Thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển cây xanh đô thị thành phố Cần Thơ

Thứ hai, 30/09/2019 16:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cây xanh đô thị là thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Không chỉ là lá phổi xanh, là máy điều hòa không khí, là thiết bị lọc bụi, giảm tiếng ồn và khí thải…cây xanh còn gắn bó thân thiết với con người, với môi trường sống và với sự phát triển của đô thị. Vậy cây xanh đô thị TP Cần Thơ có những nổi bật, khó khăn gì trong quá trình phát triển đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu

1. Lời nói đầu

Cần Thơ là thành phố nằm trên bờ phải sông Hậu. Sau hơn 120 năm phát triển, nơi đây đang là  trung tâm quan trọng nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật. Thành phố Cần Thơ còn là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của Việt Nam. Hệ thống cây xanh đô thị là bộ phận cấu thành chức năng không thể thiếu trong thành phố Cần Thơ, đồng thời là yếu tố cải thiện môi trường như điều hòa khí hậu, hạn chế sự phá hoại của thiên nhiên, làm phong phú đời sống văn hóa, mỹ quan thành phố và mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Môi trường đang trở thành vấn đề thời đại. Phát triển kinh tế và bảo vệ  môi trường phù hợp với chiến lược quốc gia cũng là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.

Để thành phố Cần Thơ trở thành thành phố Xanh - Sạch - Đẹp với sức hút phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, dịch vụ thương mại, đặc biệt là dịch vụ du lịch trên cơ sở khai thác những lợi thế về tiềm năng đa dạng, phong phú là cảnh quan thiên nhiên sinh thái đặc thù sông nước thì việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội  là việc làm cần thiết. Mặc dù trong thời gian qua, thành phố đã triển khai các dự án, đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới quan trọng và cấp thiết theo quy hoạch chung, nhưng chưa có điều kiện triển khai dự án quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh đô thị và dự án đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh.

Thành phố Cần Thơ cần có một nghiên cứu tổng thể về hệ thống cây xanh đô thị nhằm có cơ sở quản lý sử dụng đất đai hợp lý và lập kế hoạch đầu tư đồng bộ, góp phần tạo nên một không gian kiến trúc đô thị hoàn chỉnh, mẫu mực là rất cần thiết và cấp bách. Bài viết tham luận cũng nhằm đóng góp một vài ý để Cần Thơ là một thành phố sinh thái điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Đánh giá chung TP Cần Thơ

2.1.Vị trí địa lí

Thành phố Cần Thơ nằm trên bờ phải sông Hậu có tọa độ địa lí 105013’35” kinh độ Đông và 9055’08” – 10019’38” vĩ độ Bắc, trải dài trên 55km dọc bờ Tây sông Hậu. Phía Bắc giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang.

Thành phố Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên là 1.409,0km2, chiếm 3,49% diện tích vùng. Quy mô dân số khoảng 1.2 triệu người, mật độ dân số: 860 người/km2. Cần Thơ cũng là thành phố hiện đại và lớn nhất của cả vùng hạ lưu sông mê Kông.

2.2. Đặc điểm cảnh quan

Trong suốt quá trình lịch sử hình thành, các sông, kênh, rạch có ý nghĩa lớn về mặt quốc phòng, giao thông và thủy lợi. Sông Hậu, sông Cần Thơ có vai trò chủ đạo, dẫn dắt cảnh quan của thành phố. Ngoài ra, vào thời Pháp thuộc, Pháp đã cho đào rất nhiều kênh đào khác nhau. Hệ thống kênh đào này đã biến đổi khu vực để trở thành một vùng nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, với mạng lưới giao thông từ những trang trại nông thôn đến các trung tâm thương mại.

Hiện nay, Cần Thơ là một trung tâm nông nghiệp quan trọng, trong đó cuộc sống đô thị và nông thôn đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Các vườn cây ăn trái là yếu tố thiết yếu đối với nền kinh tế và diện mạo riêng của thành phố.

Cần thơ có một hệ thống đường thủy kéo dài và rộng, theo mặt tự nhiên cũng như do nhân tạo, có giá trị lịch sử trong việc phân bố lãnh thổ. Nhân tố nước đã tạo hình vùng châu thổ, cũng như đóng vai trò quan trọng trong giao thông, thủy lợi và thoát nước. Canh tác nông nghiệp đòi hỏi một hệ thống thủy lợi tốt, điều này phục thuộc rất nhiều vào kênh rạch và đê điều. Đê kè cho phép cung cấp một diện tích đất lớn hơn dành cho mùa màng và cây ăn quả. Các điểm dân cư cũng được phân tán cho phép nông dân tiếp cận với ruộng đồng nhiều hơn. Như vậy, tính năng động và phức tạp trong cảnh quan của đồng bằng sông Cửu Long đã được tạo ra bởi một mô hình phân tán có kiểm soát cới các điểm nút mà Cần Thơ luôn luôn là quan trọng nhất.

