng, khuyến khích xây dựng nhà 2 - 3 tầng. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân chuyển đổi đất để xây dựng tại các khu dân cư có quy mô lớn hơn, được miễn lệ phí chuyển đổi đất.
- Chính sách tài chính tạo điều kiện cho dân cư xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng. Hiện nay xu hướng chung của các nước là phi tập trung hoá việc tu chi tài chính, tạo điều kiện và tăng cường vai trò của cấp xã, cấp huyện đối với xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các công trình giao thông, thuỷ lợi của vùng chủ yếu là nguồn vốn của Nhà nước. Các công trình trong xã và các khu dân cư chủ yếu huy động vốn của cộng đồng dân cư; các công trình kinh tế có thể thu hồi vốn thì cho tư nhân đầu tư xây dựng và kinh doanh dưới sự quản lý của Nhà nước. Thi hành chính sách tín dụng, cho vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Huy động và phát huy cao độ vai trò của cộng đồng dân cư ở các thôn, bản, xã trong việc lập quy hoạch, kế hoạch và huy động các nguồn vốn và lao động công ích để xây dựng cơ sở hạ tầng. Cần phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng làng xã tham gia xây dựng đường làng ngõ xóm, các công trình công ích ở nông thôn.
- Nhà nước thực thi chính sách chuyển giao các công nghệ tiên tiến, công nghệ thích hợp vào nông thôn thông qua việc hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ ở các huyện, các cụm xã, bao gồm các công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng nhằm khai thác các nguồn lực của địa phương, đáp ứng các yêu cầu của sản xuất và xây dựng.
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn. Hiện nay ở nông thôn nói chung nhất là miền núi , vùng cao, vùng ĐBSCL tỷ lệ học sinh đi học còn thấp, rất ít cán bộ kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn. Cần có các chính sách, chương trình và kế hoạch cụ thể đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cho các xã, cấp huyện và cả cấp tỉnh để trong một thời gian không dài khoảng 5 năm có đủ cán bộ cho các địa phương.

TS. Nguyễn Văn Than
Nguồn tin: Hội thảo khoa học Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)