Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cần chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Ngày 9/10 tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp".
Diễn đàn được tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, có sự tham dự của khoảng 450 đại biểu.
Diễn đàn lần này tập trung vào 2 chủ đề chính được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, thứ nhất là các vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và các vấn đề pháp lý về thuế.
Thể hiện cam kết đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp
Các ý kiến phản ánh các vướng mắc phổ biến hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng tính đồng bộ còn chưa cao. Vì vậy, Chính phủ đã sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây, thể hiện sự cam kết đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Từ thực tiễn doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trong khâu giải phóng mặt bằng, cần tổ chức đối thoại với người dân nên mới mất khá nhiều thời gian.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Diễn đàn được tổ chức nhằm "chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp"... - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để cải cách thủ tục hành chính và minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Qua quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc; qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023.
Ông Hưng khẳng định, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao…, Bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.
Đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước trao đổi tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Cần phân cấp, phân quyền một cách thực chất
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết ghi nhận các ý kiến góp ý. Chúng ta đã chuẩn bị Diễn đàn tương đối kỹ với chất lượng tốt, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị Diễn đàn của Bộ Tư pháp.
Các ý kiến tại Diễn đàn đã cho thấy rõ quyết tâm, sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các địa phương trong công tác xây dựng thể chế - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước. Công tác này không có ngày nghỉ, không có giờ hành chính. Từ những gì phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng thì chưa thấy hết được các quyết tâm này.
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh "đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế", Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cần chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực. Cần phân cấp, phân quyền một cách thực chất, đồng thời bảo đảm đủ khả năng cho những người, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc. Và việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật là một ví dụ cụ thể, là một trong nhiều việc phải làm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Phó Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Trong đó, có các dự án luật được đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống.
Nêu rõ việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng chỉ ra những con số tích cực về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Đó là tăng trưởng GDP quý III đạt 7,4%, 9 tháng tăng trưởng 6,82%. Công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 11,41% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85% dự toán năm và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải xử lý để đẩy mạnh hơn nữa phát triển sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, Diễn đàn hôm nay nhằm "chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", tập trung vào việc nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng cho rằng, việc sửa văn bản này, văn bản khác không phải là văn bản đó không đúng mà có trường hợp là do quan điểm, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề khác nhau và có sự thay đổi, việc tổ chức thi hành có vấn đề. Chứ không phải cứ sửa đổi, bổ sung, cứ vướng mắc là nói đến câu chuyện pháp luật.
Ghi nhận ý kiến đóng góp tại Điễn đàn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, để tham mưu xây dựng một văn bản của Thủ tướng để giao việc cho các cơ quan, trước hết là các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật.
Các bộ, ngành cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị để chỉnh lý, đưa vào các dự thảo văn bản và giải trình một cách thỏa đáng.
Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đòi hỏi tổng hợp nhiều yếu tố mà xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách chỉ là một yếu tố. Cần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Xem xét có hành lang pháp lý để làm sao trong hoạt động công vụ, cán bộ, công chức yên tâm làm việc; truy trách nhiệm dựa trên nguyên tắc là có sự vụ lợi, cố ý và quan hệ nhân quả (giữa hành vi và hệ quả). Đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn cũng là những yếu tố cần thiết trong quá trình vận hành nền công vụ.
Đối với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng mong muốn nghiêm túc tuân thủ pháp luật với văn hóa kinh doanh tốt. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Phó Thủ tướng chúc các doanh nhân phát đạt, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển đất nước.
Kết thúc Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và sẽ cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch của Bộ Tư pháp, của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương cũng như trong các định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật thời gian tới.
"Khi chúng ta cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ, cùng chung tay tháo gỡ các vấn đề pháp lý thì chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ngày càng thuận lợi hơn, vừa thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Và ý nghĩa hơn, Diễn đàn này là một trong những hành động cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật có phần thiên về "quản lý" như hiện nay sang "khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.