Khác biệt về địa hình đôi khi chỉ là vài cm đã ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố cảnh quan của một vùng như thành phố Cần Thơ. Những sự thay đổi này có quan hệ mật thiết đến mức độ ngập lụt và là yếu tố nòng cốt để xác định tính chất sử dụng của từng loại đất. Điều này thể hiện rõ sự logic của phaanboos nông nghiệp địa phương: đất trũng trồng lúa nước, đất tự nhiên cao hơn thì tận dụng để trồng những loại cây dễ bị tổn thương hơn (cây ăn quả). Trên góc nhìn vi mô, địa hình rất hay bị các yếu tố nhân tạo tác động theo logic đào và đắp. Số lượng đất được đào để làm hố hoặc mương thủy lợi (ví dụ trong vườn cây ăn trái) sau đó có thể sử dụng để đắp và làm đê chắn.

Trong tương lai, nông sản vẫn nắm thế mạnh trong sự phát triển của vùng. Do vậy, trên góc nhìn kinh tế, sẽ không ngạc nhiên khi nói rằng công cuộc cơ giới hóa và tối ưu hóa nông nghiệp sẽ là một thách thức trong việc tổ chức không gian của đồ án. Các tiến bộ về nông nghiệp của Cần Thơ sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, vì vậy cần phải có những sự lựa chọn có cân nhắc trong việc phân bố và thiết kế quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản / lúa / cây ăn trái.

Cảnh quan sản xuất – Cảnh quan nông nghiệp của Cần Thơ có sự khác biệt nhỏ về cao độ nền. Cánh đồng lúa trên đất thấp xen kẽ với các vườn cây ăn trái trên nền đất cao và các ao hồ nuôi tôm cá. Thông qua nguyên tắc đào đắp, địa hình được vận dụng một cách chính xác.

Sự mở rộng của mạng lưới kênh rạch cả tự nhiên và nhân tạo là cấu trúc không gian cơ bản tạo nên ranh giới nông nghiệp và vùng đô thị hóa. Cây ăn trái được phân bổ theo dải tự nhiên ven sông, trong khi vùng đất thấp thì để trồng lua snuowcs và nuôi trồng thủy sản. Các vấn đề ngập lụt, xâm mặn & biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một nước nằm trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do nước biển tăng nhanh và bất thường về thời tiết. Điều này cũng ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lên chế độ thủy văn, thủy triều trên các sông kênh lớn của tòan vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng.

Phần lớn diện tích trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều của biển đông. Với mật độ sông rạch trung bình là 1,80 km2, tổng chiều dài dòng chảy là 3.045km, dòng chảy chính là  sông Hậu chảy qua địa bàn thành phố, nằm trong khu vực trung chuyển giữa nguồn và triều, lưu lượng nước trong thời kỳ đỉnh lũ với tần suất 50% vào khoảng 12.800m3/s. Ngoài ra, các kênh rạch quan trọng khác là: các kênh rạch chuyển nước từ sông Hậu về biển tây và bán đảo Cà mau, các kênh song song với sông Hậu và các sông rạch tự nhiên ảnh hưởng triều.

Vào mùa lũ tháng 7 đến tháng 11, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng lũ từ sông Hậu và tứ giác Long Xuyên, nhưng ảnh hưởng triều vẫn rõ nét, tùy vào biến động hàng năm của lũ, khu vực ngập sâu (>100cm) có diện tích từ 9.700-35.600ha, khu vực ngập trung bình (50-100cm) khoảng 87.000-88.400ha.

3. Thực trạng cây xanh đô thị Cần Thơ

3.1. Hiện trạng sử dụng đất cây xanh

Đất đai tự nhiên thành phố Cần Thơ (năm 2010) khoảng 140.895ha. Trong đó đất cây xanh – TDTT là 591,80ha, bình quân khoảng 6-8 m2/người, chiếm 9,4% đất dân dụng.

3.2. Đất cây xanh – cảnh quan.

Quỹ đất phát triển cây xanh cảnh quan – không gian mở của thành phố tương đối lớn. Tuy nhiên thành phố Cần Thơ chưa có các công viên trung tâm lớn, tương xứng với tầm vóc của đô thị trung tâm vùng.

Các khu vực công viên cây xanh tập trung: Hiện tại các công viên tập trung tại khu vực trung tâm quận Ninh Kiều. Với quy mô nhỏ từ 2-3ha trong đó công viên chính của thành phố tại bến Ninh Kiều diện tích khoảng 2ha và công viên Lưu Hữu Phước khoảng 3ha.

Cây xanh đường phố đã được thành phố quan tâm trồng tại các đường chính. Tại quận Ninh Kiều, chỉ tiêu cây xanh của thành phố khoảng 7-8m2/người, nhu cầu cho đô thị như Cần Thơ cần ở mức chỉ tiêu 12-15m2/người.

Cây xanh gắn với các di sản văn hóa, lịch sử như tượng đài Bác Hồ trên bán Ninh Kiều, nhà bảo tàng thành phố, nhà bảo tàng quân khu 9, đình Bình Thủy, chùa Khánh Quang, chùa Ông, chùa Nam Nhã, Hội Linh Cổ Tự, chùa Munir Ans ây, Long Quang Cổ Tự, mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa…

Cây xanh - cảnh quan tự nhiên - không gian mở: Các khu vực cảnh quan đẹp gắn với thiên nhiên sông, rạch, chằng chịt như cồn Cái Khế, Cồn Khương, Cồn Ấu, cù lao Tân Lộc, vườn cò Bằng Lăng, chợ nổi Cái Răng…

3.3. Đất cây xanh giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật

Diện tích đất đầu mối giao thông khoảng 2.910,86ha gồm đất giao thông chính khoảng 447ha, giao thông đối ngoại khoảng 1.542ha. Cảng hàng không Cần Thơ khoảng 903ha, hệ thống bến cảng khoảng 49ha.

Diện tích đất công trình đầu mối kỹ thuật khác khoảng 407ha. Trong đó đất nghĩa trang , nghĩa địa chiếm phần lớn, khoảng 315,31ha phân bổ ở hầu hết các quận, huyện trong thành phố, nhưng tập trung diện tích lớn ở các huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt.

Diện tích đất khoảng 6.837ha, chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm đấy chuyên dùng tập trung diện tích lớn nhất ở quận Thốt Nốt (2.103,44ha)

3.4. Đánh giá chung về hiện trạng sử dụng đất cây xanh thành phố Cần Thơ.

Đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, cao nhất trong cơ cấu đất của thành phố. Là tiềm năng, lợi thế cơ bản để phát triển nông nghiệp, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhưng mặt trái của vấn đề cho thấy việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai chưa tương xứng với ý nghĩa và yêu cầu về sử dụng đất để phát triển kinh tế của một đô thị hạt nhân trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rất cần quan tâm trong khai thác, chuyển đổi hợp lý quỹ đất của thành phố trong các quy hoạch.

Đất cây xanh tương đối cao, bình quân khoảng 6-8m2/người, chiếm 9,4% đất dân dụng. Tuy nhiên, cây xanh tập trung và công viên lớn của thành phố còn ít và chiếm tỷ lệ thấp, tập trung chủ yếu tại khu vực trung tâm cũ. Là đô thị trung tâm vùng, Cần Thơ cần hình thành công viên trung tâm lớn phục vụ cho toàn vùng.

Đất cho phát triển du lịch: tuy diện tích đất có tiềm năng phát triển du lịch lớn, đặc biệt là đất vườn cây trái mặt nước, sông hồ, cây xanh cảnh quan cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất nhưng đất du lịch hầu như chưa được khai thác, hiện vẫn nghiêng về khu vực phát triển nông nghiệp và thủy sản là chính.

Đất sông và mặt nước, kênh rạch lớn là đặc điểm  đặc thù của thành phố. Để tổ chức không gian cảnh quan đô thị cũng như tuận lợi về nguồn cấp, thoát nước phục vụ phát triển đô thị, thành phố cần có giải pháp đối với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

4. Hiện trạng quản lý cây xanh thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định 15/2012/QĐ-UBND về quản lý công viên cây xanh và cây xanh đô thị trên địa bàn vào ngày 28/6/2012. Quy định này là cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm liên quan đến công viên, cây xanh. Thành phố giao tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trụ sở cơ quan, trước nhà dân; thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng giải quyết khi phát hiện cây xanh có dấu hiệu khác thường như có nguy cơ gãy đổ hoặc bị đe dọa trước những hành vi gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển. Đối với các cây cổ thị, cây cần được bảo tồn và chăm sóc đặc biệt đều được thống kê, phân loại, đánh số, treo biển tên từng cây và lập hồ sơ để phục vụ công tác quản lý. Các hành vi như đốn hạ, di dời trái phép, khắc, lột vỏ thân cây, chặt bẻ cành, hái lá, hoa…hoặc có hành vi khác có thể gây chết hoặc ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây xanh đều bị nghiêm cấm.

