Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 11/2023.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí của hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP và đáp ứng 4 điều kiện
Quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP
Cụ thể, Nghị định số 77/2023/NĐ-CP ngày 02/11/2023 của Chính phủ về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Nghị định quy định hàng hóa tân trang là sản phẩm: (a) được liệt kê theo mã hàng tại Phụ lục I, II, III, IV và V kèm theo Nghị định này; và (b) được cấu thành toàn bộ hoặc một phần từ vật tư đã được phục hồi; và (c) có thời hạn sử dụng tương tự như thời hạn sử dụng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và (d) thực hiện được toàn bộ các chức năng như chức năng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng, với chất lượng, hiệu quả thực hiện không thay đổi hoặc tương tự như chất lượng, hiệu quả thực hiện của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và (đ) có chế độ bảo hành tương tự như chế độ bảo hành áp dụng cho chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng.
Theo quy định tại Nghị định, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí của hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP và đáp ứng các điều kiện: (i) có Giấy phép nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; (ii) đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP; (iii) đáp ứng các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam đang được áp dụng cho hàng nhập khẩu mới cùng chủng loại; (iv) khi đưa ra lưu thông trên thị trường Việt Nam, trên nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa tân trang nhập khẩu phải thể hiện bằng tiếng Việt cụm từ "hàng hóa tân trang".
Nghị định quy định: doanh nghiệp tân trang hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu của hàng hóa ban đầu hoặc của hàng hóa mà hàng hóa tân trang được sử dụng làm chi tiết, linh kiện, phụ tùng thay thế chứng minh được năng lực tân trang, chế độ bảo hành và quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Nghị định được Bộ Công Thương xem xét cấp Mã số tân trang. Mã số tân trang có thời hạn hiệu lực là 5 năm kể từ ngày cấp. Theo đó, thương nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu hàng hóa tân trang của doanh nghiệp nước ngoài đã được Bộ Công Thương xác nhận đáp ứng các điều kiện theo Hiệp định CPTPP thông qua cơ chế cấp Mã số.
Quy định chi tiết về quyền đối với giống cây trồng
Nghị định số 79/2023/NĐ-CP ngày 15/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng, bao gồm: trình tự, thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng; quyền đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng; chuyển nhượng, chuyển giao quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ; đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Về điều khoản chuyển tiếp, đơn đăng ký giống cây trồng đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày 15/11/2023 tiếp tục thực hiện theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn, trừ quy định về sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ, khảo nghiệm DUS thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu có thủ tục phát sinh sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực.
Mọi quyền và nghĩa vụ theo Bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày 15/11/2023 và các thủ tục duy trì, sửa đổi, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu liên quan đến Bằng bảo hộ đó được áp dụng theo quy định của Nghị định này, trừ quy định về căn cứ hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ thì áp dụng quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ.
Sửa quy định về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín
Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó Quyết định sửa đổi điểm a, b, c khoản 2 Điều 5 như sau:
Về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) do địa phương lựa chọn. Mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lần và không quá 02 (hai) lần/năm;
Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 01 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3.000.000 đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1.500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương;
Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm;"