Hòa Bình tập trung phát triển hạ tầng đô thị

Tuesday, 08/13/2024 15:20
Acronyms View with font size

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-UBND, ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh và Quyết định số 908/QĐ-UBND, ngày 05/5/2023 của UBND tỉnh về đính chính Quyết định số 208/QĐ-UBND. Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 13 đô thị, gồm 10 đô thị hiện hữu.

Bức tranh đô thị thành phố Hòa Bình

Cụ thể, tới năm 2025 có 10 đô thị hiện hữu gồm: Thành phố Hòa Bình, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), thị trấn Mai Châu (Mai Châu), thị trấn Cao Phong (Cao Phong), thị trấn Bo (Kim Bôi), thị trấn Ba Hàng Đồi và thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy), thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc). 3 đô thị mới là: Huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, xã Phong Phú (Tân Lạc) và Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đạt tiêu chí đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 39% - 46,16%.

Đến năm 2030, tiếp tục phấn đấu nâng lên 16 đô thị. Trong đó, phát triển 2 đô thị hiện hữu lên đô thị loại IV là: Thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), thị trấn Bo (Kim Bôi). Phát triển 3 đô thị mới là: xã Dũng Phong (Cao Phong), Ân Nghĩa (Lạc Sơn), Vạn Mai (Mai Châu) đạt tiêu chí đô thị loại V. Đưa tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 43,19% -50,57%.

Thực hiện Quyết định số 208 của UBND tỉnh, các huyện đã triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng các huyện. Triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm cơ sở lập chương trình kế hoạch phát triển đô thị và xây dựng quy chế quản lý đô thị; Rà soát các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để đề xuất lập quy hoạch chung đô thị làm cơ sở đề xuất hình thành thị trấn loại V; rà soát đầu tư có trọng điểm, huy động các nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách để phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 38%. Tính đến hết Quý II năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Hòa Bình đạt ở mức 35%.

Từ năm 2021 đến nay, kết cấu hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 30/9/2021; Nghị quyết số 202/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh. Song song với các dự án theo nguồn ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư hạ tầng đô thị theo hình thức đối tác công tư, các dự án nhà ở đô thị cũng được nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án đề nghị công nhận thành phố Hòa Bình là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh; Đề án đề nghị công nhận đô thị Mai Châu và khu vực mở rộng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các đô thị còn lại tiếp tục rà soát lập điều chỉnh cho phù hợp với tính chất vùng và điều kiện kinh tế xã hội tỉnh, phù hợp với chương trình phát triển đô thị và phục vụ cho việc phát triển và nâng cấp đô thị nhằm đạt chỉ tiêu đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 330/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025;

Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng dọc hai bên tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, tạo cơ sở hình thành kết nối kinh tế vùng giữa thủ đô Hà Nội - Hòa Bình. Các dự án đầu tư nằm dọc hai bên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình cũng đã được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư về lĩnh vực du lịch sinh thái, nhà ở sinh thái, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng thu ngân sách địa phương.

Giao thông đô thị có những bước tiến dài, nâng tầm diện mạo đô thị. Hiện nay toàn tỉnh có 325,13km đường đô thị (tính từ đường khu vực trở lên), trong đó: Tỷ lệ ngầm hóa trên các tuyến đường đô thị đạt 9,2%; tổng chiều dài đường đô thị được chiếu sáng (tính từ đường khu vực trở lên): 206,72km; tổng chiều dài hiện trạng cống (rãnh) thoát nước đô thị: 325,737km.

Tỷ lệ đường đô thị trên địa bàn tỉnh đến nay đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch, mặt đường bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng đạt: 89,3%, cụ thể tỷ lệ đạt tại các đô thị: (1) Thành phố Hòa Bình: 100%, (2) Lương Sơn: 100%, (3) Mai Châu: 100%, (4) Cao Phong: 100%, (5) Yên Thủy: 100%, (6) Lạc Sơn: 99,92%, (7) Đà Bắc: 91,8%, (8) Kim Bôi: 72,9%, (9) Lạc Thủy: 78,44%, (10) Tân Lạc: 50%. Nhìn chung, hệ thống đường bộ đã và đang được đầu tư về cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt, lưu thông đối nội và đối ngoại giữa các địa bàn trên tỉnh. Một số tuyến giao thông quan trọng mới được hình thành tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và đô thị, đồng thời giúp cho mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối trong và ngoài tỉnh cũng như tiếp cận các hoạt động kinh tế xã hội khác.

Hạ tầng cấp, thoát nước từng bước được nâng cấp. Hiện tỷ lệ người dân thành thị được sử dụng nước sạch là 96%. Trên địa bàn tỉnh, hiện tại duy nhất thị trấn Đà Bắc người dân chưa được cung cấp nước sạch qua hệ thống nước sạch tập trung. Ngày 14/8/2023 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về việc thực hiện đảm bảo tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2025 đạt 100% và triển khai nhiệm vụ cấp nước sạch thị trấn Đà Bắc hoàn thiện hệ thống cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2023-2025 làm cơ sở triển khai thực hiện.

Các đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện lỵ được duyệt đều hoạch định thoát nước mưa và thoát nước thải. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh duy nhất tại thành phố Hoà Bình đang được triển khai xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng là: Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hoà Bình, chủ đầu tư là UBND thành phố Hoà Bình, bằng nguồn vốn ODA Cộng hoà liên bang Đức. Dự án đã thực hiện giai đoạn 1, đang tiến hành điều chỉnh dự án và thực hiện giai đoạn 2. Hiện đang tiến hành các bước để khởi công nhà máy xử lý nước thải bên bờ phải, khu vực phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình.

Tuy nhiên, hiện nay chất lượng quy hoạch đô thị còn hạn chế dẫn đến trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị phải điều chỉnh nhiều lần. Một số quy hoạch đô thị chưa được xem xét kỹ lưỡng với sự đồng bộ với các quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành và đồng bộ giữa các quy hoạch. Tầm nhìn quy hoạch đô thị có những nội dung chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội theo các giai đoạn; Tỷ lệ quy hoạch xây dựng thấp, quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ. Điều đó đòi hỏi thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 208/QĐ-UBND, ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tiếp tục đôn đốc, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 -2030; Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 18/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình Phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hòa Bình 05 năm giai đoạn 2021-2025; xác định nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể để triển khai thực hiện một cách đồng bộ nhằm đạt mục tiêu đã đề ra trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình./.

Source: Hoabinh.gov.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)