Thành phố cũng quy định chỉ có UBND cấp thành phố và cấp quận, huyện mới có thẩm quyền cấp phép đốn hạ, di dời cây xanh đô thị. Các hành vi vi phạm quy định về quản lý cây xanh, tùy tính chất, mức độ đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. UBND TP Cần Thơ chỉ đạo cơ quan chức năng trồng mới nhiều cây xanh như sao, dầu, bằng lăng, lim xẹt trên hầu hết các tuyến đường nội, ngoai ô, ven bờ sông Hậu, sông Cần Thơ, các rạch Cái Khế, Khai Luông… UBND các quận, huyện trồng cây xanh tại các trung tâm quận, các thị trấn góp phần tăng mỹ quan đô thị, lành mạnh hóa môi trường tại những khu vực này.

Hiện tại, nhân dân tại các khu vực này đều được tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh tốt nên số cây chết không đáng kể. Đặc biệt, trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, 3 tháng 2, Hòa Bình, 30 tháng 4, Trần Phú thuộc quận trung tâm Ninh Kiều đều được phủ kín cây xanh từ 10-100 năm tuổi, tạo nên vẻ đẹp riêng của một thành phố trẻ gắn với cảnh quan sông nước độc đáo.

5. Đề xuất giải pháp phát triển cây xanh đô thị TP Cần Thơ

Tầm nhìn cho quy hoạch hệ thống cây xanh thành phố Cần Thơ

Đề xuất điều chỉnh so với Quy hoạch đã duyệt năm 2006; không chỉ xem vùng cảnh quan xanh nằm giữa trung tâm đô thị hiện hữu và các trung tâm mới dọc sông Hậu như “đất dự trữ” mà cấu trúc cảnh quan phải được coi như một bộ phận đô thị, tạo dựng một hệ thống cây xanh đáp ứng nhu cầu cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị, nâng cao giá trị cảnh quan đô thị.

Đề xuất mô hình phát triển mới: Thay vì một thành phố dọc theo bờ sông Hậu, Cần Thơ nên được phát triển thành chuỗi các khu đô thị với bản sắc riêng từng khu. Bằng cách phát triển vùng lãnh thổ như một đô thị cây xanh và mặt nước, có nghĩa là một đô thị chất lượng cao, có không gian đô thị nén đan xen với mặt nước và dải cảnh quan xanh với quy mô phù hợp. Định hướng quá trình đô thị hóa để gắn kết sự phát triển và nền cảnh quan hiện có.

Cần Thơ cần có một không gian mở để làm “bộ phổi xanh” cho đô thị hóa. Cảnh quan thiên nhiên được sử dụng để điều tiết tác động của đô thị hóa, được xem như là một yếu tố cấu trúc trong đô thị hóa. Cảnh quan thiên nhiên được duy trì và tăng cường về mặt không gian, môi trường ở những vị trí dễ thấy và được lựa chọn một cách chiến lược. Đồng thời, bằng cách bổ sung những chi tiết mới vào cảnh quan hiện tại, các khu phát triển mới có thể được hướng dẫn chiến lược đào/đắp, bảo vệ các hệ sinh thái nhạy cảm. Trên quan điểm của đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đếnnăm 2050 thì quy hoạch hệ thống cây xanh thành phố Cần Thơ nhằm phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên bao gồm đất,  nước, môi trường sống và thực thi những điều mà vùng đất yêu cầu, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, dựa trên những đặc trưng của khu đất và điều kiện phù hợp cho phép.

Với vai trò quan trọng của mình thì trong quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh thành phố Cần Thơ cũng có 4 tầm nhìn:

- Tầm nhìn về hình ảnh thành phố Cần Thơ – một đô thị sông nước

Cần Thơ được nhận diện nhờ mối quan hệ đặc trưng với sông Hậu với vô số kênh rạch thủy lợi và các cù lao giữa sông. Định hướng Cần Thơ “thành phố sông nước” được xây dựng bởi sự nắm bắt nguyên lý cơ bản về cảnh quan sông nước của thành phố. Thông qua quá trình bồi và lở của sông Hậu cũng như các nhánh của nó đã tạo ra một nền địa hình với ba cấp độ (đất thấp, trung và cao), là một minh chứng quan trọng cho cách thức tổ chức không gian của thành phố.

Theo đề xuất trong quy hoạch chung tổng thể Cần Thơ phê duyệt năm 2006, sự phát triển tương lai của Cần Thơ được định hướng như một trung tâm vùng chạy dọc phía Nam bờ sông Hậu. Đây là cơ hội tuyệt vời để Cần Thơ cơ cấu lại mối quan hệ sông nước vốn có của mình, để quay lại phía sông Hậu (như một hệ quả của phân bố các KĐT như Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều…) Cùng với định hướng phát triển đô thị thì quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh Cần Thơ cũng nhằm phát triển vùng lãnh thổ như một đô thị cây xanh và mặt nước, có nghĩa là một đô thị chất lượng cao có không gian đô thị nén đan xen với mặt nước và dải cảnh quan xanh (sản xuất hay là sinh thái) với quy mô phù hợp.

Các khu vực dọc bờ sông Hậu có địa hình trung bình (không đủ cao để đô thị hóa) thì có tiềm năng to lớn như cảnh quan dòng sông xanh, một loại hình cảnh quan sẽ là một yếu tố bổ sung trong mạng lưới cây xanh, mặt nước rộng lớn hơn. Điều này có thể đóng góp đáng kể vào nét đặc trưng của Cần Thơ như là một thành phố sông nước bằng cách tạo ra một cảnh quan mở rộng lớn nằm đan xen với các lõi đô thị dọc sông Hậu.

- Tầm nhìn về hình ảnh Cần Thơ – một thành phố lưu thông

Với vai trò là bản lề quan trọng trong hành lang kinh tế và các trục giao thông khu vực từ phía Đông bắc/ Tây Nam nối ngang sông Hậu và biển Đông đến biên giới Campuchia, Cần Thơ cần một hệ thống giao thông linh hoạt với bộ mặt cây xanh cảnh quan đường phố tạo các dạng tuyến, điểm nhấn. Hình dạng tuyến của Cần Thơ như một thành phố sông nước, sẽ càng được nhấn mạnh hơn khi việc tiếp cận giao thông đượccải thiện. Đề xuất “trục xương sống” với quy mô toàn thành phố, gắn kết các khu đô thị với nhau tạo nên một Cần Thơ mới. Bổ sung cho cấu trúc cảnh quan liên tục làm khung cho đô thị hóa, trục xương sống sẽ góp thêm một đặc trưng cho đô thị dạng tuyến. Trục xương sống không chỉ một trục giao thông mà còn là một cấu trúc cảnh quan.

Sự chuyển dịch vị trí của khu đô thị Ô Môn trong điều chỉnh quy hoạch sẽ hỗ trợ cho hướng tuyến của trục chính đô thị. Khi trục đô thị này xuyên qua các khu vực cảnh quan giữa thành phố hiện hữu và Thốt Nốt nó được tạo thành bởi tập hợp các nhịp điệu chuyển động khác nhau và sự liên tục trong khi vẫn có các đoạn với bản sắc riêng. Ô Môn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào một hệ thống giao thông trên đất liền (đường bộ và đường sắt) bổ sung bởi giao thông thủy trên các nhánh sông vuông góc và kênh rạch. Khu đô thị mới được tổ chức bởi trục đô thị - trục xương sống và đường cao tốc/xe lửa không gắn trực tiếp với trung tâm khu đôthị Ô Môn.

- Tầm nhìn về hình ảnh Cần Thơ – một thành phố vườn cây ăn trái

Yếu tố bản sắc nổi bật của Cần Thơ là mạng lưới đa dạng các loại cây ăn trái gắn liền với mạng lưới đường thủy và địa hình cảnh quan. Đây cũng là một yếu tố quan trọng cho cả kinh tế Cần Thơ. Vì vậy, để chiến lược phát triển trở nên có hiệu quả, thiết kế các trung tâm khu đô thị dựa trên nguyên lý cảnh quan là hết sức cần thiết. Sự phục thuộc lẫn nhau giữa các vùng đất tôn nền và các kênh thủy lợi tỏ ra phù hợp với địa hình trung bình ở Cần Thơ – không đủ cao độ để dành đô thị hóa. Mạng lưới cây xanh ăn trái chính là nhân tố gia strij trong việc tổ chức cảnh quan và tái cấu trúc khu vực.
Định hướng Cần Thơ như một đô thị vườn cây ăn trái thể hiện rõ ở 2 khía cạnh:

+ Bố trí lại khu đô thị Ô Môn - tạo ra các cơ hội của một vùng cảnh quan vườn cây ăn trái mới dọc sông Hậu.

+ Điều chỉnh hướng tuyến trục đường cao tốc, đường sắt chạy vòng quanh mảng xanh lớn của vườn cây ăn trái phía Tây Nam trung tâm thành phố (huyện Phong Điền).

Vị trí vườn cây ăn trái lớn ở phía Tây Nam thành phố sẽ cung cấp buồng phổi xanh cho Cần Thơ - một yếu tố có thể làm bền chặt mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị. Các vườn cây ăn trái này chính là phần bổ sung cho đô thị hóa tại các quận trung tâm thành phố. Quan hệ cộng sinh này cũng có thể thấy trong mối tương tác giữa khu đô thị Ô Môn được bố trí lại và cảnh quan dọc sông Hậu – để cùng nhau tạo ra một hệ thống đô thị/thiên nhiên trong một định hướng song hành.

