Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để phát triển đô thị thông minh

Wednesday, 02/12/2025 13:47
Acronyms View with font size

Hướng tới phát triển Thủ đô Hà Nội thành thành phố thông minh, tiên tiến, kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô, TP.Hà Nội đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong triển khai, thực hiện Đề án 06.

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đặc biệt quan tâm

Thực hiện Đề án 06 TP. Hà Nội hiện đang tập trung duy trì, xây dựng 21 nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu khi cần. Tính đến cuối năm 2024, Hà Nội đã số hóa, cập nhật vào Phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp hơn 7,605 triệu dữ liệu hộ tịch; 7,9 triệu người (chiếm tỉ lệ 97,43%) đã được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội và xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác minh, làm sạch dữ liệu hồ sơ sức khỏe gần 6,45 triệu người dân trên toàn thành phố…

Đặc biệt, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được thành phố đặc biệt quan tâm nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực này phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đến cuối năm 2024, thành phố đã triển khai công tác đo đạc, số hóa chỉnh lý bản đồ và xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ trên địa bàn 27 quận, huyện, thị xã.

Công tác đo đạc đã cơ bản hoàn thành tại 475/489 xã, phường, thị trấn với 20.248 tờ bản đồ. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đã thực hiện tại 290/489 xã, phường, thị trấn; trong đó có 30 đơn vị đã nhập dữ liệu trên phần mềm chuyên dụng, 260 đơn vị đang thực hiện kê khai đăng ký…

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu trên địa bàn để quản lý hiệu quả các nguồn lực phát triển. Tháng 1/2025 vừa qua, quận Ba Đình đã khai trương, chính thức đưa vào hoạt động "Trung tâm Quản lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu" phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt, một trong những bước tiến quan trọng trong phát triển dữ liệu đó là vào tháng 12/2024, thành phố đã khai trương hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trung tâm Dữ liệu chính thành phố giúp chính quyền nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành; tăng cường tính minh bạch; đồng bộ hóa và chia sẻ dữ liệu, đồng thời giúp người dân nâng cao chất lượng dịch vụ công; đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa. Đối với doanh nghiệp sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế số; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường kết nối và hợp tác.

Trong khi đó, dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố. Bên cạnh việc tập trung duy trì các nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung đã được xây dựng, thành phố cũng đồng thời tập trung hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, địa phương kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phục vụ chia sẻ, kết nối và khai thác sử dụng.

Nguồn lực cốt lõi để phát triển Hà Nội thành đô thị thông minh, hiện đại

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực trên địa bàn, sử dụng giải pháp công nghệ số hóa và kho lưu trữ dữ liệu điện tử do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cung cấp. Đồng thời, thành phố phối hợp với C06 nghiên cứu xây dựng khung kiến trúc kho dữ liệu điện tử phù hợp với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trở thành nguồn lực cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại, vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, Hà Nội xác định, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua dữ liệu; bảo mật và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu.

Đồng thời, bảo đảm tính liên thông và tương thích giữa các hệ thống dữ liệu; minh bạch và trách nhiệm giải trình; thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến áp dụng các quy hoạch, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững.

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội sẽ hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nước và khu vực.

Tại Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 vừa diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo (đặc biệt trong đó là Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57), Hà Nội rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo và sự ủng hộ, hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương bạn. "Đồng thời, cũng rất mong Trung ương tiếp tục quan tâm, tin tưởng và lựa chọn Thành phố để triển khai thêm nhiều mô hình thí điểm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)