Mới đây, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thuộc Bộ Tư pháp đã phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm mô hình Ngày Pháp luật Việt Nam.
Các khách mời tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/LS
Tham dự chương trình có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL; PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội; ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết năm 2022 là năm thứ 10 cả nước tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như: tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật; diễu hành, cổ động trực quan qua pano, áp phích; tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại cơ sở; tổ chức diễn đàn, tọa đàm đối thoại chính sách pháp luật, tập huấn kỹ năng phổ biến pháp luật; gắn Ngày Pháp luật với Ngày đại đoàn kết dân tộc; xây dựng chuyên trang, chuyên mục Ngày Pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng…
Là cơ sở đào tạo luật hàng đầu cả nước, Đại học Luật Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật trong sinh viên, giảng viên được đánh giá cao.
PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội nêu lên một số hoạt động, mô hình truyền thống như: sinh viên nghiên cứu khoa học pháp luật, Cuộc thi về hòa giải thương mại quốc tế; lồng ghép tuyên truyền PBGDPL trong các chiến dịch mùa hè xanh tình nguyện; Bản tin số về pháp luật; xây dựng số tạp chí chuyên đề về Ngày pháp luật; giảng viên trường làm báo cáo viên pháp luật để phổ biến, tuyên truyền các quy định mới…
Bên cạnh đó, Trường còn có mô hình, cách làm sáng tạo như: Cuộc thi sáng tác tiểu phẩm phổ biến pháp luật (Spirit of law) với hình thức sân khấu hóa; Cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Thành đoàn Hà Nội giao Trường chủ trì tổ chức.
Còn tại tỉnh Bắc Giang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lê Anh Tuấn cho biết, hàng năm, Sở đều trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật, một số hoạt động nổi bật như Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật thông qua Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh, treo các pano, áp phích, khẩu hiệu tại khu vực đông dân cư; tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật trên sóng phát thanh-truyền hình, báo, đài.
Qua 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật, trong các đợt cao điểm toàn tỉnh đã tổ chức 21.300 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 1 triệu lượt người; 200 cuộc tọa đàm pháp luật cho 300.000 lượt người; hơn 1.000 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ lồng ghép tuyên truyền PBGDPL; treo 24.000 băng rôn khẩu hiệu, kẻ vẽ 46.000 pano…
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/LS
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Hội đồng triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, nổi bật là công tác tham mưu tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, tổ chức Hội nghị trực tuyến 3 cấp để quán triệt, triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành; xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang, Cổng thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, trang Zalo, Facebook PBGDPL của tỉnh.
Có thể nói, Ngày Pháp luật đã trở thành đợt sinh hoạt pháp lý sâu rộng trong, tác động đến nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giúp đời sống pháp luật của người dân được cải thiện, thói quen pháp lý dần được hình thành.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của các khách mời thì việc triển khai Ngày Pháp luật vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật chưa phong phú đa dạng; tính thực chất còn hạn chế; chất lượng, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại các đô thị, tỉnh/thành phố lớn…
Thời gian tới, để các mô hình Ngày Pháp luật được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Ngày pháp luật trong toàn xã hội. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật, gắn với từng đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; hướng về cơ sở; tổ chức Ngày Pháp luật cần thường xuyên, liên tục và thực chất; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác PBGDPL…
Còn Lãnh đạo Sở Tư pháp Bắc Giang cho biết sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các nội dung, hình thức PBGDPL; quan tâm bố trí, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực và nguồn kinh phí cùng các điều kiện cần thiết khác cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hửng ứng Ngày pháp luật. Tiếp tục đa dạng hóa các mô hình tổ chức Ngày pháp luật; xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo; đẩy mạnh PBGDPL cho đối tượng đặc thù, triển khai đến tận cơ sở; tăng cường công tác phối hợp…
Cùng quan điểm, lãnh đạo Đại học Luật Hà Nội cũng kiến nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm các nguồn lực để có thể đa dạng hóa hình thức PBGDPL, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả ra các trường. Ngoài ra, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu các hoạt động để thúc đẩy cuộc thi Spirit of law nhân rộng ra nhiều trường Đai học trên địa bàn Hà Nội; mở rộng phạm vi cuộc thi tìm hiểu pháp luật…