Quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị: Một số bài học kinh nghiệm

Tuesday, 10/24/2023 09:55
Acronyms View with font size

Với tốc độ tăng dân số và phát triển kinh tế nhanh chóng, các đô thị phải đối mặt với những thách thức to lớn, đòi hỏi các giải pháp vừa tối ưu vừa tổng hợp để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Do đó, xu hướng phát triển không gian đô thị hiện nay trên thế giới là hạn chế mở rộng theo chiều ngang để bảo tồn môi trường tự nhiên, và phát triển theo chiều sâu để khai thác không gian dưới lòng đất. Nhiều đô thị đã phát triển không gian ngầm như châu Á có thành phố Tokyo, Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul…và châu Âu có Pairs, Helsinki, Casablanca… Bối cảnh phát triển của các đô thị này đa dạng tùy theo đặc điểm và hạn chế của từng thành phố nên dẫn đến các cách tiếp cận trong việc phát triển không gian ngầm khác nhau. Bài viết này xem xét các cách thức phát triển không gian ngầm đô thị của hai thành phố, một là Singapore với các chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị và hai là Casablanca với sự tích hợp không gian ngầm trong quy trình quy hoạch sử dụng đất đô thị để từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị tại các đô thị Việt Nam trong tương lai.

Mở đầu

Khái niệm không gian ngầm: là không gian bên dưới bề mặt trái đất hoặc bên dưới mặt đất, được gọi là ranh giới cuối cùng của quy hoạch đô thị. Kể từ khi Liên hợp quốc nhất trí về các Mục tiêu phát triển bền vững mới (SDG), tương lai của đô thị ngầm đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của các thành phố, trong đó việc sử dụng dưới lòng đất có thể đóng góp vào hơn một phần ba, hoặc 7 trên tổng số 17 mục tiêu SDG.

Phát triển không gian ngầm là một khái niệm không còn xa lạ lại đối với các thành phần trên thế giới, đặc biệt đối với các thành phố lớn và cực lớn. Phát triển đa dạng các loại hình không gian ngầm cần cân nhắc các giải pháp phù hợp việc sử dụng không gian đó cho con người. Năm khái niệm chính sau đây phản ánh quan điểm hiện nay đối với tiềm năng sử dụng không gian ngầm:

(1) Các cơ sở nên được xây dựng dưới lòng đất nếu không cần thiết phải ở trên đất; không gian bề mặt sẵn có nên được sử dụng để làm đẹp thành phố và làm phong phú thêm hệ sinh thái.

(2) Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, năng lượng và xử lý chất thải nên được đặt dưới lòng đất để tránh những khu vực quá đông đúc ở thành phố và bất tiện địa điểm.

(3) Có thể bố trí ngầm các cơ sở công nghiệp, văn phòng kinh doanh và giải trí

(4) Nên phát triển không gian ngầm ở các thành phố có điều kiện thời tiết khắc nghiệt

(5) Không gian ngầm cần được sử dụng để phòng chống thiên tai.

Lợi ích của không gian ngầm bao gồm việc sử dụng liên tục và thoải mái như nhiệt độ, độ ẩm không đổi, giữ nhiệt, che chắn ánh sáng tự nhiên, cách ly vật lý và âm thanh cho cuộc sống không ồn ào, kín kín và an toàn.

Như vậy, không gian ngầm nên được khai thác cho các chức năng đô thị không cần thiết phải để trên mặt đất nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt với khu vực trung tâm đô thị để giải quyết nhu cầu phát triển trong bối cảnh quỹ đất không còn. Tuy nhiên, để phát triển không gian ngầm đô thị, cần phải nghiên cứu để tìm ra phương pháp lập quy hoạch và quản lý vận hành không gian ngầm phù hợp với bối cảnh của từng thành phố.

Tại sao cần phát triển không gian ngầm đô thị?

Phát triển không gian ngầm đô thị là một trong những các giải pháp phát triển đô thị hợp lý, giúp giảm việc xây dựng quá mức, dẫn đến tắc nghẽn bề mặt và giải phóng đất bề mặt cho các mục đích sử dụng như nhà ở, không gian xanh…Việc sử dụng hiệu quả không gian ngầm có thể hỗ trợ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện môi trường đô thị. Điều quan trọng nữa là hệ thống ngầm được thiết kế để dự báo và bảo vệ khỏi tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững.

