Công trình Thủy điện Sơn La - Tất cả cho mục tiêu ngăn sông, khởi công vào cuối tháng 11/2005

Thứ hai, 03/10/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cống dẫn dòng là công trình chính, quyết định tiến độ ngăn sông, khởi công công trình do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu, đang được thi công khẩn trương, hiện không có khó khăn, trở ngại lớn, công trình sẽ đảm bảo tiến độ đề ra. Công tác chuẩn bị mặt bằng, đường giao thông phục vụ thi công, dự trữ vật liệu để chuẩn bị ngăn sông, cùng với chuẩn bị các thiết bị hiện đại, công suất lớn cho việc đào hố móng đập khi ngăn sông, đều đang được thực hiện theo lịch trình đáp ứng tiến độ.
Công tác kỹ thuật cũng đang được chuẩn bị khá bài bản. Trong công nghệ bê tông, ta vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, lèn chặt bằng đầm dùi. Đối với đập của thủy điện Sơn La, nhiều nhà khoa học, tư vấn nước ngoài thiên về sử dụng đầm lăn là một tiến bộ KHCN trong công nghệ bê tông. Vấn đề sẽ sử dụng công nghệ đầm dùi hay đầm lăn để xây dựng đập của công trình thế kỷ đang được kiểm chứng bằng thí nghiệm tại hiện trường.

Công tác di dân, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư TĐC là một công việc lớn, vì phải thực hiện trên diện rộng thuộc 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, là một công việc phức tạp, là căn bệnh trầm kha gây chậm tiến độ với hầu hết các công trình XDCB và ở đây cũng không dễ, vì trực tiếp liên quan đến quyền lợi vật chất của nhân dân, mà hầu hết là đồng bào các dân tộc ít người, trình độ dân trí, tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế. Tạp chí Công nghiệp xin giới thiệu những việc đã làm được, cùng những biện pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác di dân, giải phóng mặt bằng với mong muốn làm thí dụ điển hình cho nhiều công trình khác.

Công tác quy hoạch chi tiết các khu điểm TĐC và chuẩn bị đầu tư:

Trong 6 tháng đầu năm 2005, các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã tập trung xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, thành lập Hội đồng thẩm định, Hội đồng đền bù các cấp, phân cấp quản lý và kiện toàn tổ chức Ban quản lý Dự án các cấp, nhằm phục vụ tốt cho quá trình tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn. Đồng thời, các tỉnh đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án phối hợp với các Ban Đảng, các tổ chức xã hội các cấp, tổ chức quán triệt chủ trương của Nhà nước về tầm quan trọng của công trình thủy điện Sơn La và phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường di dân, TĐC bằng nhiều hình thức: Phát thanh, truyền hình, báo chí, tài liệu về di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La tới các hộ gia đình thuộc diện di dân, tái định cư.

Các tỉnh đang tập trung lập Quy hoạch chi tiết các khu điểm tái định cư trên địa bàn để phục vụ di dân, tái định cư cho 3008 hộ nằm dưới cốt 140m trong năm 2005, cụ thể là:

Tỉnh Sơn La đang hoàn thiện và thẩm định 16 khu với 46 điểm để tiếp nhận 2208 hộ, trong đó đã thẩm định thực địa 4 điểm TĐC, 7 đề cương, dự toán và phê duyệt 4 đề cương, dự toán;

Tỉnh Điện Biên: Triển khai quy hoạch chi tiết 12 khu điểm và phê duyệt 12 đề cương, dự toán lập quy hoạch chi tiết, thẩm định xong 3 khu điểm và duyệt xong quy hoạch chi tiết trung tâm huyện lỵ huyện Điện Biên;

Tỉnh Lai Châu: Đã lập đề cương, dự toán, lập quy hoạch chi tiết cho 12 điểm, trong đó đã hoàn thiện và thẩm định phê duyệt 4 đề cương dự toán; đang hoàn thiện, thẩm định quy hoạch chi tiết 6 điểm tái định cư để đón 500 hộ dân vùng thấp Sìn Hồ theo kế hoạch năm 2005, dự kiến trong tháng 6 duyệt được quy hoạch chi tiết 4 khu điểm;

Cùng với việc tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu điểm, các tỉnh đã triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc các khu TĐC, các công trình liên khu đã rõ, có tính khả thi cao phục vụ cho việc xây dựng và tiếp nhận dân tại các khu điểm tái định cư năm 2005, kết quả cụ thể là: Tỉnh Sơn La phê duyệt được 17 dự án giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt; tỉnh Điện Biên phê duyệt được 2 dự án giao thông và hoàn thiện 5 dự án thủy lợi, giao thông; tỉnh Lai Châu triển khai lập 30 dự án kết cấu hạ tầng thuộc 6 điểm tái định cư đón dân năm 2005;

Song song với việc hoàn thiện, thậm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lập các dự án đầu tư, các tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kiểm tra thực địa và rà soát số hộ còn thiếu, bổ sung, điều chỉnh các điểm TĐC phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tỉnh.

Công tác thực hiện đầu tư các dự án thành phần: Cùng với việc hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu điểm tái định cư, các tỉnh đã triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một số khu điểm tái định cư như:

Tỉnh Sơn La: Tiếp tục xây dựng điểm tái định cư bản Hôm – thị xã Nà Nhụng – Mường La, Vịa Cướn – Quỳnh Nhai; khởi công xây dựng điểm Liệt Tè – Thuận Châu và 2 tuyến đường giao thông liên xã, 18 tuyến đường công vụ, 4 hệ thống cấp nước, san ủi 431 nền nhà phục vụ tiếp nhận dân.

Tỉnh Lai Châu: Hoàn thành việc san ủi nền nhà điểm tái định cư Pa So – Phong Thổ, điểm Huổi Luông – Sìn Hồ; tiếp tục xây dựng cầu Pa So và công trình thủy lợi Nậm Hang thuộc điểm Huổi Luông – Sìn Hồ;

Để chuẩn bị di chuyển dân, các tỉnh Sơn La, Lai Châu đã tổ chức thống kê đền bù đất đai, tài sản, hoa mầu của các hộ bị ảnh hưởng dưới cốt 140m trước khi di chuyển là 896 hộ, trong đó Sơn La có 806 hộ, Lai Châu có 90 hộ.

Tiến độ di dân: Tính đến cuối tháng 6/2005, tỉnh Sơn La di chuyển được 216 hộ kể cả 36 hộ tự di chuyển năm 1996/2.208 hộ nằm dưới cốt 140m di chuyển trong năm 2005. Tỉnh dự kiến đến hết tháng 11 di chuyển 1.183 hộ và đến hết tháng 12/2005 di chuyển được toàn bộ số hộ ngập ở cốt 140m là 2.208 hộ. Tỉnh Lai Châu đã giao đất điểm Pa Sô - huyện Phong Thổ cho 90 hộ tái định cư phi nông nghiệp xã Chăn Nưa – Sìn Hồ để các hộ tiến hành tự xây dựng nhà và dự kiến di chuyển 876 hộ dưới cốt 140m trước tháng 11/2005.


Những việc đã làm được

Trong 6 tháng đầu năm 2005, các tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện Dự án di dân, TĐC bước đầu đạt được kết quả trong công tác cụ thể hóa đồng bộ các cơ chế, chính sách quản lý, điều hành và thực hiện dự án, phân cấp quản lý, kiện toàn tổ chức bộ máy; tập trung cho công tác quy hoạch chi tiết các khu điểm tái định cư, triển khai đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng, tổ chức bồi thường di dân, TĐC; thí điểm thực hiện chuyển dân theo hình thức xen ghép tập trung do dân tự xây dựng nhà ở; chuẩn bị các điều kiện để triển khai mạnh việc di chuyển và tiếp nhận dân tái định cư vào 6 tháng cuối năm 2005, coi đây là thời gian cần thiết cho công tác chuẩn bị.

Các đơn vị Trung ương: Đến nay đã ban hành tương đối đầy đủ cơ chế chính sách về công tác di dân, TĐC tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện một cách đồng bộ, đồng thời phối hợp với các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch di dân, TĐC năm 2005 trình Chính phủ xem xét quyết định, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tỉnh thực hiện kế hoạch di dân đã được Chính phủ giao và lập các dự án liên quan đến Dự án thuỷ điện Sơn La Quy trình vận hành liên hồ chứa nước trên sông Đà, sông Lô, dự án Khôi phục rừng phòng hộ lưu vực sông Đà...

Tồn tại:

Công tác xây dựng và ban hành cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện công tác di dân, tái định cư và việc kiện toàn tổ chức các Ban quản lý Dự án di dân, tái định cư các cấp của các tỉnh tiến hành còn chậm, dẫn đến lúng túng trong phối hợp giữa Ban quản lý các cấp với các sở, ban, ngành đảm nhận chức năng thẩm định, phê duyệt các dự án;

Tiến độ lập, thậm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết các khu điểm TĐC còn chậm, đến nay phần lớn đề cương – Dự toán và Quy hoạch chi tiết các khu điểm tái định cư chưa được phê duyệt, nên việc triển khai thực hiện các dự án cụ thể và giải ngân gặp nhiều khó khăn;

Theo báo cáo của tỉnh Sơn La, hiện có 58/218 điểm tái định cư trên địa bàn dự kiến bố trí 4.800 hộ, chiếm 38% số hộ tái định cư của tỉnh, chưa xác định được nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tỉnh Điện Biên chưa xác định được nguyện vọng di chuyển của dân thị xã Mường Lay. Tỉnh Lai Châu phát hiện 12 bản với 450 hộ, 2.655 hộ khẩu nằm dưới mực nước ngập chưa được đề cập trong Quy hoạch tổng thể.