Tính liên tục của cảnh quan không chỉ quan trọng ở quy mô toàn thành phố mà còn quan trọng trong sự kết hợp đô thị và thiên nhiên một cách bền vững trên quy mô nhỏ hơn của các trung tâm khu đô thị. Đề xuất chiến lược sinh thái nhấn mạnh một mạng lưới kết nối cây xanh/mặt nước chạy xuyên vào đô thị. Vườn cây ăn trái có một vai trò quan trọng trong chiến lược này, với mùi thơm hóa trái và tác động tích cực của chúng đến cả ngành nông  nghiệp. Đồng thời mùa cây ăn trái gán liền với sản xuất mùa vụ cũng như các hệ thống chăn nuôi trang trại khác.

Củng cố tính chất xanh của Cần Thơ – Trong đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng thể, Cần Thơ được quy hoạch như một thành phố vườn cây ăn trái rõ nét thông qua tuyến đường cao tốc/đường sắt được vạch lại, chạy vòng quanh khu vực vườn cây ăn trái hiện có ở phía tây nam trung tâm thành phố. Thứ hai, việc bố trí lại Ô Môn là một cơ hội tạo ra cảnh quan vườn cây ăn trái mới dọc theo sông Hụa -  một nảng không gian cây xanh mới bổ sung vào trung tâm khu đô thị mới.

- Tầm nhìn về hình ảnh Cần Thơ – một thành phố quản lý mạng lưới nước

Quản lý nước là một trong số những thành phần cốt lõi trong sự phát triển của Cần Thơ như đã nêu rõ trong đề xuất điều chỉnh quy hoạch Cần Thơ có thể trở thành một thành phố mặt nước thông qua sự kết hợp giữa cảnh quan, hạ tầng và đô thị hóa. Định hướng này cũng ảnh hưởng đến vấn đề chọn loại cây trồng phù hợp với đặc điểm đô thị  nước của Cần Thơ.

Với tầm nhìn như một thành phố của quan rlys nước tích hợp, những định hướng về đô thị sông, đô thị vận động, đô thị vườn cây ăn trái…đã dần xác định cấu trúc cảnh quan của đô thị Cần Thơ. Các cấu trúc công viên tuyến tính kết hợp giữa các lõi đô thị và các cảnh quan mở có thể được hình dung như  một công viên linh hoạt thu hút vốn đầu tư của cả chương trình, hân hóa theo mùa và địa điểm tạo ra các không gian phục vụ cho các chương trình cộng đồng trong mùa khô và dùng để xả lũ trong mùa mưa.

6. Ý tưởng cho quy hoạch hệ thống cây xanh thành phố Cần Thơ

- Cơ cấu phân vùng chức năng thành phố bao gồm:

+ Vùng phát triển đô thị chiếm khoảng 20% diện tích tự nhiên

+ Vùng cảnh quan, công viên chuyên đề, không gian mở khoảng 10,15% diện tích tự nhiên

+ Vùng bảo tồn cây xanh, vườn cây ăn trái khoảng 14,54% diện tích tự nhiên

+ Vùng nông nghiệp chiếm 55,43% diện tích tự nhiên

a. Định hướng phát triển cây xanh vùng đô thị nội thành

Vùng phát triển đô thị nội thành diện tích 26.250ha gồm các khu đô thị:

Khu đô thị trung tâm truyền thống là trung tâm bảo tồn sinh thái cảnh quan vườn cây ăn trái, bảo tồn văn hóa và lịch sử truyền thống. Các khu ở chỉnh trang, công viên cây xanh phục vụ khu ở mới, các khu nhà vườn.

Khu đô thị Ô Môn là đô thị mới của thành phố Cần Thơ, trung tâm công nghiệp, nông nghiệp và công nghệ cao. Các khu ở mới nén tập trung, các khu ở nhà vườn.

Khu đô thị Thốt Nốt: là khu công nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Trung tâm phân phối nông sản thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các khu ở chỉnh trang và khu ở sinh thái.

b. Định hướng phát triển đất nông nghiệp

Tổng diện tích khoảng 100.500ha gồm:

Đất nông nghiệp diện tích 73.000ha (các huyện ngoại thành); đất nông nghiệp công nghệ cao khoảng 15.000ha tại phía đông đường cao tốc mới, gắn với các khu đô thị va ftrong công viên sông Hậu.

