Dự án phát triển đô thị sinh thái không chất thải ở Abu- Dayby

Monday, 06/15/2009 00:00
Acronyms View with font size
Sự toàn cầu hoá san bằng điều kiện sống của con người trên trái đất. Tuy nhiên cùng với các mặt tích cực, nó cũng đem lại những tiêu cực mà chủ yếu là tình trạng ô nhiễm mạnh môi trường sinh thái. Do vậy, tại những quốc gia có điều kiện tài chính, từ lâu họ đã nghĩ đến việc xây dựng đô thị lý tưởng cách ly hẳn với sự ô nhiễm của thế giới đang toàn cầu hoá nhanh. Tại Tiểu Vương quốc Abu- Daby (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) một dự án xây dựng thành phố sạch sinh thái và không chất thải đã được đề xuất và bắt đầu triển khai xây dựng. Các ngôi nhà riêng biệt loại này gọi là "Nhà xanh" đã được xây dựng và không còn là điều mới mẻ với  cư dân ở đây. Nay, cả một thành phố loại trên đang được lập quy hoạch xây dựng, nó thoả mãn được các yêu cầu rất khắt khe của các nhà sinh thái học và các đại diện của "Đảng Xanh" vốn đang rất lo ngại về tình trạng ô nhiễm. Thành phố của tương lai này được gọi với cái tên Masdar "Ngọn nguồn". Việc xây dựng thành phố Masdar được khởi công năm 2008 sẽ hoàn thành năm 2012.

Thành phố được thiết kế bởi các kiến trúc sư hàng đầu thế giới. Ví dụ, trong cuộc thi chọn đồ án kiến trúc để xây dựng trung tâm thành phố, trong đó có việc xây dựng ý tưởng cơ bản là Trung tâm nghiên cứu nguồn lực tiết kiệm năng lượng cho điểm dân cư sinh thái sạch này phần thắng đã thuộc về các kiến trúc sư của Công ty thiết kế xây dựng Adrianan Smit and Gordon Gill Architecture. Dự án thành phố của tương lai đang được quảng cáo rộng rãi. Thế nhưng, ngay từ bây giờ người ta đã phát hiện ra cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của "thành phố tương lai". Mặc dù theo tuyên bố của nhóm tác giả thiết kế, thì thành phố Masdar cần phải trở thành mẫu đô thị cho việc xây dựng điểm dân cư kiểu này trên thế giới. Thành phố được đặt vào một môi trường sinh thái, sạch và không có các xí nghiệp công nghiệp bên trong. Thành phố có các trung tâm nghiên cứu khoa học về vấn đề sinh thái và năng lượng tái sinh (như năng lượng mặt trời, gió và các dạng năng lượng khác). Bên trong thành phố, các phương tiện giao thông dùng điện giao thông công cộng và cá nhân chiếm ưu thế. Các ô tô được trang bị động cơ sử dụng nhiên liệu tổng hợp, trong đó ngoài nhiên liệu truyền thống còn đồng thời sử dụng cả điện năng sản xuất từ các tấm pin mặt trời. Các phương tiện giao thông công cộng dùng điện được khuyến khích sử dụng, đồng thời việc đi bộ cũng được tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi.

Việc cấp điện cho thành phố được bảo đảm bằng ắc quy mặt trời, pin mặt trời, bộ phận tích trữ năng lượng mặt trời, động cơ gió và cả năng lượng từ xử lý chất thải. Trước hết, đó là những loại năng lượng sạch, sinh thái và sau nữa là năng lượng tái sinh. Những nhiên liệu các bua hydrô như dầu mỏ, khí đốt... mà việc đốt cháy chúng là nguyên nhân chủ yếu phát xạ CO2 vào khí quyển, gây nên hiệu ứng nhà kính sẽ không được sử dụng trong thành phố này. Thành phố Masdar được xây dựng ở một khu vực khí hậu không có gió mạnh, sấm chớp, bão, sóng thần và các hiện tượng rối loạn khác của thời tiết, nơi mặt trời chiếu sáng 365 ngày trong năm, hay nói khác đi là tại nơi có các điều kiện lý tưởng cho việc tạo ra môi trường sống cân bằng, thuận lợi. Nhiệt độ không khí trong thành phố vừa phải ở mức khoảng 30 0C, trong khi nhiệt độ ở ngoài thành phố thường ở mức 500C. Tại đây, sự tiện nghi, thẩm mỹ cũng được tạo bởi sự phong phú, rậm rạp của cây xanh, các phương tiện đặc biệt che nắng cho đường phố được điều chỉnh với hỗ trợ của rất nhiều mái che dạng cửa chớp, đặt trên các hệ thống lưới được căng giữa các mái của ngôi nhà.

Đường phố được xây dựng theo dạng dài và hẹp, tạo điều kiện cho các mái che dạng cửa chớp có thể che phủ phía trên. Mặt bằng thành phố hình vuông có các lói vào và ra đối xứng ở các cạnh của hình vuông. Quy hoạch mặt bằng thành phố được đánh giá tương tự quy hoạch mặt bằng hợp lý và chặt chẽ của các thành phố La Mã cổ đại. Tổng diện tích thành phố gần 6 triệu m2, ranh giới ngoài thành phố được đánh dấu bởi tường chắn. Phần lớn đường phố là đường cho người đi bộ, vì vậy nó tạo nên các không gian khép kín độc đáo cùng với vi khí hậu tốt. Thành phố còn có những khu vực mở được bao phủ bởi cây xanh, nhằm hấp thụ khí CO2 do sự thở của con người phát thải ra. Thành phố được xem là đô thị không chất thải với chu trình sống khép kín. Mô hình tàu vũ trụ được được ứng dụng tại đây. Theo kiểu này, chất thải rắn và lỏng từ hoạt động sống của các nhà du hành vũ trụ được sử dụng và đưa vào chu trình tuần hoàn công nghệ sinh học. Trên tàu vũ trụ có người lái, nước trải qua nhiều chu trình tái sinh và sử dụng lại.

