Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định của doanh nghiệp

Thứ tư, 15/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tài sản cố định là tư liệu lao động chủ yếu của doanh nghiệp DN. Nó quyết định kết quả và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của mỗi DN, bảo đảm sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của DN trên thương trường.
Do vậy, việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản cố định của mỗi DN có ý nghĩa thiết thực. Các DN cần chú trọng một số nội dung sau:

1. Nắm chắc tài sản cố định hiện có của DN
Tài sản cố định của DN gồm có: tài sản cố định vô hình và tài sản cố định thuê tài chính.
Tài sản cố định hữu hình là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất từng đơn vị tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản liên kết với nhau để thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như: nhà cửa, vật kiến trúc; máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải; dụng cụ văn phòng...
Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh như: một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng, chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...
Tài sản cố định thuê tài chính là những tài sản mà DN thuê của Cty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được chuyển lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính, ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
Mọi hợp đồng thuê tài sản cố định nếu không thoả mãn các quy định về thuê tài chính đều là tài sản cố định thuê hoạt động.
Tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình và tài sản cố định thuê tài chính đều phải thoả mãn 4 tiêu chuẩn sau:
- Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
- Nguyên giá tài sản cố định phải được xác định một cách tin cậy;
- Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;
- Có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên.
Mỗi DN phải căn cứ tài sản hiện có và bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định để kế toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các tài sản cố định nhằm mục đích quản lý, sử dụng một cách có hiệu quả.

2. Lập kế hoạch đầu tư, mua sắm, tăng, giảm và khấu hao tài sản cố định hàng năm
Căn cứ vào kế hoạch và nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của năm, mỗi DN phải lập kế hoạch đầu tư, mua sắm, đổi mới, tăng, giảm và khấu hao tài sản cố định.
Kế hoạch này phải xác định rõ các nguồn vốn đầu tư tài sản cố định, xác định danh mục, số lượng, giá trị từng thứ tài sản cố định tăng, giảm trong năm, phân tích cụ thể tài sản cố định do DN đầu tư, mua sắm hoặc điều chuyển.
DN căn cứ vào đặc điểm, tính chất mỗi đối tượng tài sản cố định hiện có và tăng, giảm trong năm để lựa chọn phương pháp khấu hao thích hợp.
Mọi tài sản cố định có liên quan đến hoạt động kinh doanh đều phải tính khấu hao. Mức tính khấu hao tài sản cố định được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.
DN không được tính và trích khấu hao đối với: những tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn sử dụng vào hoạt động kinh doanh; tài sản cố định thuộc dự trữ Nhà nước giao cho DN quản lý hộ giữ hộ; tài sản cố định phục vụ các hoạt động phúc lợi trong DN nhà trẻ, câu lạc bộ, nhà truyền thống, nhà ăn... được đầu tư bằng quỹ phúc lợi; những tài sản cố định phục vụ chung nhu cầu toàn xã hội đê đập, cầu cống, đường sá... mà Nhà nước giao cho DN quản lý, và các tài sản cố định khác không tham gia vào hoạt động kinh doanh.
DN được lựa chọn các phương pháp trích khấu hao phù hợp với từng loại tài sản cố định: phương pháp khấu hao đường thẳng; phương pháp khấu hao theo số từ giảm dần có điều chỉnh; phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm.
Đi đôi với kế hoạch khấu hao tài sản cố định, DN cần lập kế hoạch sửa chữa lớn định kỳ và kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tài sản cố định.

3. DN phải có quy chế quản lý, sử dụng tài sản cố định
Quy chế này phải quy định một cách rành mạch, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của từng bộ phận và từng cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng tài sản cố định. Từ việc đầu tư, mua sắm đến việc khấu hao, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, trách nhiệm vật chất, chế độ thưởng, phạt trong việc quản lý, sử dụng tài sản cố định.
Quy chế quản lý, sử dụng tài sản cố định của DN cần quy định chi tiết việc phân loại tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định thuê tài chính; nguyên tắc xác định nguyên giá tài sản cố định; nguyên tắc và phương pháp khấu hao tài sản cố định; nguyên tắc mua sắm, thanh lý, nhượng bán, thế chấp, cầm cố, trao đổi tài sản cố định; chế độ kiểm kê, kiểm soát và tổ chức sổ sách, hồ sơ quản lý tài sản cố định một cách an toàn và có hiệu quả cao.

4. Phải định kỳ phân tích tình hình quản lý và sử dụng tài sản cố định
Cuối mỗi quý và năm, mỗi DN cần kiểm điểm, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản cố định, nhằm phát huy những điểm mạnh, việc làm tốt; khắc phục những điểm yếu kém, sửa chữa những sai sót trong quản lý và sử dụng, đó là biện pháp thiết thực nhất, có hiệu quả nhất để tăng cường việc quản lý và sử dụng tài sản cố định.
Khi phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản cố định, mỗi DN cần so sánh các chỉ tiêu hiệu quả trong kỳ báo cáo với kỳ báo cáo trước để biết được động thái sử dụng tài sản cố định.
Hiệu suất sử dụng tài sản cố định là tỉ suất giữa doanh thu thuần trong kỳ với nguyên giá bình quân trong kỳ của tài sản cố định. Tỷ suất này phản ánh 1 đồng nguyên giá tài sản cố định làm ra bao nhiêu đồng doanh thu thuần. Tỷ suất này càng lớn hơn 1 càng tốt.
Hoặc, hiệu suất sử dụng vốn cố định bình quân trong kỳ của tài sản cố định là tỷ suất giữa doanh thu thuần trong kỳ với số dư bình quân vốn cố định trong kỳ. Tỷ suất này phản ánh 1 đồng vốn cố định bình quân trong kỳ làm ra bao nhiêu đồng doanh thu thuần.
Hoặc, hiệu suất sử dụng vốn cố định trong kỳ là tỷ suất giữa lợi nhuận thuần trong kỳ với số dư bình quân vốn cố định trong kỳ. Tỷ suất này phản ánh 1 đồng vốn cố định bình quân trong kỳ làm ra bao nhiêu đồng lợi nhuận thuần.
Mỗi DN tiến hành việc phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản cố định một cách đều đặn theo định kỳ, chắc chắn sẽ rút ra nhiều điều bổ ích.
Các biện pháp nêu trên có mối quan hệ hữu cơ, mỗi DN cần tiến hành đồng bộ, liên tục mới phát huy được tác dụng tăng cường quản lý, sử dụng tài sản cố định của DN.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 2/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)