Đát bảo tồn vườn cây ăn trái khoảng 25.395ha. Các khu vực nông nghiệp dọc bờ sông Hậu có địa hình trung bình có tiềm năng cảnh quan sông nước, bổ sung vào mạng lưới cây xanh, tạo cảnh quan không gian mở rộng lớn nằ, đan xen với các lõi đô thị dọc sông Hậu.

c. Định hướng phát triển vùng cây xanh cảnh quan, công viên chuyên đề và không gian mở

Diện tích 10.000ha gồm:

Công viên sông Hậu là công viên chuyên đề cấp vùng, bao gồm nghiên cứu khoa học, nông nghiệp công nghệ cao, diện tích mặt nước, thể dục thể thao và vui chơi giải trí cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, diện tích khoảng 3.700ha.

Công viên tuyến dọc “trục xương sống đô thị” là ngưỡng cửa giữa khu vực phát triển đô thị và cảnh quan không gian mở, diện tích khoảng 4.000ha.

Dải cù lao dọc sông Hậu khoảng 2.400ha là nơi tập trung các khu dịch vụ du lịch sinh thái và giải trí, thể thao, sân gôn…

Khu vườn cây ăn trái ở Phong Điền, Ô Môn, Thốt Nốt được liên kết với công viên tuyến đô thị và công viên sông Hậu.

- Tổ chức mạng lưới cây xanh cảnh quan

Mạng lưới cây xanh đô thị chủ yếu gồm vùng phát triển thành khu công viên nông nghiệp công nghệ cao và gắn liền với việc phát triển các phương pháp công  nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ mới. Tổ chức nhấn mạnh tới thuộc tsinh cảnh quan phong phú của thành phố. Sự phát triển được nâng cao thành một thành phố cây xanh mặt nước, mang lại những không gian đô thị nén chất lượng cao và đan xen với các yếu tố mặt nước hoặc với các không gian xanh với quy mô thích hợp

- Hệ thống cây xanh dọc tuyến giao thông chính “trục xương sống đô thị” các mảng xanh công viên trong các khu đô thị

Hệ thống cây xanh cảnh quan vườn cây ăn trái ở Phong Điền dọc sông Cần Thơ, quận Ô Môn – Thốt Nốt với các hoạt động du lịch sinh thái, cung cấp trái cây bảo tồn sự đa dạng sinh học là nét đặc trưng của thành phố.

Các mảng xanh cảnh quan của các cù lao trên sông Hậu, phát triển du lịch sinh thái, các dịch vụ du lịch sông nước. Duy trì các mảng xanh vườn cây ă trái và bảo tồn nét độc đáo trên sông.

- Tuyến công viên chuyên đề

Đây là không gian mở, không chỉ đảm bảo các không gian xã hội và vui chơi giải trí mà còn là ngưỡng cửa giữa các khu đô thị, cảnh quan sinh thái và sản xuất liền kề.

Công viên là chiến lược thiết kế nhằm ngăn chặn sự xâm lấn tới những cảnh quan có khả năng sản xuất và đảm bảo không gian mở đô thị

Chức năng chính là  nơi hội tụ các hoạt động và tạo dựng một không gian cảnh quan. Là một khu công viên công cộng năng động, thiết thực với các hoạt động như các sân gôn, khu bãi cỏ, vườn hoa, khu nghỉ ngơi công cộng, sân chơi nước cho trẻ em và nhiêu sân chơi giải trí khác.

- Công viên chuyên đề sông Hậu

Công viên như một phương tiện để giữ gìn, phát triển và quản lý đất đai và với chức năng là một khu nông nghiệp công nghệ cao thì nó là công cụ thiết kế nhằm duy trì không gian mở dọc bên bờ sông, nơi sẽ chịu những áp lực lớn từ quá trình đô thị hóa. Đây cũng là một phần quan trọng trong tầm nhìn của Cần Thơ như một thành phố sông.

Toàn bộ 3.700ha nằm  dọc bờ sông và đồng bằng sông Hậu được phù sa bồi đắp bao gồm các khu đất ngập nước, vườn cây ăn trái, các cánh đồng thử nghiệm rộng lớn áp dụng các kỹ thuật canh tác mới về lúa và rau màu. Khu công viên còn là nơi giới thiệu, triển lãm các thành tựu nông nghiệp và thủy sản hiện đại cho toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long.

Phát huy các di sản văn hóa và tự nhiên của khu công viên mà không làm ảnh hưởng tới hoạt động nông nghiệp

Các vườn cây ăn trái phía Tây Nam Cần Thơ được mở rộng và là một phần không thể thiếu trong công viên sông Hậu và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Mạng lưới công viên công cộng tập trung vào các khu xử lý nước được đề xuất gắn với mạng lưới đường thủy. Mỗi công viên gồm có một hệ thống làm sạch nước, các công trình công cộng, các khu giải trí và vườn cây ăn trái. Mỗi công viên cần có đặc thù khác nhau, hòa trộn giữa các công trình địa phương và vùng, đặt tại ngoại vi hoặc trong công viên.