Chất thải rắn sau khi qua quá trình biến đổi hoá học cũng được sử dụng lại như làm phân bón cho nhà kính trồng cây trên tàu vũ trụ. Thành phố Masdar dự định được trang bị hệ thống phức tạp trên quy mô cả thành phố để xử lý và sử dụng lại nước thải. Điều đó giúp giảm đến 70% tiêu thụ nước cấp một từ các nguồn nước bên ngoài thành phố. Vật liệu xây dựng được sản xuất từ việc xử lý chất thải, nó sẽ được sử dụng để xây dựng thành phố. Bằng cách đó, một chu trình sống tuần hoàn khép kín được biến thành hiện thực trên quy mô 6 triệu m2 diện tích của thành phố này. Ngoài ra, dự án cũng nêu ra những khó khăn mà cư dân sẽ gặp phải khi sống trong một thành phố sinh thái kiểu mới này. Ví dụ, sự chật chội của các đường phố hẹp có thể gây ra cảm giác bị giam giữ và định kiến về thẩm mỹ. Việc đi bộ trên các đường phố này có thể gặp khó khăn khi dân số của thành phố tăng. Sự chật chội (đặc trưng cho các thành phố Châu Âu và phương Đông vào thời kỳ trung thế kỷ) sẽ làm nảy sinh tình trạng bẩn và mất vệ sinh, trong khi đó các biện pháp khắc phục tình trạng này lại chưa được dự án xem xét hoặc đề cập.

Trên thực tế, sống trên bề mặt trái đất, con người ít nhiều cũng đã phải sống trong một môi trường không gian khép kín (đối với tàu vũ trụ, sự sống này là bắt buộc) tương tự như những căn phòng trong hang hoặc ở dưới mặt đất. Còn một câu hỏi nữa được đặt ra là cư dân có thích sống trong những điều kiện đó không. Ngoài ra, còn có thể nảy sinh cảm giác nhớ đối với không gian mở, các đường phố và quảng trường thường có trong các đô thị hiện đại, các vườn hoa và công viên, sông và hồ trong thành phố cũng như mong muốn rời bỏ thế giới nhân tạo vô trùng và tiện nghi xét về tất cả các mặt.

Dân số của thành vào giai đoạn đầu khoảng 50.000 người. Thành phố được xem như kiểu mẫu cho sự phát triển bền vững (chưa bao giờ một quan điểm thịnh hành lại không thể biện minh được cho bản thân mình, trong một thế giới hiện đại không bền vững và không ổn định). Tuy nhiên, sự tăng dân số là không thể tránh khỏi, nhất là khi nó trở nên mạnh mẽ và mang đặc tính bùng nổ. Điều đó tất yếu sẽ phá huỷ cân bằng sinh thái khó khăn lắm mới tạo ra được. Một khi thành phố Masdar phát triển mạnh (việc tạm dừng sự phát triển này là không thể, bởi nó sẽ khiến thành phố bị suy thoái và thoái hoá) thì sự phát triển bền vững sẽ không thể diễn ra, xét trên các quan điểm triết học, sinh thái, xây dựng đô thị và sinh học. Sự phát triển luôn chứa dựng mâu thuẫn và cuối cùng dẫn đến sự suy giảm nhanh của một vùng đất nằm cô lập, được bao quanh bởi các vùng đất khác, khả năng bảo tồn đô thị bị giảm sút và cả nền văn minh cũng vậy. Loại kịch bản này đã được thể hiện rõ nét trong huyền thoại về thành phố Atlantic.

Sự xuất hiện của những thành phố như Masdar mới chỉ như vật trưng bày, một chiếc tủ trưng bày sang trọng trong bối cảnh tình trạng môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng cả về không khí, nước và không khí trên mặt đất. Con người đã tuyên cáo về sự bắt đầu của kỷ nguyên trí quyển (noopherre). Thành phố Masdar có thể được xem như dấu hiệu đầu tiên của việc ứng dụng tiếp cận trí quyển trong tạo lập môi trường sống tiện nghi. Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất hy vọng việc biến dự án thành hiện thực sẽ góp phần làm cho quốc gia này trở thành tâm điểm của công nghệ xanh thế giới. Còn Ban quản lý dự án thì mơ ước thành phố mới xây dựng này sẽ là một mẫu hình cho thế giới. Tuy nhiên, với một vùng đất có diện tích khiêm tốn như vậy, vốn đầu tư đã đạt tới 15 tỷ USD. Điều đó nói lên rằng khôi phục thiên nhiên, hoặc làm ra cái gì đó mà không phá huỷ thiên nhiên khó hơn nhiều việc phá huỷ thiên nhiên. Qua đó có thể tính toán được rằng cư dân trên cả thế giới sẽ cần số vốn đầu tư là bao nhiêu nếu lấy dự án này làm mẫu hình.

 

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch, số 2/2009

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)