- Địa hình và địa chất: Đối với thành phố Hồng Kông, địa hình đồi núi tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngầm, đặc biệt là các đường hầm đường sắt và đường bộ với chi phí tiết kiệm hơn là vượt qua hoặc vòng qua nó. Địa chất thuận lợi của lớp đá chất lượng cao tại hoặc gần bề mặt đất ở cả Helsinki và Hồng Kông giúp giảm chi phí xây dựng các cơ sở hạ tầng ngầm.

- Khí hậu: Đối với các thành phố có khí hậu khắc nghiệt thì đây là động lực chính cho sự phát triển không gian ngầm cho người đi bộ. Mạng lưới người đi bộ ngầm (UPN) của thành phố Helsinki và Montréal rộng khắp, cho phép mọi người đi lại thoải mái bất chấp mùa đông khắc nghiệt. Đối với vùng có khí hậu nhiệt đới như Singapore, nơi không gian dưới lòng đất có thể là nơi trú ẩn khỏi lượng mưa lớn hoặc điều kiện nóng ẩm.

- Thiếu quỹ đất cho sự phát triển đô thị: Quá trình đô thị hóa làm cho giá đất tăng cao, đồng thời quỹ đất tại khu trung tâm đô thị gần như không còn, thì phát triển không gian ngầm là giải pháp giảm chi phí phát triển tại các thành phố châu Á như Tokyo, Hồng Kông, Seoul, Thượng Hải, Bắc Kinh và Đài Bắc.

Quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị

Ở Châu Âu, để hiểu rõ hơn về không gian ngầm đô thị và xác định các biện pháp thực hành tốt nhất liên quan đến quản lý môi trường này, một dự án nghiên cứu lớn mang tên “COST Action Sub-Urban” đã được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2017. COST (European Cooperation in Science and Technology) hỗ trợ dự án với mục đích nghiên cứu các vấn đề liên quan và xác định cách sử dụng không gian ngầm đô thị ở 12 thành phố trải rộng khắp châu Âu, bao gồm Coruňa (Tây Ban Nha), Bergen (Na Uy), Dublin (Ireland), Glasgow (Scotland), Hamburg (Đức), Helsinki (Phần Lan), Ljubljana (Slovenia), Nantes (Pháp), Novi Sad (Serbia), Odense (Đan Mạch), Oslo (Na Uy) và Rotterdam (Hà Lan). Các phân tích chuyên sâu, nghiên cứu điển hình và phản hồi từ các nhà nghiên cứu đã được chuẩn bị nhằm xác định các vấn đề khác nhau liên quan đến việc sử dụng dữ liệu và tích hợp không gian ngầm một cách hiệu quả vào quy trình quy hoạch sử dụng đất đô thị.

Một thành phố trên thế giới đã phát triển và sử dụng cách thức thực hiện để quản lý tốt hơn việc sử dụng không gian ngầm như sau:

- Dữ liệu: Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc quy hoạch không gian ngầm đô thị. Vấn đề thu thập dữ liệu chính xác về địa chất, địa kỹ thuật, ranh giới đất đai… là thách thức lớn đối với các đô thị muốn phát triển không gian ngầm trở nên không chắc chắn. Tại Hồng Kông, Helsinki và các thành phố ở Hà Lan, các nền tảng dữ liệu tập trung đã được thành lập, mỗi nền tảng đều có hệ thống phản hồi để đối chiếu và chia sẻ dữ liệu xây dựng, địa chất và tiện ích. Hồng Kông cung cấp và duy trì cơ sở dữ liệu trực tuyến có thể truy cập công khai về hồ sơ xây dựng, dữ liệu địa chất và thư viện địa kỹ thuật để quy hoạch ngầm; Helsinki đã phát triển một hệ thống hỗ trợ thông tin và dữ liệu tập trung, tập trung vào dữ liệu ngầm có từ năm 1956, tất cả các bên quan tâm đều có thể truy cập trực tuyến dữ liệu cập nhật; Các thành phố ở Hà Lan có cơ quan công độc lập duy nhất được chỉ định chịu trách nhiệm về đăng ký đất đai, ranh giới đất đai và lập bản đồ các tuyến tiện ích, các định dạng dữ liệu tiêu chuẩn được phát triển, dẫn đến dữ liệu tiện ích sẵn có cho các nhà phát triển.