Tiến độ chuyển dân tái định cư còn chậm, đặc biệt là tỉnh Sơn La, tính đến tháng 6/2005 mới di chuyển được 216 hộ/2.208 hộ kế hoạch năm 2005. Khối lượng còn lại là rất lớn, nếu không có giải pháp sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Nguyên nhân:

Chất lượng quy hoạch tổng thể di dân, TĐC làm cơ sở cho các tỉnh triển khai các dự án còn chưa sát với thực tế. Nhiều khu điểm TĐC đã được phê duyệt trong Quyết định 196/QĐ-TTg của Chính phủ, nhưng khi kiểm tra thực địa thiếu tính khả thi vì chưa khảo sát kỹ về nguồn nước đảm bảo cho sinh hoạt và đời sống của khu TĐC.

Việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, ban hành đơn giá quy hoạch chi tiết các khu điểm tái định cư và công tác phân cấp, kiện toàn về tổ chức Ban quản lý các cấp của các tỉnh chậm so với yêu cầu.

Việc triển khai quy hoạch chi tiết các khu điểm tái định cư đã rõ, các tỉnh đã triển khai ngay từ năm 2003, nhưng công tác lập, thẩm định phê duyệt đề cương, dự toán còn chưa được quan tâm đúng mức.

Năng lực các đơn vị tư vấn nhìn chung còn yếu, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng phương án sản xuất nông, lâm và thủy lợi;

Việc Chính phủ quyết định xây dựng thị xã Mường Lay tại thị xã Lai Châu cũ đã mở ra khả năng TĐC tại chỗ, vì vậy cần có thời gian xem xét điều chỉnh lại quy mô TĐC của các tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Giải pháp:

Các địa phương Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cần phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát lại các khu điểm TĐC đã được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể để trình Chính phủ điều chỉnh kịp thời, làm căn cứ để xây dựng quy hoạch chi tiết. Tỉnh Điện Biên cần sớm triển khai và phê duyệt việc Quy hoạch di dân, TĐC thị xã Mường Lay, làm cơ sở điều chỉnh quy mô di dân, TĐC ở các tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Tiếp tục kiện toàn bộ máy Ban quản lý di dân, tái định cư các huyện, thị xã, đặc biệt là tăng cường cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành thủy lợi, giao thông, xây dựng, môi trường, nông, lâm nghiệp;

Cử các tổ công tác của Ban quản lý di dân tỉnh và tổ chuyên gia của các Sở, Ban, Ngành giúp Ban quản lý dự án các huyện, thị xã lập, thẩm định xong đề cương, dự toán các khu điểm tái định cư trên địa bàn các huyện, thị xã trình tỉnh phê duyệt sớm;

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh tham gia triển khai lập và thực hiện các dự án trên địa bàn của tỉnh như tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, đền bù, ứng vốn cho các đơn vị thi công, các thủ tục cần thiết khác để sớm phê duyệt các dự án...

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các hộ dân thuộc diện di dời thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, nơi đi vận động các hộ dân phải di dời, thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã đề ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo về quản lý và tổ chức thực hiện các dự án di dân TĐC để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp của địa phương. Tổ chức bộ phận thường trú tại Sơn La để phối hợp với địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ di dân và việc đầu tư dự án.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2005:

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác di dân, tái định cư, ban hành Quy chế hoạt động của các Ban quản lý dự án di dân, TĐC cấp tỉnh, huyện, Ban quản lý dự án chuyên ngành và Hội đồng thẩm định Dự án và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách và hướng dẫn phục vụ trực tiếp cho công tác di dân, TĐC trên địa bàn các tỉnh;

Tập trung lực lượng thẩm định và phê duyệt Quy hoạch chi tiết các khu điểm TĐC, các dự án thành phần và thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án dự kiến đầu tư xây dựng trong năm 2005. Đặc biệt là tỉnh Điện Biên cần sớm phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Mường Lay, tổ chức thăm dò nguyện vọng của nhân dân, xác định chính thức số hộ tái định cư tại chỗ và số hộ TĐC nơi khác, làm căn cứ để điều chỉnh quy mô các điểm tái định cư trên địa bàn;

Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, di chuyển các hộ dân nằm dưới cao độ 140m, nhằm đảm bảo tiến độ phục vụ ngăn sông vào tháng 11 năm 2005.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thuộc diện phải di chuyển và nhân dân vùng quy hoạch hưởng ứng và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về di dân TĐC Dự án thuỷ điện Sơn La; Thông tin đầy đủ cho người dân về kế hoạch di chuyển, chế độ chính sách để người dân chủ động phối hợp tham gia thực hiện.

Nguồn tin: TCCN số tháng 8/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)