Hội thảo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước

Thứ tư, 28/10/2020 16:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 27/10/2020, Bộ Tư pháp tổ chức “Hội thảo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì Hội thảo; tham dự có các đại biểu là đại diện Vụ pháp chế và một số đơn vị có liên quan thuộc các Bộ, ngành; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến công tác rà soát văn bản QPPL và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09/11), đồng thời nhằm tổng kết, đánh giá cũng như thông tin về tình hình thực hiện và kết quả đạt được của công tác rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 và Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày tham luận về các nội dung: kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm phát hiện, xử lý các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; nhận diện một số vấn đề qua công tác rà soát văn bản QPPL và một số giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc của pháp luật thông qua kết quả rà soát văn bản.

Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ và Tổ công tác đã thực hiện rà soát 8779 văn bản (bao gồm: 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ). Kết quả rà soát cho thấy, công tác xây dựng văn bản QPPL thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực như: Hệ thống văn bản QPPL nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội; phần lớn văn bản QPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đóng góp tích cực và quan trọng vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu tham dự đã đánh giá cao về cách làm, sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp. Qua đó, kết quả đạt được là rất lớn, đã chỉ ra được các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản từ các luật, bộ luật đến các thông tư của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đặc biệt đợt này, chúng ta đi vào lõi của từng quy định, quy phạm, không chỉ rà soát trên nội dung văn bản mà gắn liền với những vướng mắc, yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn đã được người dân, tổ chức, doanh nghiệp kiến nghị, phản ánh, tức là rà soát để xác định vấn đề trong mối tương tác giữa quy phạm pháp luật và thực tiễn. Các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, những vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được xác định chỉ rõ địa chỉ, rõ căn cứ pháp lý; rất nhiều trong số đã phát hiện đó đã được các bộ, ngành kịp thời xử lý, khắc phục theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý ngay trong quá trình rà soát, số còn lại đều đã xác định phương án xử lý cụ thể. Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị phương hướng triển khai trong thời gian tới và các giải pháp xử lý kết quả rà soát - cụ thể là xử lý các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự để có định hướng tiếp tục triển khai công tác rà soát này trong thời gian tới. Đồng thời, đồng chí mong muốn các tổ chức pháp chế chủ động, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ để kịp thời xử lý đối với các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ/Chính phủ/Quốc hội xử lý theo thẩm quyền.

Nguồn: pbgdpl.moj.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)