- Hợp tác Công - Tư (PPP): Việc phát triển không gian ngầm đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Do đó, việc đưa ra các chính sách để kêu gọi khu vực tư nhân tham gia vào các dự án là quan trọng cho việc thực thi quy hoạch. Montréal đã triển khai thành công UPN với sự hợp tác của khu vực tư nhân bằng các ưu đãi và yêu cầu lập quy hoạch để khuyến khích các nhà phát triển kết nối và đảm bảo sự thành công. Tokyo đã phát triển các cách thức để hợp tác với khu vực tư nhân trong phát triển ngầm như tại quận Marunouchi, các Ủy ban quản lý thị trấn bao gồm các bên liên quan ở địa phương được thành lập để thúc đẩy phát triển ngầm và đảm bảo không gian hấp dẫn người sử dụng. Ở Singapore, do chi phí và rủi ro cao hơn, khu vực tư nhân thường không quan tâm đến việc phát triển không gian ngầm. Do đó, các chính sách được đưa ra để tạo động lực khuyến khích phát triển không gian ngầm đối với khu vực tư nhân như các khoản trợ cấp tiền mặt, chiết khấu hoặc miễn trừ tổng diện tích sàn và các điều kiện quy hoạch.

- Quy hoạch: Để có thể phát triển không gian ngầm đô thị, thì bước đầu tiên là phải lập quy hoạch tổng thể không gian ngầm để hướng dẫn và định hình cách phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị. Helsinki là thành phố đầu tiên trên thế giới đã thực hiện đồ án quy hoạch tổng thể không gian ngầm. Hồng Kông đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng về tiềm năng sử dụng không gian ngầm và cụ thể hóa bằng bản đồ Chiến lược phát triển không gian ngầm. Singapore có quy hoạch tổng thể trên mặt đất được kết hợp với quy hoạch UPN và các chức năng ngầm khác. Việc quy hoạch hợp lý việc sử dụng không gian ngầm mang lại nhiều giá trị về xã hội, môi trường và kinh tế cho đô thị.

Một số bài học về phát triển không gian ngầm trên thế giới

Singapore - bài học về chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị

- Phát triển không gian ngầm tại Singapore trước 2018

Phát triển không gian ngầm rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng bền vững ở một quốc gia khan hiếm đất đai như Singapore. Năm 2007, Bộ Phát triển Quốc gia đã thành lập “Undergroup Master Planning Task Force” liên cơ quan nhằm đưa ra kế hoạch phát triển không gian ngầm lên tầm chiến lược. Năm 2010, Ủy ban Chiến lược Kinh tế đã đưa việc phát triển không gian ngầm trở thành một phần trong chiến lược kinh tế dài hạn của Chính phủ với các khuyến nghị cụ thể về lập Quy hoạch tổng thể, điều tra địa chất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như nhiều vấn đề chính sách khác nhau. Năm 2014, Cơ quan Tái phát triển đô thị ở Singapore đã kêu gọi thực hiện nghiên cứu ngầm để hỗ trợ việc sử dụng hiệu quả và phối hợp tài nguyên ngầm của Singapore.

Không gian gần mặt đất được quy hoạch xung quanh các hoạt động lấy con người làm trung tâm. Các tầng ngầm nông sẽ được sử dụng cho các hoạt động đòi hỏi phải kết nối với mặt đất như trung tâm mua sắm, bãi đỗ xe, giao thông, đường đi bộ và tiện ích đô thị; trong khi các cấp độ sâu hơn sẽ được sử dụng cho đường hầm tiện ích, lưu trữ hydrocarbon lỏng trong hầm ngầm và hệ thống thoát nước trong đường hầm sâu. Việc này mang tính khả thi và có ý nghĩa, là phương pháp để tăng hiệu quả sử dụng đất và cải thiện chất lượng môi trường sống.

+ Đường sắt đô thị: Là thành phố có mạng lưới đướng sắt dày đặc nhất thế giới, chỉ sau Tokyo. Trong số 180km đường sắt đô thị, có 82km nằm dưới mặt đất. Singapore tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để mở rộng mạng lưới đường sắt khắp đảo quốc.