Những vườn cây ăn trái mới có thể được trồng gần các khu không gian công cộng, tạo bóng mát, đồng thời đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, cản trở việc phát triển đô thị tự phát.

d. Trục cây xanh chủ đạo

Trục chính đô thị theo hướng Nam – Bắc: từ khu đô thij công nghiệp Cái Răng đến khu đô thị công nghiệp Thốt Nốt. Kiểm soát không gian công cộng và công trình điểm nhấn, kiểm soát các mặt cắt không gian qua các khu đô thị, kiểm soát tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi và hình thức kiến trúc.

Trục xương sống vùng thành phố Cần Thơ đi xuyên qua nhịp điệu của các tuyến đường thủy, những vườn cây ăn trái và những không gian xanh cùng các khu vực khác tạo nên một vùng đô thị được tổ chức theo dạng tuyến đang trong quá trình phát triển.Một bộ phận cấu thành quan trọng của trục xương sống là uqy hoạch trồng xây xanh – được lấy cảm hứng từ chương trình “thành phố vườn” năm 1963 của Singapore về trồng cây xanh, hoa cỏ có mùi thơm và cây bụi nhằm tạo sự cân bằng với sự khô khan từ các công trình hạ tầng mới và phát triển đô thị.

- Trục đô thị phía Bắc

Đoạn giao thông đi qua khu vực cảnh quan phía Bắc giữa Thốt Nốt và Ô Môn, các làn đường giao thông công cộng được nâng lên cao hơn bình thường để có được cái nhìn dễ dàng hơn tới vùng cảnh quan đô thị. Những loại cây phát triển nhanh được trồng thẳng hàng dọc các tuyến giao thông, trong khi có những điểm hở tạo ra khoảng trống ở phía Đông. Ở bờ phía Tây, một loại cây ăn trái được trồng thẳng hàng dọc trục đô thị. Mương thoát nước (khu vực thoát nước mưa và thủy lợi) là sâu hơn cả trong khu vực đô thị và vì thế có khả năng chứa nhiều nước vào mùa mưa. Mặt cắt đi qua đô thị Ô Môn cho thấy tính chất bất đối xứng của các tuyến giao thông, Tuyến giao thông cho phép xe chạy nhanh thuộc trung tâm đô thị với loại cây xanh địa phương phát triển nhanh được trồng thẳng hàng, còn các tuyến giao thông công cộng chỉ được trồng về một phía để tạo khả năng tiếp cận cho người đi bộ dễ dàng hơn. Tại bãi đỗ xe và khu vực giao thông nội bộ được chỉ định trồng cây xà cừ và cây hoàng hậu dược trồng tại khu vực đi bộ công cộng.

- Trục đô thị phía Nam

Đoạn trục đô thị phía Nam đi qua khu vực cảnh quan (giữa Ô Môn và Cần Thơ hiện hữu), kết hợp trồng các loại cây theo những cụm lớn. Tuyến giao thông công cộng tiếp giáp à có hướng nhìn ra khu vực cây ăn trái ở phía Tây. Trong khi đó, các làn xe ô tô có một bức tường cây trồng bản địa và có thể nhìn thấy tuyến công viên phía đông. Mương thoát nước tự nhiên nằm bên cạnh chuỗi sân chơi thể thao của tuyến công viên và các khu vực này được xem như là những vùng trũng thoát nước vào mùa mưa. Mặt cắt phía Bắc của trục đô thị hiện hữu là một cấu trúc đối xứng được đề xuất với các làn đường giao thông tốc độ cao có các kênh thoát nước mưa và mương thoát nước tự nhiên hoặc các bề mặt thu nước. Các loại cây xanh bóng có tán lớn được xem như là đặc trưng của đô thị Ô Môn. Nền địa hình nhân tạo chỉ có một bên của trục đô thị đẻ dành cho các không gian công cộng, trong khi phía bên kia là các công trình xanh trên cột.

Trục lợi đô thị được xem như là cấu trúc chính định hướng cho đô thị hóa. Đoạn chiến lược quan trọng nhất của trục lõi đô thị sẽ được đầu tư sớm  nhất với chiều dài 20km từ phía bắc Ô Môn tới phía Bắc trung tâm Cần Thơ.

Trên đây là những đóng góp về nội dung về thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển cây xanh đô thị thành phố Cần Thơ nhằm xây dựng hình ảnh tổng thể hệ thống cây xanh đô thị Cần Thơ từ đó có gợi ý giải pháp quy hoạch, quản lý đầu tư phù hợp cho Thành phố phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.


(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 95+96/2018)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)