Giải pháp khai thác giá trị truyền thống trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan “nông thôn mới nâng cao” xã Mê Linh, Huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội

Wednesday, 10/11/2023 15:55
Acronyms View with font size

Tóm tắt: Huyện Mê Linh là vùng đất cổ thuộc khu vực châu thổ sông Hồng. Nhân dân nơi đây giàu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và cũng giàu truyền thống văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được trên 100 di tích lịch sử văn hóa lớn, nhỏ, đi cùng các hoạt động văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, chiếu theo nhóm tiêu chí Quy hoạch trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao thì tất cả các đồ án đã được thực hiện và phê duyệt đều chưa khai thác được giá trị truyền thống trong việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn là cơ sở cho việc quản lý xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích có giá trị, thu hút khách du lịch, tạo ra động lực phát triển và san sẻ “gánh nặng” tập trung về Thủ đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa; là một khía cạnh cần khai thác, quan trọng để nói lên bản sắc, hình ảnh của từng địa phương nông thôn. Bài viết đề xuất các giải pháp khai thác giá trị truyền thống trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn mới xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội nhằm phát triển bền vững nông thôn truyền thống trong lòng đô thị, đồng thời cụ thể hóa nội dung nhóm tiêu chí quy hoạch trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và phát huy giá trị truyền thống địa phương.

 

1. Đặt vấn đề

Không gian kiến trúc cảnh quan làng xã Mê Linh tuy còn giữ lại được một số nét đặc trưng nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ như: Đường làng, ngõ xóm dạng xương cá, nhà mái ngói 3 gian, tường rào gạch, hồ, ao, cây xanh nhiều năm tuổi, cùng các thiết chế văn hóa như đình, chùa, lăng…

Tuy nhiên, cảnh quan làng xã Mê Linh cũng chịu tác động của quá trình đô thị hóa như các làng ven đô, ngoại thành Hà Nội khác, làm cho các không gian, kiến trúc cảnh quan làng xã truyền thống bị biến dạng, đánh dấu sự xuất hiện: nhà mái bằng nhiều tầng, kiến trúc cổng làng hiện đại, không còn giếng nước…

Trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thủ đô Hà Nội, các không gian kiến trúc cảnh quan tự nhiên, các giá trị lịch sử văn hóa làng xã Mê Linh đang đứng trước nguy cơ bị mai một do sự tác động của cơ chế thị trường, sự thay đổi nếp sống và phương thức sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Việc khai thác được giá trị truyền thống trong việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn là cơ sở cho việc quản lý xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích có giá trị, thu hút khách du lịch, tạo ra động lực phát triển và san sẻ “gánh nặng” tập trung về Thủ đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa; là một khía cạnh cần khai thác, quan trọng để nói lên bản sắc, hình ảnh của từng địa phương nông thôn.

2. Giải pháp khai thác giá trị truyền thống trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn mới xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội

Quy hoạch cải tạo làng, xã Mê Linh

Xét trên phạm vi tổng thể, cấu trúc không gian làng xã Mê Linh phụ thuộc nhiều vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trên cơ sở khai thác yếu tố tự nhiên (đặc biệt khu vực ven sông Hồng có thể mạng lại giá trị kinh tế), khai thác bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa của khu vực, đề xuất mô hình cấu trúc quy hoạch xã Mê Linh theo phương pháp chống chập bản đồ, các nguyên tắc được áp dụng kết hợp với các đặc thù khu vực sẽ được biểu diễn thành các sơ đồ chức năng, và chống chập lên nhau để tổng hợp.

Xã Mê Linh thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cơ bản vẫn là vùng nông nghiệp nông thôn trong đô thị; với những diễn biến của thực tại phát triển của khu vực do ảnh hưởng của đô thị hóa. Do vậy, phát triển làng xã theo mô hình tuyến điểm, trên cơ sở bảo tồn làng xóm truyền thống, dân cư mới phủ đầy trên các khu vực đất trống, xen kẹt và ao tù trong thôn xóm, hạn chế mở rộng ra xung quanh; bảo tồn không gian cánh đồng; khai thác hoàn chỉnh mặt tiền bờ sông, nhằm trị thủy, bảo vệ con người và môi trường; phát triển mạnh giao thông công cộng đường thủy, đường bộ nhằm tăng cường liên kết nông thôn và đô thị.