+ Đường bộ: Gần 10% mạng lưới đường cao tốc của Singapore nằm dưới mặt đất, bao gồm KPE, CTE, MCE và Hành lang Bắc - Nam trong tương lai.

+ Hầm ngầm: hai dự án phát triển hầm ngầm lớn là cơ sở Đạn dược dưới lòng đất và hầm Jurong có thể chứa khoảng 1,47 triệu mét khối dầu thô và dầu mỏ.

+ Mạng lưới đi bộ ngầm (UPN): chủ yếu tập trung ở khu thương mại trung tâm và mua sắm trên đường Orchard. Các quy hoạch tiếp theo nhằm mở rộng mạng lưới trong các khu vực lõi đô thị đã được hoàn thành

+ Đường hầm tiện ích: đã phát triển đường hầm dịch vụ chung ở khu vực Vịnh Marina và sẽ nghiên cứu việc sử dụng các đường hầm như vậy cho các khu vực phát triển không gian xanh khác.

+ Cơ sở tiện ích: đã triển khai thành công các khu vực làm mát ngầm ở Vịnh Marina, với mục tiêu bố trí thêm các cơ sở này dưới lòng đất.

- Phát triển không gian ngầm tại Singapore trong giai đoạn 2018-2030

Để việc sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả và liên tục, chính phủ Singapore phải xây dựng các quy định toàn diện nhằm hướng dẫn việc sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả. Quy hoạch tổng thể tích hợp là cần thiết và điều này đòi hỏi sự phối hợp và tham gia của các bên liên quan từ chính phủ, tư nhân và người dân, đặc biệt là liên kết hợp lý cơ sở hạ tầng ngầm với cơ sở hạ tầng bề mặt hiện có. Singapore đang nghiên cứu việc sử dụng nhiều hơn không gian ngầm để tối ưu hóa việc sử dụng đất và cung cấp năng lực cho các nhu cầu trong tương lai.

+ Đường sắt, đường bộ, mạng lưới đi bộ ngầm (UPN), cơ sở tiện ích và hầm ngầm: Ưu tiên sử dụng ngầm cho hạ tầng hỗ trợ

Bên cạnh việc mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông ngầm và mạng lưới tiện ích, Singapore đang tích cực nghiên cứu những thách thức mới và sáng tạo để phát triển không gian  ngầm, bao gồm: Quy hoạch cơ sở hạ tầng và sử dụng công nghiệp trong các hầm ngầm để tạo thêm không gian; Tạo hệ thống di chuyển hàng hóa ngầm để giảm số lượng phương tiện hạng nặng trên đường; Bố trí cây xanh dưới lòng đất để tối ưu hóa môi trường sống. Một số dự án tương lai:

2024: Thomson-East Coast Line; Deep Tunnel Sewerage System Phase 2; Four-in-One Depot at Changi World’s rst depot combining three train depots and one bus depot.

2026: North-South Corridor

2030: Cross Island Line

+ Dữ liệu: Dữ liệu ngầm chính xác và dễ tiếp cận hơn

Sự phát triển dưới lòng đất gắn liền với những bất ổn và rủi ro cao hơn do thiếu thông tin về những gì nằm bên dưới bề mặt. Cơ quan Quản lý xây dựng Singapore đang phát triển mô hình địa chất không gian ngầm. Ngoài ra còn có kế hoạch thu thập dữ liệu chính xác về các cấu trúc và tiện ích ngầm.

+ PPP: Quan hệ đối tác công và tư để thực hiện phát triển không gian ngầm

Ở Singapore, mô hình triển khai dự án mới và các cơ chế khuyến khích có thể được khám phá để tạo ra con đường cho sự phát triển không gian ngầm có ý nghĩa được hiện thực hóa. Ngoài ra, còn có tiềm năng khai thác R&D và công nghệ mới để giúp việc phát triển ngầm trở nên hiệu quả hơn về mặt chi phí.

