Dự án Thuỷ điện Sơn La: Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hợp tác để cung cấp thiết bị thuỷ công

Thứ sáu, 24/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xuất phát từ nhu cầu xây dựng phát triển tiềm lực công nghiệp cơ khí Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã nhát trí kiến nghị lên Chính phủ cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đảm nhận cung cấp thiết bị thuỷ công cho công trình thuỷ điện Sơn La.
Chưa bao giờ các doanh nghiệp cơ khí trong nước, các viện nghiên cứu lại có một sự đồng thuận và quyết tâm như thế khi tham dự Hội nghị bàn về cung cấp thiết bị thuỷ công cho công trình thuỷ điện Sơn La do Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN tổ chức mới đây. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN, thành viên Ban chỉ đạo cơ khí trọng điểm của Chính phủ: với tốc độ phát triển công nghiệp như hiện nay, mỗi năm nước ta phải bỏ ra 4-5tỷ USD để nhập các sản phẩm cơ khí, trong khi ngành cơ khí trong nước chậm phát triển, chắp vá, công nhân không có việc làm. Ở hầu hết các dự án công nghiệp, doanh nghiệp cơ khí VN đều ở vị trí làm thuê cho các nhà thầu nước ngoài với những hợp đồng rẻ mạt, trong khi nhiều thiết bị cơ khí trong nước hoàn toàn chế tạo được.
Nhằm phát huy nội lực, không chịu cảnh làm thuê, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã mạnh dạn vươn lên, đa dạng hoá sản phẩm cơ khí đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các dự án công nghiệp lớn mà Tổng công ty lắp máy VN Lilama là đơn vị tiên phong. Tại dự án xi măng Sao Mai, Nghi Sơn, Tam Điệp, nhiệt điện Phú Mỹ, thuỷ điện Yaly, Sê San 3... Lilama đã chế tạo gần 50% khối lượng thiết bị cho các dự án này. Đặc biệt, với vai trò tổng thẩu EPC ở Dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng, công suất 300MW, Lilama đã chế tạo hơn 60% khối lượng thiết bị, trong đó có nhiều thiết bị lần đầu tiên được chế tạo tại VN và sẽ đưa nhà máy vào vận hành vào tháng 4 năm nay. Cùng với Lilama, các đơn vị cơ khí khác thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả trong quân đội cũng đã chế tạo hàng nghìn tấn thiết bị cho các dự án thuộc tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các thiết bị thuỷ công cho các dự án thuỷ điện.
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho ngành cơ khí trong nước phát triển Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến ngành cơ khí Việt nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, trong đó đề ra định hướng chiến lược phát triển một số ngành và nhóm sản phẩm cơ khí quan trọng có thiết bị toàn bộ và đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng ban. Theo đó, chú trọng đầu tư phát triển 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó có nhóm cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ cho các dự án thuỷ điện, nhiệt điện, xi măng và giao cho Lilama làm trưởng nhóm.
Để hoàn thành tốt vao trò này và phục vụ cho chiến lược phát triển của mình, mấy năm qua, Lilama đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các nhà máy chế tạo thiết bị và đào tạo công nhân lành nghề, đặc biệt là công nhân hàn. Sáu nhà máy cơ khí với tổng công suất 90.000tấn thiết bị/năm, Lilama đủ sức chế tạo hơn 60% thiết bị cho các dự án mà họ đã ký hợp đồng tổng thầu EPC như nhiệt điện Cà Mau, lọc dầu Dung Quất, nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 và nhiều dự án khác do họ làm chủ đầu tư như nhiệt điện Vũng Áng, xi măng Sông Thao, Thăng Long, Đô Lương, thuỷ điện Hủa Na... Không chỉ có vậy, hai năm qua, Lilama còn xuất khẩu nhiều sản phẩm cơ khí như thiết bị lọc bụi tĩnh điện, thiết bị điện gió, tháp phát sóng, bộ sấy không khí lò điện và thiết bị cho tàu đóng mới mang về hàng chục triệu USD và đang có kế hoạch chế tạo tua bin cho các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ.
Thực tế trên cho thấy, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng cung cấp toàn bộ thiết bị thuỷ công cho thuỷ điện Sơn La bởi các thiết bị này không mới mẻ với các doanh nghiệp cơ khí VN. Theo ông Nguyễn Bá Tân, Trưởng phòng thiết bị công nghệ nhà máy điện Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 đơn vị tư vấn cho công trình thuỷ điện Sơn La, toàn bộ thiết bị thuỷ công của Dự án thuỷ điện Sơn La bao gồm 8 gói thầu với tổng khối lượng trên 42.000tấn bằng gần 50% tổng số khối lượng thiết bị của nhà máy, trong đó TCty điện lực VN EVN dự kiến sẽ cho đấu thầu 3 gói có tổng khối lượng gần 16.000tấn theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và 5 gói có tổng khối lượng gần 27.000tấn theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí trong nước lại cho rằng cả 8 gói thầu đều nằm trong tầm tay của các nhà thầu VN, không nên đấu thầu rộng rãi quốc tế mà chỉ nên đấu thầu trong nước hạn chế. Ông Lê Văn Khương - Tổng Giám đốc TCty Cơ khí Xây dựng Coma cho biết: trong các gói thầu trên chỏ có 2 gói thầu cung cấp thiết bị thuỷ công công trình xả sâu và tràn xả mặt đòi hỏi kỹ thuật cao và độ phức tạp lớn, song các doanh nghiệp cơ khí VN đã từng thi công nghiều hệ thống cửa van xả nước ở nhiều dự án thuỷ điện nên không có lý gì lại không làm được. Đã từng chế tạo hệ thống cửa xả sâu rộng 16m, cao 18m cho nhà thầu Nhật Bản ở Dự án thuỷ điện Đại Ninh, ông Lê Văn An, Tổng giám đốc TCty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thuỷ lợi khẳng định việc chế tạo các thiết bị này là trong tầm tay của họ. Một vài phần việc Việt Nam chưa làm được thiết kế, công nghệ có thể thuê nước ngoài để đảm bảo chất lượng. Nếu các doanh nghiệp cơ khí VN làm thầu chính thì phần chênh lệch giá này sẽ không mất cho phía nước ngoài, góp phần thúc đẩy ngành cơ khí trong nước phát triển mà lại giữ được thế chủ động.
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Cơ khí VN băn khoăn nhất là để cung cấp toàn bộ thiết bị thuỷ công cho dự án thuỷ điện Sơn La đòi hỏi vốn rất lớn, trong khi việc đầu tư cho các nhà máy cơ khí rất tốn kém, thu hồi vốn lại chậm. Theo ông Phạm Hùng - Tổng giám đốc Lilama, để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ nên bảo lãnh cho các doanh nghiệp cơ khí VN vay vốn nước ngoài để đầu tư thiết bị nhà xưởng và nhập vật tư, sắt thép như đã từng bảo lãnh cho chủ đầu tư EVN. Ngoài ra, các doanh nghiệp VN cũng cần khắc phục những lúng túng trong việc quản lý hồ sơ, tài liệu và quản lý chất lượng sản phẩm cho một dự án công nghiệp lớn. Cuối cùng, để có cơ sở làm căn cứ tính giá cho dự án thuỷ điện Sơn La lớn nhất này, EVN cần sớm ban hành định mức và đơn giá cho gần 20 dự án thuỷ điện hiện nay đang thi công theo cơ chế 797.

Nguồn tin: T/C Cơ khí Việt Nam, số 108/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)