Bởi vì, làng xóm truyền thống vẫn phải phát triển phù hợp với thời gian, khung cảnh; xây dựng và phát triển nông thôn bắt kịp với thời đại, khai thác khu vực bãi bồi ven sông đúng cách nghĩa là bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên, nhằm bảo vệ mang lại bản sắc văn hóa, phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Đối với không gian kiến trúc cảnh quan tổng thể xã Mê Linh lấy bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững làm yếu tố chủ đạo.

Hệ thống giao thông: tạo sự kết nối giữa các không gian chức năng trong làng, hoàn thiện chất lượng hệ thống giao thông ngõ xóm, tổ chức lại cảnh quan trên các tuyến đường, trục đường.

Cây xanh - mặt nước: tăng cường và mở rộng hệ thống cây xanh, mặt nước cũng như hình thành các điểm sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ du lịch liên kết và tạo được sự đồng nhất về mặt cảnh quan cây xanh, mặt nước xuyên suốt trong không gian làng.

Công trình kiến trúc: đưa ra các giải pháp về bảo tồn, tôn tạo nâng cao nhận thức của người dân nhằm giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của các công trình truyền thống, công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Đối với những công trình nhà ở, công cộng… cần đưa ra những biện pháp quản lý xây dựng, nhằm nâng cao giá trị cảnh quan, thẩm mỹ từ những công trình này đến cảnh quan kiến trúc của làng.

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan công trình kiến trúc

Sự hình thành chức năng mới trong nhà ở nông thôn là phản ánh về sự chuyển biến của thay đổi nghề nghiệp và kinh tế của hộ dân cư nông thôn. Việc quy hoạch áp dụng mô hình xây dựng sen cấy tổng hợp, cải tạo kết hợp xây mới với việc phân vùng cảnh quan và đặc điểm riêng. Phát triển tổng thể cả bên trong lõi và phần bên ngoài giáp với các đô thị, trục đường chính với mật độ và tầng cao giảm dần từ bên ngoài vào trong lõi của làng.

Mô hình này tạo được sự chuyển tiếp nhịp nhàng về không gian giữa khu cũ và khu mới, giữa bảo vệ và phát triển.

Phân vùng cảnh quan khu vực

Dựa vào các điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển và tổ chức đời sống dân cư nông thôn, cảnh quan có sự chuyển tiếp dần từ nhân tạo sang tự nhiên hướng ra sông Hồng với các vùng cảnh quan như sau:

(01). Cảnh quan làng xóm nông thôn - chủ yếu vùng cảnh quan nhân tạo, là khu đất xây dựng điểm dân cư nông thôn, bao gồm: trung tâm xã (hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại); nhà ở thôn xóm và công trình phục vụ (văn hóa, giáo dục);

(02). Cảnh quan mặt tiền bờ sông - vùng sinh thái tự nhiên: bãi bồi thiên nhiên, mặt nước sông Hồng;

(03). Cảnh quan nông nghiệp: cánh đồng bát ngát trồng rau sạch và hoa, cây cảnh và kết hợp một vài điểm là trang trại chăn nuôi tập trung.

(04). Cảnh quan đường liên xã, thôn, vào nhà. Bố cục kiến trúc cảnh quan và hình ảnh làng xã Mê Linh.

Cổng làng phía Đông Bắc, đón hướng tiếp cận từ QL23, trung tâm huyện Mê Linh

Đê tả Mê Linh phía Tây Bắc, đóng vai trò là đầu mối thương mại, dịch vụ, chuyên vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp sang phía thủ đô Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đền thờ Hai Bà Trưng du lịch tâm linh phía Đông xã Mê Linh, một trong những mong muốn của người dân nông thôn, nhằm kết nối địa điểm với hành trình văn hóa lịch sử.

Tổ chức giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn và môi trường Về mạng lưới giao thông

Đường liên xã, liên thôn: đường trục chính khu vực, hai bên đường bố trí cây và các mảng cỏ, trên tuyến có đặt các biển chỉ dẫn, các trang thiết bị tiện ích cho khu vực. Có hai dạng đường chính: đường đi giữa và hai bên là mương tiêu; đường đi hai bên và ở giữa là kênh mương nội đồng.

Các đường trong thôn xóm: Để tạo cảnh quan hiệu quả, khuyến khích các hộ dân tham gia tổ chức cây xanh dọc các bức tường rào, cửa sổ…treo các hình thức đèn lồng trang trí.

Phương tiện giao thông ở nông thôn xã Mê Linh từ trước đến nay rất đơn giản và thô sơ: xe máy, xe đạp gắn liền với cá nhân, xe tải nhỏ, công nông, một số làng khác có ô tô khách nhưng thường xa làng: gắn liền với các hoạt động thương mại dịch vụ, dẫn đến việc ngại di chuyển từ nông thôn ra thành thị, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến kinh tế nông thôn kém phát triển. Các phương tiện giao thông là đầu mối giao lưu, gắn lết các vùng miền, phản ánh và thể hiện sự phát triển sinh động của nông thôn và cả khu vực.

Vì vậy, thời gian tới cần tổ chức một hệ thống đường dành cho xe đạp liên kết các khu vực của làng xóm bằng phần đường dành riêng cho xe đạp dọc theo các tuyến đường, đảm bảo an toàn và kết nối các khu vực chức năng, mô hình xe đạp công cộng phục vụ người dân và du khách di chuyển; khuyến khích đi bộ là hình thức giao thông đơn giản nhất, có lợi cho sức khỏe con người và hầu như không tốn chi phí, thích hợp với hầu hết mọi đối tượng. Không gây ra tiếng ồn, không gây ô nhiễm và còn góp phần tăng cường mối tương tác cộng đồng.

3. Kết luận

Xã Mê Linh, huyện Mê Linh là điểm dân cư ven đê sông Hồng, kinh tế chủ đạo là sản xuất nông nghiệp trồng hoa truyền thống, gắn với vùng đất địa linh nhân kiệt quê hương Hai Bà Trưng. Làng xã mộc mạc có các điều kiện tự nhiên phong phú và còn lưu giữ những nét truyền thống bản địa, có tiềm năng lớn về du lịch. Với những đặc điểm về môi trường và xã hội như vậy, xã Mê Linh đủ điều kiện trở thành nông thôn du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế toàn khu vực. Để có thể quy hoạch xây dựng xã Mê Linh theo hướng là nông thôn du lịch sinh thái, tạo bộ mặt cảnh quan cho khu vực, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn với điều kiện tiện nghi giảm dần khoảng cách với cuộc sống đô thị nhưng vẫn đảm vảo phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương và bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển có tính bền vững, đòi hỏi cần phải có sự đầu tư nghiên cứu giải pháp khai thác các giá trị truyền thống, yếu tố tự nhiên, lịch sử văn hóa trong quy hoạch xây dựng xã Mê Linh. Kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; mạnh dạn áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu đặc biệt với vùng ven sông Hồng, tôn vinh nét đẹp của dòng song hiền hòa, xóa bỏ hình ảnh con sông dữ dằn xa xưa; làm bài học kinh nghiệm áp dụng cho nghiên cứu cụ thể là xã Mê Linh nói riêng và các khu vực nông thôn khác có đặc điểm tương đồng. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra của đề tài chỉ là sơ bộ, trong thực tế khi áp dụng cần có những giải pháp chi tiết, cụ thể và linh hoạt hơn nữa, để góp phần tạo dựng được các nông thôn hoàn chỉnh, nơi mà các cư dân mong muốn có cuộc sống tiện nghi và du khách muốn được sinh sống, làm việc và nghỉ ngơi, khám phá, du lịch trong tương lai, giảm sức tải của đô thị.

ThS.KTS. Ngô Bá Thành - Phòng Quản lý Đô thị huyện Mê Linh

Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 377, Tháng 9/2023

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)