Ngày 25/3, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1011/CV-HĐPHPBGDPL yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, các quận, huyện, thị xã, các cơ quan báo, đài thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng tuyên truyền đến CB, CC, VC và nhân dân thông tin chính xác, kịp thời diễn biến tình hình, tính chất nguy hiểm, nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó, tập trung vào các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử phạt như hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh dịch, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật, từ chối hoặc trốn tránh biện pháp cách ly theo quy định, phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch...; chế độ, quyền lợi đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, chế độ khám, điều trị đối với người mắc bệnh, người tham gia công tác phòng, chống dịch; các quy định pháp luật khai báo y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh...
Tập trung tuyên truyền Luật Khám bệnh, chữa bệnh chú trọng các quy định quyền và nghĩa vụ đối với người khám bệnh, chữa bệnh, các hành vi nghiêm cấm trong khám bệnh, chữa bệnh...; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, chú trọng quy định quyền lợi và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, các quy định của người nước ngoài trong việc tuân thủ khai báo và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuyên truyền các CVQPPL về cấm nhập khẩu, tiêu thụ động vật hoang dã và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến phòng, chống dịch và phát sinh trong việc phòng,chống dịch như hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân; những hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thuốc men, vật tư y tế... trái phép; những hành vi che giấu thông tin, đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh gây hoang mang trong nhân dân, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường như vứt khẩu trang bừa bãi, xả thải không đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền các TTHC hiện đang thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, kết hợp hướng dẫn các bước thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố và của quốc gia để tăng cường tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh. Kết hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với tuyên truyền kỹ năng, biện pháp phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp với vận động, thuyết phục nhân dân hạn chế tụ tập đông người, hạn chế người dự đám giỗ, đám cưới; vận động người dân trên địa bàn hoãn tiệc liên hoan đám cưới chuyển thành hình thức báo hỷ; đeo khẩu trang nơi công cộng như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...
Biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đấu tranh phê phán đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch.