Thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020, Công văn số 979/BTP-PBGDPL ngày 19/3/2020 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020, ngày 28/4/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 713/UBND-NC về việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020.
Theo đó, trên cơ sở kết quả công tác PBGDPL đã đạt được sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và nhiệm vụ chính trị được giao; triển khai công tác PBGDPL đi vào chiều sâu, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, Nhân dân và yêu cầu của hoạt động quản lý Nhà nước, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới được thông qua nhằm giúp người dân tiếp cận toàn diện các thông tin mang tính chính thống, tạo sự đồng thuận xã hội, ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với thông tin xuyên tạc, bịa đặt với mục đích xấu, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và xã hội vào pháp luật.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021” trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; triển khai nhân rộng mô hình, hình thức PBGDPL có hiệu quả đã được thực hiện trong thời gian qua nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân; thực hiện rà soát, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phụ trách công tác PBGDPL, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trên địa bàn tỉnh...
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên tại các thôn, tổ dân phố; rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động hòa giải ở từng địa bàn cụ thể, vận động thay thế các hòa giải viên không đủ điều kiện để thực hiện công tác hòa giải một cách tích cực, hiệu quả; huy động đội ngũ luật sư, luật gia, người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật; phát huy vai trò của các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư đối với việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương, đồng thời khuyến khích tìm kiếm, xây dựng, đánh giá các mô hình hay, hiệu quả trong hòa giải ở cơ sở và có giải pháp nhân rộng mô hình đó tại địa phương. Các sở, ngành và cơ quan liên quan tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và kiến nghị chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này giai đoạn 2021-2025. UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của huyện khi có sự thay đổi về nhân sự đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng; tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các đơn vị cấp xã mới hình thành sau khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã…