Thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và một số hình thức khác; đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung của cán bộ và nhân dân.
Chương trình Tư vấn pháp luật” (Đồng Tháp) trực tiếp trên sóng truyền hình.
Theo thống kê, hiện cả nước có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) với 147 Chi nhánh và 645 Trợ giúp viên pháp lý, 3.214 người tham gia TGPL.
Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) qua hình thức TGPL những năm qua đã thu hút đông đảo cá nhân và tổ chức tham gia như: Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành tư vấn pháp luật, TGPL miễn phí nhân dịp Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10; “Tổ phụ nữ TGPL” tại các xã điểm vùng dân tộc Khmer (An Giang); Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh thành phố thành lập 35 trung tâm, phòng tư vấn pháp luật; các trung tâm này đã thực hiện tư vấn pháp luật, TGPL lưu động tới tận thôn, bản…
Còn có thể kể đến chương trình “Tư vấn pháp luật” (Đồng Tháp) trực tiếp trên sóng truyền hình được thực hiện từ 15-16h ngày thứ Ba tuần thứ 4 các tháng trong năm, thời lượng là 60 phút với đại diện lãnh đạo các Sở ngành của tỉnh, lãnh đạo của các đơn vị Tòa án, VKS, luật sư…
Đây là hình thức PBGDPL được người dân không chỉ trong tỉnh mà những người dân rất nhiều tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang … cũng quan tâm gọi đến yêu cầu được tư vấn.
Đặc biệt, hình thức TGPL, tư vấn pháp luật đã được triển khai phù hợp và rất hiệu quả với đối tượng đặc thù cũng như nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Một số nơi, Sở Tư pháp phối hợp Công an tỉnh tổ chức PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện và lồng ghép trong chương trình học văn hoá, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng (Quảng Nam, Đắc Nông, Thừa Thiên-Huế).
Đồng thời, các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể địa phương tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện cho phạm nhân với các chủ đề “Sống có ích”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”; phát động cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Khát vọng hoàn lương”; phong trào phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”...
Một số địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người khuyết tật tại các Trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội và Hội Người mù (Sóc Trăng, Thái Bình); PBGDPL qua tư vấn pháp luật, TGPL lưu động tại các Trung tâm, cơ sở bảo trợ và Hội người mù cho người khuyết tật (Kon Tum, Thanh Hóa, Khánh Hòa); biên soạn, phát hành tài liệu tiếng dân tộc, sổ tay, lồng ghép qua lễ hội truyền thống (Đắk Lắk, Sóc Trăng, TP HCM).
Mặc dù công tác PBGDPL qua tư vấn pháp luật và TGPL thời gian qua có nhiều ưu điểm, mang lại những hiệu quả thiết thực; nhưng khó khăn của công tác này cũng không nằm ngoài khó khăn của công tác tuyên truyền.
Đó là nguồn lực hạn chế, một số nơi còn chưa quan tâm đúng mức; nội dung đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn; hình thức còn sơ cứng... Khắc phục những hạn chế này sẽ đưa công tác tư vấn pháp luật, TGPL ở cơ sở khởi sắc, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật đặc biệt cho những người yếu thế.