Để kiến trúc đô thị Hà Nội bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại

Monday, 08/12/2024 16:40
Acronyms View with font size

Bên cạnh hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị, theo Luật Kiến trúc, Quy chế quản lý kiến trúc TP. Hà Nội có vai trò rất quan trọng, là công cụ hữu hiệu để quản lý đồng bộ các giá trị quỹ kiến trúc, đồng thời phát huy hệ thống các giá trị này trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Quy chế đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương về Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội sẽ giải quyết những bất cập sau 9 năm triển khai Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Được UBND thành phố Hà Nội giao lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã cơ bản hoàn thành phần thuyết minh và dự thảo quy chế, hiện Sở đang tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Quy chế hướng tới mục tiêu quản lý kiến trúc, cảnh quan và thực hiện quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc của Thủ đô; đồng thời, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô Hà Nội và của từng khu vực quản lý trên địa bàn thành phố.

Theo dự thảo, Quy chế gồm bốn chương, 17 điều và chín phụ lục, quy định về quản lý kiến trúc cho những khu vực, tuyến đường; xác định yêu cầu bản sắc văn hóa trong kiến trúc; xác định khu vực cần lập thiết kế đô thị riêng, tuyến phố, khu vực cần ưu tiên chỉnh trang, khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù... quy định về quản lý kiến trúc các loại hình công trình, công trình hạ tầng; quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị…

Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc tại khu vực nội đô lịch sử gồm: Trung tâm chính trị Ba Đình; Khu vực di tích Trung tâm Hoàng Thành-Thăng Long; Khu vực Hồ Gươm và phụ cận; Khu vực phố cổ Hà Nội; Khu vực phố cũ Hà Nội; Khu vực hồ Tây và phụ cận.

Đơn cử, tại Khu vực phố cũ Hà Nội, dự thảo Quy chế xác định năm tuyến đường có giá trị không gian cảnh quan, có nhiều công trình có giá trị, có cấu trúc đặc trưng kiểu "thành phố vườn", gồm các tuyến phố: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh. Hai tuyến phố có giá trị đặc trưng nhà phố là tuyến phố Bà Triệu, Hàng Bài.

Bảo tồn và phát huy các công trình có giá trị

KTS. Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, một trong những nội dung quan trọng cần được chú trọng đó là bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc cảnh quan, văn hóa - lịch sử đặc trưng của Thủ đô, đặc biệt là hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị, mang dấu ấn bản sắc đô thị nhưng chưa được xếp hạng, đang có dấu hiệu xuống cấp và mai một.

Vì vậy, trong quy chế cũng đã có định hướng về quản lý kiến trúc đối với khu vực phố cũ là bảo tồn và phát huy các công trình có giá trị, cải tạo không gian để tái cấu trúc không gian "thành phố vườn" đặc trưng, bảo tồn không gian trống lớp ngoài.

Riêng đối với các tuyến phố mang đặc trưng nhà phố, cải tạo không gian để tạo tuyến phố thương mại điển hình. Đối với các công trình cải tạo và xây dựng mới, quản lý kiến trúc theo thiết kế đô thị khu vực cụ thể và quy chế quản lý kiến trúc; khuyến khích khai thác không gian ngầm.

Theo Quy chế, tại Khu vực phố cũ Hà Nội, quy mô xây dựng các công trình có tầng cao đặc trưng từ 4 đến 6 tầng (từ 16 đến 22m), theo quy hoạch chung được duyệt chiều cao tối đa với lớp công trình ở mặt phố từ 3 đến 5 tầng (từ 9 đến 20m), lớp phía sau tối đa 4-6-7-8 tầng (16-22-26-30m). Số tầng cao công trình cụ thể xác định theo chức năng sử dụng đất và ô quy hoạch tuân thủ định hướng tại quy hoạch phân khu được duyệt.

Việc xây dựng các công trình cao trên 6 tầng (22m) căn cứ theo chỉ tiêu tối đa định hướng của ô quy hoạch tại quy hoạch phân khu đô thị được duyệt. Đối với các khu đất có chiều rộng từ 7m trở lên, chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 16m trở lên khi bảo đảm một số điều kiện về giao thông, phòng cháy, chữa cháy, có thể được xem xét xây dựng công trình cao 8 tầng (30m). Tuy nhiên, quy mô 8 tầng chỉ áp dụng với các công trình có chức năng dịch vụ, thương mại, khách sạn…, không áp dụng với công trình nhà ở riêng lẻ.

Các tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội có thể xây dựng công trình cao tầng là: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Yên Phụ… Tầng cao tối đa theo định hướng quy hoạch phân khu đô thị được duyệt. Tổng chiều cao công trình xác định theo quy định hiện hành.

Hoàn thiện công cụ quản lý kiến trúc, cảnh quan Thủ đô

Ông Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, quan điểm lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội là tuân thủ quy định Luật Kiến trúc năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; phù hợp định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Với các nội dung góp ý, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh thuyết minh và dự thảo quy chế. UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, góp ý, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tiếp thu, hoàn thiện công cụ quản lý kiến trúc, cảnh quan Thủ đô, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra từ thực tiễn.

Cho ý kiến về quy chế, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội Lã Hồng Sơn cho rằng, cần quan tâm đến khu vực nông thôn, bởi nếu kiến trúc nông thôn không sớm được quản lý sẽ làm mai một những giá trị riêng có. Nhiều yếu tố truyền thống có giá trị cần có giải pháp bảo vệ kịp thời và cấp bách, như cây đa, giếng nước, đình làng, nhà thờ, đền, miếu, bến nước, không gian sinh hoạt cộng đồng, sân bóng, chợ làng...

Ngoài ra, theo ông Sơn, việc sớm xây dựng và ban hành các quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và quy chế quản lý kiến trúc các điểm dân cư nông thôn sẽ góp phần giải quyết tổng thể các vấn đề về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đối với cả khu vực đô thị và nông thôn của Thủ đô.

Trong khi đó, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội được xây dựng dựa trên nền tảng đã có từ nhiều năm qua. Hiện nay, sau khi 2 quy hoạch lớn của Thủ đô vừa được Bộ Chính trị kết luận và Quốc hội cho ý kiến, thành phố đã có đủ cơ sở để hoàn thiện dự thảo quy chế.

Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, quy chế chính là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, cấp phép xây dựng, đồng thời là căn cứ lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết; đồng thời là công cụ hữu hiệu để quản lý đồng bộ các giá trị quỹ kiến trúc, đồng thời phát huy hệ thống các giá trị này trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)