Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1383/UBND-NC về việc hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ thực tiễn của thành phố, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát chỉ đạo của ngành, lĩnh vực, chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong đó, cần ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, địa bàn vùng sâu, vùng xa; gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố; có các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
UBND thành phố yêu cầu chú trọng thực hiện tuyên truyền các chính sách pháp luật, bám sát các vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; các nội dung về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng các vấn đề an sinh như y tế, giáo dục, việc làm cho người dân…
Song song các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, UBND thành phố lưu ý, cần đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, cổng, trang thông tin điện tử... để phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố; tổ chức đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật; chủ động, linh hoạt áp dụng các cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả và nhân rộng việc thực hiện.