Để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, năm 2020, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố; tăng cường phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động.
Ảnh minh họa
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và qua quá trình điều tra tai nạn lao động năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 452 vụ tai nạn lao động làm 464 người lao động bị nạn. Trong đó: Số vụ tai nạn lao động theo hợp đồng lao động 223 vụ làm 226 người bị nạn (33 người chết, 34 người thương nặng, 159 người thương nhẹ); số vụ tai nạn lao động không theo hợp đồng lao động 229 vụ tai nạn lao động làm 238 người bị nạn (19 người chết và 47 người bị thương nặng).
So sánh tình hình tai nạn lao động của năm 2019 với năm 2018: Năm qua, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) tăng 01 vụ, số người chết giảm 01 người, số người bị thương nặng tăng 16 người so với năm 2018.
Các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu là tai nạn ngã cao, vật rơi từ trên cao trong ngành xây dựng (19 vụ, chiếm 40,6%), cơ khí, lắp ráp (04 vụ, chiếm 9,3%), môi trường đô thị (03 vụ, chiếm 9%), điện, chiết nạp gas (03 vụ, chiếm 9%)... Tập trung trong các ngành có tai nạn cao: Xây dựng chiếm 40,6%, vận hành, sản xuất điện, chiết nạp gas 9%... Nạn nhân của các vụ tai nạn lao động hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 03 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về công tác điều tra tai nạn lao động của thành phố, cơ quan chức năng đã điều tra, kết luận kịp thời, chính xác, đảm bảo quyền cho người lao động bị tai nạn. Tính đến ngày 31/12/2019, Đoàn điều tra tai nạn lao động thành phố đã điều tra và kết luận 21/32 vụ. Các vụ tai nạn đã kết luận được giải quyết đầy đủ chế độ đảm bảo quyền lợi của người bị nạn ít nhất bằng quy định của pháp luật hoặc cao hơn luật.
Còn về tình hình bệnh nghề nghiệp, tổng số người bị bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm báo cáo là 45 người.
Để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, năm 2020, các cấp, các ngành thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố; tăng cường phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là đối tượng lao động không theo hợp đồng lao động (lao động tự do), làng nghề và người lao động làm việc trong môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động…