Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ khi triển khai Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”, việc thí điểm thành lập mô hình trung tâm pháp luật cộng đồng đã được nhiều địa phương chú trọng nghiên cứu và xây dựng điểm.
Theo đó, việc xã hội hóa, huy động, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số mô hình nổi bật đó là: Tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật tại Hà Nội, trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng hoặc điểm tư vấn pháp luật tại các tỉnh Đồng Nai, Hậu Giang, Đồng Tháp… “100 ly cà phê miễn phí” tại tỉnh Tây Ninh.
Để việc xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng lan tỏa hơn nữa, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) sẽ quan tâm, thực hiện các hoạt động về quản lý nhà nước nói chung; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề tư pháp… thực hiện công tác xã hội hóa; xác định các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, gắn xã hội hóa với truyền thông chính sách, pháp luật.