+ Quy hoạch: Tổ chức không gian ngầm cho sự phát triển trong tương lai

Singapore có kế hoạch UPN mở rộng cho khu vực thành phố. Cơ quan Tái phát triển đô thị đang thực hiện các bước tăng cường quy hoạch bằng cách phát triển quy hoạch tổng thể ngầm 3D. Một số bước khác bao gồm: Tổ chức không gian ngầm thành các tầng nông, sâu và hầm ngầm; Xác định và bảo vệ các khu vực có tiềm năng phát triển hầm ngầm.

Tóm lại, việc sử dụng không gian ngầm ở Singapore đã trở thành một phần của chiến lược tổng thể cho chiến lược kinh tế dài hạn và được cấu trúc như một phần của sự bền vững đô thị. Không gian ngầm hiện được công nhận là nguồn tài nguyên chiến lược mà việc sử dụng nó phải được lên kế hoạch và tối ưu hóa như một phần của quy hoạch phát triển đô thị.

Casablanca (Morocco) - bài học về Tích hợp không gian ngầm trong quy trình quy hoạch sử dụng đất đô thị

Casablanca là thủ đô kinh tế và là thành phố lớn nhất ở Maroc. Trước đây, việc sử dụng không gian ngầm chủ yếu tập trung vào việc lắp đặt các tiện ích (nước uống, vệ sinh, điện, và viễn thông) ở độ sâu rất nhỏ. Ngày nay, một số dự án đã được triển khai trong không gian ngầm (hầm chứa, bãi đỗ xe…) để giải quyết vấn đề giao thông, một vấn đề lớn của thành phố. Sự thành công của dự án ngầm khổng lồ “siêu thu gom nước Bouskoura”, được xây dựng dưới lòng đất nhằm đối phó với lũ lụt ảnh hưởng đến khu vực phía Tây thành phố Casablanca đã chứng minh khả năng sử dụng không gian ngầm để giải quyết một vấn đề lớn là lũ lụt trong đô thị. Để dảm bảo sự phát triển bền vững, Casablanca hướng tới mô hình tích hợp không gian ngầm trong quy hoạch sử dụng đất đô thị, được gọi là “Mô hình hóa thông tin vùng đô thị - SURBIM”. Đây là cách tiếp cận cho sự phát triển của việc sử dụng không gian ngầm trong các dự án quản lý đất đai theo nhu cầu của thành phố. Mô hình SURBIM được đề xuất nhằm mục đích tạo nên một khuôn khổ tích hợp trong đó các yếu tố khác nhau liên quan đến không gian ngầm đô thị của Casablanca sẽ được nhóm lại với nhau. Việc phát triển và ứng dụng mô hình này có thể được thực hiện trên cơ sở dữ liệu và thông tin (địa chất, nước ngầm, cơ sở hạ tầng ngầm, mô hình…) bằng cách sử dụng mẫu dữ liệu địa lý trong một hệ thống thông tin địa lý (GIS). Nó sẽ cho phép các chủ thể khác nhau được hưởng lợi từ dữ liệu và kiến thức của các bên, chia sẽ chi phí thu thập và khai thác dữ liệu, đồng thời nghiên cứu tất cả các vấn đề và câu hỏi liên quan đến môi trường này trong bối cảnh minh bạch, tích hợp và đa chiều.

Mục tiêu của mô hình này là tạo ra và hợp nhất tất cả các loại dữ liệu liên quan đến không gian ngầm để thiết lập khung chính sách nhằm cung cấp thông tin và quy hoạch liên quan đến không gian ngầm cũng như hướng dẫn các quyết định của các bên liên quan. Khung ra quyết định này giúp duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo tồn không gian ngầm dựa trên sự cân bằng giữa bốn nguồn tài nguyên dưới lòng đất. Do đó, việc sử dụng không gian này để triển khai các dự án nhằm giảm bớt áp lực lên bề mặt đô thị có thể được thực hiện một cách sáng suốt và nhanh chóng nhờ sự kiểm soát thông tin liên quan đến lòng đất, các tương tác và phản ứng của nó với bề mặt. Tương tự, việc khai thác các nguồn tài nguyên dưới lòng đất (nước, năng lượng, vật liệu) có tể được thực hiện bằng cách đưa ra các giải pháp giảm thiểu rủi ro tự nhiên và nhân tạo khác nhau mà các đô thị phải đối mặt, đảm bảo tôn trọng các yêu cầu phát triển đô thị bền vững.

Một số bài học kinh nghiệm từ quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị

Không gian ngầm đô thị là một nguồn tài nguyên quan trọng của đô thị và cần nghiên cứu sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả, mang lại nhiều giá trị về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị.

Đối với các thành phố của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, đã đến lúc cần xem xét để xây dựng các chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị, đặc biệt là tại khu vực trung tâm, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, bảo tồn cảnh quan đô thị nhưng vẫn cung cấp được nhiều tiện ích cho người dân đô thị. Việc này không chỉ là việc tạo ra những chức năng mới mà còn là một cách quan trọng để tối ưu hóa việc sử dụng không gian đô thị cũng như giảm bớt áp lực cho các khu vực trung tâm đô thị. Để quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

- Dữ liệu về không gian ngầm đô thị: Đây là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất trong việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị. Để thực hiện bộ dữ liệu này, cần sử dụng các công nghệ và công cụ hiện nay đang được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng như GIS, BIM…để xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến có thể truy cập công khai về hồ sơ xây dựng, dữ liệu địa chất và thư viện địa kỹ thuật…phục vụ cho việc lập quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm.

- Lập quy hoạch không gian ngầm đô thị: Để lập quy hoạch không gian ngầm, đòi hỏi phải có kiến thức toàn diện về môi trường này và đặc biệt là nắm vững các vấn đề liên quan đến đất đai, địa chất đô thị và sự tương tác của môi trường này với cơ sở hạ tầng đô thị. Quy hoạch tầng ngầm nông cho các hoạt động lấy con người làm trung tâm như hệ thống đi bộ dưới lòng đất UPN (kết hợp tầng hầm của các công trình thương mại tại khu trung tâm), bãi đỗ xe, công trình thương mại dịch vụ ngầm tại các nhà ga metro…kết nối với không gian trên mặt đất. Quy hoạch tầng ngầm sâu có thể phát triển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác để giải quyết các vấn đề như ngập lụt đô thị. Dựa trên bộ dữ liệu về không gian ngầm việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị có thể tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất như trường hợp của Casablanca hoặc quy hoạch tổng thể tích hợp như trường hợp của Singapore.

- Xây dựng chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị: Phát triển không gian ngầm đô thị đòi hỏi nguồn lực lớn và lâu dài. Do đó, dựa trên quy hoạch không gian ngầm trong từng giai đoạn. Các chiến lược này đòi hỏi có sự phối hợp và tham gia của các bên liên quan từ Chính phủ, tư nhân và người dân, đặc biệt cần nghiên cứu mô hình PPP để phát triển các không gian này. Bên cạnh đó, nên xây dựng Quy định toàn diện nhằm hướng dẫn việc sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, và đưa việc phát triển không gian ngầm đô thị trở thành một phần của chiến lược tổng thể cho chiến lược kinh tế dài hạn và được cấu trúc như một phần của sự bền vững đô thị như trường hợp của Singapore.

Kết luận

Việc sử dụng không gian ngầm tại các đô thị lớn Việt Nam đã trở thành một nhu cầu cấp bách trong bối cảnh quỹ đất phát triển đô thị có giới hạn, cần phải bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên để đảm bảo phát triển bền vững. Không gian ngầm cũng cần được coi là nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng cho tất cả các đô thị, đặc biệt tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, phát triển không gian ngầm là một hệ thống phức tạp và đòi hỏi cách tiếp cận mang tính hệ thống để đạt được lợi ích tối ưu cho xã hội và đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị lớn, quỹ đất đô thị hạn chế, thì cần bắt đầu nghiên cứu để lập các chiến lược khai thác không gian ngầm để hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị. Do đó, cần phải nghiên cứu các cách tiếp cận từ việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về không gian ngầm, cho đến việc tích hợp vào các đồ án quy hoạch tổng thể, và từ đó đề ra các chiến lược thực thi quy hoạch làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị. Đây là điều cần thiết cho việc nghiên cứu đồ án quy hoạch chung của đô thị như Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn tới.

 

 

ThS.KTS. Hoàng Ngọc Lan - Viện Đô thị Thông minh và Quản lý (ISCM), Trường Công nghệ và Thiết kế (CTD), Đại học Kinh tế TP.HCM.

(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 124+125/2023)

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)